Marie Ndiaye, người phụ nữ đổi màu da cho giải Goncourt

Thứ Hai, 09/08/2021 00:32

. HỒ KHÁNH VÂN

 

Hai cội nguồn và tuổi thơ hoang vắng

Marie NDiaye ra đời vào ngày 4 tháng 6 năm 1967 tại vùng Pithiviers, ngoại ô của Paris (Pháp). Hai dòng máu, hai sắc tộc cùng chảy trong huyết quản của cô, hiện diện trên thân thể cô. Thế nhưng, khi dòng máu Pháp của mẹ dào dạt, hiển hiện, gần gũi ngay trong không gian Marie NDiaye sống và trải nghiệm từng ngày thì dòng máu Senegal của người cha lại xa xôi, bí ẩn, khuất lấp.

Lúc NDiaye chỉ vừa thôi nôi, cha cô đã rời bỏ hai mẹ con để trở về với núi đồi, bình nguyên và đồng cỏ xavan mênh mông, thinh lặng của xứ sở Tây Phi. Đến năm 15 tuổi, cô mới được gặp mặt cha. Một tuổi thơ dài thiếu vắng hình bóng người đàn ông đã sinh ra mình và những tưởng tượng về vùng đất châu Phi xa xăm - nơi đã góp phần tựu nên hình hài Marie NDiaye - đã khởi sinh một dạng ẩn ức vừa dữ dội vừa ẩn sâu trong tâm hồn nhạy cảm của người thiếu nữ giàu năng lượng chữ nghĩa. Đó là ẩn ức của những người phụ nữ di cư bị đàn ông bỏ rơi và khống chế, phải chống chọi lại nỗi cô đơn, sợ hãi và mặc cảm vây bủa quanh mình. Chính cảm thức này đã thôi thúc Marie NDiaye cầm bút và trở thành nhà văn khi cô chỉ mới 12 tuổi. Trang văn của NDiaye là những phân mảnh từ chính cuộc đời cô, là những khúc xạ của thế giới tinh thần mà cô và người mẹ từng trải nghiệm. Hai cội nguồn, hai sắc tộc, hai nền văn hoá châu Âu và châu Phi vừa xoắn quyện vừa va đập, giằng co, tạo nên nhiều nỗi giằng xé trong những câu chuyện xoáy vào tâm trạng con người trên nền bối cảnh giàu tính xung đột.

Marie NDiaye kết hôn với một người đàn ông da trắng mang quốc tịch Pháp và từng có khoảng thời gian di cư sang Berlin (Đức) cùng chồng và ba đứa con. Dự cảm về một xã hội có nhiều xáo trộn và khủng hoảng vì nguyên do chính trị đã khiến cô quyết định xê dịch ra khỏi đường biên nước Pháp vào năm 2007. Từ đó, có thể thấy, nữ nhà văn này rất nhạy cảm với thời cuộc và thực tại xã hội. Và vì vậy, các nhân vật của cô cũng thường xuyên loay hoay, sợ hãi, bức bối trong cơn khủng hoảng trước hiện thực.

Người phá vỡ đường biên của các giải thưởng văn chương

Tài năng văn chương của Marie NDiaye đã sớm thu hút sự chú ý của Jerome Lindon, một trong những người sáng lập nên Éditions de Minuit, nhà xuất bản nổi tiếng và lâu đời của nước Pháp. Nhờ sự đỡ đầu của Jerome Lindon, cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô mang tên Quant au riche avenir (tạm dịch là Về một ngày mai giàu có) được ra mắt công chúng vào năm 1985. Ở tuổi 18, Marie NDiaye đã chính thức trở thành nhà văn và tạo được dấu ấn với công chúng Pháp ngay từ tác phẩm đầu tiên.

Năm 2001, nữ nhà văn trẻ này được vinh danh với giải thưởng Femina dành cho cuốn tiểu thuyết Rosie Carpe. Đến năm 2009, cô khiến cả thế giới hân hoan và sửng sốt khi đoạt giải Goncourt với tác phẩm Trois femmes puissantes (Ba người phụ nữ can đảm). Sau 150 năm kể từ khi giải Goncourt ra đời, Marie NDiaye trở thành nhà văn nữ da màu đầu tiên giành được giải thưởng cao quý này (vốn thường trao cho các nhà văn nam da trắng) và cô cũng là trường hợp hiếm hoi sở hữu cả hai giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Marie NDiaye còn là nhà biên kịch đầu tiên và duy nhất cho đến nay có tác phẩm được công diễn trên sân khấu kịch Comédie-Française (một trong những sân khấu kịch cổ xưa nhất thế giới) khi tác giả vẫn còn sống. Phải nói rằng, bút lực của nhà văn Pháp da màu này đã phá vỡ những giới hạn, những đường biên quen thuộc vốn tạo nên các chuẩn mực trong việc định giá văn chương, tạo ra những ngoại lệ nổi trội. Cô như một kỉ lục gia mang lại các kì tích Guinness trong lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ và trở thành niềm tự hào cho cộng đồng người nữ viết văn, đặc biệt là người nữ da màu.

Đến nay, NDiaye đã có hơn 10 tác phẩm tiểu thuyết và tập truyện ngắn được xuất bản, trong đó có những quyển nổi bật như En famille (tạm dịch: Trong gia đình), Rosie Carpe, Tous mes amis (tạm dịch: Tất cả những người bạn của tôi), Autoportrait en vert (tạm dịch: Tự hoạ xanh lục), Mon cœur a l’etroit (tạm dịch: Trái tim trong bọc), Trois femmes puissantes (Ba người phụ nữ can đảm)... Gần đây nhất, cuốn tiểu thuyết Ladivine (phát hành vào năm 2013) cũng đã gây được tiếng vang lớn với công chúng ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm này được dịch sang 7 thứ tiếng và có số lượng phát hành lên đến 50 ngàn bản ở nước Pháp, được đề cử giải thưởng quốc tế Man Booker của Anh (năm 2016) và giải dịch thuật hay nhất của Mĩ (năm 2017). Bên cạnh đó, NDiaye còn là tác giả của những kịch bản sân khấu và truyền hình nổi tiếng như Hilda, Papa doit manger, White Material… Marie NDiaye được xem là một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn đến nền văn học và văn hoá đương đại Pháp. Jordan Stump - dịch giả đã có công chuyển ngữ các tác phẩm của NDiaye sang tiếng Anh - đã gọi cô là “một ngôi sao vĩ đại của nước Pháp” (Cái nhìn về Marie NDiaye: Một cuộc phỏng vấn Jordan Stump). Thế nhưng, ở Việt Nam, độc giả chỉ biết đến NDiaye qua những tin tức thời sự về giải Goncourt năm 2009 và bản dịch quyển Trois femmes puissantes được công bố vào năm 2011 chứ chưa có công trình, bài viết nào nghiên cứu sâu và toàn diện về tác giả này.

 

Giọng nói nữ tính của bi kịch nhập cư

Nhân vật trung tâm trong hầu hết các tác phẩm của Marie NDiaye là nhân vật nữ mang thân phận người nhập cư. Phần lớn văn học di dân thường tập trung vào quá trình di cư của con người từ các nước thứ ba, các nước phát triển muộn, các quốc gia nhược tiểu ở khu vực ngoại vi sang các nước phát triển, các cường quốc đóng vai trò trung tâm thế giới. Tuy nhiên, điều đặc biệt trong tác phẩm của NDiaye là bên cạnh khuynh hướng chủ lưu đó còn bổ sung một cách chi tiết, tinh tế hành trình của những người phụ nữ vốn sinh trưởng ở các nước phát triển nhập cư vào những nước đang phát triển. Chính những trải nghiệm từ vị thế lưỡng trạng của mình (một người da màu có dòng máu Senegal mang những nỗi mặc cảm khi ở giữa châu Âu và một người mang quốc tịch Pháp cảm thấy mình lạc lõng, đứt lìa, hoàn toàn xa lạ khi đứng trong không gian châu Phi) đã giúp cho nhà văn tái hiện sâu sắc thế giới tinh thần nội tại của nhân vật trong các chiều di cư khác nhau. Từ đó, NDiaye xoá đi công thức châu Âu trung tâm, văn minh trung tâm bằng hình tượng con người phương Tây loay hoay khủng hoảng trước đời sống của cộng đồng châu Phi như Norah. Thân phận và bi kịch nhập cư là thân phận chung, bi kịch chung của toàn nhân loại, của từng cá nhân con người khi dịch chuyển từ một không gian này, cộng đồng này sang một không gian khác, cộng đồng khác.

Đi sâu hơn, khi tập trung khai thác người nữ, ngòi bút của nhà văn đã làm bật lên những tầng bi kịch như cây thập giá nặng nề đổ ập lên tấm lưng nữ giới và trì kéo cuộc đời họ xuống vũng lầy không lối thoát với cái nhìn đậm chất nữ quyền. Trong cái ách nhập cư với những trạng thái bi kịch của con người tự thấy mình đơn độc, lạc loài đến vô vọng trước đám đông, người nữ còn mang thêm cái ách thống trị của chế độ gia trưởng. Họ bị nam giới đè nén, đàn áp, bỏ rơi, ngược đãi, khống chế, trở nên lệ thuộc và đánh mất giá trị. Căn cước của người nữ nhạt nhoà, không xác định, từ căn cước sắc tộc, công dân cho đến căn cước bản thể cá nhân. Trong Trois femmes puissantes, tác giả lần lượt khắc hoạ hình tượng người phụ nữ lớn lên với mặc cảm bị người cha bỏ rơi từ thuở thơ ấu khiến cho tuổi thơ cũng như toàn cuộc đời họ trở nên trống rỗng, chênh chao; người phụ nữ bị nam giới huyễn hoặc và lừa dối, phải sống cuộc đời vô vị, vô giá trị trên đất khách quê người; người phụ nữ không may goá chồng sớm, bị gia đình nhà chồng áp bức vì không có khả năng sinh nở và trở thành nạn nhân tình dục trong cuộc vượt biên bất hợp pháp. Nếu Trois femmes puissantes tái hiện người nữ bị nam giới và xã hội phủ định thì Ladivine lại xoáy sâu vào tình trạng tự phủ định mình, phủ định giới mình và cội nguồn của mình ở nữ giới. Nỗi mặc cảm về người mẹ da màu nhập cư nghèo khổ đã khiến Malinka xấu hổ về gốc gác của mình. Cô trang điểm để có màu da trắng, kết hôn với người đàn ông mang quốc tịch Pháp và thay đổi tên họ để trở nên quý tộc, chỉ dám đi thăm người mẹ già yếu trong bí mật. Đó là bi kịch thầm kín, đầy cay đắng và phi lí của các thế hệ đàn bà da màu trên lãnh thổ châu Âu mà họ xem như một lời nguyền truyền kiếp của tổ tông. Từ đó, người nữ kháng cự, chống chọi lại chế độ gia trưởng để tồn tại và tự khẳng định mình.

 

Một lối viết đậm tính pha trộn

Nhạy cảm với thực tại đời sống nhưng ngòi bút của NDiaye không tái hiện đời sống một cách ngồn ngộn trên diện rộng. Trái lại, cô chỉ tập trung vào một tình huống, một bối cảnh nhất định và căng rộng, phóng lớn tâm trạng nhân vật với các cung bậc và sự chuyển biến đa dạng trong bối cảnh đó. Marie NDiaye xây dựng tình huống, cốt truyện mang tính lát cắt, tính dồn nén đặc trưng của truyện ngắn và trạng thái tâm lí nhân vật mang tính chi tiết, tỉ mỉ, đào sâu và bung nở tối đa, kéo dài và chuyển biến liên tục, tạo ra trường độ đặc trưng của tiểu thuyết. Ladivine là trạng thái mặc cảm của bốn thế hệ phụ nữ được thể hiện bằng cách kéo dài từ quá khứ cho đến chuyến đi trong thực tại đến một vùng đất mang dáng hình của quê hương, nguồn cội của họ - xứ sở nhiệt đới nghèo nàn xa xôi. Ở đó, nhân vật đi tìm hành lí bị đánh rơi và nhìn thấy những vật mình không mang theo, nhìn thấy “tuổi trẻ giết người đột ngột trỗi dậy từ cái chết” (Lời giới thiệu tác phẩm Ladivine). Rosie Carpe bộc lộ tâm trạng của nhân vật trong chuyến đi từ Paris đến Guadeloupe để tìm anh trai. Trois femmes puissantes phơi trải nỗi sợ hãi, âu lo, căm phẫn và ghê sợ của Norah trước người cha; cơn phẫn uất tù túng của Rudy Decas khi thấy mình hèn kém trước vợ và những gã đàn ông khác; nỗi buồn tủi, đau thương của cô gái goá Khady trong chuyến di cư phạm pháp. Tiểu thuyết của NDiaye là bản tự sự của cảm giác, nhất là những cảm giác mạnh, căng thẳng, mang tính xung đột cao với hoàn cảnh và tha nhân như sợ hãi, ám ảnh, mặc cảm, lo âu, giận dữ, bế tắc, tuyệt vọng…

NDiaye dẫn dụ và đẩy người đọc vào sâu thế giới ý nghĩ, xúc cảm, suy tư của nhân vật trước thực tại, dừng lại thật lâu ở từng mao mạch cảm giác để lắng nghe và nhìn ngắm trạng thái tâm lí đó. Rồi bỗng dưng, người trần thuật đột ngột chuyển mạch, đẩy cả nhân vật và người đọc vào một tình thế bí ẩn, lấp lửng chứa đựng yếu tố dữ dội, kinh hoàng, ám ảnh, như tiếng vỡ của hộp sọ dưới bánh xe ô tô trong một vụ án không phân định được là mưu sát hay ngộ sát, cái chết của người mẹ kế trong lời tự thú của đứa con trai (Trois femmes puissantes), nhân vật nhìn thấy chính mình trong quá khứ (Ladivine, Rosie Carpe, Une journée de Brulard)...

Có thể hình dung, Marie NDiaye như một làn gió ngoại ô Paris, tinh tế, mềm mại, phong nhã, nhẩn nha nhưng lại tràn đầy những ám tượng về trảng cỏ Tây Phi trên hoang mạc khô vắng, lạnh lùng. Làn gió ấy trôi một cách chậm rãi bằng giọng kể tỉ mẩn, đi sâu vào từng chi tiết của tâm trạng rồi đột ngột lật trở mạnh, tạo ra những cú sốc trước bạo lực, sự tàn nhẫn, nỗi bi thương thảm hại của thân phận người khi chạm phải cái sắc nhọn của ngọn cỏ hoang mạc. Khi đó, cơn gió thốc đến buốt lưng người đọc, buộc người ta phải biết bàng hoàng vì nỗi sợ hãi và đau đớn vượt ngưỡng mà con người đang chịu đựng, nhất là con-người-đàn bà. Xét từ khía cạnh cốt truyện, cấu trúc, văn phong…, tác phẩm của NDiaye chứa đựng sự hoà trộn và kết dính của nhiều yếu tố, tạo thành mạng lưới đan xen phức tạp của các vấn đề chủng tộc, giới tính; của tính hiện thực và tính phi thực, phi lí, huyền thoại có sắc màu kinh dị; của quá khứ và hiện tại; của vô thức và ý thức; của thể loại tiểu thuyết và thể loại truyện ngắn…

Đồng thời, lối viết lách sâu vào dòng ý thức và thế giới nội tâm nhân vật - kiểu tư duy đánh vòng giữa quá khứ và hiện tại cùng văn phong vừa mượt mà, sâu lắng, tinh tế vừa dữ dội, ám ảnh - đã khiến nhiều nhà phê bình liên tưởng những trang văn của Marie NDiaye với của Marcel Proust - nhà văn kinh điển Pháp thế kỉ XX. Hẳn nhiên, Marie NDiaye không phải là phiên bản nữ của Marcel Proust. Mà sự liên tưởng ấy cho thấy một giá trị nghệ thuật đạt đến đỉnh cao hiện diện trên trang văn của cô. Cùng với chữ nghĩa của mình, Marie NDiaye thực sự là người phụ nữ can đảm, thông minh và tinh tế đầu tiên đã đổi màu da cho giải Goncourt và đánh thức các màu da trên địa cầu này nhìn sâu vào nỗi đau nhập cư của những người đàn bà lưu lạc.

H.K.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)