. TS CAO MAI SINH
Mỗi năm nước ta có khoảng 1000 tập thơ được in, thường viết về đề tài quê hương, tình yêu, đời tư… với những tâm trạng, những nỗi buồn, những triết lý, những nỗi mong manh của cuộc đời… Trong khi đó mảng viết về người lao động, lẽ ra phải có nhiều nhưng trên thực tế lại không như kỳ vọng. Ở ngày hôm nay cũng khó có thể gọi các nhà thơ viết về đề tài này là một “đội ngũ”. Thi phẩm hay lại càng ít. Điều này khác với trước 1975, các nhà thơ nổi tiếng như Chế Lan Viên trong Ánh sáng phù sa, Xuân Diệu trong Riêng Chung có nhiều bài thơ hay viết về lao động. Sau chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh, Huy Cận có Đất nở hoa, Trời mỗi ngày lại sáng. Có lẽ ai cũng thuộc bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của ông…
Chúng ta từng có nhiều nhà thơ viết về người lao động, với Thi Hoàng, Đào Cảng, Thanh Tùng, Anh Chi, Quang Khải, Nguyễn Thái Sơn, Chử Văn Long, Tạ Vũ, Long Chiểu, Phạm Doanh, Võ Thanh An, Yên Đức, Thanh Sỹ, Mai Phương, Hoàng Gia Điền, Phạm Cẩm Nguyên, Hoàng Việt Hằng, Đặng Bá Tiến, Trương Thiếu Huyền… Nhiều tác giả không sống ở vùng mỏ nhưng viết hay về vùng mỏ như Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng, Xuân Hoàng, Tạ Vũ… Họ đã tạo nên sức sống của mảng thơ công nhân với đặc trưnggiàu triết lý về cuộc đời, về trách nhiệm và cống hiến, tài năng và đãi ngộ, về hưởng thụ thành quả lao động…
Tiếng thơ về người công nhân mỏ vừa hiện thực, gân guốc vừa trữ tình lãng mạn, bay bổng. Những câu lục bát nên thơ pha chút tinh nghịch của Lê Tuấn Lộc thật đáng yêu trong Lục bát cỏ mùa xuân: “Dừng chân nghỉ tạm đường xa/ Chăng lều nổi lửa ta pha chè rừng/ Thả ba lô quặng trên lưng/ Chất thêm hương cỏ hương rừng mang theo”. Vẻ đẹp của người thợ lò trong thơ Trần Đình Nhân như thách thức, tranh chấp với tạo hoá để toả sáng không chỉ trong bóng tối đường lò mà còn toả sáng trong đời: “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Với tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ/ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay giữa chiều bão giông...” (Tôi và than).Đó là thơ Trần Ngọc Tảo: “Bồng bềnh sương trắng đêm than/ Năm canh em thắp lửa đan ngang trời” (Ánh lửa) hay thơ Ngô Tiến Cảnh: “Nỗi nhớ đầm đìa áo thợ mồ hôi/ Lấp loá miệng cười chỉ than mới biết” (Ở Mông Dương nhớ Mông Dương). Thơ Trần Nhuận Minh có phần nghiêng về phía lý tưởng: “Em đứng trên khung nhà cao tầng/ Như chiếc lá xanh, nẩy trên cây sắt thép/ Từ tay em những tia lửa bay ra/ Em thành trung tâm muôn ngàn sao sa…” (Cô thợ hàn trên khung nhà cao tầng). Anh chàng lái xe ở tầng cao như đang ở trên trời: “Nhìn qua óng ánh mây trời / Vùng than điện sáng cũng dầy như sao…” (Thư cho em gái). Tình yêu nở hoa trong lao động, khoẻ khoắn: “Tay gạt núi, mở chân trời mơ mộng/ Anh yêu em lặng thầm và cháy bỏng/ Đến tận cùng năm tháng cuộc đời anh…” (Em về vùng mỏ). Như con chim bay trên đôi cánh hiện thực và trữ tình, thơ về thợ mỏ đưa bạn đọc bay vào bầu trời văn hoá tình yêu lao động.
Trịnh Công Lộc là nhà thơ chịu khó tạo nghĩa mới: “Ka ba/ Lòng đất là bóng đêm/ Bàn tay là mặt trời...” (Ngày vào đêm...). Câu thơ tả người thợ làm ca ba đào than trong mỏ. Dĩ nhiên trong đó có điện sáng nhưng phải có bàn tay người thợ mới có những thỏi “vàng đen” ra lò nên so sánh “bàn tay” với “mặt trời” vừa nói về công việc đào than bằng tay vừa ca ngợi vị thế con người ngang tầm vũ trụ một cách thật tự nhiên.Anh có những so sánh liên tưởng nâng hình tượng lên một tầm cao mới, như câu “Mỗi trái dưa như một mặt trời” (Mở cõi biển Đông)...Câu thơ nằm trong mạch tái hiện câu chuyện An Tiêm trồng dưa hấu, trong hoàn cảnh tay trắng, không cái ăn, cái mặc, cả gia đình cô đơn trên đảo giữa biển mênh mông, thì đúng là mỗi quả dưa hấu lúc ấy thật “như một mặt trời”. Mặt trời của sự sống, của niềm hy vọng, của sự quyết tâm, của ý chí lao động... Tác giả có những câu thơ hay, gần gũi mà mới lạ, ấm áp, chân tình về biển: “Đêm xuống, biển thức dậy/ Giữa muôn trùng sao sa/ Sóng lên như thắp lửa/ Mang hơi ấm về nhà” (Biển đêm). Ta có thể hiểu thêm sóng lao động luôn miệt mài vỗ giữa biển cuộc đời. Sóng bập bùng, “ồn ào” và xôn xao như lửa. Sóng còn là nguồn ấm đem sức sống cho mỗi ngôi nhà Việt... “Sóng lên như thắp lửa” là một sáng tạo trong so sánh dựa trên sự gần gũi của hai hình tượng “sóng” và “lửa”, về âm thanh (sóng reo, lửa reo), về hình dáng (cùng có ngọn - ngọn lửa, ngọn sóng; về sự “bập bùng”; nhảy múa,)...Câu thơ giàu chất tạo hình và gợi cảm, nhận thức thẩm mỹ về “sóng” được nâng lên một bước, mới mẻ hơn.
Việc gì, dù nhỏ cũng cần phải làm với thái độ tâm huyết, trách nhiệm. Với nghề kiểm lâm thì đòi hỏi cao hơn cả, vì chỉ biếtlàm bạn với rừng, với cây để chống lại bọn lâm tặc. Anh cán bộ kiểm lâm trong thơ Đặng Bá Tiến rất đáng ca ngợi vì anh hoàn thành trách nhiệm thật vẻ vang: “Giữa rừng Bản Đôn có căn gác đơn sơ/ vợ chồng người gác rừng sống với lá hoa, muông thú/ cổ thụ chín tầng cành, xòe ô che chở/ mỗi ban mai chim hát, múa quanh nhà/ Sẽ trở lại nơi này/ sống chết với đất này/ anh nguyện với lòng anh!” (Rừng cổ tích). Anh thực sự con người gấp nhiều lần một vị Bộ trưởng mà thiếu trách nhiệm lại ăn hối lộ. Diễn ngôn văn bản Rừng cổ tích giản dị nhưng thuyết phục được người đọc ở chỗ xây dựng thành công hình tượng anh kiểm lâm say nghề, yêu thương và thấu hiểu từng mảnh rừng. Đọc thi phẩm này ta thấy yêu hơn và cảm ơn rừng của ta hơn. Có nhiều những con người kiểm lâm như thế rừng sẽ trở về xanh hơn, giàu có hơn!
Cái bản lĩnh đời thường của người thợ được nhà thơ Trần Tâm đưa vào thơ có thể còn thô như than quặng nhưng giàu có nhiệt năng của thứ than quý: “Người thợ gặp khó khăn không muốn nói/ Bận rộn cùng nhau bàn chuyện làm ăn/ Nhường nhịn sẻ chia chấp nhận gian nan/ Như đã cùng đất đai sống chết/ Như đã cùng hòn than máu thịt/ Yêu kiệt cùng từng hộc đá rễ cây/ Cho con đường rầm rập sắc than bay” (Trên điểm cao 431).
Ở “khu vực” những người thợ mặc áo lính xứng đáng có một tiểu luận dài nghiên cứu riêng. Đây là thơ cũng là tiếng lòng của một vị tướng - Trung tướng Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị viết về những người lính thợ xây dựng ngôi trường mới: “Lăn lộn công trường tạo dựng lòng tin/ Dẫu gian truân không phai màu thợ lính/ Trường mới hôm nay nồng nàn xuân ấm/ Chờ anh thêm dấu ấn nơi này” (Dấu ấn người lính thợ). Không “trau” câu “gọt” chữ nhưng chân thành như vậy cũng đáng đọc. Có những câu thơ thật thơ của các nhà thơ không chuyên: “Đường dây vượt thác qua ngàn/ Vươn xa như những cung đàn mùa xuân”. Hai câu ấy trong bài Những người lính thợ âm thầm của tác giả Thanh Thu hiện công tác tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT).
Hầu hết các tác giả đều khắc hoạ nhân vật trữ tình là nữ giới với những ấn tượng riêng. Có thể là lao động mỏ là một công việc nặng, với phụ nữ chân yếu tay mềm càng khó khăn vất vả hơn. Hơn nữa trong cuộc chuyển đổi thị trường sự bấp bênh càng chênh chao bao nhiêu thì người phụ nữ càng vất vả bấy nhiêu…Do vậy mà nhân vật nữ đi vào trang viết với nhiều suy tư của thời thế và nhân thế. Cái tâm thế, cái hoàn cảnh “thiên tính nữ” được nhà thơ Hoàng Việt Hằng triết lý trong tập Xóa đi và không xóa:“Ai đó sống suốt đời vì người khác/ đã tàn tro mà thời gian không tro tàn”. Quả thật, ai đã xuống vỉa than sâu sẽ có cảm giác cuộc đời trần thế thật mong manh. Đã từng có những tai nạn. Người ra đi thì mãi mãi ra đi. Nỗi đau dồn vào người ở lại: “Ra Đảo Dấu trước biển cả mênh mông/ tôi chỉ một lần cúi xuống/ ra đây xin được thảnh thơi. Gặp vợ người thợ lò mất chồng/ chị trẻ tới nỗi/ bế con đeo khăn xô/ tôi phải quay mặt đi…”. Nhiều người đã nói cảm động về sự mất mát, nhưng ở đây, trong thơ Hoàng Việt Hằng, bằng sự nhạy cảm của trái tim nữ giới nói về nỗi đau nữ giới nên có gì đấy xót xa và nhức buốt hơn.
Một bài thơ ngắn về câu chữ nhưng rộng dài về nghĩa có tên Viết ở toà nhà Keangnam của Lê Tuấn Lộc: “Những người thợ xây giờ đây về đâu/ Xây tiếp những căn nhà chọc trời/ Tiệc khánh thành cũng tan rồi/ Không ai nhắc đến họ/ Những thợ xây tài nghệ/ Khắc nên vời vợi những công trình/ Những thợ xây tài nghệ/ Hết việc anh về đâu!”. Tuy ngắn nhưng nêu lên được mối quan tâm của thời đại: kế sinh nhai, công ăn việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, thói đời, quan hệ đạo lý “biết ơn kẻ cấy cày”…
Tất cả những điều trên cho thấy thơ về người thợ có nhiều những tín hiệu vui, lạc quan và cũng còn nhiều những vỉa tầng cần khám phá.
Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân. Đất nước tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, không thể không dựa vào đội ngũ chủ lực là công nhân. Chỉ những điều chân lý ấy cũng cho thấy văn học nước nhà phải viết về hình tượng người công nhân nhiều hơn, đậm hơn, hay hơn!
C.M.S
VNQD