.PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Ths BÙI QUANG VINH
Chưa bao giờ lý luận phê bình văn học Việt Nam đa dạng và xôn xao như bây giờ. Có rất nhiều khuynh hướng, trường phái nghiên cứu được phổ biến, ứng dụng, thực hành như Thi pháp học, Tự sự học, Phân tâm học, Ký hiệu học, Phong cách học, Mỹ học tiếp nhận, Văn hóa học, Liên văn bản, Hậu hiện đại, Diễn ngôn, Nữ quyền, Sinh thái học,...đã thực sự đem lại sức sống mới cho văn học nước nhà. Có một nguyên lý trong nghiên cứu là tối kỵ sự độc tôn phương pháp, thì nhờ những nét mới của nhiều phương pháp, trường phái mà chúng ta đạt được nhiều thành tựu, thể hiện ở nhiều chuyên luận được xuất bản, ở nhiều hội thảo khoa học quốc tế cũng như trong nước được tổ chức thành công, ở những bài báo nghiên cứu về văn học Việt Nam viết bằng tiếng nước ngoài trên các tạp chí uy tín...
Nhưng trong sự đa dạng và xôn xao về lý thuyết như thế vẫn phải có một cái nền tảng ổn định, một cái gốc vững chắc, đó là mỹ học Mácxit. Có thể vận dụng bất kỳ phương pháp mới nào phù hợp với đối tượng nghiên cứu nhưng vẫn phải lấy mỹ học Mácxit làm kim chỉ nam, làm phương pháp luận. Vì thời gian và thực tiễn đã khẳng định đó là hệ hình mỹ học tiên tiến nhất, phù hợp nhất với văn hóa nước ta. Dĩ nhiên không được vận dụng ép buộc khiên cưỡng sống sượng mà cần mềm mại, uyển chuyển, tinh tế với từng trường hợp cụ thể. Ở đây chúng tôi muốn minh họa những điều ấy bằng giới thiệu tập sách Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương, tập tiểu luận – phê bình – chân dung văn học của Nguyễn Ngọc Thiện (Nxb Hội Nhà văn 2018). Được tuyển chọn từ nhiều bài viết trong hơn 40 năm (1974-2017) của một đời nghiên cứu, có thể gọi đó là tập sách để đời, thể hiện tư tưởng mỹ học, ý nghĩa khoa học, văn phong, thao tác nghiên cứu cũng như quan niệm, tính cách, sở thích của tác giả, một nhà nghiên cứu có thành tựu, một nhà văn có chất văn.
Văn chương đích thực phải có tư tưởng. Với lĩnh vực nghiên cứu phê bình thì tư tưởng là quan niệm học thuật được hòa tan trong hướng nghiên cứu, trong thái độ, lập luận, trong hình tượng, trong kết quả nghiên cứu... Thế nên đọc một công trình sẽ thấy chân dung học thuật tác giả hiện lên rất rõ. Văn là người. Không cứ bên sáng tác mà ở lĩnh vực nghiên cứu còn rõ hơn, vì nghiên cứu chính là quá trình đi tìm cá tính. Muốn vậy phải lấy chính cá tính của mình dẫn đường. Có tư tưởng chung và tư tưởng riêng. Tư tưởng chung, hẳn nhiên là mỹ học Mácxit mà bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng phải được trang bị cẩn thận, kỹ càng. Càng học sâu Chủ nghĩa Mác-Lênin càng thấy sự đúng đắn, tầm vóc vĩ đại, tính tiên phong của tư tưởng văn hoá đi trước thời đại. Không ngẫu nhiên hiện nay trước tác của Mác được học giả phương Tây quan tâm đặc biệt, được hàng triệu độc giả chào đón, nghiên cứu, tìm tòi những giá trị mới.
Kế thừa tư tưởng mỹ học tiến bộ của nhân loại, Mác và Ăngghen đã xây dựng một hệ thống tư tưởng văn nghệ mác xit trên quan điểm khoa học. Luận điểm con người nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp mãi là chân lý. Hôm nay thế giới hay nói tới “tính người” trong văn nghệ thực ra là sự phát triển từ tinh thần của Mác. Chủ nghĩa Mác khẳng định nhân dân là người sáng tạo không chỉ ra của cải vật chất mà còn sáng tạo ra những giá trị tinh thần, vì thế mà văn học nghệ thuật mang tính nhân dân sâu sắc. Đó là quy luật mang tính phổ quát ở bất kỳ thời đại nào.
Lênin phát triển tư tưởng mỹ học của Mác, Ăngghen lên một tầm cao mới và gắn với sự nghiệp cách mạng nước Nga thể hiện ở ba phương diện cơ bản: quan hệ giữa văn nghệ với thế giới quan cộng sản; văn nghệ với hiện thực đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; văn nghệ với di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại. Lênin hoàn thiện chủ nghĩa duy vật biện chứng được thể hiện ở phản ánh luận mang tính toàn diện: phản ánh với nhận thức, với sáng tạo, với biểu hiện, với tác động...Cống hiến của Lênin về văn hoá văn nghệ cách mạng là đặc sắc nhưng tiếc rằng sau này bị hiểu đơn giản ngay với cả một số người có vị trí, tên tuổi trong giới văn hoá văn nghệ thuộc Liên Xô (cũ). Ở nước ta hiện nay cũng không ít người hiểu sai phản ánh luận của Lênin, thực ra là chịu ảnh hưởng từ sự hiểu đơn giản, phiến diện, máy móc tư tưởng Lênin có từ thời Liên Xô (cũ).
Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển tư tưởng văn hoá văn nghệ của Chủ nghĩa Mác-Lênin và áp dụng một cách sáng tạo vào hiện thực cách mạng và văn hoá Việt Nam. Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Người chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại…Tây Phương hay Đông Phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ” (Báo Cứu quốc, số ra ngày 25/11/1946).
Hướng đi của Nguyễn Ngọc Thiện tiêu biểu cho sự vận dụng tư tưởng Mácxit và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ vào nghiên cứu văn học.
45 bài nghiên cứu ở phần thứ nhất của tập sách mang rõ tính chất lý thuyết về mỹ học Mácxít nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đây là điểm tựa lý thuyết chắc chắn trong cả một đời văn, cũng là điểm tựa tri thức trong cấu trúc tập sách để các phần sau triển khai chặt chẽ, lớp lang. Anh bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta về văn hóa văn nghệ từ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đến các Đại hội gần đây đều nhất quán xoay quanh các đặc trưng cơ bản là dân tộc, hiện đại, nhân văn. Ở ngày hôm nay thế giới đều coi ba đặc trưng này là ba đỉnh cao trong cấu trúc một nền văn hóa. Dân tộc là bản sắc, mà không có bản sắc thì không còn là mình và cũng chẳng có ai “chơi” vì không có nét riêng để tiếp biến, đối thoại. Chính từ phạm trù này mà mỹ học hiện đại nói nhiều đến “mỹ học của cái khác”. Dân tộc là chiều sâu. Hiện đại là lát cắt đương thời, là cái mới, là cái tiếp thu từ bên ngoài hoặc được chuyển hóa từ chiều sâu dân tộc. Nhân văn là nội dung, là tổng hòa những giá trị có từ dân tộc và hiện đại. Ngày nay ai cũng có thể nói ba khái niệm ấy nhưng cách nay cả gần thế kỷ mà Đảng ta đã có định hướng ấy thì quả là Đảng có tầm nhìn xa đi trước lịch sử.
Một điểm đặc biệt ở các nhà lãnh đạo Đảng ta là rất am hiểu đặc trưng, sứ mệnh, vai trò, chức năng của văn nghệ, bởi bản thân họ cũng là nhà văn nghệ xuất sắc nhưng cái chính là nhờ sự yêu mến văn nghệ, hiểu văn nghệ, và sự hết mình, tâm huyết với nhiệm vụ chính trị mà họ gánh vác. Hôm nay chúng ta học sâu hơn quan niệm văn hóa, nghệ thuật của Bác Hồ cần “vào sâu trong tâm lý quốc dân” để “soi đường cho quốc dân đi”. Chúng ta càng thấy tính hiện đại, mới mẻ trong tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn “Làm cách mạng tư tưởng và văn hóa phải nắm và vận dụng cho được những quy luật riêng của tư tưởng”; “Cách mạng tư tưởng và văn hóa không phải dùng bạo lực, hành chính mà dựa vào tự nguyện”. Lý luận về thơ hôm nay thực ra cũng chưa đi xa hơn quan niệm của Sóng Hồng (Trường Chinh) được phát biểu từ 1966 (năm tập Thơ Sóng Hồng xuất bản có Cùng bạn đọc nổi tiếng)... Những ý kiến ấy có sức sống vì được khái quát từ những đặc trưng của văn học nghệ thuật, được kết tinh từ những trải nghiệm phong phú của đời sống riêng... Giới thiệu lại như vậy để thấy việc Nguyễn Ngọc Thiện nghiên cứu quan điểm của các nhà lãnh đạo Đảng ta về văn nghệ là sự khẳng định giá trị văn hóa từ đường lối, chủ trương quan điểm của Đảng được cụ thể hóa, nhất là anh soi chiếu hạt nhân quan niệm ấy với thực tiễn vừa để khẳng định giá trị lý luận kinh điển vừa là một cách chỉ ra cho hôm nay cái mạnh, cái yếu...
Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là điểm tựa, là ánh sáng để văn hoá văn nghệ Việt Nam phát triển theo mục đích vì chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó cũng là hệ thống mở để tiếp thu, tiếp nhận những tư tưởng mới phù hợp đặng làm giàu có thêm tư tưởng học thuật nước nhà. Nhìn vào thực tế hôm nay chúng ta càng kiên quyết hơn trong việc đấu tranh chống lại và đẩy lùi tư tưởng văn hoá ngoại lai không phù hợp với văn hoá Việt. Các hướng nghiên cứu tương thích với cơ sở xã hội và văn học mà tạo ra những dấu ấn mới mẻ, tích cực ở cả sáng tác và nghiên cứu cần được ủng hộ. Những khuynh hướng không lành mạnh, thiếu sự kiểm chứng chặt chẽ mà đã tiếp thu một cách vội vã để rồi tạo ra những hiệu ứng không như mong đợi cần được ngăn chặn. Tiếp thu để làm giàu văn hóa nước mình chứ không thể chạy theo thiên hạ. Chạy theo thì mãi đi sau, phải có cái gì của riêng mình. Học tập và làm theo tư tưởng chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh càng phải được quán triệt sâu sắc hơn trong lĩnh vực tinh thần đặc thù là văn học nghệ thuật.
Có thể ví nhà văn như một cây xanh cắm rễ sâu vào mảnh đất văn hóa dân tộc và thế giới để hút chất dinh dưỡng trí tuệ nhân loại và vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng lý tưởng của thời đại. Càng hút được nhiều dưỡng chất càng quang hợp được nhiều ánh sáng cây sẽ trở nên mạnh mẽ và cường tráng. Không ngẫu nhiên trước nay người ta đều ví nhà văn lớn với cây đại thụ. Với người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình thì vốn trí tuệ kiến văn là rất quan trọng, vì đó là yếu tố nền tảng để tiếp thu cái mới, để tri giác, phát hiện khẳng định những giá trị. Nên không phải ai cũng có thể viết được lý luận phê bình. Hoài Thanh phải đọc cả vạn bài thơ để tìm mấy chục bài thơ hay. Không chỉ là sự cần cù, còn là sự tinh tế, nhất là vốn hiểu biết văn chương đông tây kim cổ lịch lãm để so sánh, đối chiếu, hệ thống, phân loại để nhận ra cái hay đích thực. Không có ý so sánh với Hoài Thanh nhưng những bài trong tập của Nguyễn Ngọc Thiện có sức thuyết phục nhờ sự kết hợp bản lĩnh của Mỹ học Macxit với vốn kiến văn vững, một năng lực phát hiện vấn đề, cách lập luận rõ, mạch lạc. Anh chỉ ra ba khuynh hướng phê bình văn học, nghệ thuật chủ yếu ở ngày hôm nay, là phê bình truyền thống; phê bình dựa vào các lý thuyết phê bình mới tiếp nhận từ nước ngoài; phê bình quy chụp, cực đoan thái quá, nói ngược, có hại cho ổn định xã hội (trong bài Thực trạng phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay). Có thể nhiều người biết về ba khuynh hướng này nhưng chỉ ra thực trạng ở ngành văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian và văn nghệ các dân tộc thiểu số, thì chắc chắn rất ít người, vì dễ hiểu những nhà phê bình tên tuổi thường là những chuyên gia. May mắn là Tổng biên tập của tạp chí uy tín là Diễn đàn văn nghệ Việt Nam nhiều năm nên tác giả có điều kiện quan sát, suy ngẫm, nhận xét, đánh giá. Giải pháp đưa ra chỉ có thể tin cậy dựa trên những sở cứ xác thực, và anh đã đảm bảo được những sở cứ ấy. Cũng nhờ vốn hiểu biết kỹ về lý luận văn nghệ những năm đầu thế kỷ XX, hiểu sâu về những khuynh hướng, trường phái trong nước và thế giới thời đương đại, tác giả đủ năng lực để nhìn lại và lý giải, cắt nghĩa, phân tích những hiện tượng văn học hay những cuộc tranh luận văn học nổi tiếng của các tác giả nổi tiếng...Thật không dễ dàng khi đi tìm hiểu quy luật hình thành và phát triển của các thể loại văn học cơ bản như lý luận, phê bình, tiểu thuyết, hồi ký...cũng như giải quyết những vấn đề còn đang tranh luận, bàn bạc như tiếp nhận, tư duy và cấu trúc thơ văn xuôi... nhưng tác giả có chính kiến riêng khá thuyết phục.
Quan niệm của Đảng ta là tiếp thu, kế thừa, phát triển, nâng cao tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa giữ gìn bản sắc vừa phải nâng tầm hiện đại. Như vậy công việc của lý luận phê bình nghệ thuật vừa phải đi sâu vào vốn quý của ta vừa phải “đi ngang” tìm hiểu tiếp thu cái mới của thế giới. Có thể Nguyễn Ngọc Thiện chưa có điều kiện “đi ngang” nhưng “đi sâu” thì anh có nhiều đóng góp. Anh say mê với lý luận phê bình văn học dân tộc và coi đó là nghĩa vụ phải hệ thống, tập hợp, sàng lọc, chưng cất, giới thiệu. Cần ghi nhận tâm huyết, tinh thần làm việc miệt mài và cũng thật sự khoa học khi anh có công đầu trong việc sưu tầm tuyển chọn 13 tập Lý luận phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX với 13 nghìn trang in khổ lớn. Những tập sách này sẽ là di sản tư tưởng đáng quý cho hôm nay và mai sau. Loạt bài về lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975, về tranh luận văn nghệ nửa đầu thế kỷ XX, về cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, về tư tưởng học thuật của Đặng Thai Mai, Hải Triều, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh..., về tư tưởng sáng tạo của Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Trọng Phụng, Nông Quốc Chấn...mang một cấu trúc ý nghĩa kép. Nghĩa bề nổi là phân tích, khẳng định đóng góp về lý thuyết, về thực tiễn...nhưng sâu xa hơn là đối thoại với những hướng phi Mácxit, với những hướng mang tính thời thượng, tân kỳ nhưng thiếu sức sống, thiếu thực chất. Đó là đối thoại dân chủ mang tính mở, đưa ra luận điểm, ý kiến để bạn đọc tự rút ra kết luận chứ không khiên cưỡng, ép buộc.
Trước sau Nguyễn Ngọc Thiện vẫn là nhà lý luận hơn là một nhà phê bình. Ở phần thứ ba, phác thảo chân dung một số nhà lý luận phê bình vẫn cho thấy anh thiên về khẳng định những đóng góp lý thuyết của họ. Anh vẫn dùng thoải mái những khái niệm lý luận để “tri giác” phê bình như thể loại, đề tài, chủ đề, tư tưởng, thế giới nghệ thuật, tự sự, kết cấu, cốt truyện...Đặc điểm này càng rõ khi anh bình 14 truyện ngắn Việt Nam đương đại và khám phá đời văn cùng tác phẩm Ma Văn Kháng. Tác giả chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật bằng con đường lý luận hơn là bằng cảm xúc, trải nghiệm... Lối phê bình theo phong cách thực chứng khảo sát văn bản có điểm mạnh là khoa học, rõ ràng, là “bắt quả tang” vấn đề nên thuyết phục được bạn đọc. Điều này cắt nghĩa anh hợp và thành công khi phê bình văn xuôi hơn là với thơ.
Phê bình của Nguyễn Ngọc Thiện thiên về tự sự học, đi truy tìm cách kể, nghệ thuật kể đặc sắc để nắm bắt bút pháp, phong cách nhà văn trong tiểu thuyết các tác giả Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Hữu Mai, Lê Lựu...và chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật văn xuôi Ma Văn Kháng. Các khái niệm quan niệm, điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, kết cấu, giọng điệu...của tự sự học được anh vận dụng khá nhuần nhuyễn để khẳng định các “lối đi riêng, lối viết mới”. Ở các bài viết có thể dài ngắn khác nhau nhưng anh nhất quán với nguyên tắc nắm bắt quan niệm về cuộc sống và con người để có quan điểm trần thuật phù hợp, tức cách hình dung về một mô hình tự sự của nhà văn rồi đi sâu vào các phương diện, khía cạnh cụ thể. Đây là thao tác hệ thống của thi pháp học, tự sự học, dĩ nhiên linh hoạt với từng đối tượng nhưng nhìn chung đó là một trong những phương pháp tối tưu.
Văn chương là chuyện ký thác, tri âm. Vì bản chất văn chương là tiếng lòng, là tình cảm nên luôn tìm đến tiếng nói đồng điệu, tiếng nói “đồng ý, đồng chí, đồng tình”. Mỗi người có sở trường, tâm huyết về đề tài nào đó, cũng là chuyện tri âm. Không có tri âm không thể chỉ viết về một đề tài trong nhiều năm, thậm chí cả đời. Nhờ có sự tri âm sâu sắc Nguyễn Ngọc Thiện mới hiểu, đồng cảm để viết và khám phá đời văn và tác phẩm Ma Văn Kháng. Anh đọc kỹ tác phẩm và “giám khảo” hầu hết những nghiên cứu về Ma Văn Kháng để viết về nhiều tác phẩm với các đề tài, chủ đề khác nhau của nhà văn. Đây là bài học nghiên cứu, tìm ra một đối tượng nghiên cứu đích đáng có hàm lượng tư tưởng thẩm mỹ ở nhiều tầng vỉa, phải có tâm huyết để hiểu sâu rộng mà nắm bắt những gì là tinh hoa, phải trang bị phương pháp phù hợp...Xin nói thêm, ở những nhà văn tài năng, nhờ tích lũy tri thức văn hóa nên họ biết tiếp thu những “mẫu gốc” văn hóa, đến lượt họ lại tạo ra những “mẫu gốc” mới. Vì lẽ này, càng là tác phẩm lớn càng tạo ra hiện tượng “nói mãi không cùng”.
Mỹ học Mácxit, như đã nói, là hệ thống mở nên dung chứa nhiều trường phái có thể khác về quan niệm nhưng cùng nhau hướng về chân trời mỹ học chân thiện mỹ. Tập sách này cũng rõ quan điểm ấy khi tuyển chọn 42 chân dung về lý luận phê bình theo tiêu chí toàn diện về không gian có cả miền bắc, miền nam, về thời gian có cả trước và sau 1945; tiêu biểu cho các khuynh hướng, trường phái nên cho thấy tính chất tổng thể, đa dạng, phong phú của cả một nền học thuật. Điều này cho thấy tác giả phải công tâm, không định kiến, thành kiến, những ai có đóng góp, dù sống trong chế độ khác vẫn được khẳng định, như Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Hiến Lê...
Tập sách thể hiện sự vận dụng một cách sáng tạo và nhất quán mỹ học Mácxit vào nghiên cứu văn chương ở nước ta trong những năm gần đây. Tiếc rằng những cuốn như thế ngày càng hiếm. Có người cho rằng lý thuyết đã cũ. Thế là chưa hiểu sâu và rõ quan niệm của chủ nghĩa Mác về văn nghệ và cũng là thiên kiến, vì ai có thể chê mỹ học của Arixtôt là lạc hậu, dù đã ra đời cách nay mấy nghìn năm, vì nó đã trở thành kinh điển. Mỹ học Mácxit cũng thế, mãi không lạc hậu vì đã trở thành lý luận tư tưởng kinh điển cho hôm nay và cả ngày mai.
N.T.T & B.Q.V
VNQD