Hồ Chí Minh và ngôn ngữ liên văn hóa - Văn học dân gian Trung Hoa

Thứ Tư, 25/08/2021 08:33

. HẢI THANH
 

“Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên năm thế là ba giờ của các anh đấy. Đây là thời khắc ban đêm lúc lương tri cất cao tiếng. Lúc các đống mả khạc ra những kẻ nằm bên trong, họ lìa khỏi những tấm liệm he hé mở, để ra ngoài đi dò đi dẫm, cất lên tiếng rú hoan lạc. Lúc đầu óc con người đầy rẫy những bóng hình, mộng mị. Tùng, tùng, tùng! Nhân nó lên ba, thì ấy là con số chín, con số tận cùng trong những con số chẳng thể chia cũng chẳng thể nhân, mà theo vua Phục Hi thì nó biểu hiện sự suy đốn của một sinh linh được coi như cùng tột (dương cửu)”[1].

Đây là một đoạn trích trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc kể về giấc mơ của Khải Định gặp Bà Trưng. Trong bản phiên âm tác giả viết giương cửu bằng tiếng Việt. Tiếng Pháp, âm dđ đọc như nhau nên nếu viết dương cửu thì người Pháp có thể đọc là đương cửu, do vậy viết giương cửu thì gần với âm tiếng Việt hơn. “Dương cửu” là một quẻ trong Kinh dịch biểu hiện mức cao nhất khi người hoặc vật đạt tới, và từ điểm này sẽ tuột xuống dốc. Vua Phục Hi , một ông vua trong thần thoại Trung Quốc cổ, thuỷ tổ của Kinh dịch. Theo Phục Hi, vũ trụ có trời, có đất, người, mặt trăng, mặt trời, ngày đêm, nước lửa, núi sông…nên ông sáng tạo ra “bát quái”, một kiểu chữ đồ hoạ cổ xưa để ghi lại những nhận thức ấy. Trong tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng các biểu tượng của văn hoá Trung Quốc để nói về “số” Khải Định cũng như quẻ Dương cửu kia lên ở mức cao nhất là vua rồi sẽ tuột xuống thân phận thảm hại đớn hèn.

Trong cuốn Đường Cách mệnh (in lần đầu tại Quảng Châu năm 1927), trong mục thứ hai Vì sao phải viết sách này?, mở đầu là những tục ngữ, ngụ ngôn Trung Quốc và Việt Nam:“Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công. Tục ngữ Tàu có câu: "Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức". Sư tử mạnh biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức, huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được.

Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng "nước chảy đá mòn" và "có công mài sắt có ngày nên kim". Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong”[2].

Ý tứ ở đây rất rõ ràng: mọi người phải dùng hết sức mình, quyết chí, đồng tâm hiệp lực vào việc giải phóng gông cùm nô lệ. Riêng hai câu cuối là tác giả nhắc mọi người nhớ lại chuyện ngụ ngôn “Ngu Công dời núi” trong văn học cổ Trung Quốc. Sau này ý nghĩa của câu chuyện được Hồ Chí Minh kín đáo gửi vào một bài thơ tặng thanh niên. Qua cách dùng câu tục ngữ này còn cho thấy tinh thần triệt để và quyết tâm làm bất cứ việc gì dù nhỏ ở nhà cách mạng Nguyến Ái Quốc.

Ngày 15-7-1950, theo Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Đội thanh niên xung phong công tác trung ương đầu tiên được thành lập. Tháng 9-1950, trong một lần đến thăm Liên phân đội thanh niên xung phong 321, Bác Hồ đã tặng mấy câu thơ:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Ngày xưa, bên nước Tàu có câu chuyện Ngu Công dời núi, khi có người hỏi một mình ông thì làm sao xong việc, ông trả lời, đời tôi chưa xong thì đời con tôi, đời con tôi chưa xong thì đến đời cháu tôi. Dân gian coi đấy là bài học về sự quyết chí và kiên trì. Bài thơ của Bác Hồ có mối liên hệ với ý nghĩa câu chuyện trên. Có thể là còn có một ý này nữa: Đấy là ngày xưa, lại là chuyện một cụ già, còn ngày nay là thanh niên thì chuyện "đào núi và lấp biển" cũng "quyết chí ắt làm nên". Bài thơ gián tiếp một sự so sánh, một sự "khích tướng". Hiểu như vậy là vì căn cứ vào hoàn cảnh bài thơ, Liên phân đội thanh niên xung phong 321 đang nhận trọng trách bảo vệ cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn) nằm trên tuyến đường huyết mạch từ thị xã Bắc Cạn đi Cao Bằng, họ phải đào núi làm đường, vá đường, khắc phục sự phá hoại do máy bay địch ném bom và lũ cuốn.

Hai câu đầu của bài thơ lại cũng có nguồn gốc từ một tục ngữ Trung Quốc. Trong cuốn Cần kiệm liêm chính được viết xong khoảng tháng 6/ 1949, trong mục Cần, Bác Hồ đã nhắc tới câu tục ngữ này: “Người Tàu có câu: không có việc gì khó. Chỉ e ta không siêng.

Tục ngữ ta có câu: Nước chảy mãi đá cũng mòn. Kiến tha lâu cũng đầy tổ”[3].

Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên( Hồ Chí Minh) có dẫn một châm ngôn Trung Quốc:“Một câu châm ngôn Trung Quốc nói: “ Một nhà hoạ sỹ vẽ giỏi không bao giờ vẽ nguyên cả một con rồng, mà vẽ con rồng khi ẩn khi hiện giữa những đám mây”.

Chúng tôi không phải là những hoạ sỹ có tài. Chúng tôi không để những đám mây trong tiểu sử của Hồ Chủ tịch, nhưng đến đây thì chúng tôi phải thú thật rằng đã mất mối câu chuyện”[4].

Thực tế thì cả cuốn Những mẩu chuyện … cũng được viết theo nguyên tắc vẽ rồng “khi ẩn khi hiện giữa những đám mây”, nghĩa là tái hiện lại cuộc đời hoạt động của Bác nhưng để hấp dẫn, lôi cuốn người đọc tác giả thỉnh thoảng lại để cho nhân vật “biệt tích”, “mất mối câu chuyện”. Như vậy câu châm ngôn thâm thuý kia không chỉ dành cho hội hoạ mà còn là nguyên tắc miêu tả của văn chương.

Trong bài thơ Trung thu (Nhật ký trong tù) có khổ I:

“Trung thu thu nguyệt viên như kính,

Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân;

Gia lý đoàn viên ngật thu tiết,

Bất vong ngục lý ngật sầu nhân”

Ở miền Giang Nam, đời Nam Tống, khi giặc Mông Nguyên sang xâm lược, dân tình phải chạy loạn, phiêu dạt nay đây mai đó, một bài dân ca nói về tình cảnh này ra đời:

“Nguyệt tử ung ung chiếu cửu châu

Kỷ gia hoan lạc, kỷ gia sầu

Kỷ gia phu phụ đồng la trướng

Kỷ cá phiêu linh tại nguyệt đầu”

Đến thời nước Trung Hoa kháng Nhật, do tương đồng lịch sử nên bài dân ca sống lại, được lan truyền và phổ nhạc. Thời điểm này Bác Hồ đang hoạt động ở Trung Quốc, bài dân ca làm xúc động trái tim nhạy cảm với cảnh nước mất li biệt ấy nên tứ thơ ấy đã đi vào bài Trung thu một cách tự nhiên.

Trong bài Tầm hữu vị ngộ có câu cuối:

Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân

(Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân).

Bài thơ được Hồ Chí Minh viết vào năm 1954 gửi đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam sau khi Người tìm đến thăm mà không gặp. Trong Kinh thi có tích “hoàng hoa” là danh từ chỉ nơi (xa)người đi sứ đến nhậm chức. Chinh phụ ngâm cũng lấy tích này:

Xót người lần lữa ải xa

Xót người nương chốn hoàng hoa dãi dầu.

Như vậy Hồ Chí Minh đã chơi chữ “hoàng hoa” vừa là danh từ chỉ hoa (hoa vàng) vừa là danh từ chỉ nơi chốn (nơi xa xôi). Câu thơ vừa tả cái đẹp của hoa vừa tả cái tình (tâm trạng) của người. Thật rất đúng với hoàn cảnh của Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam đánh Pháp.

Một câu chuyện ngụ ngôn: có anh chàng nông dân vì muốn cho lúa của mình mau tốt bèn kéo cây lúa cao lên, kết quả là lúa chết. Ngụ ngôn này đã phổ biến ở phương Đông từ rất lâu. Trong những lời biện luận của mình Mạnh Tử đã từng sử dụng để chế giễu những người đi ngược lại quy luật biện chứng. Hồ Chí Minh dùng ngụ ngôn ấy vào mục đích giáo dục tính kiên nhẫn, chịu khó, tránh chủ quan, nóng nảy:“- Nóng nảy là việc gì cũng chủ quan, không điều tra nghiên cứu kỹ l­ưng, vội vàng, muốn làm cho mau, làm ẩu. Thiếu kiên nhẫn, thiếu tinh thần chịu khó.

Nh­ư ngư­ời nông dân nọ: muốn lúa mau cao mau tốt bèn nắm lúa nhổ lên!

Làm việc mà nóng nảy, thì nhất định thất bại"[5].

Ngày 30-10-1958 trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ văn hoá, vì đối tượng ít nhiều đã biết về văn hoá Trung Quốc nên Hồ Chí Minh dùng khái niệm trong ngôn ngữ Trung Hoa để mọi người hiểu vấn đề vừa ở cấp độ khái quát, vừa cụ thể: “Cả về mặt chính trị, tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cũng như về các mặt nghiệp vụ, nghệ thuật, kỹ thuật, văn hoá, chúng ta vẫn còn thấp. Cho nên mọi người cần phải ra sức học tập thêm. Nói như tiếng Trung Quốc thì gọi là "trước hồng sau chuyên", mà "hồng" thì phải đến nơi và "chuyên" thì phải đến chốn”[6].

Hai câu trên là cụ thể, câu sau là khái quát. “Trước hồng” là “về mặt chính trị, tư tưởng, tinh thần trách nhiệm”; “sau chuyên" là “về các mặt nghiệp vụ, nghệ thuật, kỹ thuật, văn hoá”. Như vậy "trước hồng sau chuyên" thì ai cũng nhớ.

Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá III), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lấy hai câu tục ngữ làm điểm tựa cho ý kiến “ phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng”:“Việt Nam ta có câu tục ngữ: “Có thực mới vực được đạo”. Trung Quốc cũng có câu tục ngữ “Dân dĩ thực vi thiên” [7].

Nước ta và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hoá, địa lý nên tác giả lấy hai câu tục ngữ có ý nghĩa giống nhau làm cho “điểm tựa” của mình toàn diện hơn, nét chân lý phổ quát rộng rãi hơn.

Với bút danh C.B, trên báo Nhân dân số 188 ngày 25, 27-5-1954 Bác Hồ viết bài báo Tuyên truyền để giáo dục bản lĩnh cán bộ, nhân dân trước mọi dư luận và nhất là cảnh giác trước mưu đồ “tuyên truyền” của kẻ thù. Tác giả mở đầu bằng một câu chuyện ngụ ngôn Trung Quốc: “Anh Tăng, học trò cụ Khổng, là một người rất đạo đức, được mọi người kính yêu. Một hôm, Tăng đi đốn củi, quá trưa mà chưa về. Một người bà con đến nói với mẹ Tăng: "Nghe nói Tăng vừa phạm tội giết người...".

Mẹ Tăng yên lặng nói: “Chắc là họ đồn nhảm. Con tôi hiền lành lắm, chắc nó không bao giờ giết người”.

Lát sau, một người khác lại nói: “Nghe nói Tăng bị bắt rồi...”.

Bà cụ Tăng bắt đầu lo sợ, nhưng vẫn bình tĩnh.

Vài phút sau, một người khác lại nói: “Nghe nói Tăng bị giải lên huyện rồi...”.

Bà cụ Tăng vất cả công việc và chạy cuống cuồng.

Không ai hiền lành bằng anh Tăng. Không ai tin tưởng anh Tăng bằng mẹ anh. Thế mà vì người đồn qua, kẻ đồn lại, dù không đúng sự thật, mẹ Tăng cũng đâm ra lo ngại, hoang mang”[8].

Tác giả bình luận một câu làm nổi bật chủ đề của ngụ ngôn: “Ảnh hưởng tuyên truyền là như thế”. Từ đó có thể rút ra bài học: với người cách mạng chúng ta luôn biết học tập, kế thừa, vận dụng văn hoá nước ngoài vào thực tiễn cách mạng.

Đặc biệt Hồ Chí Minh hay dùng những câu chuyện cổ, những tấm gương trong kho tàng văn hoá Trung Quốc để giáo dục cán bộ nhân dân về đạo đức cách mạng. Đây là bài học cho chúng ta về việc kế thừa những nét đạo lý truyền thống để giáo dục nhân cách con người hôm nay: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt việc xấu”[9].

Bài học tu thân này đã thật quen thuộc với người Việt: có người tự rèn mình bằng cách vào mỗi tối nghĩ lại trong ngày mình đã làm được việc gì tốt thì bỏ hạt đỗ trắng vào một lọ, việc gì chưa tốt thì bỏ hạt đỗ đen vào lọ kia. Cứ ngày nọ sang ngày kia cố gắng sao cho lọ có hạt đỗ trắng đầy lên. Có lẽ thành ngữ Hán Việt “tu nhân tích đức” có xuất xứ từ câu chuyện này? Câu chuyện cổ thật thích hợp với yêu cầu “cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày”.

Bác Hồ nói chuyện về hội hoạ thật thấm thía:“Vẽ rất quan trọng, Bác gần tám mươi tuổi rồi mà Bác còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa. Nhân dân ta rất thích tranh vẽ, nhưng có những bức vẽ không ai hiểu gì cả. Hình như mấy chú vẽ cho mình xem chứ không phải vẽ cho quần chúng…”[10].

Ít nhất có mấy ý nghĩa sau toát ra từ ví dụ này: Một là, “Nhân dân ta rất thích tranh vẽ”, do vậy “Vẽ rất quan trọng” trong việc tuyên truyền giáo dục.Hai là nhắc nhở mọi người về “đạo hiếu”.Ba là những bức vẽ phải chân thực, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ thưởng thức của người xem.

Đầu tháng 6-1968, Bác Hồ làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc xuất bản loại sách Người tốt việc tốt. Người nhắc nhở:“Chú có biết người xưa đã có những cách giáo dục sâu sắc như thế nào không? Chú còn nhớ những chuyện Nhị thập tứ hiếu không?

Bác gần tám mươi tuổi mà vẫn còn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, chú bé Hán Lục Tích... hiếu thảo với cha mẹ như thế nào…”[11].

Đây là bài học cho chúng ta hôm nay về việc “Học tập cách giáo dục của ông cha ta” nhưng phải gắn với hoàn cảnh của thời đại mới. Bác Hồ đã phát triển chữ “hiếu” ở ngày xưa là “chỉ có hiếu với bố mẹ”, còn ngày nay chữ “hiếu”, ngoài nghĩa gốc phải mở rộng thành “trung với nước, hiếu với dân”.

Đầu những năm kháng chiến chống Pháp, Chính phủ phát động phong trào “bình dân học vụ”. Nhiều tấm gương “diệt giặc dốt” cho thấy tính hiệu quả cao của phong trào. Một cụ già có tên là Nguyễn Ban ở Quảng Nam gửi thư cho Bác Hồ, Người vui mừng gửi thư trả lời:“Cụ gửi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ quốc ngữ. Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay.

Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ "lão đương ích tráng". Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà”[12].

Bác Hồ lấy câu chuyện cổ Trung Quốc để động viên cổ vũ những cụ già"lão đương ích tráng", tuổi già mà chí khí lại càng mạnh mẽ. Tấm gương ông Tô Lão Tuyền ngày xưa 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm sống mãi với thời gian, thì cụ Nguyễn Ban đã 77 tuổi, tiếng thơm còn hơn thế, “sẽ truyền khắp cả nước”, xứng đáng là “một tượng trưng phúc đức của nước nhà”. Qua đây còn toát lên một quan niệm về “phúc đức” của Hồ Chí Minh: phải có học, có sức khoẻ, có ý chí, có đạo đức, là tấm gương cho người khác.

Trong bài báo Thực dân Pháp xâm lăng Bidéctơ, mở đầu bài viết, tác giả T.L.(Hồ Chí Minh) mượn một câu tục ngữ A Rập:“Người A Rập có câu tục ngữ: "Một kẻ địch ở trong nhà, muôn phần nguy hiểm hơn là vạn kẻ địch ở ngoài sân".

Bidéctơ là một cửa biển của nước Tuynidi, có 44.700 nhân dân. Trước ngày Tuynidi độc lập (1956), thực dân Pháp đã xây dựng ở đó một căn cứ quân sự kiên cố.

Từ ngày Tuynidi độc lập, căn cứ ấy chẳng những xâm phạm đến chủ quyền của Tuynidi, mà còn uy hiếp cả các nước Bắc Phi”[13].

Vì Tuynidi thuộc văn hoá A Rập nên tác giả lấy ngay câu này làm mở đầu nói về tính chất nguy hiểm của căn cứ Pháp như "Một kẻ địch ở trong nhà” vậy. Ví dụ này cho thấy Bác Hồ dùng chữ rất phù hợp với văn cảnh.

Văn hoá cổ xưa luôn chứa đựng trong đó các bài học giáo dục đã được Bác Hồ vận dụng thật tuyệt vời làm bài học giáo dục cho hôm nay.Trung thu năm 1960, với bút danh T.L, Bác Hồ nói chuyện “mặt trăng” với các cháu:“Theo chuyện đời xưa Trung Quốc thì trên mặt trăng có cô Tiên đẹp, có lâu đài sang:

Trên trăng các chị Hằng Nga,

Ở trong cung điện xa hoa tuyệt vời...”[14].

Những hình tượng chú Cuội, chị Hằng Nga trên mặt trăng đã quen thuộc với sự tưởng tượng của trẻ em Việt Nam được tác giả gợi lại. Tưởng rằng câu chuyện sẽ đi theo hướng “cổ tích” nhưng bất ngờ, trên cái nền “chuyện đời xưa”ấy, tác giả kể câu chuyện khoa học thời nay: Liên Xô dùng tên lửa đặt quốc huy vào mặt trăng. Cùng là “mặt trăng” nhưng người xưa thì quan niệm khác, người nay lại có hành động thực tế. Nói đến cả xưa và nay cũng nhằm mục đích khêu gợi ước mơ, hoài bão chinh phục “mặt trăng” của các cháu, để rồi nhắc các cháu chuyện học hành, lao động… “ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình…”, sau này cũng đặt “quốc huy” Việt nam vào mặt trăng như Liên Xô vậy!

Trong bài viết Bác Hồ với Truyện Kiều của Nguyễn Du của hai tác giả Nguyễn Lộc, Nguyễn Mạnh Bính có đoạn: “Nữ nghệ sỹ Ái Liên đã kể lại ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc của mình khi nghe những câu thơ ứng khẩu của Bác Hồ, trong một lần đoàn chèo của chị diễn vở “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”. Xem xong, Bác lên sân khấu bắt tay từng người, hỏi mọi người có muốn nghe Bác phát biểu ý kiến không. Bác Hồ đi đi lại lại mấy bước rồi cất tiếng đọc:

Một đôi Sơn Bá, Anh Đài,

Chữ tình đáng trọng, chữ tài đáng thương.

Chỉ vì ông già dở dở ương ương,

Bác dừng lại chỉ tay vào chị Hồng Liên, người đóng vai Chúc công, bố của Chúc Anh Đài:

Làm cho đôi lứa uyên ương không thành.

Bác ngừng đọc, đi đi lại lại, rồi Bác cất cao tiếng hơn, một tay Bác giơ lên:

Đánh cho phong kiến tan tành,

Cho bao nhiêu Anh Đài, Sơn Bá sẽ được thành lứa đôi”[15].

Đoạn trích này cho thấy Bác Hồ rất hiểu “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”. Có lẽ cần hiểu truyền thuyết có từ thời nhà Đông Tấn (317-420) này để thấm sâu hơn các câu thơ ứng khẩu của Người:Sau khi cùng học 3 năm, hai người về quê, lúc chia tay Chúc Anh Đài nói sẽ làm mối để Lương Sơn Bá cưới người em gái 16 tuổi của mình. Khi Lương Sơn Bá đến nhà Chúc Anh Đài, chàng mới rõ sự thật. Họ yêu nhau, hẹn nguyền và thề ước, nhưng Chúc Anh Đài đã bị cha mẹ mình hứa gả cho Mã Văn Tài. Đau buồn và thất vọng, Lương Sơn Bá chết tại huyện Ngân khi đang đương chức Qua đây người đọc càng thấy lời bình chí lý của Bác: “Chữ tình đáng trọng, chữ tài đáng thương”.

Bác Hồ dùng văn học vào mục đích tuyên truyền, giáo dục, nhất là thế hệ trẻ phải làm thật tốt nhiệm vụ cách mạng. Có khi Ngư­ời chỉ kể những câu chuyện có trong thực tế để mọi ngư­ời cùng rút ra bài học. Cũng là “lễ cưới” nh­ưng một thì vì nhiệm vụ, một thì xa hoa, lãng phí. Ngư­ời kể mời “bà con” cùng chứng kiến. Đây là câu chuyện số 2: “- Cô Phạm Thị Kim Th., chủ nhiệm cửa hàng hợp tác xã mua bán và cậu Phí Mạnh B, sinh viên đại học Y d­ược, kết duyên Châu Trần. Hai ngư­ời cùng ở xã Đông Lĩnh (Phú Thọ). Lễ cư­ới đó "tiết kiệm" nh­ư sau:...Tạm tính các khoản chi phí với giá rẻ, thì lễ cưới này cũng tốn độ 1.050 đồng. Ngoài ra còn phải 20 người phục vụ cho lễ cưới trong ba ngày…”[16]. Ngoài lời kể khách quan, để cho câu chuyện thêm phần dí dỏm và hư­ớng “bà con” đến nhận định của riêng mình từ hai lễ cưới hoàn toàn t­ương phản nhau, ng­ười kể thêm lời bình luận bằng hai câu ca ở cuối mỗi câu chuyện. Một là đồng tình: Việc công tr­ước, việc tư sau/ Chữ duyên càng đượm, càng sâu chữ tình! Một là phê phán nhẹ nhàng: Cô cán bộ, cậu sinh viên/ Xa hoa lãng phí, không phiền lòng ru?

Đặc biệt Hồ Chí Minh hay dùng những câu chuyện cổ, những tấm gương trong kho tàng văn hoá Trung Quốc để giáo dục cán bộ nhân dân về đạo đức cách mạng. Đây là bài học cho chúng ta về việc kế thừa những nét đạo lý truyền thống để giáo dục nhân cách con người hôm nay: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt việc xấu”[17].

Bài học tu thân này đã thật quen thuộc với người Việt: có người tự rèn mình bằng cách vào mỗi tối nghĩ lại trong ngày mình đã làm được việc gì tốt thì bỏ hạt đỗ trắng vào một lọ, việc gì chưa tốt thì bỏ hạt đỗ đen vào lọ kia. Cứ ngày nọ sang ngày kia cố gắng sao cho lọ có hạt đỗ trắng đầy lên. Có lẽ thành ngữ Hán Việt “tu nhân tích đức” có xuất xứ từ câu chuyện này? Câu chuyện cổ thật thích hợp với yêu cầu “cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày”.

H.T


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 96.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập,tập 2. Sđd, tr 282.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập,tập 6. Sđd, tr 118.

[4]Nxb Văn học, 1970, tr 51.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 342.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11. Sđd, tr 558.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 375.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 490.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 671.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 666.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 673.

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 188.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 179.

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Sđd, tr 698.

[15]Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ…Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 2, tr 140, 141.

[16]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 514.

[17]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 671.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)