. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của nhà văn hóa đã kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa. Quá trình ấy chính là liên văn hóa được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm. Cũng tất nhiên mức độ liên văn hóa đậm nhạt, giàu có, phong phú...khác nhau tùy thuộc vào cái tôi chủ thể nhà văn hóa. Liên văn hóa như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc, cái thân lầu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ nhà văn được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương, có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập...Hình dung như vậy để khẳng định càng là nhà văn lớn càng rõ tính liên văn hóa.Vì giao tiếp làm nên văn hóa, cũng đồng thời văn hóa làm nên giao tiếp nên thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) thực chất là giao tiếp liên văn hóa (Intercultural communication). Nó còn được gọi tên khác là giao tiếp giao/thoa văn hoá (Cross-cultural communication). Liên văn hóa trong một tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa nước nhà. Nó được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.
Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng của những khác biệt văn hóa. Trong nghệ thuật, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Xét theo nghĩa hẹp, liên văn hóa có trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống/hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication). Theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Vì quá nhiều vấn đề như vậy nên liên văn hóa hiện nay chủ yếu hiểu theo quan niệm là sự giao tiếp giữa những nền văn hóa khác nhau.
Thơ Xuân của Bác chỉ là một bộ phận trong kho tàng văn chương Hồ Chí Minh nhưng vì sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt, hướng tới đối tượng là toàn thể chiến sĩ đồng bào nên mang những giá trị đặc biệt. Ngày hôm nay soi chiếu những bài thơ cũng là những bài ca này dưới góc độ văn hóa hiện đại càng thấy lóe lên những ánh sáng thẩm mỹ mới mang tầm thời đại, tầm lịch sử.
Những thi phẩm này trước hết lưu giữ và phát huy một vẻ đẹp văn hóa ngàn đời, đó là phong tục chúc Tết. Vào dịp sum vầy cuối năm cũ, đầu năm mới của mỗi gia đình nên Bác chúc Tết tức là coi cả dân tộc Việt là một gia đình. Do vậy không nên chỉ nhìn nhận ý nghĩa và giá trị tinh thần dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ở nội dung câu chữ mà còn ở mối liên hệ văn hóa này, thậm chí mối liên hệ này mới là chủ yếu, mới nói được nhiều nhất về thơ Bác.
Bác làm thơ Xuân từ những ngày Xuân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đó là Tết Nhâm Ngọ 1942. Ở hàng Cốc Pó Bác có bài thơ “Chúc năm mới” in trên báo Việt Nam độc lập số 114, ngày 1-1-1942. Vươn lên trên tầm một tác giả lời chúc mang tư cách của Chân lý Chính nghĩa, của Lịch sử, của Thời đại: “Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong/ Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi/ Chúc đồng bào ta đoan fkeets mau/ Chúc Việt Minh ta càng tấn tới”. Đáng chú ý hình tượng về Quốc kỳ đã bay phấp phới trong thơ nhưng là để “nói” với thế giới về một Việt Nam mới sắp ra đời: “Chúc toàn quốc ta trong năm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!/ Năm này là năm rất vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”. Tháng 8-1942, Bác từ Cao Bằng sang Trung Quốc họp, đến Túc Vinh (Quảng Tây) bị mật vụ Tưởng Giới Thạch bắt giam. Tháng 9-1943 Bác về nước, Xuân Giáp Thân năm ấy (1944) Bác Hồ viết bài “Chào Xuân”, in trên báo Đồng Minh ký tên Hồ Chí Minh. Bài viết theo thể văn xuôi nhưng chất thơ tràn trề xôn xao ra cả bên ngoài câu chữ: “Xuân ơi, Xuân hỡi, hỡi Xuân/ Từ xa tới gần, Xuân khắp mọi nơi”. Tiếng gọi Xuân hồ hởi, vui vẻ như tiếng gọi bạn. Kết bài là câu đối truyền thống: “Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng/Viết bài chào Tết, chúc thành công!”. Đúng là chỉ khép lại ở hình thức nhưng mở ra những ý tình mới đầy hứa hẹn!
Năm 1946 là năm đặc biệt với chính thể dân chủ, chính quyền mới còn bỡ ngỡ, phải đối phó thù trong giặc ngoài, phải diệt giặc đói, giặc dốt. Thế nên chỉ trong những ngày đầu năm 1946, chưa đầy 1 tháng trời, Bác Hồ viết nhiều Thư chúc Tết: “Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm mới” (báo Cứu quốc số 131, ngày 02/01/1946); “Thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm” (báo Cứu quốc số 131, ngày 02/01/1946). “Tết” (báo Cứu quốc số 147 ngày 21/01/1946); “Thư chúc mừng năm mới” (báo Cứu quốc số 155 ngày 5/2/1946). Đặc biệt có “Mừng báo Quốc gia” là một bài thơ với xuất xứ là nhân dịp Tết Độc lập đầu tiên, báo Quốc gia – cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ trí thức xuất bản tại Hà Nội đến xin Bác Hồ bài thơ này: “Tết này mới thật Tết dân ta/Mấy chữ chào mừng báo Quốc Gia/Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/Tự do vàng đỏ một rừng hoa/ Muôn nhà chào đón xuân dân chủ/ Cả nước vui chung phúc cộng hòa/ Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc/ Những người chiến sĩ ở phương xa”. Vì là một đối thoại văn hóa với các trí thức nên lời thơ không “nôm na” nữa mà rất hàn lâm, trang trọng. Nhưng câu đầu vẫn là cấu trúc ca dao theo mô hình “A này mới thật A” rất hợp với không khí cổ truyền của Tết truyền thống. Cũng là nhắc nhở phải quay về giữ gìn truyền thống. Chúc nhau rượu mừng Độc lập nhưng chỉ trong “đầy vơi ba cốc rượu”. “Rượu” thì có hạn nhưng tự do thì vô hạn, ngập tràn “vàng đỏ một rừng hoa”. Ở đây “vàng đỏ” đa nghĩa, là màu sắc của hoa, là màu cờ Tổ quốc. Bài thơ đúng là một giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication) truyền thống – hiện đại, hôm qua, hôm nay: “Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc/ Những người chiến sĩ ở phương xa”. “Chúc” là truyền thống, chúc các “chiến sĩ” là hôm nay. Vĩ đại ở Hồ Chí Minh vượt ra ngoài câu chuyện chúc tết thông thường để nói về tình người, về đạo lý: hãy nhớ về những người ở tiền tiêu đang lấy xương máu bảo vệ Tết tự do này! Đó là văn hóa rất Việt ăn quả nhớ người trồng cây, mình đang ăn quả Phúc hãy nhớ về những người trồng và giữ gìn cây Phúc!
Đặc điểm chung của Thơ chúc Tết của Bác trước 1955 là gắn liền với nhiệm vụ đuổi giặc Pháp giành lại độc lập tự donên gắn liền với nhiệm vụ chính trị. Có khi chỉ một câu thơ hay bài thơ nhưng đó là đường lối, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Chính vì thế các nhà nghiên cứu sử học hay quân sự, văn hóa phong tục hay xã hội học....không thể không đọc những bài thơ này. Đến nay, qua độ lùi thời gian, qua sự chứng minh của lịch sử, có thể khẳng định những lời đó là chân lý được đúc bằng vàng của một trí tuệ phi thường, của một tầm nhìn xuyên không gian, thời gian, thấu hiểu thời đại, thấu cảm nhân tâm. Các Tết Đinh Hợi (1947), Mậu Tý (1948), Kỷ Sửu (1949), Bác Hồ đều có thơ chúc Tết đăng trên báo Độc Lập, Sự Thật. Tết năm Kỷ Sửu (1949) Bác Hồ có 4 câu thơ trở thành khẩu hiệu hành động cho phong trào thi đua yêu nước của dân tộc đi suốt hai cuộc kháng chiến: “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”. Đọc thơ Bác không chỉ đọc trên câu chữ, vì chúng rất đỗi bình dị nhưng gắn với thời đại, với bối cảnh, với nhiệm vụ cách mạng thì mới thấy đó là chân lý. Như ở bài này thì đó là cấu trúc nhân quả vững chãi: mọi người thi đua (nguyên nhân) thì “Ta nhất định thắng” (kết quả). Lịch sử khẳng định: cả dân tộc không có những phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” hay “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam”...thì không thể chiến thắng được kẻ địch mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần!
Thơ Xuân của Bác cũng đồng thời là phương châm chiến lược cách mạng nên vượt lên trên tầm một lời chúc Tết để trở thành mục tiêu hành động của cả dân tộc. Bài thơ “Chúc mừng Năm mới” năm Canh Dần (1950) là lời chúc nhưng cũng là mệnh lệnh: “Chuyển mau sang tổng phản công/Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đến “Thơ chúc Tết” Xuân Tân Mão (1951) là lời chúc, lời động viên, lời hiệu triệu: “Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”. Thơ chúc Tết Giáp Ngọ (1954), Bác đưa ra dự báo, một dự báo nhưng gần như là khẳng định ở cách dùng các từ ngữ khí mạnh, chắc chắn: “Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/ Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công/ Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Đông, Tây/ Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều!”. Bốn câu văn xuôi nhưng là sự kết tinh của tầm nhìn thời đại chỉ có được ở một thiên tài! Thế chất thơ ở đâu, trong khi tên bài thơ được Bác đề rõ là “Thơ chúc Tết” và chua rõ ngày viết là “Ngày Nguyên đán năm Giáp Ngọ”? Điều này càng khẳng định quan niệm của chúng tôi là phân tích thơ Bác, nhất là thơ chúc Tết không chỉ căn cứ vào cái vỏ câu chữ mà phải đặt dưới trường “liên văn hóa” không thời gian. Đặt bài thơ này vào bối cảnh Pháp sắp thua ở Điện Biên, phong trào hòa bình trên thế giới đang phát triển rất mạnh, nhất là Việt Nam như một tấm gương để các dân tộc thuộc địa hành động, thì chất thơ lại vút lên ở niềm lạc quan, ở cảm hứng chiến thắng, ở niềm tin thành công! Đó không chỉ là sự khích lệ kêu gọi, động viên đồng bào chiến sĩ trong nước mà còn là lời khích lệ, kêu gọi, động viên đồng bào nhân dân các nước thuộc địa!
Các Tết năm 1956, 1957, 1959, 1960, Bác vẫn có thơ chúc Tết gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Tứ thơ trong bài “Thơ mừng năm 1961” mừng Xuân Tân Sửu 1961 vút cao bay vào không gian lịch sử cả Việt Nam và cả thế giới để tỏa sáng một quan niệm mà nếu soi vào cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người thì đó là một quan niệm mới mẻ, đặc sắc, toàn diện về hạnh phúc.“Thơ mừng năm 1961” được làm ngày đầu năm mới có mấy câu mở: “Mừng năm mới, mừng xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng thế giới/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…”. Toát lên từ tác phẩm là âm hưởng phơi phới những niềm vui, phấn khởi, tin tưởng, giàu hứa hẹn. Còn cho thấy quan niệm của Bác về hạnh phúc là đồng nghĩa với những gì tốt đẹp, mới mẻ, đầy tràn hy vọng. “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” không của cá nhân nào mà của tất cả mọi người, không của riêng Việt Nam ta mà còn là của cả thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi cùng nhân loại vì mang giá trị nhân loại phổ quát, gắn liền với nhân loại, mong muốn đưa nhân loại đến cõi hạnh phúc. Xét đến cùng, từ khi xuất hiện, trong lao động và đấu tranh, loài người đều nung nấu một mục đích khát khao vươn tới hạnh phúc. Cho nên hạnh phúc biểu hiện tính người rõ nhất, điều mà triết học văn hóa trên thế giới hôm nay đang mải mê lý giải, cắt nghĩa, phân tích, khái quát, tổng kết… để tìm ra một mô hình con người văn hóa mới. Nhưng những điều giản dị mà cao cả ấy lại có tương đốiđầy đủ và hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta càng hiểu rõ hơn chân lý: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[1].
Cảm hứng trong “Thơ mừng Xuân 1967” (Đinh Mùi) thật tươi trẻ, lạc quan, phấn khởi: “Xuân về xin có mấy vần thơ/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta/ Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Trong lời chúc có nhiệm vụ chiến lược: hai miền tập trung chống Mỹ nhưng câu cuối là niềm vui, là niềm tin tất thắng biểu hiện qua sự so sánh truyền thống, cổ điển nhưng cũng rất riêng, chỉ có ở Hồ Chí Minh. Dân gian so sánh “đẹp như hoa” dành cho người (thường là con gái), dành cho những nụ cười tươi (tươi như hoa)...Ở đây Bác so sánh “thắng trận nở như hoa”. Hoa là đẹp, là quý, chúng ta thắng trận cũng “đẹp” như hoa, quý như hoa vậy. Ý thơ nâng cuộc kháng chiến chống Mỹ lên một tầm cao văn hóa: vì cái đẹp chúng ta chống Mỹ, vì con người chúng ta chống Mỹ và chúng ta chống Mỹ bằng cái đẹp nhân văn, bằng niềm tin yêu, kính trọng con người. Bác Hồ rất Việt Nam là thế: “Người ta là hoa đất”. Chúng ta chống Mỹ như là việc làm vì con người, vì cái đẹp!
Có thể coi bài thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968 của Bác là hiệu lệnh tiến công: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Lịch sử chiến tranh chống Mỹ ghi lại, ngay sau giây phút Bác đọc thơ chúc Tết, cả miền Nam nổ súng tiến công nổi dậy. Đó là đòn chiến lược buộc Mỹ - ngụy chấp nhận cuộc đàm phán bốn bên ở Pa-ri. Đồng bào, chiến sĩ cả nước ta những năm ấy, hầu như ai cũng thuộc thơ chúc Tết của Bác Hồ. Câu thơ cuối “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” trở thành khẩu hiệu hành động cho cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Ngày hôm nay cả nước chống “giặc covid” cũng là mọt cách thực hiện theo lời dạy của Bác!
“Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu” (1969) là mùa Xuân thứ 79 Bác Hồ vẫn làm thơ chúc Tết, lời chúc có phần còn hào sảng, vang vọng hơn những mùa xuân trước: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”. Bài thơ bật toát lên một chân lý:Xuân đẹp nhất là xuân “sum họp”, xuân hòa bình, xuân độc lập, tự do, hạnh phúc! Đây chính là hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh: Đoàn kết/ Đoàn kết/ Đại đoàn kết/ Thành công/ Thành công/ Đại thành công”. Hai câu cuối đúc kết một chân lý bằng vàng của lịch sử dân tộc cũng là của tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lẽ nên phân tích cho rõ hơn ý này: Để có thể “Tiến lên” thì trước hết phải đoàn kết. Càng đoàn kết mạnh thì “tiến lên” càng nhanh càng vững thì Bắc Nam mới có thể “sum họp”. Và đấy là niềm Hạnh Phúc lớn lao nhất, viên mãn nhất, vĩnh cửu nhất!
N.T.T
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr. 64.
VNQD