Bác Hồ khai sáng nền dân chủ và thực hành nguyên tắc dân chủ!

Thứ Hai, 15/11/2021 09:04

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
 

Ngày 5/6/1911 một người con ưu tú của dân tộc lấy tên Văn Ba rời cảng Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche – Tréville bắt đầu cuộc hành trình 30 năm. Người thanh niên ấy sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất (05/10/2019) có tên Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ) đã khẳng định tầm vóc vĩ đại vượt thời đại của Người. Nhiều học giả nhấn mạnh Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc sớm có ý thức nhất đi tìm quyền tự do dân chủ cho đồng bào mình. Điều ấy biểu hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây tháng 6/ 1919. Điểm thứ 8 của bản Yêu sách này ghi rõ: “Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ” (1).

Như vậy, bầu cử, đúng với tính chất của nó là biểu hiện “nguyện vọng” của người dân đã được Nguyễn Ái Quốc quan tâm rất sớm, từ hồi ở Pháp, năm 1919.

Nhà văn Đặng Thai Mai kể lại, khi nhóm chuẩn bị bản Dự thảo Hiến Pháp trình Bác, Bác hỏi xem có ai thắc mắc gì không, Đặng Thai Mai thưa: “Không biết chúng ta ban bố quyền bầu cử cho toàn dân có sớm quá không? Dân chúng ta hiện giờ người mù chữ còn tới 80, 90%”. Bác cười, giơ ngón tay chỉ vào tôi, nói: “Chú là người thảo hiến pháp mà không khéo lại phản động đấy, người cách mạng trước hết phải tin vào nhân dân” (2). Yêu dân, thương dân, tin dân, vì dân, đấy là phong cách Hồ Chí Minh. Xét đến cùng, cả cuộc đời Người cũng đều hy sinh vì nước, vì dân!

Ngày 03/9/1945, tức chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra một chính thể dân chủ mới, dù phải đối phó với muôn vàn khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phiên họp đầu tiên vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Bác vạch ra 6 “nhiệm vụ cấp bách”, ở “vấn đề thứ ba”, Người đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống”(3). Điều này thể hiện rõ nhất thành quả đấu tranh cũng là hạnh phúc của nhân dân khi lần đầu tiên được hưởng quyền làm chủ, quyền có độc lập tự do ở việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện xứng đáng thay mặt cho dân gánh vác công việc đại sự quốc gia.Đây cũng là biểu hiện cụ thể nhất của nền dân chủ, mà cho đến nay, bất cứ nhà nước tiên tiến nào trên thế giới cũng phải thi hành. Đồng thời nó biểu hiện cho quyền con người, cũng vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ công dân. Thế nên nhìn vào lịch sử, càng là các chế độ phản động càng ra sức triệt tiêu quyền con người, trước hết là thủ tiêu quyền ứng cử và bầu cử.

Để triển khai “vấn đề thứ ba” này Người ký một loạt Sắc lệnh về thi hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Như Sắc lệnh số 39(26/9/1945) lập một Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 34 (20/9/1945) lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Sắc lệnh số 51 (17/10/1945) quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày chính thức là 23/12/1945... Những Sắc lệnh này khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan, chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử.

Ngày 31/12/1945, trên báo Cứu quốc (số 130) Bác viết bài Ý nghĩa Tổng tuyển cử nêu một cách ngắn gọn, khái quát, đầy đủ nhất về mục đích, vai trò của Tổng tuyển cử “là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Đề cập đến trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền hạn của mọi công dân“hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử”. Tổng tuyển cử là dịp để tất cả mọi người, từ 18 tuổi trở lên“Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Sau này hầu hết các văn bản Nhà nước về xây dựng Hiến pháp, Pháp luật, các chính sách liên quan đến vấn đề dân chủ đều lấy câu nói của Bác làm điểm tựa ý nghĩa: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”. Về tầm quan trọng của bầu cử, có lẽ không diễn giải nào cô đúc mà giản dị, dễ hiểu hơn câu văn của Bác: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(4).

Các trí tuệ lớn luôn có năng lực diễn đạt những điều phức tạp nhất trong ngôn từ dễ hiểu nhất. Hồ Chí Minh là trường hợp rất tiêu biểu!

Ngày 5/1/1946, trên báo Cứu quốc số (134) Bác Hồ có Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu:

“Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946.

Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”(5).

Bài viết chưa đầy một trang giấy, chỉ ba bốn trăm chữ nhưng có tới 10 lần điệp lại hai chữ “Ngày mai”. Chỉ trong ba đoạn mở đầu cũng là ba câu tách hàng đứng riêng để nhấn mạnh đã có tới 5 lần “Ngày mai”...Bao nhiêu hồi hộp, bao nhiêu tin tưởng dồn tụ vào hai chữ “Ngày mai” ấy. “Ngày mai” cũng là mở ra một tương lai tươi sáng. Tổng tuyển cử sẽ mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho cả dân tộc. Vượt lên trên giá trị tu từ, hai chữ “Ngày mai” này mang ý nghĩa lịch sử của thời đại: lần đầu tiên Việt Nam có dân chủ. Lần đầu tiên người Việt Nam tự do theo nghĩa đầy đủ, đích đáng nhất!

Thời toàn cầu hóa hôm nay người ta hay nói “đối thoại văn hóa”, thì trong Lời kêu gọi của Bác là một “đối thoại văn hóa” đích thực. Vì “lá phiếu” ấy chính là một tiếng nói đối thoại một cách văn hóa nhất. Bác Hồ chính là người hiểu và vận dụng sâu sắc ý nghĩa đối thoại của “lá phiếu” này:

“Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu để chống quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,

Kiên quyết chống bọn thực dân,

Kiên quyết tranh quyền độc lập”.

Ngày nay người ta gọi đó là “đối nội” và “đối ngoại”. Bác không nói như vậy nhưng ai cũng hiểu. Thì ra lá phiếu của mình còn là một thứ vũ khí “để chống quân địch” (khi đất nước có giặc. Còn hôm nay cũng là một vũ khí “bắn” vào kẻ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống nước ta thiếu dân chủ!). Lá phiếu ấy là sự khẳng định với thế giới về bản lĩnh, về cá tính, bản sắc mình. Thế nên hai chữ “kiên quyết” Bác điệp lại 3 lần!

Sinh thời, Bác là ứng cử viên cũng là cử tri đi bầu cử ba nhiệm kỳ Quốc hội: khóa I (1946 – 1960); khóa II (1960 – 1964); khóa III (1964 – 1971). Ở cương vị nào Bác cũng là tấm gương về tinh thần, trách nhiệm của một công dân mẫu mực. Trong Lời phát biểu trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách Khoa), Bác nói với cử tri, với các ứng cử viên khác cũng là nói với chính mình: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” (6).

Lời nói ấy trở thành ánh sáng soi đường cho hôm nay!

Ngày 24/4/1960, phát biểu tại Đại hội Nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội (khóa II), Người gọi cử tri bằng hai chữ “đồng bào” thân thiết: “Thưa đồng bào thân mến. Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi “ra mắt cử tri”.Tôi trả lời: đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt?” (7). Một câu nói chỉ có được ở Bác Hồ, người coi dân như là người trong gia đình, thân thương, gần gũi, chia sẻ ngọt bùi, không hề “xa lạ”!

Học Bác Hồ, học nữa, học mãi để đưa đất nước mình lên cõi vinh quang: “giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”để “sánh ngang với các cường quốc năm châu”!

N.T.T

-------

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr 436.

(3), (4), (5), (6).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 8; 133; tr 145, 146; tr 147.

(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr 129.

(2). Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 38.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)