. THU SANG
Là bạn thân một thuở của Van Gogh, họa sĩ Paul Gauguin (1848 - 1903) là danh họa hàng đầu trong trào lưu hậu ấn tượng. Ông có số phận trắc trở không kém gì người bạn nổi tiếng của mình. Gauguin đã phải chịu đựng những sự sỉ nhục, giễu cợt của gia đình người vợ Đan Mạch giàu có vì ước mơ làm họa sĩ của bản thân. Ngoài ra, sự cô đơn dài kì, bệnh tật đeo bám và chứng trầm cảm nghiêm trọng khiến ông tự sát để tìm sự giải thoát. Cuộc đời trắc trở là vậy nhưng bù lại di sản nghệ thuật mà Paul Gauguin để lại thật đồ sộ như sinh thời có lần chính ông từng khẳng định: “Tôi là một nghệ sĩ vĩ đại, và tôi biết thế.”
Chân dung họa sĩ Paul Gauguin
Khi Gauguin lên một tuổi, gia đình rời Pháp để đến sống với người họ hàng ở Lima, thủ đô của Peru. Lima đã mê hoặc người họa sĩ tài năng bởi những lễ hội nhộn nhịp cùng với cư dân đa sắc tộc. Người nghệ sĩ yêu phong cảnh nhiệt đới nơi đây. Ông bị hớp hồn bởi thảm thực vật xanh tươi, những bông hoa nhiều màu ngào ngạt hương thơm, biển xanh lung linh nắng vàng cùng ngọn núi bao quanh thành phố. Đó là khởi điểm, nguồn gốc để sau này khi quay về Pháp sinh sống ở tuổi mười bảy, Gauguin quyết định sinh sống lâu dài ở vùng biển phía Nam, nơi có cảnh sắc và khí hậu khá gần gũi với Peru.
Nói về tranh Paul Gauguin, ấn tượng đầu tiên phải kể đến là những sắc màu rực rỡ và con người khỏe mạnh vùng nhiệt đới trong đó. Người nghệ sĩ đã tìm ra vẻ đẹp của những mảng màu và những phụ nữ to mập, khoẻ khoắn về thể xác, tinh thần ở xứ sở nhiệt đới thần tiên. Theo đuổi con đường của chủ nghĩa ấn tượng, Paul Gauguin muốn tự mình vẽ lại cuộc sống quanh mình, thay vì chỉ là bản sao tẻ nhạt của các bậc thầy cựu truyền. Họa sĩ hứng thú với cảnh tượng cuộc sống hiện tại. Ông đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải vẽ ra cho bằng được cái ấn tượng đọng lại trên võng mạc bởi những sắc màu của thế giới. Tuân thủ theo quy trình vẽ của phái ấn tượng, quan sát kĩ cách ánh sáng tự nhiên chiếu vào đối tượng, ghi nhận những bóng màu trên nhân vật, Gauguin vẽ bóng không phải màu đen mà có màu khác, tùy theo tính chất của ánh sáng quanh nó. Người họa sĩ cho rằng ánh sáng tự nhiên hơi có màu vàng vì nó đến từ mặt trời, do đó bóng phải phảng phất sắc lam, vì xanh lam là màu bổ túc của màu vàng, nằm đối diện màu vàng trên vòng màu.
Sau những tranh cãi nảy lửa về quan điểm nghệ thuật với Van Gogh, bị gia đình giàu có bên vợ gạt bỏ, xích mích phần lớn với những người bạn đồng môn, hết tiền và nóng nảy, cuộc đời Paul Gauguin là chuỗi ngày lang thang, lênh đênh hết vùng đất nọ đến quần đảo kia. Suốt quãng thời gian đó, những tác phẩm nghệ thuật vẫn lần lượt được ra đời. Hai người tắm vẽ lại cảnh thiên nhiên nguyên thủy với hai người phụ nữ đang tắm tại địa điểm bơi lội bên bờ biển Brittany như một biểu tượng cho sự hòa hợp giữa nhân sinh và thiên nhiên. Bức Phong cảnh Martinique dùng nhiều màu sắc và ánh sáng về một thiên đường nơi hạ giới với những người phụ nữ Âu, Hoa hay Phi. Trong bức tranh này, Gauguin đã phóng đại các màu sắc của tự nhiên như màu đỏ rực của lối mòn đất, màu xanh thẫm của cỏ nhằm biểu trưng cho khí hậu ấm nóng và sự phì nhiêu của hòn đảo.
Bức tranh “Joyfulness” mô tả phụ nữ Tahiti của Paul Gauguin
Cuộc đời và sự nghiệp của Paul Gauguin bước sang một trang mới khi ông chuyển đến Tahiti, một hòn đảo nhiệt đới. Hành trình kéo dài hai tháng trời ròng rã từ Marserlles đến Tahiti được ông miêu tả cụ thể chi tiết trong nhật kí. Có lẽ sự phấn khích khi được đắm mình trong bức tranh thiên nhiên nguyên thủy của hòn đảo đã thúc đẩy năng lượng sáng tạo của ông lên mức cao nhất. Tại Tahiti, ông vẽ những bức tranh đẹp nhất đời mình, chung sống với cô gái trẻ vừa mới đến tuổi dậy thì. Nơi đây, Paul Gauguin mới được chính là Paul Gauguin với tất cả bản ngã của một họa sĩ thiên tài. Ông hào hứng mô tả nét đẹp hoang dã, sự nồng nàn say đắm của người Tahiti. Trong tác phẩm Kính mừng mẹ Maria được sáng tác năm 1891, Gauguin đã vẽ Tahiti như một thiên đường. Thiên nhiên tuyệt đẹp với hình ảnh bầu trời phương Nam màu xanh lam rực rỡ, thảm cỏ xanh ngát đua mọc; cuộc sống sung túc đủ đầy với xoài, chuối, bánh mì chất đống ở tiền cảnh. Trung tâm của bức tranh tạo ấn tượng mạnh bởi người phụ nữ da đen mặc chiếc váy màu đỏ pareo - loại trang phục truyền thống của phụ nữ Polynesia - trên vai kiệu em bé, cách đó không xa là hai người phụ nữ khác đang cùng đi. Họ hiện lên với dáng vẻ rắn rỏi, chắc khỏe tự nhiên của người dân đảo, một nét đẹp khác lạ so với vẻ đẹp cổ điển của châu Âu. Bức tranh không đơn thuần vẽ cảnh thư nhàn nơi hoang đảo mà ẩn sau đó là hàng loạt ẩn ý của Paul Gauguin. Có nhà phê bình mĩ thuật cho rằng người phụ nữ và đứa trẻ trong tranh phảng phất bóng hình của Maria và Chúa Jesus mang nét đẹp thuần khiết của Kinh thánh, biểu thị sự tiếc nuối, hoài niệm của ông về một sự thuần khiết đã mất của châu Âu.
Không chỉ phong cảnh, Paul Gauguin còn mê đắm phụ nữ Tahiti. Ông cho rằng người Tahiti có cảm quan thẩm mĩ “bản năng” mà nhiều người châu Âu đã đánh mất. Paul Gaugin đã chung sống nhiều năm trời gắn liền với Teha’amana - một cô gái khoảng 14 tuổi, người mẫu chính trong nhiều tác phẩm của ông sau này. Ông bị hút hồn bởi ánh mắt đen huyền bí, bản tính ít nói của cô. Ở bức tranh Linh hồn người chết đang nhìn được sáng tác năm 1892, Paul Gaugin đã lấy Teha’amana làm nguyên mẫu chính. Bức tranh được khởi thảo sau một lần ông trở về nhà trong bóng tối, khi mở cửa, ông thấy người tình nằm ngủ trên giường. Vẻ đẹp của người đẹp ngủ... trên giường khiến ông run lên vì xúc động như lời tâm sự sau này: “Chưa bao giờ tôi thấy em đẹp như vậy, đẹp đến run người…” Ông vội vã đi lấy giá, bút để ghi lại khoảnh khắc vĩnh cửu của vẻ đẹp ấy. Bức tranh tạc một người phụ nữ với cơ thể trẻ trung, da đen khỏa thân nằm sấp, chiếm ngự chễm chệ nơi tâm điểm bức tranh. Để nắm bắt khoảnh khắc run rẩy của người tình đang sợ hãi khi ông mở cửa, người họa sĩ đã sử dụng toàn bộ gam màu tối để gợi tả sự vừa u sầu vừa đáng sợ.
Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta là gì? Chúng ta sẽ đi đâu? là bức tranh khổng lồ dài gần bốn mét nổi tiếng nhất của Paul Gauguin. Nó vốn là một chúc thư của họa sĩ sau khi ông cố tự sát không thành. Điều đáng nói là ông hoàn thành bức tranh này chưa đầy một tháng với toàn bộ năng lượng của bản thân. Ông vẽ như thể lên đồng, như thể muốn trút hết sinh mệnh của mình vào từng nhát cọ. Bức tranh khám phá sự bí ẩn của kiếp nhân sinh. Bối cảnh là phong cảnh vùng Tahiti. Hơi trái với quy luật của thấu thị, bên phải bức tranh là đứa trẻ sơ sinh tượng trưng cho khởi đầu sự sống, còn bên trái lại là một bà già tay đang ôm đầu biểu hiện kết thúc sự sống. Giữa hai thái cực này, lần lượt là những hình ảnh cặp nhị nguyên cấu thành nên sự hiện sinh của con người. Nhân vật trung tâm bức tranh là người mẫu gần như khỏa thân không rõ nam hay nữ đang đứng vươn tay lên hái trái táo trên đầu. Phải chăng họa sĩ muốn nói về sự ngây thơ, vô tư của người bản xứ nơi Tahiti theo nghĩa bản năng? Trái ngược với sự hoang dại đó, những nhân vật nữ đằng sau trông thoảng nét suy tư, bắt đầu có lối nghĩ ngợi về nguồn gốc tồn tại của mình. Ở đây ta thấy yếu tố tâm linh xuất hiện khi Gauguin vẽ bức tượng thần với hai tay đưa lên tượng trưng cho sự huyền bí và niềm tin về thế giới khác. Có lẽ người họa sĩ tài hoa tin rằng cả hai thế giới đều tồn tại ở Tahiti, và chúng đều rất quan trọng đối với ông.
Paul Gauguin có lẽ từng muốn mình được quên lãng, nhưng sau khi chết, danh tiếng của ông lớn mạnh nhanh chóng. Hai họa sĩ nổi tiếng Henri Matisse và Pablo Picasso đều choáng ngợp trước sức mạnh tiềm ẩn của Gauguin và từ đó vị thế một trong những họa sĩ hiện đại vĩ đại nhất của ông đã được đảm bảo. Giờ đây mỗi khi nhắc đến vị họa sĩ tài hoa mà bạc mệnh, lịch sử mĩ thuật thế giới sẽ nhắc đến Paul Gauguin như người tiên phong mở đường cho nhiều trào lưu hội hoạ hiện đại, là một trong những đại diện nổi tiếng nhất của nền hội họa châu Âu, là một trong ba gương mặt quan trọng nhất của trào lưu hậu ấn tượng cùng với Paul Cezanne và Vincent van Gogh.
T.S
VNQD