Người viết giai điệu tự hào bằng thơ

Chủ Nhật, 22/08/2021 00:43

. NGUYỄN BÁ THÀNH
 

Nguyễn Đăng Chế sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và yêu văn chương ở Yên Thành, Nghệ An. Ông nội là Nguyễn Thế Mỹ, còn gọi là cụ đồ Mỹ, tham gia phong trào Cần Vương, cũng là người yêu thơ và làm thơ. Cha là Nguyễn Thanh Khầm, tham gia chống Pháp, và là một cán bộ văn hóa kì cựu của Ti Văn hóa Nghệ An trước đây. Người anh cả hi sinh trên chiến trường Tây Nam. Bản thân Nguyễn Đăng Chế là thương binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tác giả của 5 tập thơ, Giải thưởng cuộc thi thơ do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức và Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương - Nghệ An. Các em của ông nhiều người tham gia quân đội, tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Đăng Chế là người không chỉ thừa hưởng mà còn bồi đắp, phát huy truyền thống yêu nước và yêu thơ của đại gia đình Nguyễn Đăng ở quê nhà.

Nguyễn Đăng Chế tự hào về dòng tộc, quê hương, về quá khứ hào hùng và khốc liệt. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mặt trận giao thông những năm chiến tranh ác liệt nhất, tại một địa điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất của máy bay và tàu chiến Mĩ: phà Bến Thủy, Nghệ An. Hành động anh hùng của ông là đã chỉ huy bến phà vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để đảm bảo giao thông thông suốt cho hàng ngàn hàng vạn chuyến xe ra Bắc vào Nam ở cái điểm nút giao thông được coi là trọng điểm nhất ấy. Ông được “truy điệu sống” trước khi cùng đồng đội lái canô cảm tử xông vào rà phá, kích nổ lớp lớp bom mìn nhan nhản dưới lòng sông. Khi đi vào “cõi chết” ấy, Nguyễn Đăng Chế mới 29 tuổi, ở nhà là mẹ già, vợ trẻ và cô con gái đầu lòng mới sinh. Điều quan trọng là nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm nhất đã được ông và đồng đội hoàn thành xuất sắc. Nhà thơ Ngô Đức Hành kể lại trên trang điện tử của Bộ Giao thông - Vận tải ngày 8/8/2018 như sau: “15 giờ ngày 23/11/1972, lễ xuất quân hay còn gọi là lễ “truy điệu sống” người cảm tử được tổ chức. Con phà chở người chỉ huy dũng cảm rà trên sông đến vòng thứ ba thì 2 quả bom từ từ phát nổ, kích thích những quả bom khác cùng phát nổ. Những cột nước dữ dội bùng lên từ lòng sông đã giật tung xích của 2 chiếc canô, hất tung phà lên trời. Con phà chìm dần, Nguyễn Đăng Chế bị sức ép nặng nổi bồng bềnh trên mặt sông.”

Người anh hùng này từng đứng mũi chịu sào theo nghĩa đen, trên cái bến phà ác liệt ấy những năm 1969- 1973. Sau nửa thế kỉ nhìn lại quá khứ một thời, Nguyễn Đăng Chế không khỏi bồi hồi, xúc động. Hình ảnh một ông già gần tuổi 80, đứng trên một cái thành cầu nhìn đăm chiêu về phía chân trời xa, đang hồi tưởng về một thời sông nước, đạn bom với một khuôn mặt từng trải và kiên cường, rắn rỏi nhưng không giấu nổi những nét ngỡ ngàng, đầy tiếc nuối. Đó cũng là hình nền cho một bài thơ tứ tuyệt đầy tâm trạng của ông. Bài thơ cùng với hình ảnh cây cầu và nét chữ viết tay bay bổng của Nguyễn Đăng Chế ở bìa bốn tập thơ Lục bát chiều đã nói lên tính cách, tâm trạng và cả “dáng đứng” của nhà thơ, một thời và mãi mãi: Lầm lũi bao năm vượt sông sâu/ Đạn bom hủy diệt, chẳng cúi đầu/ Chiến công hiển hách còn ghi tạc…/ Cầu đã bắc rồi/ Phà ở đâu? (Nhớ con phà).

Kể từ bài thơ đầu tiên, viết về sự kiện Yuri Alekseyevich Gagarin bay vào vũ trụ, đến nay, Nguyễn Đăng Chế đã trải 60 năm dan díu với thơ. Nhưng phải đến năm 1996, ông mới xuất bản tập thơ đầu tiên - Với người năm xưa. Năm 2020, ông xuất bản tập thơ thứ năm - Lục bát chiều. Có thể nói, cách cảm và cách nghĩ, cái “tư duy nghệ thuật” của ông, cái hồn cốt trong thơ ông là của người con xứ Nghệ: rất yêu quê, rất trọng tình nghĩa, rất tự hào về truyền thống và rất “cổ điển” trong ứng xử đạo và đời. Điều này phần nào lí giải việc Nguyễn Đăng Chế ưu tiên sử dụng thể thơ lục bát. Cũng là một nếp nhà tranh/ Võng gon, khung cửi mà thành ngàn năm. Thơ ông dân dã, gần gũi nhưng luôn vươn đến tầm triết lí. Nếp nhà tranh đã đi vào tâm thức, “vô thức tập thể” của dân tộc, xứ sở. Đặc biệt khi viết Tình người hòa quyện thiên nhiên/ Bốn phương về với một miền đất quê (Nhà Bác ở Kim Liên), Nguyễn Đăng Chế đã nhận ra cái vĩnh cửu, cái thiêng liêng của một vùng đất văn vật, anh hùng.

Có thể nói, tự hào và nhớ thương là hai tâm trạng, hai âm điệu chính trong thơ Nguyễn Đăng Chế. Ông tự hào về quê hương đất nước, nơi mình được sinh ra, dù nghèo đói, khổ đau nhưng đã truyền cho ông sức mạnh, đã biến ông từ một đứa bé chăn trâu cắt cỏ ở nơi thôn cùng xóm vắng thành một người anh hùng thật sự, anh hùng theo nghĩa chính xác nhất của từ này. Tự hào về quê hương không phải vì quê hương giàu đẹp, mà vì đó là mảnh “đất nghèo nuôi những anh hùng”, mảnh đất truyền thống, cha truyền con nối, nơi văn hóa, văn vật của làng quê đã gắn bó với ông từ thời niên thiếu. Nguyễn Đăng Chế tự hào không phải về cái danh hiệu anh hùng mà ông được đón nhận, mà về một thời kì lịch sử của quê hương đất nước đói nghèo nhưng bất khuất, gian khổ nhưng kiên trung. Ông tự hào vì đã được lớn khôn, trưởng thành từ rơm rạ, rau cháo, từ bàn tay gầy guộc của người mẹ tảo tần: Mẹ ơi rơm rạ ngày xưa/ Hương thơm thơm mãi đến giờ vẫn thơm/ Các con nằm giữa ổ rơm/ Không chăn chiếu vẫn lớn khôn thành người (Rơm rạ một thời).

Ở tuổi bát thập, Nguyễn Đăng Chế làm ta ngạc nhiên về tâm thái hồn nhiên và khỏe khoắn của mình. Cái tâm thái “hồi xuân” này có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết có lẽ bắt nguồn từ sự được hồi hương, được trở về sống lại trong căn nhà xưa cũ, cùng với người mẹ già đã trên 100 tuổi của ông. Từ cách đây gần 20 năm, thơ ông thể hiện tâm trạng của người đã hoàn thành các nhiệm vụ xã hội, trở về quê cũ nghỉ ngơi, trở về với bữa cơm dưa cà mẹ nấu: Tôi về tìm lại áo nâu/ Tìm cây rau má mọc sau hồi nhà. Về lại quê nhà là về lại với thiên nhiên, cây cỏ, đất trời quê hương. Trong bài Về với trăng ông viết: Trở về vui với tuổi già/ Biết đâu trẻ lại như là trăng non. Được “trở về”, Nguyễn Đăng Chế như được tiếp nạp thêm năng lượng, cảm hứng sống và viết. Ông đang sở hữu một “tinh thần thép”, thứ thép đã từng được nung trong lửa đạn và tôi trong dòng nước sông Lam một thời bi hùng.

Lục bát chiều là lục bát của một người “từ cõi chết trở về”. Với kho dự trữ các hình ảnh thời chiến hào hùng đang tràn đầy trong tâm tưởng, cộng thêm sự tiếp sức của tình quê sâu nặng, Nguyễn Đăng Chế đã viết tập thơ với nhiều chất sống thực và chất men say. Phải đọc tập thơ bằng tinh thần hồi cố thì mới thấy hết, nghe hết những hình ảnh và âm thanh mà nhà thơ gọi là “tiếng vọng” (Tiếng vọng con đường là tên một tập thơ khác của ông).

Âm vang quá khứ trong Lục bát chiều là sự tiếp nối mạch tư duy thơ trước đó của Nguyễn Đăng Chế. Nó đã xuất hiện ngay từ tập thơ đầu tiên của ông, dưới tên Với người năm xưa. Đến tập thơ thứ hai, ông lấy tên là Dòng sông vô hình. Đó là dòng sông được tạo thành từ nước mắt của hàng triệu người mẹ, người vợ mất con, mất chồng qua hàng ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc: Ôi dòng sông thiêng/ Âm ỉ cháy trong tâm linh sâu thẳm. Quá khứ trong thơ ông có thể coi là một “gánh nợ”, nhờ đó mà, nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, làm cho tình cảm nơi thơ “sâu nặng hơn”. Cái khỏe khoắn, dõng dạc trong thơ Nguyễn Đăng Chế lúc tác giả tuổi xế “chiều” có nguyên nhân từ chính âm vang quá khứ, từ giai điệu tự hào, tự tin của một cuộc đời oanh liệt.

Trong lời giới thiệu Lục bát chiều, tác giả Lê Công Tùng viết: “Người mải miết trở về quá khứ trong tập thơ này là một con người chung thủy. Chung thủy với xưa và sâu nặng cùng hiện tại và tương lai.” Đúng vậy, về phương diện cảm xúc, đây là một tập thơ tình sâu, nghĩa nặng.

Nguyễn Đăng Chế đã đóng góp cho thi đàn Việt Nam hiện đại những tập thơ giàu “tiếng vọng”. Tiếng vọng con đường, tiếng vọng dòng sông, tiếng vọng quá khứ thương đau mà hào hùng... Nhân vật trữ tình trong thơ ông đa số là con người thực, những người thân trong gia đình, những người bạn, người đồng chí đã vật lộn với cái chết và cuộc sống một thời. Thế mạnh, sức thuyết phục của thơ ông là sự chân thực về hình ảnh, sự trong sáng về tình thương yêu và lòng chung thủy.

N.B.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)