. NGUYỄN HỮU QUÝ
Có sự gặp gỡ như một cơ duyên lịch sử hiếm hoi gắn liền với những bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Sự gặp gỡ tạo nên mối quan hệ đặc biệt của những con người thiên tài - lỗi lạc trong kết nối thầy trò, đồng chí và chắc chắn còn hơn thế nữa. Không chỉ dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào mà thế giới vẫn thường nhắc đến những cái tên đó với sự kính trọng bền lâu. Vâng, tôi tin thế, hàng triệu người dân Việt Nam tin thế khi trái tim ngân rung gọi Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp.
Năm 1858, dấu giày viễn chinh của thực dân Pháp đặt lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ nhất. Một thảm trạng lịch sử đặt non sông ta vào vị thế mất nước và nhân dân chịu kiếp nô lệ lầm than. Sau này, nhà thơ cộng sản Tố Hữu đã viết: Thuở nô lệ thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm… Nỗi đau trăm năm ấy là nhức nhối thân phận của chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao mà bây giờ nhắc lại hẳn dân tộc mình còn phải thảng thốt, ngậm ngùi. Dấu vết lịch sử chẳng dễ mờ phai càng không thể mất đi bởi hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc luôn cần những bài học cho hôm nay và mai sau. Bởi, dân tộc này chưa bao giờ chịu cúi đầu trước kẻ thù xâm lược dù nó to lớn đến cỡ nào. Thế mới có phong trào Cần Vương và nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp nối nhau dưới ngọn cờ lãnh đạo của các vị vua và sĩ phu phong kiến yêu nước. Khép lại giai đoạn lịch sử bi tráng này là cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài ba thập kỉ chông chênh với tên tuổi người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Vận nước tưởng sẽ mãi u ám lại được bừng sáng lên với giai đoạn lịch sử mới khi ngọn cờ chống thực dân Pháp xâm lược được những người cộng sản phất cao. Lấy dấu mốc nào đánh dấu cho sự bắt đầu của giai đoạn lịch sử mới này? Câu trả lời có sẵn: Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày mồng 3 tháng 2. Không gì chính xác hơn thế. Nhưng, có lẽ ta phải tính xa hơn, lâu hơn kể từ khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Việt Nam tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng, năm 1911, trở thành dấu mốc về không gian, thời gian của giai đoạn lịch sử mới như chúng ta nói ở trên chăng? Và cũng năm này tại Quảng Bình, vào mùa lũ, một nhân vật lịch sử khác của dân tộc cất tiếng khóc chào đời. Đó là Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của nhân dân sau này.
Ra đi từ đất mẹ lầm than đau khổ. Ra đời từ lòng mẹ lam lũ, nhân từ. Hai con người vĩ đại có chung một năm đáng nhớ. Chênh nhau về tuổi tác không nhỏ nhưng thời cuộc và cả sự huyền nhiệm linh thiêng đã gắn kết Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong những bước đi giông bão của dân tộc. Võ Nguyên Giáp, thầy giáo dạy sử ở Trường Bưởi (Hà Nội), gặp cách mạng cũng là gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Cuộc gặp này cũng là cái duyên lớn rồi nhưng để yêu quý, tin cậy tuyệt đối và trao gửi sứ mệnh cho học trò - đồng chí thì phải gọi là rất đặc biệt. Phải chăng, Hồ Chí Minh thấu cảm sớm và đúng đức độ tài năng Võ Nguyên Giáp? Một trường hợp nhìn người, dùng người mẫu mực đạt độ anh minh và công tâm. Đó chính là hồng phúc của non sông khi mẹ Việt Nam sinh ra những người con lừng danh nhưng rất mực bình dị. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp xứng đáng được gọi là những danh nhân thế giới nhưng trước hết và mãi mãi đó là lãnh tụ và vị tướng của nhân dân. Tài năng phi thường, tâm đức cao đẹp, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp có những tương đồng kì diệu và chẳng phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta từ trẻ đến già đều gọi Bác Hồ, Bác Giáp.
Bác Hồ, Bác Giáp của chúng ta. Đấy là niềm yêu quý và tự hào lớn của số đông người Việt. Tôi nghĩ, cái gạch nối giữa hai thiên tài bình dị này là dân tộc. Đúng vậy, đất nước - nhân dân đã kết nối hai Con Người Lớn. Sự thấu hiểu giữa Bác Hồ và Bác Giáp luôn được đặt vào tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc nhằm mang lại độc lập tự do, hòa bình thống nhất cho non sông, để ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành… Điều đó cũng minh định cho sự tương đồng văn hóa, không chỉ ở hiện thời mà cả tương lai, có cốt lõi xuyên suốt là lòng yêu nước, thương dân. Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh chính là lòng yêu nước, thương dân. Không thể nào khác. Trong ngục tù, Bác từng Một canh, hai canh, lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Ở chiến khu Việt Bắc: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Yêu nước, thương dân tuyệt đỉnh nên Hồ Chí Minh biết đặt đồng chí của mình vào những vị trí chính xác nhất. Biết ai sẽ trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, ai thực sự giỏi giang trong cầm quân đánh giặc hung tàn. Hồ Chí Minh chọn Võ Nguyên Giáp, một thầy giáo mảnh mai đẹp trai phụ trách công tác quân sự của Đảng. Phải chăng Bác nhìn thấy ở Võ Nguyên Giáp những tích lũy, những kế thừa về tài năng quân sự của ông cha từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…? Những người vừa có chữ vừa có tâm, dũng và nhẫn tùy lúc, tùy thời, biết tấn công nhưng cũng biết phòng thủ, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo, không bao giờ hoang phí xương máu binh sĩ… Những người luôn đặt non sông lên hàng đầu, khắc cốt ghi lòng tâm nguyện Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân (Nguyễn Trãi). Võ Nguyên Giáp từng kể: “Chính Bác Hồ đã chọn con đường binh nghiệp cho tôi. Người đã tin tưởng giao cho tôi thành lập quân đội.” Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập như một tất yếu lịch sử. Cán bộ, chiến sĩ ta gọi Đại tướng là Anh Cả. Anh Cả của quân đội cách mạng Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Anh Cả của những tâm hồn chiến sĩ đêm sương đứng gác, đầu súng trăng treo, của những khi khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…, của tháng năm Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu)…
Ta không khỏi xúc động khi biết rằng năm 1945, khi ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi ở lán Nà Lừa (Tuyên Quang), Bác Hồ đã cho gọi Võ Nguyên Giáp đến dặn dò: “…dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.” Khát vọng độc lập tự do dân tộc từ Hồ Chí Minh đã truyền cảm sâu sắc vào đồng chí, đồng bào trong đó có Võ Nguyên Giáp. Khát vọng ấy là tư tưởng, bản lĩnh, tâm hồn nâng tầm trí tuệ để Đại tướng trở thành vị tướng huyền thoại, không qua trường lớp quân sự chính quy nào mà đã chỉ huy thành công, cùng dân tộc làm nên những kì tích vang dội trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đại tướng cũng là người có tầm nhìn xa trông rộng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Chí Minh không chút nhầm lẫn khi đặt lên vai Võ Nguyên Giáp những trọng trách và chính Đại tướng đã không hề phụ lòng tin của Lãnh tụ cũng là Người Thầy vĩ đại của mình. Một minh chứng sinh động nhất, đó là chuyển từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” của Đại tướng ở Điện Biên Phủ. Cánh rừng Mường Phăng chứng kiến những giờ phút căng thẳng nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng. Thay đổi, có nghĩa là làm khác với những gì đã toan tính, bàn soạn, thống nhất, là phải kéo pháo ra sau khi tất cả đã sẵn sàng đợi giờ G phát hỏa. Bao nhiêu rắc rối có thể xảy ra, thậm chí cả hiểu lầm từ đồng chí của mình. Nhưng nghĩ tới lời Bác dặn “chắc thắng mới đánh”, nghĩ tới sinh mệnh của hàng ngàn chiến sĩ và nỗi lòng của hậu phương, Đại tướng quyết định chuyển phương án đánh địch mới. Điện Biên toàn thắng, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng nhưng điều đáng nói hơn là sự tổn thất xương máu được hạn chế đáng kể. Dã tâm muốn biến lòng chảo Mường Thanh thành cối xay thịt, là nơi chôn vùi những đại đoàn chủ lực Việt Minh của giặc Pháp bị phá sản trước chiến thuật mới của ta.
Điện Biên Phủ - Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp trở thành kết nối lịch sử huyền thoại, thiêng liêng. Đó là câu chuyện của ngày hôm qua nhưng cũng là của hôm nay và cả mai sau. Câu chuyện về những vì sao sáng nhất đất nước, lấp lánh huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp không bao giờ mất, chẳng bao giờ mất! Mãi mãi như thế, Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp!
N.H.Q
VNQD