Ngôn ngữ liên văn hóa trong "Nhật ký trong tù"

Thứ Hai, 01/11/2021 14:55

PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
ThS ĐINH THANH HƯƠNG

 

Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng của những khác biệt văn hóa. Trong nghệ thuật, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Hiện nay ở nhiều nước ra đời môn học Phân tích giao tiếp liên văn hoá (Intercultural Communication Analysis gọi tắt là ICA) có ở nhiều chuyên ngành khoa học xã hội. Môn này rất chú tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa, như một “phần mềm tinh thần”(mental software), là những tiêu chuẩn, những điều mong muốn tác động đến sự lựa chọn văn hóa.

Xét theo nghĩa hẹp, liên văn hóa có trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống/hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication). Theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Vì quá nhiều vấn đề như vậy nên liên văn hóa hiện nay chủ yếu hiểu theo quan niệm là sự giao tiếp giữa những nền văn hóa khác nhau.

Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất, một hiện tượng liên văn hóa kết tinh những tinh hoa giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại...Bài viết đi tìm biểu hiện liên văn hóa của ngôn ngữ Nhật ký trong tù với văn hóa Trung Hoa và cũng chỉ xin khoanh vào một vấn đề cụ thể.

Thơ Đường hay có chữ khước, hựu, tài…Chỉ ngay 166 bài thất ngôn tuyệt cú trong Đường thi trích dịch của Trung tâm nghiên cứu quốc học, Đỗ Bằng Đoàn dịch nghĩa và chú giải; Bùi Khánh Đản dịch vần, đã có 11 chữ “khước”:

Khước hận hàm tình yểm thu phiến

(Ngậm ngùi tình cảnh mình, lấy quạt thu che)

Vương Xương Linh – Tây cung thu oán

Hán sứ khước hồi bằng ký ngữ

(Hán sứ trở về nhờ gửi lời (tâu với vua).

Bạch Cư Dị - Chiêu Quân từ

Thảo sắc dao khan cận khước

(Sắc cỏ xa trông đến gần lại không phải)

Hàn Dũ - Sơ xuân tiểu vũ.

Khước hiềm chi phấn ô nhan sắc

(Sợ bôi phấn sáp làm nhơ sắc mặt đẹp)

Trương Hựu - Tập Linh Đài nhị thủ...

Chữ “khước”(卻) có nghĩa là lại, trái lạiđể biểu hiện một sự “tỉnh ngộ” trong quá trình nhận thức của chủ thể trữ tình : theo quy luật nhân quả thì sự vật, hiện tượng sẽ là A, nhưng sự đời oái oăm, trớ trêu, đầy nghịch lý thì không phải vậy (khước) mà lại là B. Chữ “khước” có thể ví như cái bản lề khép mở hai thế giới, hai tâm trạng. Đây là một nét cấu tứ của thơ Đường? Phải vậy chăng mà giới nghiên cứu phê bình Trung Quốc khi bàn về Đường thi hay dùng các thuật ngữ của Thiền học: đốn ngộ, bừng ngộ, tỉnh ngộ, (tức khắc) giác ngộ?! Một mỹ nhân trong Tây cung thu oán của Vương Xương Linh đẹp đến mức hoa phù dung cũng không đẹp bằng, nàng lại sống trong điện Thuỷ toạ mà mỗi khi gió đến mang cả những mùi thơm của châu ngọc. Giàu có, sang trọng và vương giả?! Nhưng (khước) lại không hề có hạnh phúc, nàng ngậm ngùi trong tình cảnh cô đơn cực độ, dưới trăng thu chỉ còn biết lấy quạt thu che để chờ đợi quân vương trong vô vọng.

Cũng là sắc đẹp của giai nhân nhưng trong Đài Tập Linh (nhị thủ) của Trương Hựu lại mang một cái ý mỉa mai kín đáo khác:

“Quắc quốc phu nhân ơn Thánh chúa

Sáng ngày cưỡi ngựa tiến vào cung

Phấn son ngại giảm phần nhan sắc

Kẻ nhạt mày hoa trước Cửu trùng”

Quắc quốc phu nhân là chị ruột Dương Quý Phi, theo sách Thiên Bảo kỷ sựMinh Hoàng tạp lục, là người có da mịn như hoa anh đào ít khi dùng đến phấn sáp. Khi vua Minh Hoàng vào cung Hoa Thanh chị em Quý Phi đều cưỡi ngựa đeo nhạc vàng đi theo sau. Quắc quốc phu nhân khi vào chầu vua cũng chỉ (khước) kẻ qua lông mày chứ không trang điểm theo đúng nghi lễ. Bài thơ toát lên một ý châm biếm thật kín đáo: “Cung môn” là nơi cung cấm, ai qua cũng phải xuống ngựa( trừ vua), thế mà (khước) “Quắc quốc phu nhân ơn Thánh chúa/ Sáng ngày cưỡi ngựa tiến vào cung” cũng chẳng thèm xuống ngựa. Vào chầu vua cũng chẳng trang điểm tề chỉnh theo nghi lễ. Một tiếng cười kín đáo quất vào mặt vua: háo sắc đến quên mọi nghi lễ quốc gia, thiên vị, nhu nhược; quất vào mặt chị em Quý Phi: ỷ thế nhố nhăng làm bậy coi thường kỷ cương; quất vào cả bộ mặt triều đình: đớn hèn, xu nịnh…Một bài thơ nhưng làm cho người ta thấy sự sắp diệt vong của một triều đại.

Giả sử tước bỏ đi chữ “khước” các bài thơ khó có thể bật ra được những ý tứ sâu sắc như thế.

Hồ Chí Minh đã học tập, kế thừa nét cấu tứ này của thơ Đường, xét ở bề mặt hiển ngôn văn bản, trước hết là cách dùng chữ “khước”. Đúng với nghĩa của chữ và văn cảnh dùng chữ mà “khước” chỉ có mặt trong Nhật ký trong tù, ngoài ra chúng tôi chưa tìm được chữ này trong một bài thơ chữ Hán nào của Người:

“Túc Vinh khước sử dư mông nhục”

(Phố tên Túc Vinh mà khiến ta mang nhục) -Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu

“Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng ,

Bình lộ phùng nhân khước bị giam”.

(Núi cao gặp hổ rút cục vẫn không việc gì,

Đường phẳng gặp người lại bị bắt!)

“Trung thành, ngã bản vô tâm cứu,

Khước bị hiềm nghi tố Hán gian”

(Vốn trung thực thành thật, ta không có điều gì thẹn với lòng,

Thế mà bị tình nghi là Hán gian) -Thế lộ nan

“Quang minh khước dĩ diện tiền lai”.

(Nhưng ánh sáng đã bừng lên phía trước mặt)- Tảo

“Yếu nhập nhân ư tội,

Khước giả ý ân cần;”

(Muốn khép người vào tội,

Lại giả bộ ân cần) - Vấn thoại

“Ngã khước kim thiên bị bang giải,”

(Thế mà hôm nay ta bị trói giải đi) -Song thật nhật giải vãng Thiên Bảo

“Nghi dung khước tượng cựu công khanh”.

(Nhưng bộ dạng lại giống vị công khanh ngày trước)-Vãng Nam Ninh

“Mạc như thất khước tự do quyền!”

(Không gì cay đắng bằng mất quyền tự do)- Cảnh binh đảm trư đồng hành

Khước tao đặc chủng đích hoan nghênh”.

(Đến đâu cũng được tiếp đón nhiệt tình;)- Anh phỏng Hoa đoàn

“Giam phòng khước tượng bào dược đường,

(Buồng giam mà lại giống nhà bào chế thuốc) – Thiên Giang ngục...

Chúng ta dễ nhận ra chữ “khước” của Hồ Chí Minh cũng được dùng như chức năng, hiệu quả nghệ thuật của chữ “khước” trong thơ Đường.

Chữ “khước” cũng tạo ra một hình thức mâu thuẫn, tương phản đặc sắc trong Nhật ký.

Phải trải qua bao vất vả khổ sở đói rét nhọc nhằn trong hoàn cảnh “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” kết hợp với tâm trạng lo lắng, băn khoăn trăn trở cho vận mệnh nước nhà nên có lúc Hồ Chí Minh bị ốm:

“Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh

“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than

Ở tù mắc bệnh càng cay đắng

Đáng khóc mà ta cứ hát tràn (Ốm nặng).

Hai câu đầu là nguyên nhân gây ra “ốm nặng”, câu thứ nhất là nguyên nhân khách quan, câu thứ hai là nguyên nhân chủ quan. Câu thứ ba là một hiện thực: ở tù đã là một cay đắng, trong tù mắc bệnh thì càng cay đắng bội phần. Có thể coi ba câu đầu là nguyên nhân để dẫn tới một tình cảnh “đáng khóc”. Nhưng chỉ có người tù vĩ đại Hồ Chí Minh mới tạo nên một mâu thuẫn này: Đáng khóc mà ta cứ hát tràn. Chỉ tiếc là bản dịch không lột tả được âm hưởng phẫn uất, dồn nén dữ dội của ba thanh trắc liền nhau (thống khốc khước) ở bản phiên âm: Bản ưng thống khốckhước cuồng ca. Không phải là một tinh thần lạc quan như có người đã từng nhận định mà là một thái độ phủ nhận hiện thực cay đắng, có tiếng hát nhưng không phải là tiếng hát yêu đời hay hát để cho vui cho quên mà là hát để chế ngự hiện thực, vượt lên hiện thực quá phũ phàng. Tiếng hát đẫm nước mắt!

Gần với nghĩa của chữ “khước” này là các chữ “hựu”(又) có nghĩa “lại”; “tài” (才) có nghĩa là “mới”; “hốt”(忽) có nghĩa “bỗng chợt” được xuất hiện nhiều trong Đường thi. Chỉ riêng chữ “hựu” xét trong 166 bài thất ngôn tuyệt cú trong Đường thi trích dịch:

Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân

(Đương mùa hoa rụng lại gặp ông – Đỗ Phủ - Giang Nam phùng lý quy niên).

Nhất niên hựu quá nhất niên xuân

( Một năm qua, lại hết đi một tuổi trẻ - Thôi Mẫn Đồng - Yến thành Đông Trang).

Tiền độ Lưu Lang kim hựu lai

(Lưu Lang ngày trước nay lại trở về - Lưu Vũ Tích – Tái du Huyền Đô quán).

Hành nhân lâm phát hựu khai phong

(Người đưa thư sắp đi lại mở ra xem- Trương Tịch – Thu tứ)

Hựu đắc phù sinh bán nhật nhàn

(Kiếp phù sinh lại được nhàn rỗi nửa ngày – Lý Thiệp – Đăng sơn).

Nguyệt minh hoa lạc hựu hoàng hôn

(Lúc ấy) trăng sáng, hoa rụng, trời lại mờ tối - Đỗ Mục – Cung oán)...

Thu tứ của Trương Tịch là tâm trạng của một người đang ở Lạc Dương nhớ nhà, nhớ quê ở nơi xa muôn trùng cách trở. Lạc Dương tức thành Lạc Dương(nay là huyện Lạc Dương tỉnh Hà Nam), thời các nhà Chu, Đông Hán, Nguỵ, Tấn, Nguyên Nguỵ đều đóng đô ở đây nhưng đến đời nhà Đường lại đặt Lạc Dương là Đông Đô. Là cố đô của nhiều triều đại nên có rất nhiều thắng cảnh và di tích, lúc này đang độ thu về, Lạc Dương càng mang vẻ trầm mặc cổ kính càng gợi nên ở người lữ thứ nhớ về cố hương. Nhớ mà chỉ biết gửi tình ý vào thư, con chữ thì làm sao nói cho hết được cái tình nên viết mãi mà chưa hết ý đến nỗi người đưa thư sắp đi mà lại còn mở ra xem (Hành nhân lâm phát hựu khai phong). Bài thơ là cái tình, câu chữ thì khép lại, cái tình thì dư ba.

Người cung nữ trong Cung oán (Đỗ Mục) đang ở tuổi khao khát xuân tình, hôm ấy quá hồi hộp theo Giám cung ra ngoài tưởng rằng sẽđược hưởngân vua. Nhưng không phải. Giám cung thu chìa khoá bạc rồi lấy khoá vàng khoá lại. Nàng chết lặng trong nỗi oán sầu. Lúcấy, trăng sáng, hoa rụng, trời lại mờ tối, “Nguyệt minh hoa lạc hựu hoàng hôn”. Nỗi sầu liệu có gửi vàođược nơi trăng sáng, nơi cánh hoa tàn, nơi hoàng hôn? Nàng chỉ còn biết chờđợi trong mòn mỏi thảng thốt “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”.

Đỗ Phủ nóiNgữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời thơ chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên), có thể chứng minh qua cách dùng các chữ “khước”, “hựu”, “tài”, “hốt”…trong Đường thi.

Ngoài chữ “khước” mà chúng tôi chứng minh ở trên, Nhật ký cũng xuất hiện nhiều “hựu”, “tài”, “hốt”…

Tỉnh thì tài giác ngoạ lung trung

(Khi tỉnh dậy mới biết mình vẫn nằm trong ngục - Ngọ).

Ngục trung hốt thính tư hương khúc

(Trong tù bỗng nghe khúc nhạc nhớ quê hương - Nạn hữu xuy địch)

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

Có đi đường mới biết đi đường khó

Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác - Tẩu lộ).

Lộ hựu kỳ khu thậm bất bình

(Đường lại gồ ghề, không chút bằng phẳng - Điệt lạc).

Nhất canh…nhị canh…hựu tam canh

(Một canh..hai canh…lại ba canh - Thuỵ bất trước).

Nghĩa kỳ đáo xứ hựu phiêu dương

( Cờ nghĩa lại tung bay khắp nơi - Việt hữu tao động).

Hựu giải phản Vũ Minh

(Lại giải về Vũ Minh - Giải vãng Vũ Minh)

Nhất sinh chính trực hựu kiên cường

(Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường - Ngục đinh thiết ngã chi sĩ - đích)

Sở dĩ ngã niên tài bán tuế

(Cho nên em vừa được nửa tuổi - Tân Dương ngục trung hài).

Chử phạn chử trà hựu chử thái

(Thổi cơm đun trà lại nấu thức ăn - Ngục trung sinh hoạt)

Hựu tượng nhai thượng mại áng phố

(Lại cũng giống hêt như cửa hàng bán ang ngoài phố -Thiên Giang ngục)

Hựu bị cảnh binh tróc hồi lai

(Lại bị cảnh binh bắt đem về - Tha tưởng đào).

Hiện tại hựu yếu giải phản Liễu

(Nay lại phải giải trở về Liễu Châu - Vô đề)

Hựu cấp linh tiền mãi báo, yên

(Lại cho tiền mua báo, mua thuốc hút - Mông ưu đãi)…

Đã có nhiều người phân tích bài thơ Vãn cảnh để tìm lý tưởng thẩm mỹ của tác giả:

“Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình
Hoa hương thấu nhập lung môn lý
Hướng tại lung nhân tố bất bình”
(Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng
Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình)

Chữ “hựu” đã tạo ra hình thức mâu thuẫn tương phản đặc sắc của thi phẩm, đây cũng là cái bản lề để mở ra thế giới tư tưởng mỹ học của thi nhân. Có tươngphản không gian: trong tù và ngoài tù; tương phản hiện tượng: hoa hồng nở/ hoa hồng rụng. Hai câu đầu là quy luật khách quan hoa nở hoa tàn. Khó hiểu ở hai chữ “vô tình” (như nhiều người đặt ra câu hỏi: ai vô tình). Tạo hóa hay con người nói chung, có thể cả hai nhưng dứt khoát không phải “lung nhân”. Thậm chí “lung nhân” còn là bạn “tri âm”, có vậy “hương hoa” mới “tố bất bình” để chia sẻ, giãi bày. Hoa luôn là biểu trưng cho cái đẹp. Mà cái đẹp luôn là giá trị, cũng không vượt được quy luật sinh diệt khách quan. Thế mà tại sao con người và tạo hóa lại “vô tình”? Một khi con người đã “vô tình” thì rất gần với “vô tâm”! Lời “hương hoa” là lời trách nhẹ nhàng: đừng vô tình với cái đẹp, đừng vô tình trước sự được mất, trước sự khai mở và kết thúc của một sự vật, hiện tượng, hơn nữa là của một giá trị!
Ở hầu hết mọi bài trong Nhật ký chủ thể người tù luôn có xu hướng vươn tới một vị thế khác, vị thế khanh tướng công hầu…quý phái, vương giả, sang trọng. Nhưng ở bài này chủ thể lại trở về vị thế thực “lung nhân” trong “lung lý”. Vì sao vậy? Phải chăng nhà thơ muốn nói tới một quy luật này: khi tiếp nhận sự chia sẻ của tri âm thì con người phải ở vị thế thực để thành thực! Nhưng “hoa hương” (và bạn đọc) thì rất hiểu “lung nhân” chỉ là tên gọi, còn đích thực trong tâm hồn đấy là “thi nhân”, vì chỉ có thi nhân mới hiểu và cảm thông cho cái đẹp. Bài thơ ngắn mà tầng lớp ý nghĩa, nhưng chúng ta dễ đồng ý với những nét nghĩa này: phải biết yêu mến trân trọng cái đẹp; phải thấu hiểu mớithấu cảm cái đẹp, cũng vậy, có thấu hiểu mới thấu cảm được lòng người!

Như vậy cũng có thể mượn câu nói của Đỗ Phủ để chứng minh cho cách dùng chữ của Hồ Chí Minh trong Nhật ký: Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu!

N.T.T
Đ.T.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)