Hình tượng Bác Hồ qua những ca khúc dành cho thiếu nhi

Thứ Hai, 23/08/2021 00:38

. ĐỖ ANH VŨ

 

Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, đã trở thành niềm cảm hứng bất tận cho nhiều văn nghệ sĩ kể từ năm 1945 đến nay. Chưa thể thống kê hết đã có bao nhiêu bài thơ, áng văn, bức họa, ca khúc… viết về Người. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi muốn điểm xuyết hình ảnh của Người qua những ca khúc Việt Nam dành cho thiếu nhi, được các nhạc sĩ sáng tác chủ yếu từ nửa cuối thế kỉ trước cho đến nay.

Theo quan sát của tôi, đã có nhiều ca khúc viết về Bác Hồ dành cho thiếu nhi, song nổi tiếng hơn cả, được nhiều người yêu thích và cũng được trình diễn nhiều nhất là phải kể tới 10 ca khúc sau đây, xếp theo thứ tự alphabet tên tác giả: Hàn Ngọc Bích với Tre ngà bên lăng BácTiếng chim trong vườn Bác; Phan Huỳnh Điểu với Nhớ ơn Bác; Xuân Giao với Em mơ gặp Bác Hồ; Hoàng Long - Hoàng Lân với Bác Hồ - người cho em tất cả (phỏng thơ Phong Thu) và Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác; Mộng Lân với Buổi sáng trên thành phố Bác Hồ ; Phan Long với Từ Ra-dơ-lip đến Pác Bó; Phong Nhã với Đi ta đi lên (Hành khúc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) và Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng.

Trong 10 ca khúc kể trên, có 9 ca khúc viết theo giọng trưởng, gợi sắc thái trong sáng, khỏe khoắn, lạc quan: Tre ngà bên lăng Bác, Tiếng chim trong vườn BácEm mơ gặp Bác Hồ (rê trưởng); Nhớ ơn Bác (đô trưởng); Bác Hồ - người cho em tất cả, Buổi sáng trên thành phố Bác Hồ Từ Ra-dơ-lip đến Pác Bó (sol trưởng); Từ rừng xanh cháu về thăm lăng BácĐi ta đi lên (fa trưởng). Duy nhất ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng là được viết và kí âm ở giọng rê thứ bởi cảm xúc thương mến mênh mang.

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng là bài hát có nhiều câu khắc họa được hình dáng bên ngoài của Bác - điều mà ở các ca khúc khác không có: Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài/ Bác chúng em nước da nâu vì sương gió/…/ Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Phong Nhã cũng không quên nói về tính cách, phẩm chất, ý chí của vị lãnh tụ vĩ đại, những gì Bác đã làm vì đất nước, vì dân tộc: Bác chúng em thề cương quyết trả thù nhà/…/ Hồ Chí Minh Bác đã bao phen bôn ba nước ngoài vì giống nòi. Tấm lòng yêu quý, kính yêu của các em thiếu nhi với Bác được thể hiện ngay trong những ca từ đầu tiên và xuyên suốt đến những lời ca cuối cùng: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/…/ ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam/…/ ngày ngày chúng cháu ước mong/ mong sao Bác sống muôn đời/ để dìu dắt nhi đồng thành người/ và kiến thiết nước nhà bằng người/ Hồ Chí Minh kính yêu/ chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời/ Hồ Chí Minh kính yêu/ chúng em ước sao Bác Hồ Chí Minh sống muôn năm. Toàn bài hát có 4 lần điệp lại động từ “yêu” và 4 lần điệp lại động từ “kính yêu”, thể hiện tình cảm thiết tha, tôn kính mà tác giả đã nói giùm cho muôn triệu thiếu nhi Việt Nam. Bài hát được nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác trong dịp Trung thu năm 1945, khi lần đầu tiên ông được gặp Bác. Ca khúc ngay lập tức nổi tiếng, được đón nhận nồng nhiệt và được trình diễn trong suốt hơn 70 năm qua.

Trong bài hát thứ hai của Phong Nhã, Đi ta đi lên, hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua niềm tự hào sâu sắc trong lòng mỗi thế hệ thiếu nhi nước Việt: Tay ta nâng cao tấm chân dung Bác Hồ/ trong tim nhen lên những ước mơ rực rỡ/ khăn quàng đỏ tươi là của Bác trao cho mình/ biết bao tự hào Đội Hồ Chí Minh quang vinh. Và như thế, nơi trái tim các em, Bác Hồ kính yêu không bao giờ mất: Bác vẫn còn sống mãi cùng đất nước/ tiếng của Người vẫn ấm cả non sông/ khi chúng ta kết đoàn gắng học hành chăm ngoan/ Bác vẫn luôn tươi cười dắt ta lên đường.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi soạn ca khúc Nhớ ơn Bác đã mượn lại ý ca từ của nhạc sĩ Phong Nhã trong hai câu mở đầu Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/ ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng, rồi ông phát triển tiếp: A có Bác Hồ đời em được ấm no/ chúng em múa ca càng nhớ công ơn Bác Hồ/ hứa với Bác Hồ rằng cháu càng chăm ngoan/ cháu xin kính dâng ngàn đóa hoa lên Bác Hồ.

Hai anh em nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân qua ca khúc Bác Hồ - người cho em tất cả lại có cách dẫn chuyện rất thú vị khi ngợi ca công ơn của Bác. Trong ca khúc phỏng thơ Phong Thu này, đầu tiên các tác giả nói về bình minh cho ánh nắng, chị Hằng cho đêm trăng, cây cho trái cho hoa, sông cho tôm cho cá, anh bộ đội cho lòng dũng cảm, cô giáo cho bài giảng… Và rồi cái kết bất ngờ làm nổi bật công ơn Bác Hồ: Cho em tất cả/ người mang cho em cuộc đời mới/ tươi sáng đầy ước mơ/ người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh.

Nhiều ca khúc khác viết về Bác được cấu tứ ca từ theo một hướng riêng. Đó là tác giả đứng từ góc nhìn, tình cảm của các em thiếu nhi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi thỏa ước nguyện được một lần về thăm lăng Bác: Đi từ bản làng xa xôi chân em bước qua bao núi/…/ hôm nay được về thủ đô thân yêu đến thăm lăng Bác Hồ/ đứng trên quảng trường bát ngát nghe như âm vang lời Bác/…/ em chẳng muốn rời chân đi cũng chẳng nói được điều chi (Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác); Sáng sớm nay cháu đến thăm vườn Bác/ cháu bé Tây Nguyên đến thăm vườn Bác Hồ/…/ Lòng em mơ ước, mong làm cánh chim/ được về đây hát mừng muôn lời ca ngợi Bác của đàn cháu Tây Nguyên (Tiếng chim trong vườn Bác).

Được gặp Bác Hồ là ước mơ của không chỉ các thế hệ thiếu nhi Việt Nam mà còn là của muôn triệu người Việt Nam. Nhạc sĩ Xuân Giao thêm một lần nói giùm chúng ta, nói giùm các em tình cảm đó qua ca khúc nổi tiếng Em mơ gặp Bác Hồ được viết vào năm 1969, ngay sau khi Bác đi xa. Ca khúc gây xúc động mạnh mẽ đối với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam, được cả các em nhỏ đang học lớp mẫu giáo trình bày. Ở nhiều vùng đồng bào thiểu số, ca khúc còn được trình diễn bằng các tiếng Mông, Thái. Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ em thức rồi ngỡ vẫn còn mơ/ em mơ ước hôn đôi má Bác/ vui bên Bác là em múa hát…

Sau 1975, nhạc sĩ Mộng Lân viết về thành phố mang tên Bác với niềm tự hào của một kỉ nguyên mới. Giai điệu trong sáng và bay bổng của bài hát như làm cả không gian cùng bừng dậy, vút cao, nhắc nhở mỗi thế hệ hãy sống, học tập và cống hiến theo tấm gương của Bác: Nắng reo vui và gió hòa theo trên thành phố Bác Hồ/ thành phố của tuổi thơ rộn tiếng hát từ lúc ánh bình minh/…/ hãy xứng với truyền thống của cha anh cùng tiến bước/ hãy xứng với tuổi thơ của thành phố mang tên Bác Hồ.

Nhạc sĩ Phan Long khi viết ca khúc Từ Ra-dơ-lip đến Pác Bó năm 1977 cũng đã tìm được một góc tiếp cận riêng. Ông nhớ về những tháng ngày hoạt động cách mạng ở chiến khu của Bác, lồng vào đó cả những hồi ức, hình ảnh về lãnh tụ Lê-nin ở lều cỏ bên hồ Ra-dơ-lip năm 1917, cũng là năm thành công của Cách mạng tháng Mười Nga: Nơi đây có túp lều cỏ xanh nằm soi bóng nước long lanh mặt gương/ sơn ca hót trên cây bạch dương hồ Ra-dơ-lip in gương trời xa/…/ Nắng Pác Bó sáng bừng căn nhà nhỏ gió réo rắt cung đàn ban mai/ nơi đây Bác viết bài ca cách mạng em vui hát muôn lần mê say. Bài hát của Phan Long đã nhận giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm đó và về sau được bình chọn vào top 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỉ XX.

Có một bài hát thật đặc biệt về Bác Hồ mà tôi muốn dành trình bày ở phần kết của bài viết nhỏ này. Đó là Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, được viết ngay khi đất nước thống nhất hai miền. Đây có lẽ là một trong những ca khúc nổi tiếng và ngắn gọn nhất viết về Bác Hồ, dễ nhớ dễ thuộc với 4 câu ca và phần điệp khúc là 4 lần nhắc lại tên đất nước và tên Bác. Bài hát tuy không chủ đích dành riêng cho các em thiếu nhi, nhưng tôi cho rằng, tất cả các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đều đón nhận và hát ca khúc một cách dễ dàng. Và như thế, bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trở thành tài sản chung cho cả dân tộc, cho mọi lứa tuổi, mọi thế hệ người Việt Nam yêu mến Bác, mỗi khi nhớ về Bác và nhớ về ngày hội thống nhất non sông: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam - Hồ Chí Minh!/ Việt Nam - Hồ Chí Minh!/ Việt Nam - Hồ Chí Minh!/ Việt Nam - Hồ Chí Minh!

Đ.A.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)