Phạm Vĩnh Cư với “Lí luận và thi pháp tiểu thuyết”

Thứ Bảy, 11/12/2021 00:52

. ĐỖ HẢI NINH

Trên hành trình lao động chữ nghĩa, Phạm Vĩnh Cư đã ghi dấu ấn trong đời sống văn học Việt Nam ở ba phương diện: nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy. Ông là chiếc cầu nối quan trọng của hai nền văn học Nga - Việt qua việc chọn dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm kinh điển của các tác giả văn học Nga như L.Tolstoy, Bakhtin, Pasternak, Tsvetaeva, Soloviev… Đặc biệt công trình Lí luận và thi pháp tiểu thuyết của Bakhtin (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn dịch và giới thiệu, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992) đã góp thêm tiếng nói vào quá trình đổi mới tư duy tiểu thuyết ở Việt Nam, tạo nên sức ảnh hưởng và sự hô ứng đối với cả giới sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học vào thời điểm đó.

Dịch giả Phạm Vĩnh Cư

Lí luận và thi pháp tiểu thuyết là tập sách tuyển chọn dịch một số phần cơ bản nhất trong di sản của Bakhtin về lí luận tiểu thuyết: “Tiểu thuyết như một thể loại văn học”, “Ngôn ngữ tiểu thuyết”, “Tiếng cười Rabelais và văn hóa trào tiếu dân gian”, “Tiểu thuyết phức điệu Dostoievsky”. Những vấn đề được chọn dịch cho thấy sự tinh nhạy của dịch giả khi đưa ra những vấn đề lí luận thể loại và tư duy tiểu thuyết, những vấn đề cần thiết đối với tình hình phát triển văn học Việt Nam lúc đó. Chúng ta biết rằng, suốt một thời gian khá dài, do hoàn cảnh chiến tranh, đời sống văn học, trong đó gồm cả sáng tác và nghiên cứu phê bình, đều bị khuôn hẹp trong lí luận phản ánh và xã hội học. Nhưng kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, bước sang thập niên 1980, cùng với những chuyển động trong đời sống văn học, hoạt động nghiên cứu phê bình cũng có những thay đổi mạnh mẽ. Từ giữa thập niên 1980, thi pháp học đã bước đầu được giới thiệu và ứng dụng trong nghiên cứu văn học Việt Nam; đến cuối thế kỉ XX, thi pháp học được phát triển rộng khắp và chiếm lĩnh đời sống học thuật (có thể kể đến hàng trăm luận văn, luận án và công trình nghiên cứu tiếp cận từ thi pháp học). Bản dịch và giới thiệu của Phạm Vĩnh Cư ra đời đúng thời điểm, nhập vào một chặng đường tiếp theo của đổi mới văn học. Trong một thời gian dài, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nguồn lí luận marxist, tên tuổi các nhà văn, nhà nghiên cứu Nga trở nên khá quen thuộc, nhưng Bakhtin không thuộc trong số đó, ông hầu như vẫn còn ít được biết đến. Gần thời điểm bản dịch Lí luận và thi pháp tiểu thuyết xuất bản cũng có một số công trình nghiên cứu, dịch thuật về thi pháp học có ý nghĩa như sự mở đường cho hướng nghiên cứu mới mẻ này ở Việt Nam như chuyên luận Thi pháp thơ Tố Hữu (Trần Đình Sử, 1987), Thi pháp tiểu thuyết L.Tolstoy (Nguyễn Hải Hà, 1992), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại (Trần Đình Sử, 1993), Những vấn đề thi pháp Dostoievsky (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, Trần Đình Sử viết lời giới thiệu, 1993). Việc giới thiệu thi pháp học và Bakhtin, đặc biệt là lí luận tiểu thuyết, đã góp phần làm thay đổi tư duy về tiểu thuyết ở cả giới sáng tác và nghiên cứu phê bình. Thực tế là từ trước khi xuất hiện làn sóng đổi mới (1986), bằng sự mẫn cảm nghệ sĩ, các nhà văn đã tự điều chỉnh cái nhìn về đời sống và có những tìm tòi trong cách viết (chẳng hạn Nguyễn Minh Châu với các truyện ngắn ở đầu thập niên 1980), đó là quá trình chuyển đổi từ văn học sử thi sang văn học thế sự đời tư. Trong khi phân tích những đặc điểm của tiểu thuyết, Bakhtin đã so sánh nó với sử thi như một trong những thể loại cao cả, hoàn tất. Điểm sáng này trong lí thuyết của Bakhtin dường như đã bắt được trúng mạch của văn học Việt Nam khiến cho giới nghiên cứu phê bình có thể từ đó soi vào nền văn học trong nước. Những so sánh thế giới sử thi và thế giới tiểu thuyết có ý nghĩa gợi mở, thức tỉnh đối với nghiên cứu văn học Việt Nam khi nhìn lại văn học giai đoạn chiến tranh với định danh “văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”, tập trung hướng tới cái cộng đồng, cái “bao la của đoàn thể”. Từ đây có thể tham chiếu với những đặc điểm của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng, nhất là trong giai đoạn văn học Việt Nam đang trên đà đổi mới và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận (các tác phẩm kí, phóng sự “nhìn thẳng vào sự thật” trên báo Văn nghệ, hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, và mùa giải tiểu thuyết năm 1991 với Thân phận của tình yêu, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma…) Có thể nói đó là giai đoạn văn học Việt Nam từng bước vượt qua và phá bỏ khoảng cách sử thi để tiếp xúc tối đa với cái hiện tại chưa hoàn thành, nói như Nguyễn Khải là “cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ”. Bên cạnh đó, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết là công trình được dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập trong các trường văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt ở Trường Viết văn Nguyễn Du, giúp cho những tư tưởng trong cuốn sách được tương tác một cách trực tiếp với người dạy và người học, mà sau đó có những cây bút trở thành hiện tượng tiêu biểu của tiểu thuyết đương đại. Có thể nói, công trình dịch, giới thiệu lí luận và thi pháp tiểu thuyết của Bakhtin đã xuất hiện kịp thời, có hiệu ứng tích cực trong văn giới, gợi những liên tưởng và ý tưởng mới mẻ đối với quá trình phát triển tiểu thuyết của Việt Nam.

Ở bản dịch và giới thiệu Lí luận và thi pháp tiểu thuyết của Phạm Vĩnh Cư, một trong những thuật ngữ mới mẻ và gây ấn tượng nhất là tiểu thuyết phức điệu (thuật ngữ polyphony chưa hoàn toàn được dịch và hiểu thống nhất: đa thanh, đa giọng, đa thoại, đa âm, phức điệu…) Phạm Vĩnh Cư chú giải: Cần phân biệt “phức điệu” với “đa thanh”; trong hệ thống khái niệm của Bakhtin, “phức điệu” là “đa thanh” ở mức độ phát triển cao nhất. “Tính đa thanh” trong văn chương là biểu hiện của “nguyên tắc đối thoại” được Bakhtin quan niệm như một thuộc tính phổ biến của tư duy con người. “Toàn bộ văn xuôi nghệ thuật theo Bakhtin có tính chất đa thanh, tính chất đối thoại. Nhưng chất phức điệu, nguyên tắc phức điệu lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết Dostoievsky” (xem Lời nói đầu Lí luận và thi pháp tiểu thuyết). Cùng với bản dịch Những vấn đề thi pháp tiểu thuyết Dostoievsky của nhóm Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, công trình tuyển dịch và giới thiệu Lí luận và thi pháp tiểu thuyết của Phạm Vĩnh Cư đã đưa nhà văn vĩ đại Dostoievsky đến gần với người đọc Việt Nam bằng một lối vào khác: gắn với thi pháp học và nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết. Nguyên lí đối thoại thực sự là điều mới mẻ trong lí luận tiểu thuyết, vào bối cảnh văn học Việt Nam trải qua giai đoạn “nhất nguyên”, trên nguyên tắc thống nhất, đồng hướng, chung giọng. Văn học Việt Nam thời điểm đầu Đổi mới đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói đối thoại và ngày càng mạnh mẽ hơn trong các tiểu thuyết, từ Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Thời xa vắng (Lê Lựu), đến Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường)… Cái nhìn đa chiều về đời sống và những giọng nói bình đẳng của nhân vật cất lên tạo nên tính đối thoại trong tiểu thuyết, cũng lí giải sức hấp dẫn của tiểu thuyết giai đoạn này. Những vấn đề được lựa chọn trong công trình Lí luận và thi pháp tiểu thuyết như “thời của tiểu thuyết”, “tiếng cười trào tiếu trong tiểu thuyết”, “nguyên lí đối thoại”, “tiểu thuyết đa thanh”… đều là những vấn đề có ý nghĩa dự báo đối với văn học Việt Nam trong hành trình đổi mới và hội nhập từ sau 1986. Thực tế đời sống văn chương cũng chứng kiến sự trỗi dậy của tiểu thuyết bởi đây là thể loại phù hợp với thời hiện đại. Tư duy tiểu thuyết đem lại cho văn học Việt Nam đương đại những bước đột phá và hình thành nên các thế hệ tác giả tiểu thuyết mới có nhiều đóng góp đối với sự phát triển thể loại như: Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương... Trong nhiều nghiên cứu về tiểu thuyết của Đỗ Đức Hiểu, Lại Nguyên Ân, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thị Bình, Bích Thu… hiển thị sự “đồng thanh tương ứng” với những vấn đề lí luận và thi pháp tiểu thuyết của Bakhtin.

Phạm Vĩnh Cư là một nhà nghiên cứu về văn học nước ngoài nhưng luôn cắm rễ sâu vào đất mẹ, đi xa để hiểu hơn về văn học Việt Nam. Từ lí thuyết thể loại và chiều sâu văn hóa, những bài nghiên cứu thể loại kịch như kịch Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt về tác phẩm Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng... là những nghiên cứu sâu sắc và minh triết về kịch Việt Nam. Phạm Vĩnh Cư và những nhà nghiên cứu, dịch giả như Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lã Nguyên, Vương Trí Nhàn, Thúy Toàn... là một thế hệ vàng đã dành nhiều tâm huyết cho công việc dịch và giới thiệu sáng tác, lí luận văn học, triết học và văn hóa Nga đến với người đọc Việt Nam. Những đóng góp đó không chỉ mở ra một thế giới khác và mới mà còn là những gợi dẫn quý giá để có thể suy ngẫm, soi chiếu vào chính nền văn học nước nhà với tinh thần tiệm cận nhịp điệu văn chương của thế giới.

Đ.H.N

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)