Kinh đô Huế trong Cách mạng tháng Tám qua thơ Tố Hữu

Thứ Tư, 01/09/2021 00:15

. NGỌC KHUÊ
 

Sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu có thể xem như bản biên niên sử bằng nghệ thuật ngôn từ về cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam ở thời kì hiện đại. Giá trị nghệ thuật của thi ca có thể thay đổi rất nhanh theo thời gian, khi tính chất của những cộng đồng diễn giải trở nên khác đi, bạn đọc mỗi thời đại cũng có tầm đón nhận khác nhau, song giá trị lịch sử thì bền vững hơn, khó để có thể phủ nhận hay tô hồng. Thơ Tố Hữu gần đây là phép thử cho những cách đọc. Mâu thuẫn giữa những nhận định về thơ Tố Hữu càng cho thấy sự can dự sâu sắc của văn chương với thời cuộc. Không hiếm chủ thể tiếp nhận trước đây ca ngợi hết lời thơ Tố Hữu, nay lại sẵn lòng phê phán hay phủ định khá triệt để. Tuy nhiên, theo tôi, giá trị nghệ thuật là một biến số dao động phụ thuộc vào tính chủ quan của người tiếp nhận. Lịch sử nghệ thuật, xét theo một cách nào đó, chỉ đơn giản là lịch sử của những quan niệm về nghệ thuật. Không thể có một giá trị nghệ thuật bất biến, thống nhất và phổ quát, cho dù đó có là cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng hay cái bi... Với trường hợp thơ Tố Hữu, giá trị lịch sử và giá trị chính trị - xã hội mới là vấn đề cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật, mà trong địa hạt ấy, ông vẫn là lá cờ đầu.

Năm 25 tuổi, Tố Hữu viết bài thơ Huế tháng tám sau khi Nhật đảo chính Pháp trong sự kiện ngày 9/3/1945. Nhìn nhận một cách công bằng, đây không phải là một thi phẩm thật sự nổi bật, có tính bước ngoặt về tư tưởng nghệ thuật của Tố Hữu để có thể so sánh với Từ ấy hay Việt Bắc. Nhưng Huế tháng tám là một bài thơ thật sự có nhiều giá trị lịch sử, phản ánh một trong những thời điểm quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam.

Ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại triệu tập Hội đồng cơ mật Huế ra tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ hoàn toàn những hiệp ước đã từng kí kết với thực dân Pháp. Đây thực chất là hành động chính trị được thực hiện dưới sự đạo diễn của phát xít Nhật - thế lực nắm quyền lực thực tế tại Việt Nam trong thời điểm đó. Ngày 17/3, chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim được thành lập, tạo nên sự phức tạp và nhiều nguy cơ cho một Việt Nam hậu thực dân. Ngày 23/5, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được Đảng Cộng sản Việt Nam triệu tập tại đầm Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc, đây là bước chuẩn bị chính trị quan trọng cho Cách mạng tháng Tám tại Huế. Cuối tháng 6, hai tổ chức Việt Minh tại Huế mang tên Thuận Hóa và Nguyễn Tri Phương được sáp nhập nhằm tập trung lực lượng, chuẩn bị cho khởi nghĩa. Nắm bắt sự kiện phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh, vào ngày 15/8, Ủy ban khởi nghĩa tại Huế nhanh chóng được thành lập do nhà thơ Tố Hữu làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh làm Phó Chủ tịch. Ủy ban chuẩn bị những điều kiện cần thiết, tập trung lực lượng đảng viên và quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, ngăn phát xít Nhật trao lại quyền lực cho Bảo Đại và chính quyền tay sai Trần Trọng Kim. Thơ Tố Hữu là thơ của người chỉ huy phong trào cách mạng tại Huế, do đó có một thẩm quyền đặc biệt và vị trí trung tâm đương nhiên không cần bàn cãi. Tính can dự của thơ Tố Hữu đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung là rất sâu sắc, bởi nhà thơ đóng hai vai: người phản ánh và người được phản ánh. Ngày 23/8 được xem là ngày khởi nghĩa tại Huế. Nhà thơ Tố Hữu đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại, buộc vua phải thoái vị, giao lại quyền lực cho chính quyền cách mạng, cũng như đảm bảo cho tính mạng và tài sản của hoàng tộc. Do đó, bài thơ Huế tháng tám có những đoạn như: Đức Kim thượng đêm nay trong ngọc điện/ Ngự lên lầu, trông lên cao xao xuyến/ Muôn vì sao... lạnh lẽo thấm hoàng bào/ Người rùng mình, tưởng đứng đỉnh cù lao/ Nỗi cô độc giữa gió triều biển động.

Tố Hữu khẳng định cuộc chuyển giao quyền lực của phong kiến triều Nguyễn với chính quyền cách mạng không phải là một cuộc thoán đoạt, lật đổ, mà là tất yếu của lịch sử, bởi nó phù hợp với ý nguyện của nhân dân: Một ngai vàng không thể thắng giang sơn/ Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn/ Máu giải phóng đã sôi lòng nhân loại/ Người phải xuống, đêm nay, đêm chiến bại/ Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son/ Người phải lui, cho Dân tiến, Nước còn/ Dân là chủ, không làm nô lệ nữa.

Xem xét lại diễn ngôn thi ca và diễn ngôn tối hậu thư mà Tố Hữu gửi cho Bảo Đại, chúng ta thấy rõ sự tương thông, thống nhất. Bài thơ, thực chất, là một diễn giải khác về những mục đích chính trị và yêu sách dân chủ của cách mạng. Tố Hữu, do đó, có thẩm quyền nhất trong nền thơ ca cách mạng, không chỉ vì tài năng nghệ thuật mà còn vì ông là người trong cuộc, có điều kiện và năng lực quan sát cận cảnh mọi chi tiết, sự kiện của cách mạng Việt Nam. Chính yếu tố tham dự này tạo cho nhà thơ một thứ quyền lực thi ca. Tố Hữu luôn dùng thơ để phát ngôn chính thức cho các đường lối, chính sách của Đảng. Đọc kĩ đoạn thơ trên, chúng ta thấy lần đầu tiên có một chủ thể trữ tình, một giọng nói quyền lực “dám” ra lệnh, sai khiến thiên tử: Người phải xuống… Người phải lui… Dân là chủ, không làm nô lệ nữa… Chỉ đôi ba câu thơ, với những đại từ và câu mệnh lệnh, nhưng đằng sau là biết bao máu xương hi sinh, đó cũng đồng thời là cuộc biến thiên vĩ đại của lịch sử Việt Nam giữa thế kỉ XX. Tư tưởng dân chủ lần đầu tiên thắng thế trước tư tưởng quân chủ mười mấy thế kỉ tồn tại ở nước ta. Ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đã thay thế ngọn cờ Cần Vương (phong kiến) trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, đưa Việt Nam bước nhanh vào thời hiện đại.

Qua đại từ nhân xưng và hình tượng nhà vua, chúng ta vẫn thấy Tố Hữu dành sự tôn trọng nhất định cho quân vương. Điều này phản ánh khá chính xác mối quan hệ chính trị giữa Tố Hữu và Bảo Đại, đồng thời thể hiện đặc thù văn hóa Huế, người dân Huế vốn tôn phò những vị vua thuộc về một triều đại từng có công mang gươm đi mở cõi.

Cách mạng tháng Tám nổ ra tại kinh đô Huế không chỉ mở đầu cho nền độc lập dân tộc theo hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà còn là kết thúc chính thức thời kì trung đại nhằm đưa Việt Nam vào quỹ đạo của thời kì hiện đại. Mười mấy thế kỉ cầm quyền của chế độ phong kiến cũng chấm dứt từ đó, kéo theo sự đổi thay triệt để, quyết liệt của không chỉ về chính trị, quân sự, ngoại giao mà còn là văn hóa, tư tưởng, văn học nghệ thuật. Mở đầu bằng lối nói khẩu ngữ quen thuộc, giản dị và gần gũi, thi phẩm Huế tháng tám như từng bước đưa bạn đọc vào một cuộc khởi nghĩa cách mạng, từ êm đềm đến xung đột rồi cao trào và chiến thắng: Huế trầm mặc hôm nay sao khác quá/ Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau/ Chân nôn nao như khách đợi mong tàu/ Bước dò bước, không biết sau hay trước.

Huế là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam, là trung tâm của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, vua Bảo Đại đang trị vì đất nước trên danh nghĩa, dẫu thực quyền hay không. Huế vào thời điểm lịch sử ấy là trung tâm duy nhất của một Việt Nam nửa thực dân nửa phong kiến. Những mâu thuẫn ở thành trì phong kiến này là tiêu biểu và cũng căng thẳng nhất. Ngoài triều đình Bảo Đại, chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim cũng lấy Huế làm thành trì. Chưa kể một loạt tổ chức đảng phái thân Nhật cũng hoạt động mạnh mẽ tại Huế như Đại Việt quốc gia liên minh, Đại Việt duy tân, Việt Nam quốc dân đảng, Hội tân Việt Nam, nhóm anh em Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm... Sự thất bại của phong trào Cần Vương trước đó (khởi nghĩa yêu nước dưới ngọn cờ của phong kiến), cũng như những con đường không lối ra của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (cứu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản) càng làm cho Huế trở nên hoang mang trước thời khắc quan trọng của lịch sử: Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước/ Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao/ Mắt sáng ngời, như lửa hay vì sao/ Người hay mộng? Ngoài vào hay trong tới?/ Giáng từ trên hay là vươn từ dưới?/ Huế xôn xao, lo lắng, những đêm mơ.

Bằng một loạt câu hỏi tu từ, Tố Hữu đã mở ra ngã ba đường của tư tưởng và chính trị. Sự băn khoăn, hồi hộp, hoang mang của nhân dân, của nhân sĩ trí thức ở Huế là có thật. Dù không rõ ràng, song ta vẫn nhận thấy hình bóng thấp thoáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Theo một nhà nghiên cứu Huế, ban đầu Bảo Đại không rõ Hồ Chí Minh là ai nên còn băn khoăn trong việc giao lại chính quyền, nhưng khi biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc - người từng có thời niên thiếu ở Huế khi cha làm quan dưới triều Nguyễn, thì vua rất an tâm để bàn giao ấn kiếm.

Đoạn thơ Khát khao hoài, như cô gái mong chờ/ Sau cửa hé, người yêu chưa biết mặt/ Trên Hương giang mênh mang đò lạnh ngắt/ Tiếng đàn im. Ca kĩ nép phương nào/ Trăng thì thầm chi với sóng lao xao có lẽ là đoạn trữ tình nhất trong Huế tháng tám, điển hình cho lối viết “trữ tình cách mạng” của Tố Hữu. Hệ thống hình tượng như sông Hương, ca kĩ, sóng, trăng... cần được hiểu như một hệ thống kí hiệu văn hóa đặc thù trong thơ của nhà thơ này. Không đơn thuần chỉ là những hình tượng bình thường, chúng vừa là biểu tượng văn hóa địa phương (Huế), vừa đại diện đặc trưng cho lối viết, cho phong cách riêng của nhà thơ xứ Huế.

16 giờ ngày 23/8/1945, tại sân vận động Huế, đông đảo quần chúng nhân dân tập trung chỉnh tề dưới rừng cờ cách mạng. Đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa, nhà thơ Tố Hữu đọc diễn văn tuyên bố quyền lực về tay nhân dân. Ngày 30/8, trước Ngọ Môn, vua Bảo Đại mặc triều phục chỉnh tề đọc Chiếu thoái vị, trong đó có những dòng lịch sử: “Hạnh phúc của dân Việt Nam... độc lập của nước Việt Nam… trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị.” Tố Hữu là chứng nhân lịch sử, ở trung tâm của những biến thiên thời cuộc lớn lao đó. Phải ở trong hoàn cảnh bão táp của lịch sử như vậy, chúng ta mới hiểu sâu sắc hơn tiếng reo vui và cảm hứng sử thi của đoạn cuối bài thơ Huế tháng tám - đoạn được xem là hay nhất của bài thơ: Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi/ Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/ Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta/ Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà/ Ai dám cấm ta say, say thần thánh?/ Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời. Những hình tượng thơ hơi “quá khích”, mất kiểm soát, lối nói khẩu ngữ thiếu trau chuốt ở đây (cổ ta ré, ai bịt được mồm ta, ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà…) cho thấy sự động vọng dữ dội của lịch sử đến hồn thơ Tố Hữu.

Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, dùng thơ ca để làm cách mạng. Thơ Tố Hữu đa phần mang tính là một diễn ngôn chính trị, phục vụ chính trị. Trước một hoàn cảnh lịch sử lớn lao như Cách mạng tháng Tám, một nhà chính trị lão luyện được rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh cũng đã không thể kìm giữ được sự hân hoan, hạnh phúc trong lòng mình. Đại từ nhân xưng được sử dụng lúc này là “ta”. Ta là số đông, đại diện cho quần chúng nhân dân, là một cách đối đáp của người cầm quyền đích thực: Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc/ Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/ Việt Nam, Việt Nam! Việt Nam muôn năm!

Từ những âm điệu bâng khuâng, băn khoăn trầm buồn ở đầu thi phẩm, cho đến sự khẳng quyết ở giữa bài, để rồi kết thúc bài thơ lịch sử Huế tháng tám là một tiếng reo vui. Việt Nam muôn năm lúc này là một Việt Nam chiến thắng. Huế tháng tám như vậy xứng đáng là một bài thơ lịch sử, cả lịch sử thi ca cách mạng nói riêng và lịch sử thi ca dân tộc nói chung. Tên gọi bài thơ chỉ gắn với một địa phương (Huế), song địa phương ấy là trung tâm đại diện cho cả Việt Nam giữa thế kỉ XX. Bài thơ cũng chỉ gắn với một thời điểm cụ thể (tháng tám), song ý nghĩa của khoảnh khắc lịch sử ấy là bất tử và vĩnh hằng đối với lịch sử dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam mới thực sự độc lập, nhân dân cần lao mới thực sự là người nắm quyền, nắm vận mệnh đất nước. Một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vừa giải quyết vấn đề dân tộc, vừa giải quyết vấn đề giai cấp triệt để, vừa chống thực dân, vừa chống phát xít và các đảng phái tay sai. Do đó, cho đến nay, Huế tháng tám vẫn là thi phẩm cần phải đọc lại nhiều lần, bởi đó là bài thơ có nhiều ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ của văn chương thuần túy.

N.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)