. TRẦN VĂN TOẢN
Nói đến văn học đời Lý là nói đến bộ phận văn học Phật giáo phái Thiền tông Việt Nam. Đó là những bài thơ thường có dung lượng từ bốn đến tám dòng và một số bài văn của các thiền sư viết nhằm thuyết giáo Phật tử hoặc là để lại trước khi viên tịch. Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác, Ngôn hoài và Ngư nhàn của sư Không Lộ, Hưu hướng Như Lai của sư Quảng Nghiêm… tuy là những bài kệ ở chốn tu hành nhưng vẫn chứa đựng rất nhiều sự rung cảm của chủ thể trước con người và tạo vật nơi trần thế.
Cuối năm 1096 thiền sư Mãn Giác lâm trọng bệnh và viết bài kệ để bảo cho mọi người biết. Đã là kệ thì chắc hẳn nhằm truyền giáo lí đạo Phật. Bài kệ Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh bảo mọi người) cũng có thể xem là di huấn cho chúng đệ tử mà thiền sư thể nghiệm trọn một đời hành đạo. Bài kệ sử dụng hình ảnh sinh động nên được gọi là thơ kệ.
Phiên âm:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bất hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa nở.
Việc đuổi theo nhau qua trước mắt,
Cái già hiện tới trên đầu.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua trước sân một cành mai.
Dịch thơ:
Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa tươi.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Tập II - Văn học thế kỉ X - thế kỉ XVII)
Xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc. Xuân qua đi thì muôn hoa cũng tàn rụng theo. Ở đây Mãn Giác thiền sư không đi theo trình tự thông thường là nở rồi tàn mà đảo lại: Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa tươi. Thủ pháp này lại có tác dụng diễn tả quy luật tuần hoàn của dòng thời gian: xuân qua - hạ tới - thu sang - đông về. Con tạo xoay vần, sự miên viễn ấy lại được diễn đạt bằng giọng điệu từ tốn, chậm rãi, khoan thai, thong thả. Ý thơ còn thể hiện mối quan hệ, sự tương tác kì diệu giữa dòng thời gian với vạn vật trong thiên nhiên, đất trời. Đó chính là chu kì trở đi trở lại. Điều đáng nói là sự vô thường này đi từ trạng thái héo úa lụi tàn đến rực sắc nồng hương, từ rơi rụng đến bừng lên sức sống mới…
Mọi sự vật hiện tượng từ thiên nhiên đến con người đều tuân theo quy luật của lẽ hóa sinh: Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa tươi. Giữa khi trăm hoa tươi thì con người trên đầu già đến rồi. Cảm nhận này không phải bắt nguồn từ sự hư vô mà là từ ý thức về sự hiện hữu, sự tồn tại có thực của con người. Ý thức này đưa đến một quan niệm nhân sinh: con người không thể sống một cách vô nghĩa. Vũ trụ tuần hoàn, trái với đời người ngắn ngủi. Nhưng không vì thế mà con người phàn nàn, bi quan, tuyệt vọng. Bởi lẽ, tuy thể phách mất rồi nhưng tinh anh vẫn còn lại. Tư tưởng nhân sinh ấy thôi thúc con người sống nhân văn giữa cuộc đời này. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đẹp, giàu sức gợi: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai. Lời thơ khép lại nhưng ý thơ bung tỏa sức xuân thanh khiết, tràn đầy nhựa sống. Cành mai nở trước sân. Cuối xuân mà lại có một mùa hoa mới, báo niềm vui mới.
Cáo bệnh bảo mọi người vì thế thể hiện một niềm lạc quan tươi sáng. Nhà tu hành một khi đã đắc đạo thì có thể vượt lên trên lẽ hóa sinh thông thường như cành mai vẫn nở trước sân bất chấp mùa xuân đã tàn. Quy luật của cuộc đời là sinh tử, nhưng bài thơ chọn điểm khởi đầu là xuân tàn và điểm kết thúc là một cành mai nở. Đó là tư duy thơ mang chở tinh thần lạc quan, niềm tin bất diệt vào cuộc sống. Lời thơ đến với bạn đọc như là “biểu hiện của sự nhạy cảm đối với sức sống dồi dào luôn luôn khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên” (Đinh Gia Khánh).
Mãn Giác thiền sư là bậc tu hành, khi đã giác ngộ lẽ đạo thì có thể vượt khỏi cái vòng luân hồi của pháp tướng, của thế giới hữu hình để cảm thấu cuộc đời trong cái nhìn lạc quan. Còn Bác Hồ là nhà hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc với con đường đấu tranh giải phóng dân tộc biết bao cam go nhưng bao giờ Người cũng giữ vững cốt cách của bậc hiền triết phương Đông ung dung tự tại. Điều đó thể hiện nhân sinh quan của một con người có kiến thức uyên thâm, từng trải, một vị lãnh tụ, một nhà cách mạng lỗi lạc, một chiến sĩ kiên cường và một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, ngập tràn yêu thương.
Dù ở hai hoàn cảnh khác nhau, song Mãn Giác thiền sư và Bác Hồ gặp gỡ ở tâm thế đón nhận sự chảy trôi miên viễn của dòng thời gian. Nếu Mãn Giác nghiệm sinh về “xuân qua/ xuân tới…” thì Hồ Chí Minh cũng suy ngẫm về hoa hồng nở hoa hồng lại rụng, hay Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân và Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi. Thiền sư Mãn Giác và Bác Hồ đều là những bậc minh triết, nắm vững quy luật vận động của tự nhiên, của đời người, vì thế ít khi thảng thốt, giật mình, băn khoăn, lo lắng trước hiện tượng khai - khép, sinh - diệt, mà thường giữ tâm thế thoải mái, bình thản, lạc quan.
Những tháng năm ở chiến khu Việt Bắc, bận việc quân, việc nước, hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn…, Bác vẫn tìm thấy niềm vui khi trở về với thiên nhiên cảnh vật: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa; Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày; Sáng ra bờ suối tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng… Với Bác, thiên nhiên là người bạn tâm giao, có thể đem lại cho Người nguồn năng lượng lớn.
Một lần lên núi Lũng Dẻ chiêm ngưỡng cảnh quan đất trời kì thú, hồn thơ Bác thăng hoa:
Thướng sơn
Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thướng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai.
Lên núi
Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai.
(Tố Hữu dịch)
Lời thơ là lời kể tự nhiên, thư thả, tự họa chân dung người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, bay bổng, phóng khoáng, giao hòa cùng núi non hùng vĩ, suối hoa mĩ lệ. Cũng là “lên cao” nhưng lời thơ không đem đến cho người đọc cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, bé nhỏ giữa không gian vũ trụ mênh mông, rợn ngợp như trong Đăng cao của Đỗ Phủ, Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang hay Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Chính thế giới quan và nhân sinh quan của người chiến sĩ cách mạng đã làm nên sự ấm áp cho lời thơ. Hình ảnh mặt trời đỏ tỏa sáng rực rỡ cả không gian, đem đến một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào tiền đồ cách mạng. Hình ảnh nhành mai khép lại bài thơ lấp lánh “con mắt thơ”, tư chất nghệ sĩ của Bác. Nhành mai của Mãn Giác thiền sư vẫn nở khi xuân tàn, còn nhành mai của Bác vẫn tươi sắc vào tháng sáu. Đó đều là những nhành mai khai mở trong tâm thức của những con người thiết tha với cuộc sống. Mãn Giác hướng đến nhành mai trước sân khi đang bị bệnh, còn Bác Hồ thì hướng đến nhành mai bên suối giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang cam go. Trong những hoàn cảnh ấy, những tâm hồn lớn gặp nhau ở tâm thế an nhiên, bừng sáng niềm tin mãnh liệt với cuộc đời.
Đến với Ngư nhàn của Không Lộ thiền sư, người đọc cảm nhận thêm một tâm hồn với vẻ đẹp bình dị, thân gần:
Ngư nhàn
Vạn lí thanh giang vạn lí thiên,
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên.
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
Cảnh nhàn của ông chài
Trời xanh nước biếc muôn trùng,
Một thôn sương khói một vùng
dâu đay.
Ông chài ngủ tít ai lay,
Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay
đầy thuyền.
(Kiều Thu Hoạch dịch)
Với những nét chấm phá gọn nhẹ, bài thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thanh sơ mà hấp dẫn. Cảnh được cảm nhận, miêu tả từ xa đến gần. Viễn cảnh là bầu trời cao lồng lộng, có sông nước trong xanh, hiền hòa, yên ả. Cận cảnh là một thôn xóm ven sông có bãi đất trồng dâu đay, khói sương vương tỏa. Bức tranh thôn dã quá yên ả, thơ mộng. Giữa khung cảnh trời đất, sông nước, trên con thuyền, một ông chài ngủ say. Hình ảnh ông chài trở thành tâm điểm của bức tranh. Ông ngủ đến quá trưa và tỉnh dậy giữa cảnh tuyết phủ đầy thuyền. Đúng là cảnh thanh nhàn. Thanh nhàn chứ không hiu quạnh - dù chỉ một mình ông. Chính hơi ấm cuộc sống thanh bình nơi xóm thôn dậy lên trong ta niềm vui sống. Khát vọng giao hòa giao cảm với thiên nhiên đất trời của Không Lộ thiền sư kết tinh thành triết lí giản dị mà nhân bản.
Hình ảnh chiếc thuyền phủ đầy tuyết giữa sông nước thôn quê trong Ngư nhàn của thiền sư Không Lộ có nét tương đồng thú vị với hình ảnh con thuyền đêm khuya nguyên tiêu chở đầy trăng trong bài thơ Rằm tháng giêng của Bác: Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Sương khói, tuyết bay đầy thuyền hay bát ngát một con thuyền trăng sáng đều là hình ảnh rất nên thơ được vẽ bởi những tâm hồn tinh tế, đắm say. Phong thái ung dung tự tại, tinh thần lạc quan… của chủ thể thơ ngay giữa khung cảnh đất trời sông nước quê hương trở thành bài học nhân sinh trong việc di dưỡng tâm hồn dù cuộc đời còn nhiều nỗi lo toan.
Văn học Thiền tông thời Lý có lối diễn đạt cô đọng, hàm súc. Cảm hứng về thiên nhiên trong thơ thiền không phải là những cảm hứng vay mượn hoặc tưởng tượng mà bắt nguồn từ những cảnh vật bình dị, đời thường. Nhành mai trước sân, ngọn cỏ giọt sương, bầu trời xanh biếc, vùng trồng dâu, khói phủ ven sông, ông chài thả giấc ngủ ngon sau ngày dài lao động…, tất cả ăm ắp, chan chứa tình quê, niềm tin vào cuộc sống. Thơ Bác cũng vậy, trong hoàn cảnh nào, chủ thể thơ cũng luôn tìm thấy niềm vui trong thiên nhiên: cánh chim chiều, chòm mây trôi, mặt trời đỏ, vầng trăng dịu hiền… Quên đi hoàn cảnh thực tại của bản thân, Bác luôn hướng về để sẻ chia với niềm vui bình dị của người lao động nghèo: làng xóm ven sông, phu làm đường, nông dân đang mùa gặt, thôn nữ xóm núi xay ngô… Hình ảnh, cảm xúc và tư tưởng trong thơ Bác bao giờ cũng vận động theo hướng từ buồn đến vui, từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sinh sôi, từ chiều tà lạnh lẽo đến bình minh ấm áp. Đó là sự vận động hướng đến sự sống, ánh sáng, ngày mai…
Đọc lại những vần thơ Thiền tông thời Lý và những vần thơ của Bác Hồ, chúng ta củng cố thêm thức nhận: dù là đạo hay đời, nhà tu hành hay nhà cách mạng đều đúc kết triết lí sống có ý nghĩa nhân văn cao cả. Đồng thời, chúng ta cảm thấu đầy đủ sâu sắc hơn vẻ đẹp tâm hồn Á Đông, tính cách bản lĩnh Việt Nam: bình dị, nhạy cảm, yêu thiên nhiên, cuộc sống thiết tha; phong thái ung dung, tự tại; tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
T.V.T
VNQD