Một số giải pháp phòng chống thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội

Thứ Bảy, 18/12/2021 00:17

. TRƯƠNG THỊ KIÊN
 

1. Thông tin sai lệch, xuyên tạc - nhận diện một số biểu hiện

Mạng xã hội ở Việt Nam với hơn 64 triệu người dùng là một môi trường thông tin tự do với nhiều ưu điểm, tiện ích tuyệt vời, nơi mà người Việt Nam được khai thác, cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin không giới hạn, nơi mà công chúng được tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến. Đối với Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, mạng xã hội là cánh tay nối dài, là công cụ, phương tiện tuyên truyền cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quảng bá các hoạt động của cơ quan, đoàn thể, bộ ngành...

Tuy nhiên, như đã thấy, ngoài tiện ích, mạng xã hội cũng là môi trường chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong đó, một loại tác động tiêu cực là thông tin sai lệch, xuyên tạc. Thông tin sai lệch, xuyên tạc được hiểu là những thông tin không đúng sự thật. Nếu thông tin sai lệch có thể được gây nên bởi vô tình hoặc cố ý, thì thông tin xuyên tạc thường là thông tin do cố ý tạo nên với những mục đích, động cơ rõ ràng, mà thường là mục đích, động cơ mang màu sắc, tính chất tiêu cực.

Có nhiều cấp độ về mức độ tác động, ảnh hưởng của thông tin sai lệch, xuyên tạc. Có thông tin sai lệch, xuyên tạc gây ảnh hưởng ít, có thông tin gây ảnh hưởng nhiều và có thông tin gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia, sự tồn vong của chế độ. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc dạng này thường được tạo nên bởi các thế lực thù địch, phản động. Ngay từ khi mạng xã hội ra đời, các thế lực thù địch đã bắt đầu lập hàng ngàn trang web, blog, diễn đàn cá nhân, kênh truyền hình trực tuyến, báo đài nước ngoài như RFI, RFA, VOA, BBC để gia tăng các hoạt động chống phá. Trên mạng, có tới hàng chục hội nhóm, tổ chức phản động được lập ra như Hội dân oan, Hội bầu bí, Hội học sinh - sinh viên độc lập, CLB sinh viên trẻ tài năng, tổ chức Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời… nhằm làm sai lệch thông tin về các nguyên thủ Việt Nam, về Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Các tổ chức phản động nước ngoài cũng triệt để lợi dụng một bộ phận trong giới trí thức, văn nghệ sĩ để tác động, gây ảnh hưởng, lợi dụng một số nhân vật để xuyên tạc, thành lập các CLB “Nguyễn Đình Thi”, CLB Hà Nội, thúc đẩy tam quyền phân lập ở Việt Nam. Chúng tung nhiều ý kiến trái chiều công khai hoài nghi đường lối lãnh đạo, quản lí của Đảng, Nhà nước, tung nhiều thông tin sai lệch về các dữ liệu lịch sử của dân tộc, chẳng hạn như giọng điệu của các bài viết Nhìn lại vụ án Ôn Như Hầu, Nhìn lại nhân vật Nguyễn Huệ… Chúng còn tạo dựng, xuyên tạc các câu chuyện không có thật về các anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của nhân dân Việt Nam. Chẳng hạn, thông tin sai lệch, xuyên tạc trắng trợn về đại thắng mùa xuân 1975: thực chất chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc do sự khác biệt về lí tưởng cộng sản và không cộng sản...

Một điều đáng lưu ý, trước đây các thế lực thù địch ở Mĩ và một số nước phương Tây chỉ quan tâm đến “lề trái”, thì giờ đây chúng chuyển hướng, tập trung quan tâm đến báo, đài chính thống, nhất là đội ngũ phóng viên nhằm chuyển hoá tư tưởng đội ngũ này.

Sự hoạt động mạnh mẽ của các thế lực thù địch, phản động với những luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội đã khiến xã hội có những bất ổn, lòng dân bất an, hoang mang lo lắng.

2. Về giải pháp chống thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội

Đã có nhiều giải pháp đưa ra để hạn chế thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội. Luật An ninh mạng đã được ban hành, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính 2013 trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin cũng là căn cứ quan trọng để xử lí các vi phạm. Ngoài ra, căn cứ vào Bộ luật Hình sự để xử phạt các trường hợp cấu thành vi phạm trong sử dụng thông tin trên mạng xã hội. Như vậy, những loại thông tin sai lệch, xuyên tạc - tùy theo tính chất, mức độ vi phạm - sẽ bị xử lí hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những giải pháp ở góc độ luật pháp là giải pháp “cứng” để các tổ chức, cá nhân tuân thủ. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có Luật, có Nghị định, nhưng việc vi phạm pháp luật vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực thông tin sai lệch, xuyên tạc. Chúng ta cũng phải xác định, cuộc chiến chống lại thông tin xuyên tạc, sai lệch là cuộc chiến lâu dài, thậm chí là cuộc chiến “khó có hồi kết” bởi các lí do sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách để chống phá cách mạng, chống phá chế độ. Chúng lập nên những trang mạng và đặt máy chủ ở nước ngoài, nên dù ta đã áp dụng các giải pháp kĩ thuật, tạo các “bức tường lửa” trên mạng để ngăn chặn vẫn không đủ sức triệt tiêu tận gốc những thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Thứ hai, cuộc sống vận động, thay đổi hàng ngày, hàng giờ, với những chiều hướng vận động phức tạp, đa dạng, khó lường. Trong khi đó, tư tưởng, tinh thần của con người là một phạm trù rất khó kiểm soát và cũng không phải là “bất biến”. Với một đất nước hơn 90 triệu dân, khó tránh khỏi những bất mãn, những phản ứng trái chiều, ngay cả phản ứng trái chiều về một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về bộ máy lãnh đạo các cấp...

Thứ ba, xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, xuyên tạc, trái chiều hơn thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý thức, bất chấp các hậu quả… đã là xu hướng của một bộ phận người dùng mạng xã hội ngày nay, đặc biệt là giới trẻ.

Từ thực tế như vậy, có thể thấy, có những loại thông tin xuyên tạc, sai lệch không thể loại bỏ hoàn toàn, bởi chúng đến từ các thế lực thù địch. Nhưng cũng có những loại thông tin sai lệch, xuyên tạc đến từ cộng đồng mạng, nguồn tin từ thường dân Việt Nam, thì có thể giảm thiểu bằng một số giải pháp sau:

Giải pháp thông tin. Để đấu tranh với thông tin sai lệch, xuyên tạc, cần phải có một luồng thông tin khác đủ mạnh. “Mạnh” ở đây là:

Thông tin phải nhanh

Thông tin phải nhiều

Thông tin phải hấp dẫn

Thông tin đúng điều công chúng quan tâm.

Những thông tin “không có lợi”, nếu truyền thông chính thống muộn, chậm, hay vì lí do nào đó mà không thông tin thì sẽ bị thua truyền thông mạng xã hội, thậm chí, là cái cớ để những kẻ chống phá thêu dệt, thổi phồng, bóp méo nhằm đả phá, bôi nhọ. Một số trường hợp nếu không thể đưa tin nhanh, đưa tin ngay để cạnh tranh với mạng xã hội, thì báo chí cần tập trung những bài bình luận, phân tích, thậm chí là những bài có tính chất đấu tranh, phản biện những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch để người dân nhận thức rõ bản chất của vụ việc, không hoang mang, dao động trước luận điệu tuyên truyền, kích động của kẻ thù.

Giải pháp tuyên truyền. Việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội, là rất quan trọng. Tuyên truyền nhằm mục đích để người dùng mạng thực hiện đúng những quy tắc khi giao tiếp trên mạng như: 1. Nói những điều lạc quan; 2. Tôn trọng người khác; 3. Tuân thủ pháp luật, không xuyên tạc, tô hồng, thổi phồng, bôi đen sự thật, làm ảnh hưởng tới người khác; 4. Tuyên truyền cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp làm theo mình.

Giải pháp “thân dân”. Đây chính là giải pháp cốt lõi của mọi giải pháp. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: có dân là có tất cả. Tôn trọng nhân dân là không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân; tôn trọng nhân dân phải gắn chặt với những điều “không nên” và những điều “nên” làm. Chỉ khi nào xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người dân được tôn trọng, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, người dân được hưởng các chế độ đãi ngộ tốt, thì những bất bình trong dân, những loạn lạc trong dân mới được kiềm chế. Điều đó đồng nghĩa với hạn chế được thái độ bất mãn, lòng người tin tưởng, phấn chấn hơn, những thông tin sai lệch, xuyên tạc được lược giảm một cách tự nhiên.

Thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội là một tất yếu của truyền thông mạng xã hội, khi mà công nghệ kĩ thuật phát triển song song với những mâu thuẫn giai cấp, đấu tranh chính trị ngày càng phức tạp. Chính phủ Việt Nam đã tìm nhiều cách để hạn chế luồng thông tin sai lệch, xuyên tạc. Nhưng đây là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tối đa những tác hại tiêu tực của nguồn thông tin xấu/ độc này.

T.T.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)