. HỒ ANH THÁI
Trên một bản đồ văn chương
Phải nói thẳng với nhau rằng Việt Nam chưa có tên trên bản đồ văn chương thế giới.
Chính thức ra thì không ở đâu công bố một cái bản đồ như vậy. Cũng không có một hội đồng chính thức nào được lập ra để vẽ một cái bản đồ như vậy. Nhưng thực tế thì cái bản đồ ấy vẫn có. Có, trong đầu những thành viên các hội đồng giải thưởng quốc tế và hội đồng khu vực, các viện hàn lâm quốc gia và quốc tế. Hội đồng Nobel chẳng hạn, Hội đồng Booker chẳng hạn, Viện Hàn lâm Thụy Điển và Viện Thụy Điển chẳng hạn. Nói thì bảo nghiệt ngã, sự thực thì mấy ông lớn bà lớn văn chương ấy chỉ cần nghe nói đến văn chương Á - Phi - Mĩ Latinh chung chung thì trong thâm tâm đã biết nên lướt qua cho nhanh.
Thử tưởng tượng, hầu hết những ông bà cầm cân nảy mực ấy họp nhau trong một hội đồng quốc tế, thì bản đồ văn chương thế giới mà họ vẽ ra chắc chắn là chưa có Việt Nam.
Cho đến một ngày, ông chủ tịch hội đồng bản đồ văn chương xem qua bản đồ quân sự thế giới, bản đồ nông nghiệp thế giới, thấy có tên Việt Nam. Nổi bật là khác. Bao nhiêu trận đánh lớn trong vài nghìn năm. Hàng đầu thế giới về sản lượng gạo và cà phê. Thế là quá đủ cho dải đất hình chữ S có tên trên bản đồ chuyên môn.
Ông chủ tịch hội đồng bản đồ văn chương cho triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên. Đề nghị rà soát lại thành tựu văn chương Việt Nam trong một trăm năm qua. Tức là xem văn chương Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay có gì đáng chú ý, bảo đảm để hội đồng không bỏ sót một giai đoạn, không bỏ sót một tác giả. Cần lưu ý là trong quy mô một đất nước, nước nào cũng có vô vàn thành tựu văn chương. Nhưng hội đồng chỉ quan tâm những thành tựu ở tầm mức toàn cầu.
Ý kiến của các thành viên rất thống nhất. Đề tài văn chương Việt Nam suốt thế kỉ qua đã được các chuyên gia nghiên cứu kĩ lưỡng và công phu. Đặc biệt là giai đoạn từ “đổi mới” 1986 đến nay, họ cập nhật thường xuyên. Tất cả thêm một lần khẳng định: Bản đồ văn chương thế giới chưa thể ghi tên Việt Nam. Dăm bảy con én không làm nên mùa xuân.
Và một Olympic văn chương
Cũng như Olympic thể thao thế giới vậy. Đoàn Việt Nam có thể kéo quân hùng hậu đến đấy. Đoạt được một số huy chương vàng, bạc, đồng. Thế đã đủ hân hoan và đáng cổ vũ. Nhưng toàn đoàn thì vẫn loanh quanh xếp thứ 100 và xa hơn, trong tổng số 200 nước tham dự.
Chính xác đấy là tình trạng thành tích và thứ hạng của đoàn Việt Nam nếu có một Olympic văn chương thế giới.
Điểm, thì đã có dăm bảy điểm le lói. Nhưng diện, chưa gây ấn tượng cho thế giới rằng ở đất nước vùng Đông Nam Á bên bờ Thái Bình Dương ấy có một nền văn chương lớn mạnh. Vậy để thấy, hội nghề nghiệp văn chương có nỗ lực đến mấy thì cũng mới chỉ thúc đẩy được một nền văn chương mang tính phong trào, đại trà. Tức là mới tập trung phát triển diện rộng, như ươm trồng một vườn hoa. Vườn thì có nhưng hoa lạ thì hiếm hoi. Trong ấy chưa có đủ hoa quý hoa hiếm để gây ấn tượng với thế giới bên ngoài.
Đại lộ danh vọng - bao giờ?
Thế còn những người có tên trong danh sách các hội đồng bản đồ và Olympic văn chương? Nobel văn học chưa hẳn là một giá trị khi đứng trước cái khắc nghiệt của thời gian. Bản đồ văn chương thế giới và Olympic cũng chưa hẳn là giá trị. Huy chương trao xong, người ta vẫn có thể phản biện hoặc tỏ ý không tán đồng.
Đúng vậy. Nhưng như trong thể thao, trọng tài là cha mẹ. Như trong thi cử học đường, bút sa gà chết, bút đỏ thầy đã phê thì khó cãi. Như trong quán ăn, quyền phán xét chất lượng món ăn là ở người thưởng thức. Còn giới chuyên môn có quyền tôn vinh hoặc bác bỏ.
Cái danh sách mà hễ cần nhắc đến văn chương Việt Nam là người ta đưa ra, danh sách ấy nhắc lại là để cho các hội đồng và công chúng cùng nhau lưu ý và kiểm chứng theo thời gian. Có người còn tiếp tục đạt thành tích trong thi đấu. Có người kì trước đoạt huy chương nhưng kì sau ngã ngựa.
Nói cách khác, sự liệt kê bao gồm hầu hết những người đang ở trong tầm ngắm. Mỗi tác phẩm mới của họ được quan tâm phân tích mổ xẻ. Sự trồi sụt chất lượng của tác phẩm được ghi nhận. Họ được đặt trong dòng chảy văn chương đất nước mình và tiến trình văn chương toàn cầu. Một ngày nào đó, họ có thêm nhiều tác phẩm được chú ý, nền văn chương của họ có thêm nhiều tác giả được chú ý, hình thành một đội ngũ mạnh mẽ vững vàng, thì chính là ngày đó.
Đó là ngày người ta sẽ ghi tên Việt Nam trên bản đồ văn chương thế giới.
Cần nhắc lại: Dăm bảy con én chưa đủ làm nên mùa xuân. Phải là đàn đàn lớp lớp những đàn én nối nhau mà bay. Những con chim đầu đàn mạnh mẽ kiêu hãnh đưa cả đàn theo đi. Chỉ khi ấy, một nền văn chương mạnh mẽ hình thành, khiến cho người ta phải giật mình sửng sốt, phải tấm tắc xuýt xoa, phải không thể nào bỏ quên bỏ qua khi thảo luận trong những diễn đàn chuyên môn.
Phải là khi ấy.
Chờ đợi trong nỗ lực
Nhưng làm thế nào để đến được “khi ấy”?
Câu trả lời là chỉ khi nào xuất hiện nhiều tài năng. Tài năng lớn. Tài năng thực sự.
Trong bài Điện ảnh của ta ơi, hãy xem phim Iran, tôi từng kể về một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nghệ sĩ điện ảnh. Họ được một đạo diễn nước ngoài hướng dẫn, được xem một số phim thuộc hàng kiệt tác của điện ảnh Iran. Rồi ông thầy nước ngoài hỏi các đạo diễn Việt Nam: Nếu được làm một phim như phim Iran ấy, anh chị thấy mình thiếu gì?
Trả lời: Thiếu tiền.
Hỏi: Ấy chết, nghĩ lại đi. Những phim Iran ấy đều là phim ngân sách thấp, hầu như không có đại cảnh, rất ít nhân vật?
Trả lời: Thế thì thiếu máy móc phương tiện hiện đại.
Hỏi: Thật thế sao? Nhiều phim Iran chỉ dùng máy móc không hiện đại, thao tác đơn giản, nhiều khi để máy quay trên vai, không chân, không cần trục... Thao tác cũng giản dị luôn. Còn hậu kì thì Việt Nam cũng có phim được mang ra làm ở nước ngoài rồi đấy thôi?
Trả lời: Thế thì tôi thiếu một hội đồng duyệt kịch bản mang tính chuyên nghiệp và cởi mở.
Hỏi: Anh chị hãy nhớ rằng Iran là nước đạo Hồi, rất khắt khe với đề tài xã hội, tình yêu, tôn giáo?
Thôi, đến đây chẳng cần nghe thêm cuộc đối thoại bất tận, đổ vấy lung tung ấy nữa. Nghe đến thế cũng đã ngầm thấy rằng lẽ ra phải thành khẩn trả lời ngay: Chúng tôi thiếu tài.
Cái tài sẽ tạo ra mê đắm, ra lửa, ra sự tử vì đạo. (Ví dụ hi sinh tiền thù lao, chứ không phải đạo diễn và chủ nhiệm phim càng hạ thấp yêu cầu, càng cấu véo nhiều cho túi riêng càng tốt. Ví dụ phải rưng rưng xúc cảm trên từng khuôn hình mà người đời ai cũng đã thấy, nhưng ai cũng coi thường lướt qua, chỉ người có tài là biết dừng lại, biết ngạc nhiên...)
Cũng vậy với các nhà văn ta. Đã có nhiều cuộc hội nghị hội thảo tọa đàm theo chủ đề làm thế nào để có tác phẩm lớn. Rất nhiều quan điểm được đưa ra, tựu trung chỉ loanh quanh mấy đòi hỏi:
- Phải có tiền (nhà nước hoặc tài phiệt đầu tư).
- Phải được thông thoáng về duyệt.
- Phải có phương tiện kĩ thuật hiện đại (sân khấu, điện ảnh và những ngành nghệ thuật liên quan đến kĩ thuật thì đòi thêm điều này).
Tiền!
Duyệt!
Phương tiện!
Đấy là mấy lí do muôn đời đưa ra để tránh nhìn thẳng vào một sự thật: Phải có tài năng lớn. Mà tài năng lớn thì đời nào cũng thiếu. Đời nay lại càng trông chờ mỏi mắt.
Nhưng không phải cứ quyết tâm duy ý chí mà được. Tài năng như hoa của cây vô ưu ashoka, trăm năm mới nở một lần, có khi cả thế kỉ chẳng nở được bông nào.
Vậy thì chẳng cần phải sôi sục lên, loay hoay tìm đủ biện pháp để kích cho hoa nở sớm. Mọi biện pháp nhân tạo sẽ cho ra thứ hoa nhân tạo, hoa ngắn ngày. Một môi trường tự do thông thoáng không tạo ra thiên tài. Bởi nếu như vậy thì các nước dân chủ Âu - Mĩ đã đầy ắp thiên tài. Nhưng một môi trường thông thoáng sẽ như bầu không khí trong veo không ô nhiễm, nước sạch cỏ xanh, nơi ấy mới mong một ngày hoa vô ưu sẽ nở.
Nói gọn lại, thế giới này đều thiếu thiên tài. Phải thừa nhận thành thật chứ không đổ vấy sang chuyện khác. Và không thể nóng vội rùm beng lên bằng những biện pháp sản sinh nhân tạo. Hãy tạo môi trường nước sạch trời xanh và chờ đợi. Đừng nghĩ thế là thụ động. Đó là sự chờ đợi trong nỗ lực xây dựng bầu khí quyển lành mạnh.
H.A.T
VNQD