Vẻ đẹp của thư pháp Thích Nhất Hạnh

Thứ Hai, 22/11/2021 00:19

. NGẪU THƯ
 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đánh giá là nhân vật lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn (thứ hai sau Đạt Lai Lạt Ma) trên thế giới. Không chỉ là một thiền sư với tư tưởng Phật giáo dấn thân nhằm tìm kiếm sự an trú cho con người và sự hòa bình, hòa hợp, bình an cho xã hội, cộng đồng, Thích Nhất Hạnh còn là một nhà văn, một nhà nghiên cứu (bút danh Nguyễn Lang) có nhiều đóng góp và là một thư pháp gia tài danh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 cho tên sách, bài hát và báo in. Ngài từng chia sẻ: “Trong thư pháp của tôi có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về thực hành chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết…”; “Viết thư pháp là một cách thực hành thiền định.” Bản thân ngài là một nhà tu hành, với rất nhiều quan điểm và phương pháp hướng dẫn đệ tử cũng như đại chúng thực tập nếp sống tỉnh thức, an trú, chánh niệm và lòng biết ơn cuộc sống. Phật tử vẫn thân thương gọi ngài là sư ông.

Các bức thư pháp của sư ông Thích Nhất Hạnh cũng như tiếng chuông làng Mai đã trở thành phương tiện để nhắc nhở mỗi người trong hành trình sống quay trở về với giây phút hiện tại, mỗi khi tâm lao xao. Nội dung của các bức thư pháp được coi là các thiền ngữ: dung dị, dễ nhớ, dễ thuộc, nhưng rất sâu sắc. Bởi đó chính là những điều mà ngài luôn thực tập và chia sẻ: “Hiện tại tuyệt vời.” “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương.” “Thần thông là đi trên mặt đất.” Nhiều tác phẩm của Thích Nhất Hạnh được viết trong vòng tròn, bởi sư ông tâm niệm rằng: “Khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra. Trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta).”

Đó là vòng tròn zen, vòng tròn en-so. Tôi đã xem nhiều tác phẩm vòng tròn en-so của Nhật Bản. Rất đẹp. Nhiều nghệ sĩ Tây phương cũng thực hiện en-so bằng những cây bút cực lớn. Rất ấn tượng. Thích Nhất Hạnh thường không viết những bức quá lớn. Các tác phẩm của sư ông thường có khổ giấy vừa phải, hợp lí treo trong các không gian thiền, không gian sống và sinh hoạt đời thường theo nếp sống tỉnh thức. Các vòng tròn trong thư pháp của ngài cũng vậy, không cố gắng tạo ấn tượng thị giác mạnh. Vòng tròn ấy dịu dàng như hơi thở vào - thở ra, ôm ấp, chở che. Các bức thư pháp được viết trên giấy dó, hầu như đều không bồi, thường để tự nhiên mà đóng khung hoặc dán lên tường. Điều này đưa đến sự giản dị, mộc, và gần gũi. (Tuy nhiên, nghĩ về lâu dài, việc bồi sẽ duy trì sự ổn định bền bỉ cho tuổi thọ của tác phẩm.) Độ dai, và khả năng thấm của giấy dó rất tốt. Khi viết, từng hạt mực nhỏ thấm sâu và quyện vào thớ giấy mộc mạc, tạo nên chiều sâu của nét bút. Đặc biệt khi hòa mực với trà, đường nét ấy còn có độ đậm nhạt hài hòa rất sinh động và dịu dàng. Giấy dó mộc mạc chính bởi bộ giấy được giã, chứ không xay nhuyễn, nên nhiều sợi giấy vẫn còn. Mỗi mảnh giấy đều có nét riêng do những sợi giấy sắp xếp ngẫu nhiên tạo ra. Bốn mép giấy (không dùng dao kéo để cắt) vẫn giữ được các sợi giấy rất tự nhiên. Khi thả tờ giấy lên một khổ giấy bo cứng, màu trắng hoặc nâu, các viền giấy được tôn lên những nét đẹp giản dị, hồn nhiên.

Thư pháp, theo định nghĩa căn bản nhất, là kĩ thuật, phương pháp viết chữ. Truyền thống thư pháp Á Đông có cội nguồn từ Trung Hoa, phát triển qua rất nhiều thời kì, rất nhiều trường phái, quan điểm, nhà thư pháp. Mỗi giai đoạn, mỗi thư pháp gia lại có những đặc trưng về mặt phong cách, kĩ thuật tạo nên một nền tảng lí luận. Thư pháp Trung Hoa lan tỏa và được tiếp biến bởi các nước trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở mỗi quốc gia tiếp nhận, thư pháp lại phát triển theo những con đường với những đặc trưng riêng. Bên cạnh viết thư pháp chữ Hán, thì cũng viết thư pháp bằng ngôn ngữ của nước mình. Ở Việt Nam, có thư pháp chữ Hán, thư pháp chữ Nôm và thư pháp chữ Quốc ngữ - Latinh. Hệ thống kĩ pháp trong thư pháp rất phong phú, tạo nên vẻ đẹp đa dạng của con chữ. Người thưởng lãm nghệ thuật thư pháp có thể thông qua việc sử dụng kĩ thuật mà phân biệt phong cách của các nhà thư pháp. Bản thân tôi vẫn quan niệm rằng, chữ “pháp” trong khái niệm thư pháp không đơn thuần là kĩ thuật. Càng không đơn giản là những kĩ thuật được phô diễn. Vẻ “Đẹp” của thư pháp phải là chữ Đẹp - viết hoa, là cái đẹp mĩ học. Tức, nó không chỉ đẹp về hình thức, mà còn đẹp về nội dung. Nội dung con chữ, nội tâm người viết, và mục tiêu cao cả người viết muốn truyền tải qua việc viết. Vẻ đẹp hình thức và nội dung phải là mối tương liên, hỗ trợ nhau. Nghĩa là, mỗi một trường nội dung, hoặc một cốt cách cần có một hình thức biểu hiện phù hợp. “Pháp” ở đây, ngoài kĩ thuật là pháp tướng ra, thì còn là tâm pháp, pháp môn, là những biểu hiện bên trong của chữ, của tình, của ý, của đạo.

Tôi vui mừng khi được biết đến thư pháp của ngài Thích Nhất Hạnh. Kĩ thuật trong thư pháp của sư ông thật đơn giản! Không cần đến những “khởi, thu, đề, đốn, chuyển, chiết, trung phong, trắc phong, phương, viên, lộ, tàng”. Nét bút tự nhiên như nụ cười, hơi thở. Thư pháp Quốc ngữ là sự kết hợp của vẻ đẹp thư pháp phương Đông và vẻ đẹp con chữ Latinh. Vẻ đẹp phương Đông chính là những giá trị về mặt nét, tức là những đa dạng phong phú do cây bút lông tạo ra. Mở rộng hơn, thì nó còn là vẻ đẹp của tâm hồn, tư tưởng, triết học phương Đông. Vẻ đẹp con chữ Latinh chính là những cấu trúc về đường đi của các kí tự. Học tập thư pháp nên hiểu và thực hành với những cấu trúc cơ bản này, trước khi muốn biến tấu. Cấu trúc kí tự Latinh trong thư pháp Thích Nhất Hạnh không cần đến sự biến tấu bay bổng, hoa mĩ, phá cách. Nó đơn thuần, giản dị như những đường bút của việc viết tự nhiên, hàng ngày. Tôi nghĩ, không còn gì thích hợp hơn, khi những quan điểm nghệ thuật, đường nét trong ngòi bút của ngài và ý nghĩa của các câu từ ngài thực tập đã hòa quyện với nhau. Ngài gọi việc ấy là “chế tác năng lượng bình an”.

Thầy Pháp Nguyện nói rằng: “Theo thời gian, đường nét thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh có sự chuyển hóa rõ rệt, thong dong và tự tại hơn. Sư ông quan niệm, giữa cuộc đời vốn quá phức tạp, ông viết thư pháp sao cho người xem có thể nhìn vào hiểu ngay, không phải cố đoán mò chữ gì.” Tâm hồn ấy, phong cách ấy đã chọn đúng hình thức biểu hiện. Nói “chọn” cho dễ hình dung, thực ra cũng không cần bóc tách. Có lẽ, hình thức và nội hàm trong thư pháp Thích Nhất Hạnh đã đồng sinh. Một nội dung được gửi gắm, một hình thức biểu hiện phù hợp. Về mặt truyền tải thông điệp, đó là sự thành công. Nhìn đã thấy bình an, đọc càng thấy bình tâm. Ngắm đã thấy trụ và bay, cảm càng thấy vững chãi và thảnh thơi. Hành trình của đường nét là hành trình của những bước chân tỉnh thức bước đi trong khu vườn thiền: an trú và thảnh thơi.

Các bức thư pháp thiền của sư ông Thích Nhất Hạnh đã được triển lãm ở Bắc Mĩ, châu Âu và châu Á. Những tác phẩm nghệ thuật bằng mực hùng hồn này đã ghi lại những hiểu biết sâu sắc, hòa bình và lòng trắc ẩn dịu dàng. Trong những ngày tháng ba, tháng tư vừa qua, triển lãm “Hương thơm quê mẹ”, trưng bày 80 tác phẩm thư pháp cùng hơn 145 đầu sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, được tổ chức tại Nhà sách Hải An (thành phố Hồ Chí Minh) và tại Đại học Mĩ thuật Việt Nam (Hà Nội). Ông Yeung Chun-Tong, Giám đốc Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật Đại học Hồng Kông từng nói về thư pháp của sư ông rằng: “Mục đích của nghệ thuật là làm phong phú cuộc sống của chúng ta. Thích Nhất Hạnh là một nghệ sĩ làm sạch trái tim và tâm hồn của chúng ta.”

Đúng ra thì “mưa rơi không cần phiên dịch” (thơ Trần Dần), nhưng ở trên, tôi mạn phép “tạm dịch” đôi nét về thư pháp của sư ông Thích Nhất Hạnh, hi vọng gợi mở thêm, góp ích cho những cảm nhận, cũng như quá trình viết của những người bạn yêu chữ. Điều quan trọng hơn hết, từ những bức thư pháp ấy, chúng ta cảm nhận được nguồn năng lượng giữ cho tâm mình bình an và kiên trì chánh niệm, thiện lương.

N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)