Bác Hồ và một bài học về ứng đối sắc sảo nhưng gần gũi đời thường!

Thứ Sáu, 12/11/2021 08:45

. CAO THANH NGUYÊN
 

Những vĩ nhân thường có một sự ứng đối sắc sảo trí tuệ nhưng lại có vốn sống đời thường cực kỳ phong phú, giản dị, mộc mạc, gần gũi. Hình như đây là một cặp phạm trù nhân quả, nguyên nhân là nhờ giàu có vốn sống mà trong mọi tình huống bật toát ra những ứng đối cực kỳ thông minh. Bác Hồ là một trường hợp tiêu biểu, là bài học để chúng ta suy ngẫm, học tập.

Đây là một câu hỏi "móc máy" của một phóng viên nước ngoài:

“Hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?

Trả lời: Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basque), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”[1].

Câu trả lời lại là câu hỏi đặt ngược lại vấn đề của câu hỏi, đồng thời đưa ra một bằng chứng hiển nhiên: người Brơtôn không nói tiếng Pháp nhưng cũng là người Pháp thì hà cớ gì người Nam Kỳ nói tiếng Việt lại không phải là người Việt Nam. ở đây còn nổi lên một quan niệm khoa học về khái niệm dân tộc, dân tộc trước hết là phải có chung tiếng nói.

“Hỏi: Nếu Chủ tịch cần phải quốc hữu hóa thì sẽ quốc hữu hóa những doanh nghiệp nào?

Trả lời: Những doanh nghiệp nào dùng vào việc chế tạo bom nguyên tử”[2].

Sự thật là, thời đó (1946) và cho tận hôm nay chúng ta chưa hề có bom nguyên tử, câu trả lời tưởng đi thẳng vào vấn đề nhưng thực chất lại là một sự tố cáo đế quốc Mỹ, vì năm 1945 Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản làm hàng nghìn dân vô tội chết oan, hàng vạn người nhiễm độc. Với bản chất nhân đạo, vì hạnh phúc của dân, Chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ đi theo, làm theo Chính phủ Mỹ. Thế cho nên phải hiểu rộng ra câu trả lời là nếu Việt Nam "quốc hữu hóa" thì cũng chỉ là việc làm có lợi cho dân Việt Nam.

Trong một bức thư trả lời một phụ nữ Pháp có con đi lính ở Việt Nam, Bác Hồ cũng dùng cách phản đề, một phản đề hết sức có lý, lại có tình, không chỉ trả lời một người mà là tuyên ngôn của cả một cuộc kháng chiến chính nghĩa với thế giới: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì chúng tôi đã đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt Tổ quốc chúng tôi không?”[3].

Có thể coi đây như một mẫu mực về cách lập luận phản đề thấu lý đạt tình, rất mực chân thành, tình cảm nhưng cũng rất mực sắc sảo, trí tuệ.

Người phản biện đòi hỏi vốn hiểu biết rộng, ứng đối sắc sảo, nhanh nhẹn, thông minh, dí dỏm. Bác Hồ là một người tiêu biểu. Ngày 26/12/1945 trả lời các nhà báo:

“Hỏi: Sao bây giờ lại chỉ có 10 bộ?

Trả lời: Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ.

Hỏi: Tại sao có 70 ghế đặc cách trong Quốc hội?

Trả lời: Vì anh em Quốc dân Đảng không ra ứng cử.

Hỏi: …Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?

Trả lời: Vì tôi không muốn làm như vua Lu-i thập tứ”[4]. Vua Lu-i thập tứ (Louis XIV, 1638-1715, Hoàng đế nước Pháp 1643 - 1715) mệnh danh là Vua Mặt trời nổi tiếng chuyên quyền độc đoán. Nước ta vừa giành được độc lập sau hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, câu trả lời hướng về người Pháp: cha ông các người đã từng độc đoán chuyên quyền, còn tôi - Hồ Chí Minh thì không thế, tất cả mọi việc làm đều vì quyền lợi của nhân dân.

Ngày 14-9-1946 Đô đốc Đácgiăngliơ tiếp Bác trên chiến hạm Pháp. Chúng xếp Bác ngồi giữa đô đốc thuỷ quân Thái Bình Dương và thống soái lục quân Viễn Đông. Đácgiăngliơ nói xỏ xiên: Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine (Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục quân và hải quân). Bác trả lời:- Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, c’est le tableau qui fait la valeur du cadre! (Nhưng mà đô đốc biết đấy, chính bức hoạ mới đem lại giá trị cho chiếc khung)[5].Lời nói của Đácgiăngliơ là một ngụ ngôn, ý nói Chủ tịch (có thể hiểu rộng ra là Việt Minh) bị bao vây bởi lục quân và hải quân Pháp. Bác Hồ liền dùng ngay một ngụ ngôn khác để đập lại ngụ ngôn có ý xỏ xiên này, ý nói: chính chúng tôi “mới đem lại giá trị” cho lục quân và hải quân (Pháp).

Năm 1949, trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ: “Chủ tịch thân Mỹ hay chống Mỹ?”. Người đáp ngay: “Tôi chỉ thân Việt”[6]. Đây là câu hỏi khó. Nếu trả lời là “thân Mỹ” thì vừa không đúng với thực tế, vừa “mất lòng” các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời gây hiểu lầm về mục đích cách mạng trong nội bộ nhân dân ta, “thân” thì rõ ràng không nhưng cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ (năm 1945 có một số sỹ quan Mỹ đã giúp ta). Nếu trả lời “chống Mỹ” thì cũng không đúng vì lúc này ta đang chống Pháp, rất cần có chính sách phân hóa kẻ thù. Đây là ví dụ tiêu biểu cho cách ứng đối của các nhà lãnh đạo nước ta với báo chí nước ngoài. Tương tự với dẫn chứng trên, đồng chí Phạm Văn Đồng kể có nhà báo ngoại quốc có lần hỏi Hồ Chủ tịch thuộc đảng phái nào. Người đáp luôn: “Đảng của tôi là Đảng Việt Nam”[7].

Có thể có rất nhiều những ví dụ tiêu biểu hơn, nhưng thế cũng đã thấy một bài học từ tinh thần phản biện của Bác Hồ: Phải có một tâm huyết, một tình yêu tha thiết với nước với dân, một trách nhiệm sâu nặng với cộng đồng, phải có một vốn học vấn, một tầm trí tuệ, một cách ứng xử linh hoạt. Phản biện không phải là nói ngược lại vấn đề mà là xem xét vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, có khi ngược hẳn lại với quan niệm thông thường, để phân tích tìm ra phương án phù hợp nhất. Mỗi cá nhân cũng cần thiết phải có sự phản biện đối với chính mình, nói như Bác Hồ, phải có tinh thần tự phê bình, mà chính Người là một tấm gương. Ngày 28-1-1946, Bác Hồ viết bài báo Tự phê bình phê bình trước quốc dân những điều Chính phủ đã làm và chưa làm được. Bài báo với những lời lẽ hết sức chân thành, cầu thị: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ”[8].

Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc các loại hình nghệ thuật, là vì thời gian ở Pháp, “Ông cố gắng học hỏi để hiểu biết các vấn đề. Ông tham gia Hội “Nghệ thuật và khoa học” và Hội “Những người bạn của nghệ thuật”. Những hội này mỗi tuần tổ chức những cuộc đi thăm viện bảo tàng, nhà máy, phòng thí nghiệm, xưởng nghệ thuật, nhà hát, vân vân... Có những nhà chuyên môn giải thích các vấn đề ấy”[9].

“Một vị Chủ tịch đã trăm lần thay đổi tên, làm mười hai nghề khác nhau, bị tù nhiều lần, một lần bị kết án tử hình, một lần có tin là chết - nhân dân chờ đợi được thấy, không những là vị Chủ tịch đầu tiên của nước cộng hòa mới, mà còn là một vị Chủ tịch khác thường”[10]. Hồ Chí Minh tự nhận mình “là một vị Chủ tịch khác thường”, theo chúng tôi, rất đúng, mà đúng nhất là nhìn từ phương diện nghệ sỹ, một vị Chủ tịch có phong cách nghệ sỹ, phẩm chất, tư chất nghệ sỹ.

Hồ Chí Minh là một vị Chủ tịch Nước nhưng cũng là một người bình thường “đội mũ vải đã ngả màu vàng vì mưa gió, đi một đôi dép cao su, mặc một bộ quần áo ka-ki”[11]. Đồng chí Vũ Anh trong hồi ký Những ngày sống gần Bác kể: “Bác hòa mình rất nhanh với mọi người trong mọi hoàn cảnh… Họ hỏi Bác biết làm nghề gì? Bác bảo biết nhiều nghề từ khuân vác cho đến nghề thầy cúng”[12]. Nhưng hòa nhập mà vẫn rõ nét riêng, phong cách riêng, không lẫn được. Đồng chí Tống Minh Phong kể “Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần ba tháng. Suốt ba tháng ấy, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất nền nếp, đều dặn. Chúng tôi bảo nhau có thể cứ xem lúc nào Bác làm gì là biết mấy giờ, không cần phải xem đồng hồ”[13].

Năm 1953, tại Việt Bắc, Bác đến thăm một xưởng cưa. Thấy một cặp vụng về, Bác nói: “Các chú phải một chân giữ cây, một chân đè lên thân cây hai bên cho nó hở mạch thì cưa mới nhanh được”. Nhìn sang cặp khác, Bác nói: “Mấy chú này chắc chưa quen cầm cưa. Cây này dài, đè chân lên mạch càng ngậm chặt. Các chú phải kê đỡ dưới mạch hoặc một người nâng mạch cưa lên”[14]. Thì lúc ấy Hồ Chí Minh là một người thợ xẻ.

Đầu năm 1929, từ U đon, Nguyễn Ái Quốc đến Sacôn (Thái Lan). Tại đây Người viết nhiều vở kịch về đề tài lịch sử, bày cho bà con cách diễn kịch và đôi khi cũng tham gia diễn. Anh tranh thủ học nghề thuốc tại hiệu thuốc của Đặng Văn Cáp. Thỉnh thoảng, cùng với một số cán bộ anh cũng khăn gói tay đẫy đi buôn để gây quỹ cho tổ chức[15]. Thì lúc này Hồ Chí Minh là một nghệ sỹ, một đạo diễn, một thầy thuốc, và là cả một nhà buôn.

Chỉ có thực sự sống bằng thực tế, qua kinh nghiệm mới đúc rút được bài học lội qua suối như thế này: “Sang đến bờ bên kia, Bác dừng lại bảo: “- Các chú chưa có kinh nghiệm. Khi nào chỉ có bèo, bọt trôi về là nước mới bắt đầu to; khi có cả cây, cành trôi theo nữa là nước đã to hơn. Các chú không tranh thủ sang sông ngay thì lát nữa sẽ không sang được”[16]. Phải là người sống ở rừng, cùng với rừng, và thấu hiểu phong tục mới có thể nghĩ ra cách đón Tết độc đáo như thế này. Tết Kỷ Sửu 1949 ở Sơn Dương, Tuyên Quang, một cuộc họp đang bàn về Tết. Bác hỏi: “- Thế đã bàn mục pháo chưa?”. “- Dạ! Chưa ạ!”. Một số anh em bàn tán xôn xao về chuyện lấy pháo ở đâu. Thấy vậy, đồng chí Hồ Tùng Mậu liền xin ý kiến Bác:

“- Thưa Bác, rừng núi như thế này thì kiếm đâu ra pháo…?”.

Bác cười, chỉ tay ra rừng nứa:

“- Pháo ở rừng đấy, tha hồ!”

Anh em có mặt cùng à lên và hiểu rằng, đốt lửa thì nứa nổ, đấy là pháo, thứ pháo thực vật có sẵn ngoài thiên nhiên, gần gũi con người. Sau đó, Bác còn “đạo diễn” nhiều hình thức vui tết nữa…”[17].

Phải kinh qua nghề nấu bếp mới nói được đúng nhất về nghề nấu bếp. Năm 1955, Bác về Kiến An chống lụt. Bác ăn cơm cùng mọi người. Bác kể chuyện hồi xưa Bác làm phụ bếp thế nào nên biết nấu nướng, Bác nói nghề nấu ăn ai biết nấu kể là biết ngay, còn ai chỉ nghe hoặc nhìn thì không thể biết được người khác, vì kỹ thuật nấu ăn quan trọng là chỗ này- Bác chỉ vào mắt và tai… Khi tự mình nấu thì mình ăn ngon hơn…”[18].

Bác là hiện thân hình ảnh một lão nông chăm chỉ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1963, về thăm một xã ngoại thành Hà Nội, Bác ra đồng. Mấy đồng chí cán bộ mời Bác đến những ruộng khô sát đường đi. Bác kiên quyết không xuống những ruộng đó. Người bỏ dép, xắn quần cao quá gối, lội xuống, bước về phía những thửa ruộng ngoài xa mà bà con đang gặt... Bác đưa tay nâng những bông lúa chín vàng hỏi chuyện bà con về cách chọn giống, cách bón phân, tưới nước...[19]. Và đây là hình ảnh một ông cụ già miền núi, rất miền núi: “Ông cụ bóc được vỏ củ sắn nào lại đưa Bác. Bác hơ cho khô đi, rồi mới vùi xuống tro nóng để nướng.

Nhìn Bác hơ củ sắn khô mà vẫn trắng, và khi vùi tro, sắn chín vàng rất đều, còn chúng tôi hơ củ nào cứ bị dính bụi củ ấy. Ông cụ cười bảo: “- Các đồng chí phải học cái ké bộ đội vớ! Trông cầm củ sắn là biết ngay người có ở núi hay không đấy”[20]. Và đây nữa, là hình ảnh của một Việt kiều xa quê tần tảo lam lũ, vượt qua cái khó khăn nơi đất khách quê người để kiếm sống. Ở Thái Lan, “cũng như mọi người, Thầu Chín gánh đôi thùng có nắp đựng quần áo, đồ dùng, một ống treo (thịt băm rang muối mặn) và 10 kg gạo. Lúc ngồi nghỉ, anh em thấy chân Thầu Chín đỏ bầm, rớm máu thì tỏ ra ái ngại. Nhưng Thầu Chín thản nhiên cười, nói: “Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên” (Trong thiên hạ không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng người không kiên cường). Mấy ngày sau ông Chín theo kịp mọi người, miệng còn ngâm KiềuChinh phụ ngâm[21].

Thế nên học và làm theo Bác là việc làm thường ngày của bất cứ ai!

C.T.N


[1]. Trả lời các nhà báo ngày 12-7-1946 tại biệt thự Roayan Môngxô – Sđd, tập 4. Sđd, tr 315.

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 316.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 347.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập4. Sđd, tr 416.

[5]. Bác Hồ với tiếng nước ngoài. NXb Tổng hợp Sông Bé, 1990, tr 26.

[6]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 389

[7]. PGS.TS Đinh Xuân Dũng - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Nxb Giáo dục, 2008, tr 42.

[8]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 192, 193.

[9]. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Sđd, tr 48.

[10]. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Sđd, tr 139.

[11]. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr 142.

[12]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. Tr10.

[13]. Đỗ Hoàng Linh (biên soạn) - Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Ba Đình. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009. tr 197.

[14]. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sđd, tr 218.

[15]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập1. Sđd, tr 406.

[16]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 536.

[17]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 505.

[18]. Phan Tuyết-Bích Diệp (sưu tầm, tuyển chọn)- Những chuyện kể về đức tính chuyên cần của Bác Hồ. Nxb Lao Động, 2008, tr 66.

[19]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.tr 148.

[20]. Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Bó. Nxb Lao động Xã hội, 2007tr 192.

[21]. Nhiều tác giả - Những chuyện vui và cảm động về Hồ Chủ tịch . Nxb Công an Nhân dân, 2000.tr 76.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)