. NGUYỄN MINH ĐỨC
Thời thơ ấu Nguyễn Sinh Cung theo học cử nhân Vương Thúc Quý là người hoạt động bí mật trong phong trào chống Pháp. Cha của thầy là nhà nho Vương Thúc Mẫn đã nhảy xuống ao tự vẫn để khỏi bị giặc Pháp bắt. Thầy Quý dạy trò những chữ khai tâm: học là để vì nước vì dân. Như là hệ quả của một tình yêu thương lớn mà cậu Cung sớm có một tâm hồn nhạy cảm với nỗi đau của con người. Câu chuyện chia chữ cho thấy cậu bé Côn (Cung), ngay từ nhỏ đã sớm có ý thức chia sẻ nỗi đau với anh em bè bạn: “Năm 1895 ông Nguyễn Sinh Sắc đưa vợ và hai con vào Huế. Ông Sắc vừa học vừa mở trường dạy học. Năm lên bảy tuổi Côn đã học sách Luận ngữ…Gần nhà cậu có bé Xển bị tàn tật. Côn đến tận nhà Xển để “chia chữ”[1]. Sau này có dịp kể về thời ấu thơ không hạnh phúc, Người ngậm ngùi tâm sự: “Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quần áo mới để mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em trèo trẹo bên hông đi xin sữa cho em sau ngày mẹ qua đời...”[2]. Ấn tượng tuổi thơ góp phần quyết định cho sự hình thành tính cách, nhân cách con người sau này. Từ trường hợp Hồ Chí Minh cũng cho thấy rõ thêm về điều này. Cậu bé Công lên mười tuổi thì mẹ mất, lại mất trong trường hợp đặc biệt, cha thì đưa con trai cả (cậu Khiêm) về Thanh Hóa làm thi. Đúng là bi kịch chồng lên bi kịch: mẹ chết trong lúc vắng cha, em thì còn đang thời ẵm ngửa lại ốm yếu. Mẹ chết mà không được khóc vì nhà cậu thuê đang ở trong Thành Nội (Huế), mà theo quy định của triều đình thì không được phát tang ở đó. Bà con xóm phố thật tốt đã đưa mẹ cậu đi chôn, rồi cưu mang hai anh em, lớn thì 10 tuổi còn đứa út, mới mấy tháng đang kỳ khát sữa. Chắc người mẹ ấy chết cũng không yên lòng, còn cậu bé Cung thì gặp một chấn thương tinh thần cực lớn sẽ đi suốt cuộc đời. Cho nên sau này Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với những người dân nghèo tốt bụng, nhất là với người phụ nữ và trẻ em. Điều này lí giải trong trước tác của Hồ Chí Minh, nhất là trong thơ văn, vốn là tiếng nói của tình cảm, thì hai hình tượng này hiện lên thật cảm động và sinh động.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa là bạn, vừa là đồng chí được sống, làm việc với Bác Hồ một thời gian dài nói về điểm đặc biệt nhất ở Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người. Ở Hồ Chí Minh có một niềm tin yêu, kính trọng con người vô hạn. Một thái độ cực kỳ chân thành, hết sức tinh tế trong ứng xử. Cái điều đã thúc giục chàng trai Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước chính là tình yêu con người. Tình yêu ấy đi suốt cuộc đời Người, thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Ngay từ năm 1914, khi làm phụ bếp anh Thành thường dọn những đồ ăn thừa vào một chỗ. Thấy vậy ông đầu bếp Ét-cốp-phi-e hỏi: “Tại sao anh không đem những thức ăn này đổ vào thùng như những người khác?”. Anh Thành điềm tĩnh trả lời: “Không nên đem vứt những thứ này đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”[3].
Bác dành tình thương yêu đặc biệt cho phụ nữ. Một tình yêu thương rất mực chân thành, chu đáo. Ai cũng xúc động trước tình cảm này của Người. Năm Bác Tôn gái 78 tuổi thì bị ốm nặng. Tự tay Bác Hồ cầm đến một niêu cá trê kho tiêu: “- Chị! Chị ăn đi, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy!”. Bác Tôn gái thích ăn cá trê. Đau ốm chỉ ăn cá trê”[4]. Đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Năm 1968 tôi vô cùng cảm động nhận được món quà quý của Bác: chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Bác gửi lược cho cả hai cháu Châu và Quyên nữa. Chiếc lược đơn sơ mà sáng đẹp làm sao”[5].
Đối với văn nghệ sỹ Bác dành một tình yêu thương riêng của mình, cách của một trái tim nghệ sỹ đến với tấm lòng nghệ sỹ. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nhớ lại năm 1946 được gặp Bác để báo cáo về tình hình báo chí. Theo tình cảm thông thường nhà văn nói suy nghĩ của mình là “tờ báo viết kém sẽ đình bản ngay”. Thật không ngờ Bác nói: “Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ!”[6]. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng cho thấy một tâm hồn yêu thương vĩ đại biết bao!
Nghệ sỹ Hoàng Châu Ký kể, cuối 1955 một số nghệ sỹ được mời lên biểu diễn phục vụ khách nước ngoài. Sau khi khách về hết, các diễn viên mới thu dọn hậu trường. Bỗng Bác xuất hiện, nói: “Lúc nãy Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại, sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu”[7]. Đấy là điều “áy náy” chỉ có ở những bậc đại nhân!
Các anh chị em nghệ sĩ xiếc còn nhớ mãi kỷ niệm một lần biểu diễn ở Hội trường Ba Đình, Bác vào tận hậu đài sân khấu, thăm hỏi, động viên mọi người. Đột nhiên, Bác quay sang hỏi đồng chí phụ trách tổ chức đêm diễn hôm đó: “Chú đã chuẩn bị bồi dưỡng cho các cháu sau buổi diễn chưa?”. “Thưa Bác, chúng cháu đã chuẩn bị ạ!”. “Thế chú định bồi dưỡng cho các cháu món gì?”. “Dạ thưa Bác, bánh mì patê và nước chanh ạ!”. Nghe vậy, Bác tỏ vẻ không vui, Bác nói: “Xiếc là môn lao động nghệ thuật rất nặng nhọc, nếu là chú sau khi làm việc mệt nhọc, chú có muốn ăn bánh mì không? Bác đề nghị chú cho các cháu ăn món ăn có nước...”[8]. Nghệ sỹ ưu tú Tú Lệ nhớ một lần kể cho Bác nghe những buổi diễn dưới tầm pháo địch hoặc dưới những trận mưa rào, nhưng khán giả vẫn ngồi xem rất đông. Tưởng được khen, nhưng Bác nghiêm giọng nói: “Làm như vậy không tốt, không đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho nhân dân cũng như cho diễn viên...”[9].
Nghệ sỹ Tuyết Nhung, diễn viên cải lương khắc sâu kỷ niệm một lần được Bác đỡ dậy khi ngã trong lúc biểu diễn thời trẻ. Đó là khóa cải lương đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu biểu diễn màn cải lương “Trần Quốc Toản ra quân”. Diễn viên Tuyết Nhung đóng vai Quốc Toản chẳng may trượt chân bị ngã, “bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng nói đầm ấm của Bác, giản dị, yêu thương, trìu mến làm sao: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”. Tôi bàng hoàng mở mắt ra, mà ngỡ mình đang trong giấc chiêm bao: Bác đã đến bên tôi lúc nào không biết. Nhanh như tia sáng, nhẹ như làn gió ấm, Bác đỡ tôi lên, độ lượng, hiền từ. Vừa nói, vừa cười, vòng tay Người dang rộng: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”[10].
Nay-hơ-vin, dân tộc Giơ-rai, diễn viên hát, tự hào về món quà mỗi người của đoàn văn công Tây Nguyên một chiếc áo dạ rất đẹp. Nhưng nhớ nhất là lời dặn của Người: “Các cháu mặc ngay áo bông vào không thì bị sưng phổi đấy!”. Khi đoàn mới trình diễn được nửa chương trình thì Bác lại bảo nghỉ. Bác nói: “Diễn như vậy là đủ, các cháu mới ra tập kết chưa quen chịu lạnh, nếu làm nữa sẽ ốm đấy!”[11].
Bác chăm sóc các nghệ sỹ thể hiện ở cả những hành vi nhỏ nhất. Phạm Văn Khoa, đạo diễn điện ảnh nhớ về “Hôm đến làm việc với Bác, một cử chỉ rất thân mật của Bác làm tôi xúc động, nước mắt cứ trào ra. Bác để tay lên vai tôi, và một tay Bác cài chiếc khuy cổ áo sơ-mi cho tôi”[12]. Từ những chi tiết này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Bác hay tặng quà, dù nhỏ cho mọi người. Tháng 9-1953, gặp và hỏi chuyện bà Tôn Nữ Lệ Minh, vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, Người gửi ba quả táo cho bà: “Bác gửi cô cầm về cho các cháu mừng”[13]…
N.M.Đ
[1] Sơn Tùng - Bác ở nơi đây – Nxb Thanh Niên, 2008. tr 70.
[2] Sơn Tùng - Bác ở nơi đây – Nxb Thanh Niên, 2008, tr 176.
[3] Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu – Nxb Thanh Niên, 2007. tr 8.
[4] GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 463.
[5] Trần Đình Việt, Trần Đương...(Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985. tr 25.
[6]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995. tr 34.
[7]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 50.
[8].Duy Nam kể- Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh,tập 1. Sđd, tr 312, 313.
[9]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 113.
[10]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Sđd,tr 294.
[11]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Sđd, tr 265, 266.
[12]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Sđd, tr 8.
[13]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Sđd, tr 375.
VNQD