Cha ông ta và nghệ thuật sử dụng tam thập lục kế trong chiến tranh

Thứ Năm, 18/11/2021 16:47

. TRẦN THỊ MINH TÂM
 

Tam thập lục kế hay Tam thập lục sách là cuốn sách ghi lại 36 kế sách nổi tiếng của Trung Quốc. Hiện chưa rõ ai là tác giả chính thức của cuốn sách. Có ý kiến cho rằng Tam thập lục kế do Tôn Tử thời Xuân Thu chấp bút, cũng có ý kiến cho đó là trước tác của Gia Cát Vũ Hầu thời Tam Quốc. Tuy nhiên các ý kiến trên đều chưa có cơ sở khoa học vững chắc. Hiện nay, quan điểm phổ biến nhất cho rằng Tam thập lục kế được biên soạn bởi nhiều tác giả khác nhau trong suốt lịch sử Trung Quốc. Hiện không rõ Tam thập lục kế được truyền sang nước ta vào giai đoạn nào nhưng chắc chắn rằng trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tiếp thu những tinh hoa của cuốn sách này, sáng tạo và vận dụng theo cách của riêng mình. Bài viết dưới đây xin điểm qua một số kế “điển hình” trong cuốn sách trên mà các nhà quân sự nước ta sử dụng đã được sử sách ghi lại.

Tranh Dương Quý Phi của Hosoda Eishi đầu thế kỷ XIX tại Viện bảo tàng Anh. Nguồn: wikipedia.org

1. Kim thiền thoát xác

Kim thiền thoát xác nghĩa là con ve sầu vàng lột xác. Kế này dùng cho lúc nguy cấp, nguy hiểm đến tính mạng. Người thực hiện kế này ngụy trang thành một người khác để đánh lừa đối phương nhằm chạy trốn, chờ cơ hội khác “báo thù rửa hận”. Theo các sách như Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục… vào giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn do lực lượng mỏng, không tinh nhuệ, lương thảo thiếu thốn nên thường xuyên thua trận. Trong một lần bị quân Minh vây đánh, tình thế hết sức nguy cấp, Lê Lợi đã hỏi các tướng lĩnh theo mình ai chịu thực hiện kế kim thiền thoát xác để cứu chúa. Lê Lai đã đứng ra nhận thực hiện kế này. Ông mặc áo bào của Lê Lợi, dẫn quân xông ra mở đường máu, thu hút sự chú ý của quân Minh tạo điều kiện cho Lê Lợi thoát thân. Sự hi sinh anh dũng của Lê Lai là một trong những nhân tố then chốt giúp nghĩa quân Lam Sơn không bị tan rã, sau đó phát triển lớn mạnh đánh tan quân Minh xâm lược giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ. Có thể nói đây là kế “kim thiền thoát xác” thành công nhất trong lịch sử quân sự nước nhà, là nền tảng dựng nên một triều đại mới.

2. Mĩ nhân kế

Mĩ nhân kế là cách dùng gái đẹp để làm xoay chuyển, thay đổi tình thế mà những phương thức khác không thể thực hiện được. “Anh hùng nan quá mĩ nhân quan”, trong lịch sử quân sự thế giới, đây là một trong những kế sách cổ xưa nhất và cũng hiệu quả nhất từ trước đến nay. Phù Sai mất nước vào tay Câu Tiễn một phần là do Tây Thi, Đổng Trác chết thảm bởi nhan sắc chim sa cá lặn của Điêu Thuyền. Cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước ở những tình thế nhất định cũng sử dụng kế sách này. Khi vó ngựa quân Nguyên Mông ồ ạt như bão lũ tràn xuống xâm lược, để làm chậm bước tiến quân của địch, tạo cho đại quân có thêm thời gian tổ chức lực lượng, chuẩn bị chiến đấu vua Trần Thánh Tông đã phải gả em gái út của mình là công chúa An Tư cho Thoát Hoan. Kế hoạch đã thành công mĩ mãn. Tốc độ tiến quân của quân Nguyên Mông chậm lại. Sau này dưới tài thao lược “dụng binh như thần” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và tinh thần chiến đấu quả cảm anh dũng vô song của đội quân “Sát Thát”, nhà Trần đã đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược, một lần nữa giải nguy cho đất nước khỏi vó ngựa Mông Cổ. Trong một tình huống khác, mặc dù không bị quân giặc xâm lược nhưng nhằm tạo thế bang giao, thu phục nhân tâm của người Chiêm, vua Trần Anh Tông đã gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Cuộc hôn nhân này đã giúp Đại Việt không những ổn định mà cỏn mở rộng bờ cõi ra phía Nam nhờ của hồi môn của công chúa Huyền Trân là hai châu Ô, Lý vua Chiêm trao tặng.

Tôn Tử binh pháp , cuốn sách “gối đầu giường” của các nhà quân sự

3. Tiên phát chế nhân

Tiên phát chế nhân là kế ra tay trước để giành chiếm ưu thế, đoạt lợi, giành lấy chiến thắng. Nhà quân sự đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất đến thời điểm này sử dụng kế tiên phát chế nhân ở nước ta là danh tướng Lý Thường Kiệt. Sau thất bại ở lần xâm lược thứ nhất, nhà Tống vẫn nuôi mộng xâm lăng Đại Việt. Vua quan nhà Tống đã huy động hàng chục vạn quân, xây dựng các căn cứ quân sự, hậu cần giáp biên giới để tập kết lực lượng, tích trữ lương thảo, phục vụ trực tiếp cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Trước mưu đồ xâm lược ngày càng lộ rõ của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã chủ động đề xuất với triều đình nhà Lý đem quân đi đánh phủ đầu, đập tan ý đồ xâm lược của quân địch. Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự nước nhà, quân đội nhà Lý đã Bắc phạt, chủ động công kích một quân đội mạnh hơn nhiều lần. Ông dẫn 10 vạn quân tinh nhuệ, bất ngờ mở cuộc tiến công sang phía Nam đất Tống, nhanh chóng tiêu diệt các đồn, trại của giặc, triệt phá các căn cứ quân sự, hậu cần quan trọng ở dọc biên giới từ cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu cho tới thành Ung Châu, buộc nhà Tống một lần nữa phải từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta. Những chiến thắng vang dội của quân đội nhà Lý đã chứng minh việc sử dụng kế tiên phát chế nhân của Lý Thường Kiệt là hoàn toàn đúng đắn, thích hợp và sáng tạo trong hoàn cảnh bấy giờ.

4. Khổ nhục kế

Người thực thi kế này phải tự hoặc để người khác hành hạ bản thân mình nhằm tiếp cận, chiếm vào lòng tin của kẻ địch để hoàn thành một âm mưu nào đó. Người thực thi kế khổ nhục dài nhất và cũng thành công nhất ở nước ta là Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, nhà chính trị - quân sự kiệt xuất, “kiến trúc sư” trưởng của chiến thắng Lam Sơn. Sau khi nhà Hồ thua trận, đất nước bị nhà Minh thôn tính, nhân dân lầm lạc. Biết Nguyễn Trãi là người có tài, các tướng nhà Minh là Trương Phụ, Hoàng Phúc đã dụ ông ra làm việc cho chúng. Nguyễn Trãi không chịu, ông dùng khổ nhục kế, chấp nhận bị giam lỏng ở thành Đông Quan. Suốt mười năm trời sống trong cảnh “nhà một gian/ no nước uống/ thiếu cơm ăn”, Nguyễn Trãi đã hoàn thành Bình Ngô sách và chiếm được lòng tin của Hoàng Phúc. Sau đó, vào thời cơ thích hợp, lợi dụng lòng tin của viên tướng giặc này, Nguyễn Trãi đã bỏ trốn khỏi Đông Quan, tìm gặp Lê Lợi, mở ra một chương mới cho nghĩa quân Lam Sơn

5. Dĩ dật đãi lao

Dĩ dật đãi lao có nghĩa là “lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt”, đợi quân địch mỏi mệt, nhuệ khí chiến đấu giảm sút rồi mới thừa cơ xuất kích để giành lấy thắng lợi. Kế dĩ dật đãi lao được nghĩa quân Lam Sơn áp dụng trong trận Chi Lăng - Xương Giang nổi tiếng. Khi hay tin Liễu Thăng, Mộc Thanh đem mười mấy vạn quân chia hai ngả ứng cứu Vương Thông, Lê Lợi đã bàn với các tướng lĩnh nên dùng kế dĩ dật đãi lao để hạ địch. Theo kế này, nghĩa quân Lam Sơn đã đón lõng Liễu Thăng ở biên ải. Và kết thúc của viên tướng nhà Minh đã xảy ra như những lời miêu tả trong Bình Ngô Đại Cáo “Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế/ Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu”.

6. Phủ để trừu tân

Phủ để trừu tân có nghĩa là rút lửa đáy nồi. Kế này dùng trong quân sự là nhắm vào hậu cần, quân lương, tiếp tế của địch khiến địch thiếu thốn buộc phải chấp nhận thất bại. Nhà Trần đã sử dụng kế này, đập tan tham vọng “báo thù, rửa hận” biến Đại Việt thành nô lệ của quân Nguyên Mông trong lần thứ ba xâm lược. Ở lần tấn công này, quân Nguyên đã lập thêm đạo thủy quân do Ô Mã Nhi thống lĩnh vừa nhằm tiến đánh theo đường thủy, vừa bảo vệ đoàn thuyền lương do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy đi sau. Sở dĩ quân Nguyên vận lương bằng thủy quân là nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương - một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của chúng trong hai lần xâm lược trước - khi phương án vận chuyển bằng đường bộ cho đạo quân lên tới 50 vạn đi vào nơi “xa xôi, hiểm trở” như Đại Việt là không “an toàn” và không đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên vua quan, tướng lĩnh nhà Trần đã sớm đoán và đập tan âm mưu chuyển lương bằng thủy quân của quân Nguyên. Sau thất bại không chặn được bước tiến của Ô Mã Nhi, tướng Trần Khánh Dư đã lập công chuộc tội bằng chiến thắng oanh liệt ở trận Vân Đồn. Ở trận này, đoàn thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ đã rơi vào bẫy do Trần Khánh Dư giăng sẵn trên cửa ải Vân Đồn. Kết quả toàn bộ thuyền lương của nhà Nguyên đã bị thủy quân nhà Trần đốt phá, cướp sạch. Chiến thắng Vân Đồn là chiến thắng bản lề, then chốt, mang tính chất “thay đổi cuộc chơi” giữa quân đội nhà Trần và quân Nguyên Mông. Mất lương thực, lại thêm nỗi ám ảnh về hai thất bại trước, quân Nguyên rệu rã tinh thần, rút lui nhanh chóng.

7. Điệu hổ li sơn

Điệu hổ li sơn là kế dụ, nhử địch ra khỏi nơi ẩn nấp, an toàn để dễ bề tấn công, tiêu diệt. Đây là kế người anh hùng Nguyễn Huệ áp dụng trong trận thủy chiến kinh điển Rạch Gầm - Xoài Mút với quân Xiêm. Được Nguyễn Ánh cầu viện, năm 1784 quân Xiêm ồ ạt đổ bộ vào nước ta, đánh đâu thắng đấy, tình thế Đằng Trong rất nguy ngập. Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ vào Nam dẹp loạn Xiêm. Sau khi nghiên cứu kĩ địa hình, tương quan lực lượng giữa hai bên, Nguyễn Huệ biết khó có thể đánh thắng quân Xiêm ở đại bản doanh của chúng nên đã dùng kế điệu hổ li sơn, khiêu khích, dẫn dụ quân Xiêm đến khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút để tiêu diệt. Trúng kế của Nguyễn Huệ, quân Xiêm hùng hổ tiến vào hiểm địa và ở khúc sông này quân Tây Sơn đã phô diễn sức mạnh hủy diệt của mình đánh cho quân Xiêm khiếp đảm, táng hồn không dám “ho he” giúp đỡ Nguyễn Ánh thêm một lần nào nữa.

Tam thập lục kế, binh pháp, trận đồ… xét đến cùng là những kinh nghiệm chiến trận được đúc rút thực tiễn. Kế sách là “chết”, là cái tĩnh tại, bất động trong sách vở. Điều quan trọng là cách vận dụng các kế sách trên chiến địa để đạt được thắng lợi cuối cùng. Qua những trận chiến ở trên, có thể thấy cha ông ta ngày trước đã rất linh hoạt, sáng tạo như thế nào trong dụng kế, tính mưu, điều binh, khiển tướng để bảo vệ cơ nghiệp của tổ tông, bảo vệ đất nước trước những đạo quân xâm lược hùng mạnh gấp nhiều lần. Những chiến thắng ấy, những cách thức vận dụng các mưu kế ấy mãi là bài học quý giá trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

T.T.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)