Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng cho sân khấu

Thứ Hai, 09/08/2021 00:20

. NGUYỄN ĐỨC SƠN

 

Sân khấu cũng như các ngành văn học nghệ thuật khác, bên cạnh những hình tượng mang tính chất sáng tạo thì hình tượng Hồ Chí Minh là một nguồn cảm hứng vô tận, lớn lao để các nghệ sĩ tìm tòi, xây dựng bằng ngôn ngữ đặc thù.

Trong lĩnh vực sân khấu (kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, ca kịch…), đã có rất nhiều vở diễn lấy hình tượng Bác Hồ làm trung tâm hoặc xây dựng hình tượng Bác Hồ để đề cao sức mạnh tư tưởng cũng như vẻ đẹp phong cách của Người. Đó đều là những vở diễn có chủ đề, nội dung súc tích, tư tưởng rõ ràng; ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo, ấn tượng. Đưa hình tượng Bác Hồ lên sàn diễn là một thử thách lớn đối với không chỉ biên kịch mà còn đạo diễn, diễn viên, hoá trang… Để tái hiện được cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại lớn lao của Người qua hình thức sân khấu hoá, trong không gian và thời gian của sân khấu là điều không hề dễ dàng. Tiếp đó, để biểu đạt được hình tượng Bác Hồ, để truyền tải được biểu cảm, hành động, tư tưởng của Người đến với công chúng thông qua việc nghe, nhìn sao cho gần gũi, tự nhiên, quen thuộc, và để khi hình tượng Bác xuất hiện sẽ tạo nên cảm xúc lớn, dâng trào trong lòng công chúng.

Cảnh trong vở Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam

Trong những vở diễn trên đây, hầu hết những cảnh có sự xuất hiện của Bác Hồ đều mang đến sự xúc động, ấn tượng. Và điều quan trọng, mỗi tác giả xây dựng hình tượng Bác cho tác phẩm và mỗi nghệ sĩ thể hiện vai Bác đều đã ngấm được tư tưởng đạo đức của Người. Để qua mỗi vở diễn, hình tượng Bác đều được khắc hoạ rất chân thực, ấm áp và có sức lan toả lớn về tư tưởng, nhân cách, lối sống, lí tưởng của Người. Chính sự lớn lao của Bác đã khiến tự bản thân các nghệ sĩ cảm thấu được cho bản thân mình, tự rèn luyện, phấn đấu theo tấm gương của Bác. Sự nhập thân ấy làm cho hình tượng của Bác trên sân khấu trở nên gần gũi, sinh động, và không còn khoảng cách giữa sân khấu và cuộc đời. Người xem như thấy Bác Hồ hiện diện ngay trước mắt, lời nói của Bác, hành động của Bác, tư tưởng của Bác vì vậy mà cùng được truyển tải đến công chúng một cách tự nhiên hơn.

Trong vở diễn đầu tiên về Bác, Người công dân số một, do Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng theo kịch bản của hai tác giả Hà Văn Cầu, Vũ Đình Phòng, đạo diễn Dương Ngọc Đức, năm 1976 vở diễn đã đoạt giải tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc.NSƯT Hà Quang Văn thể hiện vai Bác Hồ thời trẻ, NSND Sỹ Hùng thể hiện vai Bác Hồ trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, cả hai nghệ sĩ bằng cảm xúc, tấm lòng của mình đối với người Cha già kính yêu của dân tộc đã thể hiện xuất sắc vai diễn. Vở diễn ấy đã trở nên vô cùng quan trọng cho nền sân khấu Việt Nam đề tài về Bác cũng như góp phần thúc đẩy cho những sáng tác về Bác sau này.

Trong vở tuồng Không còn con đường nào khác, thể hiện sâu sắc hình tượng Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam. Việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu tuồng là điều rất khó,nêntrong tác phẩm này hình tượng Bác Hồ chưa được xây dựng như một nhân vật chính mà Bác chỉ xuất hiện ở một thời khắc có ý nghĩa quan trọng nhất. Đó là khi cách mạng miền Nam đang bị Mĩ - Diệm đàn áp vô cùng khốc liệt. Trong giây phút cùng cực khó khăn nhất, đồng chí Nguyễn Thị Định (nhân vật trung tâm của tác phẩm) đã nghĩ tới Bác Hồ để thêm vững lòng tin vượt qua những khó khăn thử thách. Như vậy, hình tượng Bác ở trong tâm tưởng đồng bào chiến sĩ miền Nam đã tạo nên một sức mạnh vô hình và thiêng liêng nhất. NSND Tiến Thọ thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở tuồng hết sức xúc động và chân thực.

Với vở tuồng Sáng mãi niềm tin NSND Võ Sỹ Thừa đã thể hiện rất thành công vai Bác Hồ. Đặc biệt, Võ Sỹ Thừa từng có vinh dự được gặp Bác Hồ, được diễn cho Bác Hồ xem và được Bác Hồ khen là diễn tốt, đó là kỉ niệm vô cùng quý giá của người nghệ sĩ. Có lẽ cũng vì những tình cảm đối với Bác mà khi thể hiện vai Bác Hồ thì Võ Sỹ Thừa đã diễn rất truyền cảm và gây ấn tượng sâu sắc với công chúng.

Chúng ta gặp tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh trong vởLịch sử và nhân chứng. Đưa Bác Hồ trở thành nhân vật trung tâm xuyên suốt diễn biến câu chuyện trong tác phẩm, vở Lịch sử và nhân chứng đã rất thành công với thể loại kịch nói. Nhà hát kịch Trung ương và Ðoàn kịch nói Hải Phòng đã dàn dựng vở kịch vào năm 1985. Bên cạnh việc hướng đến tái hiện những dấu ấn lịch sử của Bác trong những thời khắc quan trọng có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc thì tác phẩm cũng chú trọng đến những sinh hoạt đời thường của Bác. Qua đó công chúng thấy được rõ nét nhất chân dung Người, vừa là vị lãnh tụ của đất nước, vừa là người Cha giản dị, kính yêu của dân tộc.

Vở Đêm trắng của Lưu Quang Hà được tác giả khởi viết từ năm 1969 nhưng đến những năm 1980 mới được công bố bằng sách, sau đó là sân khấu. Được công diễn vào năm 1990, tác phẩm đã thành công vang dội, lan toả được cả giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đến với đông đảo công chúng. Trong vở diễn này hình tượng Bác Hồ đứng ở vị trí tâm điểm của cả vở kịch.Tác phẩm được nhiều đoàn văn nghệ địa phương xin chuyển thể sang nhiều hình thức khác, gồm cả nhạc kịch truyền thống (chèo, tuồng, cải lương, bài chòi...). Đêm trắng cũng trở thành cảm hứng để nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sáng tác Tôi và chúng ta cùng nhiều kịch phẩm đề tài chống tham nhũng chống quan liêu cửa quyền khác nữa.NSƯT Hà Văn Trọng và NSƯT Trần Thạch đã thể hiện thành công và xúc động vai diễn của mình, vừa cho thấy được sự bao dung nhân từ của Bác, lại vừa thể hiện được sự nghiêm khắc công minh của Người.

Vở chèo Những vần thơ thép của Trần Đình Ngôn tái hiện một phần cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm Người bị bắt, giam cầm, dẫn giải qua nhiều nhà lao tại Trung Quốc. có thể nói, chất liệu chính tạo nên vở diễn là các bài thơ trong tập Nhật ký trong tù. Toàn bộ diễn biến, hành động và tâm lý nhân vật đều xoay quanh những điều Hồ Chủ tịch thể hiện trong tập thơ. Vở chèo này đã đoạt giải thưởng dành cho "Vở diễn xuất sắc" trong Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 2005. NSƯT Phú Kiên đóng vai Hồ Chí Minh trong vở kịch đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của công chúng. Nghệ sĩ đã hoàn thành xuất sắc vai diễn mặc dù vai Bác Hồ là thử thách không nhỏ với ssan khấu chèo. Khác với sân khấu kịch và truyền hình, Bác Hồ trên sân khấu chèo phải rất toàn diện, vừa hát chèo, múa chèo và diễn chèo. Vượt qua được thử thách, NSƯT Phú Kiên vào vai Bác Hồ khá nhuần nhuyễn, từ vóc dáng, cử chỉ đến tiếng nói, điệu hát đều rất mềm mại, uyển chuyển và chân thực.

Trong vở Cái chết chẳng dễ dàng, công chúng vẫn còn nhớ mãi lời khẳng định của Hồ Chủ tịch (NSƯT Tiến Mộc đóng): “Cái thiện nhất định thắng” và Người đã chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh với cái ác, cái thấp hèn trong mỗi con người sẽ còn phải lâu dài lắm”. Xuyên suốt vở diễn là sự đối lập và đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai.

Được hoá thân vào hình tượng Bác Hồ là kỉ niệm, là dấu ấn thiêng liêng với mỗi người nghệ sĩ, nên có thể nói, rất nhiều nghệ sĩ đã thể hiện thành công vai diễn này bằng tài năng và cảm xúc, tình cảm dành cho Người. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước (kể từ khi Bác Hồ ra đi) cũng như lịch sử của nền sân khấu, chúng ta đã có những vở diễn, những vai diễn khắc hoạ hình tượng Hồ Chí Minh. Tiếp nối lịch sử ấy, những tác phẩm sân khấu lấy Bác Hồ làm trung tâm, làm nguồn cảm hứng vẫn ra đời với những sáng tạo, tìm tòi mới. Mỗi tác phẩm lại được khai thác dưới một góc nhìn, một câu chuyện, một ý tưởng riêng, nhưng đều góp phần tôn vinh, ca ngợi, thể hiện sự biết ơn sâu sắc người lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.

N.Đ.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)