Nguyễn Huy Thiệp “như những ngọn gió”(*)

Thứ Hai, 21/06/2021 00:15

. VĨNH PHƯỚC

 

Chẳng biết cái ngày hôm ấy ngày gì, “những ngọn gió Hua Tát” nổi lên, khiến “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, từ trời cao từ đất sâu đồng thanh giục giã “chảy đi sông ơi”, và rồi từ đó rừng văn Việt cơ hồ được nêm thêm muối.

Phải, văn Nguyễn Huy Thiệp là một thứ phúc lộc mà trời đất đã hứng khởi hào phóng ban chảy vào văn Việt, hợp duyên hợp cảnh hợp tình khi cánh cửa Đổi mới kịp mở rộng để đón hứng. Tuy nhiên, là thứ bất khả cầu, bất trùng lai, nên mặc dù cánh cửa kia từ đó chưa khép bao giờ thì phúc lộc chạm ngõ văn Việt vẫn rất họa hoằn hi hữu.

Mặc kệ nhiều người cứ can gián kháng cự việc phân ngôi xếp hạng, và mặc kệ có người thậm chí còn khẳng quyết văn chương không có hơn thua nhau mà chỉ có khác nhau, tôi cứ bảo lưu chủ kiến của mình, rằng nếu phải chọn ba tác giả văn xuôi giàu sức thuyết phục nhất trên văn đàn Việt sau 1986 thì tôi không ngần ngại xướng tên: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và Nguyễn Bình Phương. Văn Việt chẳng cớ gì phải tự ti mặc cảm để rồi kính nhi viễn chi các giải thưởng lớn quốc tế. Những tập truyện ngắn trong đó có những truyện ngắn như Tướng về hưu, Không có vua, Sang sông, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ…, những tiểu thuyết như Nỗi buồn chiến tranh/ Thân phận của tình yêu, như Mình và họ/ Xe lên xe xuống hoàn toàn có quyền tự tin kiêu hãnh khi xếp cạnh tiểu thuyết Tình ơi là tình của nhà văn Elfriede Jelinek, hay tập truyện ngắn Trốn chạy của nhà văn Alice Munro, hay hồi kí Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của nhà báo Svetlana Alexievich, hay ca từ của nhạc sĩ Bob Dylan, hay thơ của giáo sư Louise Gluck… Một số tác phẩm Nobel gần đây vừa kể xem chừng chẳng phải là cái gì đó siêu to khổng lồ.

Bảo là Nguyễn Huy Thiệp khác mọi người thì không sai. Nguyễn Huy Thiệp trình xuất một cách văn khác, so với trước đó và so với cùng thời. Bùn và lụa như tiếng Việt. Sắc lẻm như dao cau. Nhảy cóc đứt đoạn khoảng trắng mờ hóa nhạc tính như thơ. Đa thanh nhiều bè. Đa tầng nhiều bậc. Thực ảo ảo thực. Hài hước đen (black humor) hiền minh. Chạm trúng và sâu vào căn tính Việt, vào nhân tâm thế đạo hiện thời, nhưng cứ tỉnh bơ như không, như chỉ khơi khơi chơi, xin mời mọi người khơi tiếp. Kể, không bình luận. Bỏ lửng, không kết luận. Đối thoại để ai nấy tùy nghi đi tìm và kiến tạo mảnh vụn chân lí, chứ không giành micro cướp diễn đàn rồi sở đắc đóng đinh áp đặt chân lí… Nhưng, nếu bảo là văn chương không thể phân định cao thấp hơn kém thì nghe ra ít thuyết phục. Cái khác chỉ có giá trị khi nó đồng thời là cái độc sáng, có tính khai mở, có sức truyền đẩy, có khả năng tạo cảm hứng, tạo trường ảnh hưởng. Văn đàn Việt, từ Đổi mới nói riêng, đã chứng kiến bao phen kiêu binh nổi loạn châm ngòi phá phách làm mới làm khác, nhưng chẳng phải đa phần là pháo lép, là cây chết yểu, là hoa không đậu quả đấy sao. Cứ nhìn vào phản ứng của cộng đồng facebooker trước sự kiện Nguyễn Huy Thiệp về hưu (mà nói theo cách của thủ lĩnh thơ Trần Dần là mãn hạn làm người) cũng có thể đong đếm được mức độ ái mộ của giới văn chương dành riêng cho ông vua truyện ngắn, vị tướng của làng văn Việt như thế nào. Đến đây, kiểu gì chẳng có người lại phản biện, rằng khen chê là chủ quan, là cảm tính, là a dua a tòng lên đồng tập thể, số lượng người khen chẳng nói được điều gì. Ờ, thì đời thế mới vui, mới là dân chủ. Nhấn like, thả tim hay nhấn phẫn nộ là quyền tự do của/trong tay mỗi người trưởng thành. Có phải là trẻ lớp một đâu mà cô cầm tay em nắn từng nét chữ.

Nói là Nguyễn Huy Thiệp khai mở, tạo trường ảnh hưởng là có cơ sở. Chẳng phải cái gọi là dấu hiệu hậu hiện đại mà người ta nói nhiều vào những năm đầu thập niên 2000 đã hiện tồn trong văn Nguyễn Huy Thiệp từ những năm cuối thập niên 1980 rồi hay sao. “Không có vua”, đồng nghĩa với Chúa đã chết, đồng nghĩa với loạn cờ, chính là tình thế của phong hóa xã hội sau chiến tranh, hậu bao cấp, qua con mắt tinh đời và tấc lòng đau đời của Nguyễn Huy Thiệp. Chẳng phải cái kiểu văn tưng tửng, lấp lửng, cô nén, ám gợi, ma mị, tinh ròng đời sống mà Nguyễn Huy Thiệp xuất chiêu đã khiến nhiều người cầm bút cùng thời phản tỉnh, để rồi dần thôi viết kiểu văn kể tả học trò, dần biết kiệm lời tiết chữ, biết mài giũa giác quan mà cảm nhận đời, mà đọc vị người, mà giải “huyền thoại phố phường”, mà đúc mà ngộ “những bài học nông thôn”, “bài học tiếng Việt” hay sao. Bút lực, sức vóc của Nguyễn Huy Thiệp kết tinh thành tựu ở thể loại truyện ngắn, mà là ở mảng truyện ngắn về nhân tâm thế đạo, chứ không phải ở những truyện ngắn (giả) lịch sử. Ấy thế, riêng chùm truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết có vẻ gần với văn học trò chơi nhưng hữu dụng ra trò. Khi những truyện này được Nguyễn Huy Thiệp trình làng, ngay lập tức chúng thu hút dư luận, chúng làm văn đàn dậy sóng, những lớp sóng trái chiều cứ va vầm vập vào nhau, và đặc biệt là chúng mở ra một trường ảnh hưởng. Chẳng phải Đỗ Hoàng Diệu đã được Vàng lửa gợi ý gợi tứ gợi hứng, để rồi truyện ngắn Bóng đè đình đám là sự triển khai ra phát triển lên một cách thăng hoa ngoạn mục cái lời của nhân vật Phăng hay sao. Chẳng phải Nguyễn Huy Thiệp đã tiên phong khơi dòng để từ đó đến nay văn đàn Việt có cơ hội chứng kiến và không nguôi tranh cãi về một lưu thủy văn chương hư cấu giải thiêng lịch sử, chơi cùng lịch sử, đời hóa vĩ nhân lịch sử… hay sao.

Nhiều người cho là Nguyễn Huy Thiệp nhìn đời cay nghiệt quá, vì thiếu đôi mắt của tình thương nên nhìn đâu cũng ra cái ác, cái xấu, cái dị hợm, cái vô luân phi nhân. Không phải thế, mà như đã nói, chẳng qua là vì Nguyễn Huy Thiệp vừa quá tinh đời vừa quá đau đời mà thôi. Văn Nguyễn Huy Thiệp như thể là những “giọt máu” rỉ ra từ “tâm hồn mẹ”, tâm hồn của một chủ thể trót đời đạt đạo, vừa đau đời vừa “thương cả cho đời bạc”. Cuối Không có vua, Đoài phát biểu, rằng Rượu vừa ngọt vừa cay. Ai chấp nhận cuộc sống thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời. Cũng cuối truyện ngắn này, Sinh cảm thán, rằng đời con người ta khổ lắm. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm. “Sống dễ lắm”? Không hề. Nhưng, “đời thế mà vui”. Đi vào văn Nguyễn Huy Thiệp, người đọc được dịp thanh lọc và thức tỉnh, để rồi ý thức hơn trong việc chắt chiu di dưỡng những giá trị người. Đến đây, tôi chợt nhớ một status của facebooker Đỗ Ngọc Thống đăng vài tháng trước có đoạn: Nguyễn Huy Thiệp giống Dostoyevsky, người ‘đã ngụp lặn tận đáy tử cung của đời sống, nơi tan hòa hỗn hợp nhơ bẩn và thanh cao, khoái lạc và đớn đau, tội lỗi và thánh thiện, thiên đàng và hỏa ngục’… để đầu thai trở về làm nhà văn rong chơi kể chuyện cuộc đời, kể về con người trong cõi nhân gian đau khổ, lầm lỡ, khốc liệt, bạo tàn mà cũng thật nhân ái, thâm tình. Có cách viết từ sách đến sách, có cách viết bắt cuộc đời thành văn. Có thứ văn giúp ta hiểu sự cao đẹp, nhân hậu, bao dung lấp lánh trong tâm hồn con người, lại có thứ văn giúp ta nhận ra và thấu hiểu sự khốn nạn, đểu cáng trong mỗi con người. Cả hai đều có giá trị. Nhưng loại sau là thuốc kháng sinh, loại đầu chỉ là thuốc bổ, là thực phẩm chức năng. Văn của Thiệp là thuốc kháng sinh liều mạnh mà xã hội rất cần.

Nguyễn Huy Thiệp ngoài đời không hoạt khẩu, thường nói lắp nói nhịu nói nhát gừng. Mà ông ít khi nói, thường khiêm nhường nhân từ độ lượng tủm tỉm lắng nghe. Phải chăng vì bao nhiêu tinh lực năng lượng chữ đã được ông dồn vắt lên tác phẩm. Ông trình hiện mình bằng tác phẩm, giao tiếp đối thoại với đời với người bằng tác phẩm. Đọc tập tiểu luận phê bình Giăng lưới bắt chim của ông, càng thấy ông vạm vỡ dày đầy về phông nền văn hóa triết mĩ. Chiều sâu và tầm cao của tác phẩm văn chương bao giờ cũng được quyết định bởi trữ lượng và chiều kích tư tưởng của nhà văn.

Nguyễn Huy Thiệp đến rồi đi, như “mưa Nhã Nam”, “như những ngọn gió”, khuấy đảo, tưới tắm lên cánh rừng văn Việt. “Muối của rừng” kết đọng chắc hẳn sẽ loang thấm mặn mòi đến nhiều mùa sau.

V.P

--------

* Những chỗ trong ngoặc kép nơi toàn bài viết này đều là mượn tên truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)