“Có một hiện thực trong tôi và đối với tôi: hiện thực mà tôi tạo ra cho mình; một hiện thực trong ngài và đối với ngài: hiện thực mà ngài tạo ra cho mình. Đối với cả tôi và ngài, hai hiện thực ấy không bao giờ giống nhau.”
Trong vở bi kịch Oedipe làm vua nổi tiếng của mình, Sophocles đã để Oedipe dùng đôi mắt trả giá cho việc tìm ra sự thật về thân phận của mình. Cõi mù lòa mà Oedipe nhận lấy chính là kết quả của bài học Con người ta chỉ có thể nhìn rõ bằng trái tim, đôi mắt thường mù lòa trước những điều cốt tử (Hoàng Tử Bé - Antoine de Saint Exupéry). Nhưng có lẽ, không chỉ riêng Oedipe mà trên cuộc đời này, bất kể là ai, đều khao khát tìm kiếm đáp án thật sự của câu hỏi Tôi là ai?, đều chấp nhận trả giá cho việc nhận ra bản ngã đích thực của mình. Và Đi tìm nhân dạng của Luigi Pirandello chính là câu chuyện về hành trình đi tìm sự thật của Vitangelo Moscarda - sự thật về nhân dạng để phát hiện mình và giải phóng cái tôi khỏi những phiên bản buộc phải trở thành.
Luigi Pirandello (1867 - 1936) là nhà văn, nhà viết kịch Ý, đoạt giải Nobel Văn học năm 1934.
Hành trình đi tìm nhân dạng của Vitangelo Moscarda bắt đầu bằng phát hiện của ông về... cái mũi bị vẹo. Một cái mũi đã theo ông, đã là của ông, ở trên thân thể ông suốt hàng chục năm từ khi sinh ra trên đời mà đến giờ ông mới một lần nhìn ra nó bị vẹo. Từ cái mũi hơi vẹo về bên phải đó, Moscarda dần phát hiện ra vô vàn những khuyết điểm, lệch lạc trên cơ thể tưởng như hài hoà, cân xứng của mình - dáng lông mày kì lạ, đôi chân vòng kiềng, ngón tay hơi cong,... Đó là vẻ ngoài của ông, là hình hài bất toàn mà ông đã không nhận thấy suốt bao nhiêu năm dù ngày ngày vẫn soi mình trước gương. Người ta thường nói, những chiếc gương soi không biết nói dối, thế sao ông chưa một lần nhìn ra những đặc điểm lạ kì đó trên cơ thể mình? Rốt cuộc thì, Moscarda đã nhìn thấy hình ảnh mà những chiếc gương trưng ra, hay thứ hiện lên trước mắt ông chỉ là những gì ông muốn thấy ở chính mình?
Thế nhưng, đó chỉ mới là sự nhìn nhận về hình dáng, vẻ ngoài. Vitangel Moscarda thật sự là ai? - câu hỏi đó, không một ai có thể trả lời cho ông. Giống như việc ngoại hình của Moscarda trong mắt mỗi người quanh ông có những khuyết điểm khác nhau, nhân dạng của ông trong ấn tượng của từng người một lại tồn tại theo từng cách riêng. Và Moscarda đã bắt đầu hành trình đi tìm chính mình bằng nhận thức rõ ràng về những định kiến, áp đặt, lẫn kì vọng mà người khác ấn định nơi ông.
Nhận thức về sự tồn tại của Vitangelo Moscarda trong cái nhìn và suy nghĩ của người khác là tiền đề cho ông tìm lại chính mình thật sự - một cái tôi độc lập với toàn bộ những đánh giá và phán xét từ xung quanh. Tuy nhiên, hành trình đi tìm nhân dạng chưa bao giờ là một con đường dễ dàng. Đón chờ Moscarda là những thử thách đầy chông gai, là những cuộc đối đầu gay go, không chỉ với thành kiến của mọi người, với những Moscarda trong mắt kẻ khác mà với chính niềm tin của ông dành cho bản thân. Đó là niềm tin bị đe dọa bởi hiềm nghi: Liệu Moscarda thật sự có đang tồn tại, liệu khi những nhân dạng giả tạm của Moscarda bị phá hỏng thì Moscarda có thể nào xuất hiện? Và hơn hết, sẽ ra sao nếu Moscarda chưa bao giờ có thật, chưa bao giờ là một nhân dạng riêng biệt?
Vậy nên, hành trình đi tìm nhân dạng của Moscarda thực chất là hành trình đấu tranh với những khủng hoảng niềm tin về con người mình. Đó còn là hành trình vượt qua những hoài nghi về bản thân, đương đầu với nỗi sợ hãi bên trong và nuôi dưỡng cái dũng khí để đối diện với mê lộ tâm hồn, học cách lắng nghe và chấp nhận bản thân như mình vốn là. Từ đó, nhân vật của Luigi Pirandello can đảm để phá vỡ rào cản định kiến của người khác về mình, phân huỷ kẻ vốn là tôi với họ và đem lại hơi thở thật sự cho Vitangelo Moscarda.
Không chỉ tái hiện hành trình đi tìm nhân dạng của Vitangelo Moscarda, sáng tác của Luigi Pirandello còn là câu chuyện viết về những ảo mộng và kì vọng bị sụp đổ. Suốt những năm tháng tồn tại đầy mơ hồ của mình, Moscarda chưa một lần nhìn rõ bản thân, bởi lẽ, một hiện thực không được tạo ra cho ta và cũng chẳng tồn tại, mà chính ta phải tạo ra nó, nếu ta muốn tồn tại: nhưng sẽ không bao giờ có một hiện thực đối với tất cả mọi người, một hiện thực vĩnh viễn… Và rằng hiện thực của ngày hôm nay đã được định sẵn là sẽ khiến ta phát hiện ra mộng ảo của ngày mai trong ta. Con người ta đã tồn tại, đã đến và đi trong những hiện thực giả dối, được ngụy tạo bằng vỏ bọc mang tên kì vọng. Ta kì vọng mình thế này và xung quanh kì vọng ta thế kia. Thay vì sống bằng cái tôi đích thực, ta đã tồn tại trong những ràng buộc của phiên bản “mình phải trở thành”. Để rồi, khi hiện thực giả tạm trở nên thất thế trước sự chất vấn của lí trí và tâm hồn ta thì nó lẳng lặng tan vỡ. Đó chính là bi kịch vỡ mộng của đời người. Con người ta xuất hiện và tồn tại trong cuộc đời nhau bằng những ảo mộng, những hình dung chưa bao giờ có thật để rồi rời đi khi những kì vọng tưởng chừng là lí tưởng trở thành một đống tro tàn. Cũng bởi vậy mà, con người ta sau cùng vẫn là những cá thể đơn độc, là những vũ trụ chứa đầy bí mật, khát khao được thấu hiểu, được cảm thông ngay cả khi chưa một lần nhận ra Tôi là ai?
Cuối cùng, Đi tìm nhân dạng còn là bài học về sự cô độc, về giá trị của việc học cách bước đi trên một con đường không có dấu chân người. Cô độc, đó không phải là sự trừng phạt cho những mơ hồ, vô tri của ta về con người thật của mình. Ngược lại, cô độc là một đặc ân, là cơ hội để ta thoát khỏi những khái niệm bị đánh tráo, cởi bỏ những xích xiềng của định kiến và kì vọng. Sự cô độc là khởi nguồn cho những khoảng lặng, nơi tâm trí ta được phép tự do, nơi ta sống trọn vẹn với những tiếng nói bên trong mình và tìm kiếm bản thân. Tương tự như Vintagelo Moscarda khi đã chìm mình trong những lặng thinh cùng ý nghĩ, chúng ta chỉ có thể đi tìm nhân dạng trong sự cô độc tuyệt đối. Và cũng đừng quên rằng, cuộc sống chưa bao giờ có một đích điểm rõ ràng, kết thúc của nó tồn tại trong màn sương mờ còn ta thì phải không ngừng tiến về phía trước, không ngừng soi rọi, tìm kiếm con người thật của chính mình.
NGUYỄN ĐỨC LAM THẢO
VNQD