Vẻ đẹp của thơ thiếu nhi trong sách giáo khoa một thuở

Thứ Ba, 30/11/2021 08:51

. TRỊNH ĐẶNG NGUYÊN HƯƠNG
 

Gần đây, bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh được chọn đưa vào sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 6, thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Xuất phát từ nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm cũng như kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mĩ khác nhau nên đã dẫn đến những tranh luận gay gắt trong cộng đồng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Bản thân tác giả Bắt nạt cũng lên tiếng và có một bài gợi dẫn về vẻ đẹp của bài thơ trên facebook cá nhân. Từ góc nhìn của mĩ học tiếp nhận có thể thấy đây là biểu hiện sinh động của một tác phẩm được đọc, “sống” trong độc giả chứ không còn là văn bản “chết”. Để có thể minh xác về giá trị của bài thơ cần có thêm những thẩm định có tâm và có tầm cũng như cần tới “màng lọc” của thời gian. Còn ở thời điểm hiện tại, có thể thấy, đây là một hiện tượng thơ gây sự chú ý đối với bạn đọc người lớn cao hơn là đối với bạn đọc thiếu nhi. Cũng từ góc nhìn của mĩ học tiếp nhận, có thể nói rằng, chỉ khi nào bài thơ được yêu, được thích, được vang vọng trong “tầm đón đợi” của người đang học và có khả năng ghim lâu vào trí nhớ của người đã học thì khi đó giá trị của tác phẩm mới có thể được khẳng định.

Bộ sách Tiếng Việt được đánh giá là phiên bản hoàn chỉnh nhất tính từ cuộc cải cách giáo dục năm 1979, được sử dụng đến khi thay sách mới vào năm 2002. Ảnh: ST

Từ hiện tượng bài thơ Bắt nạt, thử cùng nhìn lại vẻ đẹp của những bài thơ trong SGK dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở một thuở - những thi phẩm đi cùng năm tháng, đồng hành với độc giả nhỏ tuổi, theo các em lớn lên và ở lại trong nỗi nhớ của nhiều người đọc trưởng thành - để có thể nhận diện một số đặc điểm riêng trong tầm đón đợi của độc giả thiếu nhi.

Khái niệm “tầm đón đợi” của mĩ học tiếp nhận dùng để nói về trình độ và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mĩ đã có của độc giả trước khi tiếp xúc với tác phẩm. Với bạn đọc thiếu nhi, một tác phẩm thơ được yêu thích là một tác phẩm phù hợp với những đòi hỏi, nhu cầu và khả năng tiếp nhận riêng của lứa tuổi này. Những tác phẩm đó thường có một số đặc điểm nổi bật: giàu nhịp điệu và nhạc điệu, cái nhìn cuộc sống tươi mới sống động trong thì hiện tại và mang vẻ đẹp của thiện tính…

1. Giàu nhịp điệu và nhạc điệu

Một đặc điểm dễ thấy ở trẻ thơ là các em thường cảm nhận vẻ đẹp âm thanh trước khi nhận ra ý nghĩa ngôn từ. Hầu hết trẻ em đều thích những câu nói có vần có vè và thuộc rất nhanh các bài đồng dao. Nếu hỏi trẻ về ý nghĩa những câu các em thích đọc, hay đọc, hay hát, có thể các em không trả lời được hoặc trả lời bằng một tiếng cười giòn. Các em không bận tâm “nu na nu nống” hay “ve vẻ vè ve” là gì; cũng không lí giải được tại sao mình lại thích những câu như Đang đêm đông đen đốt đèn đi đâu đấy/ Đốt đèn đi đãi đỗ đen đây. Ý nghĩa với trẻ đôi khi không quan trọng bằng nhịp điệu, nhạc điệu. Những câu chữ ngân nga, những giai điệu tươi mới, những vang âm trong trẻo hoặc lạ lẫm… là thứ chinh phục trẻ trước tiên. Nếu người lớn có thể thích những bài thơ sâu sắc, giàu triết lí, không quan tâm đến vần hay nhịp điệu, thì với thiếu nhi, nhạc điệu, nhịp điệu, âm vang của ngôn từ là những yếu tố quan trọng quyết định sức hấp dẫn của thơ. Làm nên nhịp điệu, nhạc điệu của thơ có nhiều yếu tố nhưng yếu tố thường gặp là vần, nhịp và sự lặp lại của âm (từ láy), của từ (điệp từ), của ngữ (điệp ngữ), của cấu trúc (điệp cấu trúc)… Đây cũng là đặc điểm hay gặp trong đồng dao hoặc ca dao.

Những bài thơ được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích như Mèo con đi học (Phan Thị Vàng Anh), Cô dạy (Phạm Hổ), Anh đom đóm (Võ Quảng), Con chim chiền chiện (Huy Cận), Quạt cho bà ngủ (Thạch Quỳ)… đều là những bài thơ có vần, có nhịp, có nhạc điệu.

Mèo con đi học

Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một chiếc bút chì

Và mang một mẩu bánh mì

con con.(1)

Bài thơ gồm hai cặp lục bát uyển chuyển, bắt vần êm ái. Vần được gieo ở các tiếng: “chang” - “mang”, “gì” - “chì” - “mì”. Nếu vần “ang” gợi sự mênh mang của đất trời và nắng vàng rực rỡ trên đường đi học của chú mèo thì vần “i”, ngược lại, gợi sự nhỏ bé của… không có cái gì, của “bút chì” và “mẩu bánh mì” - những hình ảnh vốn rất gần gũi, quen thuộc với trẻ nhỏ. Âm điệu của bài thơ gợi niềm vui, sự giản đơn, nhẹ nhõm của việc “đi học”, dù trời có nắng, dù không gian có rộng thì cũng không có gì đáng ngại.

Bên cạnh vần điệu, trẻ thường thích thơ có sự lặp lại. Như bài Cô dạy của Phạm Hổ: Mẹ, mẹ ơi cô dạy:/ Phải giữ sạch đôi tay/ Bàn tay mà giây bẩn/ Sách, áo cũng bẩn ngay/ Mẹ, mẹ ơi cô dạy:/ Cãi nhau là không vui/ Cái miệng nó xinh thế/ Chỉ nói điều hay thôi.(2) Bên cạnh vần gieo ở các tiếng “dạy” - “tay” - “ngay” - “dạy”, còn thấy câu thơ Mẹ, mẹ ơi cô dạy lặp lại hai lần. Sự lặp lại này gợi đặc tính quen thuộc của trẻ nhỏ: hay hỏi, hay nói, dễ chia sẻ, nhất là với mẹ. Ngoài ra vần và sự lặp lại giúp các em dễ nhớ, nhanh thuộc.

Tự nhiên vận hành luôn nhịp nhàng: sáng - trưa - chiều - tối là nhịp điệu của ngày, xuân - hạ - thu - đông là nhịp điệu của năm, sinh - lão - bệnh - tử là nhịp điệu của đời người… Chính hiện tượng lặp đi lặp lại mang tính quy luật này tạo nên cảm giác về sự ổn định, vững chãi, cân bằng và an toàn. Vì thế, trẻ nhỏ khá nhạy cảm với nhịp điệu, đặc biệt là nhạy cảm với nhịp điệu trong thơ. Sự lặp lại có thể khiến người lớn cảm thấy nhàm chán nhưng với trẻ thường tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc và mang tính nhấn mạnh, khắc sâu. Sự lặp lại một cách nghệ thuật những từ ngữ, hình ảnh quan trọng giúp trẻ ổn định tâm trạng và không bị mệt khi phải theo đuổi quá nhiều hình ảnh, cảm xúc khác nhau.

Bài thơ Lượm của Tố Hữu được dạy trong chương trình lớp 6 có hai khổ thơ được lặp lại:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

 

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng.(3)

Hai khổ thơ này xuất hiện ở đầu và cuối bài thơ, ngoài tạo sự ngân nga về nhịp điệu, còn tạo ấn tượng về một chú bé Lượm vẫn còn đó, vẫn đang trên đường như một con chim nhỏ với cái đầu nghênh nghênh và tiếng huýt sáo vang. Điệp khúc này xoa dịu nỗi buồn và mang tới niềm an ủi cho trái tim trẻ thơ, làm vơi nhẹ cảm giác về sự mất mát ở những dòng thơ phía trên.

2. Cái nhìn cuộc sống tươi mới, sống động trong thì hiện tại

Thơ cho thiếu nhi thường giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh nhưng có một đặc điểm dễ nhận thấy là những sự vật, hiện tượng thường được miêu tả ở thì hiện tại. Trẻ luôn nhận diện cuộc sống, bạn bè, người thân ở thì hiện tại và sống trọn vẹn mỗi phút giây của hiện tại; hiện tại với trẻ là tất cả quà tặng của đời sống. Trẻ hiếm khi băn khoăn về quá khứ hay lo lắng, sợ hãi bởi tương lai. Vì vậy, những bài thơ được trẻ yêu thích thường là những bài viết về phút giây hiện tại.

Trở lại với Mèo con đi học ở trên, có thể thấy bài thơ viết về thời gian “hôm nay”, không gian (đang) “nắng chang chang” và nhân vật chính (đang) “đi học” mà “chẳng mang thứ gì”. Mèo con không băn khoăn về việc đã làm bài tập hay chưa (chuyện quá khứ), cũng không lo lắng việc tới lớp cô giáo có gọi kiểm tra bài hay không (chuyện tương lai). Mèo con đi học như bông hoa cần phải nở, con chim cần phải hót, cái cây cần phải lớn và trẻ con cần tới lớp mỗi ngày. Rất nhẹ nhõm và thảnh thơi. Mèo con Chỉ mang một chiếc bút chì/ Và mang một mẩu bánh mì con con, vừa sức, vừa đủ cho mình. Đi học rất nhẹ, rất vui, rất khoái thú. Nếu đi tìm những ẩn dụ sâu xa, những “thông điệp giáo dục” ở bài thơ này thì sẽ không thấy. Nhưng hầu như bạn nhỏ nào cũng thích, cũng có thể ngâm nga và nhập tâm thuộc lòng bài thơ ngay lần đọc đầu tiên. Đó là sự khác biệt giữa mĩ học trẻ thơ và mĩ học người lớn. Nếu không nhìn ra vẻ đẹp trong vắt của sự nhẹ nhõm, phơi phới, sẽ khó có thể rung động trước những bài thơ đích thực dành cho trẻ em.

Bài thơ Mầm non của Võ Quảng là câu chuyện của một “mầm non” đang nép mình quan sát những xao động của đất trời: Mầm non mắt lim dim/ Cố nhìn qua kẽ lá/ Thấy mây bay hối hả/ Thấy lất phất mưa phùn/ Rào rào trận lá tuôn/ Rải vàng đầy mặt đất. Rồi tất cả bỗng đột ngột im ắng để nghe thấy tiếng chim kêu báo mùa xuân tới. Mầm non cũng vậy, Vội bật chiếc vỏ rơi/ Nó đứng dậy giữa trời/ Khoác áo màu xanh biếc.(4) Với bài thơ này, bạn đọc nhỏ tuổi có thể nhận ra điều gì? Các em sẽ nhận ra rất nhanh những hình ảnh đẹp trong veo của thiên nhiên, khoảnh khắc biến đổi của vạn vật khi mùa xuân đến, vẻ đẹp của sự rụt rè nhưng cũng đầy mạnh mẽ của mầm non. Để rồi các em tự hiểu rằng thế giới này là kì diệu, sự sống là kì diệu, mùa xuân là kì diệu… mà đôi khi chưa cần tới bất cứ lời giảng giải nào từ thầy cô. Trẻ thường cảm nhận thế giới bằng trực quan sinh động, bằng trái tim, chứ ít bằng cái đầu với tư duy phân tích đầy lí trí.

3. Vẻ đẹp thiện tính

Nói tới trẻ thơ là nói tới thiện tính; vẻ đẹp trong vắt của thiện lương là đặc điểm nổi bật của tâm hồn các em. Trẻ có thể làm bạn với bầu trời, mặt đất, đám mây, với chú bò, con trâu, anh đom đóm… Trẻ cũng có thể xót thương một con chó sói và băn khoăn nếu một câu chuyện kết thúc không có hậu. Do vậy, những bài thơ trẻ nhỏ thích thường viết về tình cảm đẹp đẽ, chân thành giữa ông bà và cháu chắt (Quạt cho bà ngủ - Thạch Quỳ, Thương ông - Tú Mỡ), giữa cha mẹ và con cái (Mẹ ốm - Trần Đăng Khoa, Mẹ vắng nhà ngày bão - Đặng Hiển), giữa các con vật (Chú bò tìm bạn - Phạm Hổ), giữa trẻ và thiên nhiên (Đi học - Minh Chính, Mặt trời xanh của tôi (Nguyễn Viết Bình), giữa trẻ và thầy cô giáo (Bàn tay cô giáo - Định Hải, Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa)… Những bài thơ này đã mang tới nhiều rung động, xúc cảm nơi trẻ về vẻ đẹp của tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên.

Với tâm hồn trong trẻo, thiện lương, trẻ nhìn tất cả thế giới như bầu bạn và ai cũng có thể được tặng quà. Hãy quan sát cách trẻ em “nặn đồ chơi” nơi bài thơ cùng tên của Nguyễn Ngọc Ký: Bên thềm gió mát/ Bé nặn đồ chơi/ Mèo nằm vẫy đuôi/ Tròn xoe đôi mắt/ Đây là quả thị/ Đây là quả na/ Quả này phần mẹ/ Quả này phần ba/ Đây là thằng chuột/ Tặng riêng chú mèo/ Mèo ta thích chí/ Vểnh râu: “Meo meo”.(5) Mỗi thành viên trong gia đình, kể cả chú mèo, đều được tặng một món quà trang trọng bởi đôi tay khéo léo, tỉ mẩn, bởi tấm lòng thảo thơm của bé. Sự gần gũi giữa bé và thế giới thể hiện rõ qua hình ảnh bé nặn đồ chơi trong khi Mèo nằm vẫy đuôi/ Tròn xoe đôi mắt. Chú mèo là bạn, là người chia sẻ công việc và thưởng thức “tác phẩm nghệ thuật” cùng bé giữa không gian bình yên của ngôi nhà: Bên thềm gió mát.

Cũng bởi bản chất của trẻ là thiện lương, sẵn sàng làm bạn với cả thế giới nên dễ nhận thấy thơ hay viết cho thiếu nhi là những bài không lớn tiếng khuyên răn, giáo huấn. Trẻ khó chấp nhận sự giáo điều, cứng nhắc bởi những định kiến, những áp đặt, ép buộc đi ngược lại thiên tính trẻ. Với trẻ, những bài học thường đến tự nhiên, giản dị qua “đường dẫn” trái tim. Bài thơ Quạt cho bà ngủ (Thạch Quỳ) gợi vẻ đẹp trong ngần của tình cảm bà cháu. Bạn nhỏ thì thầm với chim chích chòe rằng bà của bạn hôm nay bị ốm nên chim giữ im lặng giùm để bà ngủ. Sự gắn kết giữa bà và cháu, giữa bé và thiên nhiên là cách “giáo dục” giản dị nhưng đầy xúc động về tình yêu thương…

Những bài thơ hay cho thiếu nhi luôn là “cầu nối” để trẻ đến với tình yêu và sự khôn lớn về nhận thức cũng như tâm hồn. Giáo dục bằng thơ cho thiếu nhi là cách giáo dục hết sức tự nhiên, chân thành và đầy mĩ cảm như vậy. Những “bài học đạo đức” dưới dạng những lời thơ tâm tình, thủ thỉ đi vào tâm hồn trẻ một cách hết sức êm đềm, dịu ngọt.

Nhiều thiếu nhi hôm qua, giờ trở thành cha mẹ vẫn tiếp tục đọc và dạy con những bài thơ một thời. Điều đó cho thấy, thơ hay là những bài thơ đi cùng năm tháng, dù tầm đón đợi của độc giả có thể thay đổi theo thời gian. Đặc điểm chung của những thi phẩm này là: giàu nhịp điệu, phù hợp với tâm hồn trẻ; những hình ảnh, sự vật, sự việc được khắc họa sống động trong thì hiện tại; chinh phục trẻ bằng vẻ đẹp của thiện tính, không định kiến và từ chối những giáo điều. Vì tuổi thơ là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời mỗi con người nên thơ chinh phục tâm hồn trẻ thường là những vần thơ trong trẻo, đầy ánh sáng, vượt ra khỏi ranh giới của yêu ghét và sợ hãi thông thường. Thơ hướng tới và củng cố niềm tin: trẻ em là vẻ đẹp vĩnh cửu của thế gian. Nhà thơ Tagor từng viết: Trong sân chầu vũ trụ/ Chiếc lá cỏ bình thường/ Cùng ngồi chung một thảm/ Với ánh mặt trời và sao sáng trong đêm (Người làm vườn, 1914). Có thể mượn ý thơ này để nói rằng, dẫu chỉ như chiếc lá nhỏ “trong sân chầu vũ trụ” nhưng trẻ em vẫn có vị trí quan trọng như “ánh mặt trời”, như “sao sáng trong đêm” mà mỗi người lớn cần nhìn nhận, lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương và trân trọng. Hiểu, yêu thương trẻ em sẽ giúp người lớn nhận ra vẻ đẹp với mĩ cảm đặc thù của thơ thiếu nhi, để từ đó sáng tác và lựa chọn đưa vào SGK những thi phẩm giàu thi tính nhất, phù hợp với tầm đón đợi của trẻ em nhất.

T.Đ.N.H

-------

1. Nguyễn Thị Nhất (chủ biên), Học vần 1, tập 2, Nxb Giáo dục, 1986, tr.47.

2. Trần Thị Ngọc Bảo, Nguyễn Có, Tập đọc 1, Nxb Giáo dục, 1985, tr.7.

3. Huỳnh Lý, Võ Phi Hồng, Nguyễn Quốc Túy, Văn 6, tập 1, Nxb Giáo dục, 1989, tr.70-71.

4. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), Tiếng Việt 5, tập 1, Nxb Giáo dục, 2014, tr.98.

5. Vụ giáo dục phổ thông, Tiếng Việt 1, tập 2, Nxb Giáo dục, 1996, tr.111.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)