Ngôn ngữ liên văn hóa –Tuyên ngôn, Tuyên bố, Quốc ca trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 05/08/2021 00:28

. TRỌNG KHÔI
 

Trong kiến tạo văn bản, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh dùng cả ngôn ngữ liên văn hóa của Tuyên ngôn, Tuyên bố, Hiến chương, Quốc ca các nước phương Tây.

Nguyễn Ái Quốc sử dụng lời quốc ca Pháp lần đầu tiên trong bài báo tiếng Pháp Indigènes à la mode (dịch sát nghĩa là Những người bản xứ theo mốt, dịch theo văn cảnh nội dung là: Những người bản xứ được ưa chuộng) in trên báo Le Paria, số 10, ngày 15-1-1923. Nội dung bài báo mỉa mai chính sách thực dân là bắt dân thuộc địa đi làm bia đỡ đạn chết thay cho các nhà tư sản trong chiến tranh 1914-1918. Do vậy trích nguồn quốc ca Pháp không phải là để ca ngợi mà là để nhại:“Hỡi những người con của thuộc địa! Ngày vinh quang đã tới rồi”[1].

Câu đầu trong bài Quốc ca Pháp như sau: Allons! Enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé! Nghĩa là: Hỡi những người con của Tổ quốc! Ngày vinh quang đó tới rồi! Đối tượng mỉa không phải là lời quốc ca Pháp, mà là mượn lời Quốc ca Pháp để mỉa mai thực dân Pháp lừa bịp nhân dân các nước thuộc địa, và mỉa ngay chính tâm lý nô lệ ngu si thiếu phân tích, thiếu tư duy của “những người con của thuộc địa!” cam tâm làm nô lệ.

Một trong những nguyên tắc lập luận của Hồ Chí Minh là lấy chính các lời tuyên ngôn, tuyên bố của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã được thế giới thừa nhận làm điểm tựa để vạch trần sự tráo trở, giả tạo của các thế lực phản động đi ngược lại với các tuyên ngôn, tuyên bố đã đưa ra. Đây là tuyên ngôn của nước Mỹ và sự đi ngược lại tuyên ngôn ấy của Chính phủ Mỹ: “Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng: "Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng... Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác...".

Nhưng bây giờ Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai nói đến cách mệnh, ai đụng đến Chính phủ!”[2]. Đấy là đoạn trích trong cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc xuất bản lần đầu tiên năm 1927. Như vậy Người đã nghiên cứu rất sớm lịch sử cách mạng các nước, đặc biệt là Tuyên ngôn của các cuộc cách mạng lớn.Cố gắng có một cơ hội hoà bình, năm 1946 Hồ Chí Minh đi Pháp, ngày 2-9-1946 tại Pari trong Diễn văn tại lễ kỷ niệm quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam, Hồ Chí Minh nhắc lại lời của một chính khách cao cấp nước Pháp như là một sự hy vọng cho cả hai dân tộc: “Xin nhắc lại lời lẽ hùng hồn của chính Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Gioócgiơ Biđôn là: “Chúng ta có thể chờ đợi một cách chính đáng một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa hai nước chúng ta như một tấm gương lớn trên thế giới”[3]. Khi về nước, với bút danh Đ.H, Hồ Chí Minh viết Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch bốn tháng sang Pháp. Mục đích của Nhật ký vẫn là một cháy bỏng hy vọng vào hoà bình. Tác giả nhắc lại lời của Thủ tướng Bidault để chia sẻ về “tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khăng khít lại”:“Ngài (tức Hồ Chí Minh) đến Paris, là nơi mà lịch sử nước Pháp tập trung và hoạt động. Sự Ngài đến đây có một ý nghĩa rất cao xa. Nó làm cho tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khăng khít lại”[4].

Cũng ngay tại chính nước Pháp, Hồ Chí Minh đồng tình quan điểm với một nhà báo Pháp khi đọc một cuốn sách của ông:“Tôi vừa đọc lướt cuốn sách "Độc lập" của ông. Ngoài một vài điều cân nhắc, tôi phải nói rằng cuốn sách đó là khách quan và chân thật.

Khi nói về Việt Minh và sự hợp tác Pháp - Việt, ông viết:"Dù muốn hay không muốn, dù có những sai sót... Việt Minh đang đại diện cho tâm hồn hiện tại của Đông Dương, của Việt Nam. Ngọn gió độc lập đang thổi trên toàn châu Á...

"Và cuối cùng, lý tưởng của Việt Nam trước hết là sự thống nhất của Việt Nam, sự thống nhất của cả ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ mà dân chúng ở đây đều cùng chung một nòi giống và nói chung một thứ tiếng...”[5]. Cuốn "Độc lập" mà Bác nói ở đây có tên đầy đủ là: Độc lập hay là chết. Những điều mắt thấy ở Đông Dương (L’inde’pendance ou la mort. Choses vues en Indochine). Ông Hêtơrích là một trong những nhà báo Pháp có mặt ở Sài Gòn, Hà Nội ngay sau 2-9-1945. Cuốn sách này xuất bản tại Pari tháng 7-1946 đúng dịp Hồ Chí Minh đang ở Pháp.

Gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, đế quốc Mỹ không những bị nhân dân tiến bộ trên thế giới, tố cáo, lên án mà còn bị ngay chính những chính khách, trí thức có tư tưởng tiến bộ, dân chủ phản đối. Hồ Chí Minh lấy ngay nguồn từ phát ngôn của những vị này để vạch trần tội ác xâm lược và tình cảnh thất bại không tránh khỏi của Mỹ tại Việt Nam:

“Cựu Chủ tịch ngân quỹ dự trữ của nước Mỹ là ông Eclét đã viết: Tổng Giôn đã đưa nhân dân Mỹ đi lạc đường trong vấn đề Việt Nam... Ông ta viết tiếp: Mỹ ở Việt Nam là kẻ xâm lược. Cả thế giới không ai ủng hộ...

- Ông Latimo là một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và châu Á,… đã viết về vấn đề Việt Nam, nội dung tóm tắt như sau:

Những việc đế quốc Mỹ đang làm ở Việt Nam ngày nay giống hệt những việc quân phiệt Nhật đã làm ở Trung Quốc 30 năm trước đây. Và vận mạng chung của họ là thất bại nhục nhã.

Mồ ma tổng Ken cũng nói rằng: "Tung tiền bạc, vũ khí và quân đội vào Đông Dương... là nguy hiểm và vô ích, là một chính sách tự sát Quân đội Mỹ không thể thắng được lực lượng du kích ở Đông Dương, vì quân du kích được nhân dân ủng hộ và che chở".

Y nói như vậy, nhưng khi được bầu làm Tổng thống, y vẫn đeo đuổi chính sách chiến tranh của tổng Ai. Tuy vậy, y cũng phải nhận rằng trong cuộc xâm lược Việt Nam, "Mỹ đang chui vào đường hầm không có lối thoát"…

- Vừa rồi, thượng nghị sĩ Gruninh và bầu bạn của ông đã nói: "Mỹ làm chiến tranh ở Việt Nam là điên rồ. Đó là một cuộc chiến tranh mà Mỹ không thể thắng được".

…Như tướng Pháp Bôphôrê đã nhận định: "Mỹ đã thất bại về chiến lược,…”[6]. Ở đây Người chỉ mượn lời của các chuyên gia, chính khách có vai trò, vị trí quan trọng hàng đầu trong Chính phủ Mỹ, gần gũi nhất với Tổng thống Mỹ nói về sự sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông Eclét,“Cựu Chủ tịch ngân quỹ dự trữ của nước Mỹ”, một chuyên gia về ngân khố thì khẳng định sự sai lầm về chính sách ngân quỹ. “Ông Latimo là một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và châu A” nhận định Mỹ đang đi theo vết xe đổ của người Nhật ở Trung Quốc cách nay ba mươi năm. Nghị sĩ Ken và đến khi là Tổng Ken cũng có nhận xét bi quan về tình hình Việt Nam. Rồi thượng nghị sĩ Gruninh và bầu bạn của ông Ken và tướng Pháp cũng nhận định Mỹ không thể thắng. Thế thì không thể còn lời nói nào của ai khác chính xác và đáng tin hơn! Chỉ qua một vài mảnh đoạn văn ngắn nhưng tác giả đã làm nổi bật một tình hình Mỹ dứt khoát sẽ thua, nhân dân Việt Nam dứt khoát sẽ thắng. Bài báo là một tiếng cười châm biếm, sâu sắc, trí tuệ theo lối “mượn gió bẻ măng” rất quen thuộc của người Việt.

Chúng tôi xin lưu ý một bài học là để viết được những bài báo có sức chinh phục như bài viết này của Bác thì việc đầu tiên là người viết phải có tư liệu, làm chủ được tư liệu. Chỉ ngay một chi tiết “Trước ngày bị ám sát (ngày 22-11-1963), tổng Ken đã cảm thấy Mỹ sẽ thua ở Việt Nam, vì "những thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương làm cho Tổng thống tin rằng đến lúc nào đó sự can thiệp của Mỹ sẽ làm cho cả Nam Việt Nam quay lại chống Mỹ", phần trích dẫn đặt trong ngoặc kép được chính tác giả chú thích: Lịch sử của Phủ Tổng thống Mỹ do ông Sơlesinhgơ viết, đủ thấy tác giả có một vốn hiểu biết thật sự vĩ đại.

T.K


[1] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 153.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 291.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 329.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 399.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 356.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 15. Sđd, tr 37.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)