Bác Hồ - vừa là vị lãnh tụ vừa là người nông dân!

Thứ Năm, 06/01/2022 09:05

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Bài viết chứng minh Bác Hồ không những là vị lãnh tụ thiên tài, gần dân, thân dân, vì dân, do vậy Bác cũng còn là người nông dân thuần hậu, chân chất, đặc biệt quý mến tài sản lao động của mình là đất đai, vườn ruộng.

Cũng giống như người nông dân Việt coi đất đai, vườn, ruộng là tài sản quý giá nhất, Bác Hồ còn nâng những tài nguyên ấy thành biểu tượng văn hóa đặc sắc. Là nhà văn hóa lớn, Bác thấu hiểu cảnh đời, cảnh sống, thấu cảm ước mơ khát vọng của những người chân lấm tay bùn. Người đi tìm đường cứu nước, xét đến cùng là tìm cách trả lại cho người nông dân tài sản của họ đã bị bọn phong kiến, thực dân chiếm đoạt!

Sau ngày khai sinh ra chính thể mới (1945) đất nước sa vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Bác ưu tiên “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt” và phát động phong trào “Tăng gia sản xuất” với các khẩu hiệu “Sạch làng tốt ruộng”, “Tấc đất tấc vàng”. Người Việt rất quý đất đai vì đó là tư liệu canh tác chủ yếu, thể hiện ở ngay cách dùng từ “tấc đất” thì Bác Hồ là người Việt Nam nhất. Trong mọi bài nói bài viết Người đều dùng từ này thể hiện sự trân quý, nâng niu. Người gợi ý Bộ Canh nông ra tờ báo “Tấc đất” để cổ động sản xuất. Ngày 07/12/1945 trên báo này Người có bài viết “Gửi nông gia Việt Nam” đến nay trở tài sản văn hóa tinh thần, là chân lý vàng cho hướng đi, hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam: “Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng” (1). Trong 2 năm 1945-1946, khi ra lời Hiệu triệu, khi có ý kiến với các Ủy ban (kiến thiết, kháng chiến, tản cư), khi động viên dân chúng nhiều lần Người nhấn mạnh “không để một tấc đất hoang”. Sau này miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, với cương vị Chủ tịch Nước, vẫn phong cách ấy Người viết báo nêu kinh nghiệm, có khi chỉ là những việc rất nhỏ của nhà nông. Tháng 8/1961 Người có bài báo “Cần học những kinh nghiệm tốt” nêu bài học của xã Xuân Lai (Thanh Hóa) khi “lợn thiếu cám” thì “cả xã phát động phong trào trồng cây làm thức ăn cho lợn. Họ không để một tấc đất hoang. Họ biến bờ rào gai thành hàng chục cây số “bờ rào ba”, tức là trồng ba thứ: ngoài trồng cỏ voi, giữa trồng sắn, trong trồng củ dong. Họ thi đua trồng ngô, lang, đu đủ… Bình quân mỗi người có một sào cây thức ăn cho lợn” (2). Bác Hồ không chỉ vĩ đại ở tư tưởng lớn, ở trí tuệ lớn mà còn ở những việc rất chi tiết, cụ thể, đời thường như thế!

Người dùng thành ngữ “tấc đất cắm dùi” một cách tự nhiên và chính xác như người nông dân: “hàng chục vạn người nghèo khổ không có một tấc đất cắm dùi” (3). Khẳng định, ghi nhận, động viên các chiến sĩ trên mặt trận “giữ đất”, tháng 12/1945 Người gửi thư tới các chiến sĩ Nam bộ và Nam phần Trung bộ hy sinh thân mình chặn bước tiến kẻ thù với tiếng nói, cách dùng ngôn từ, hình ảnh của người nông dân: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc” (4). Tháng 2/1946 Người ra lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, tin tưởng cùng Chính phủ tranh đấu giữ tự do: “Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn tranh đấu” (5).

Như vậy, vượt lên trên giá trị một thứ tài sản quý, với Bác Hồ đất đai đã trở thành biểu tượng cho một giá trị văn hóa, giá trị sống, một nếp sống, nếp lao động, biểu hiện cho cả tính cách một dân tộc. Một tính cách cần cù, chân chất, mộc mạc tự nhiên như Đất, bền vững, vĩnh cửu, kiên định như Đất!

Là người làm vườn đích thực, thời kỳ công tác bí mật ở Thái Lan, Bác Hồ như một nông dân. Trong bài viết “Kiều bào ta ở Thái lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” Bác kể: “Bác cũng phát nương làm xuốn như các anh em khác” (6). “Xuốn”, âm tiếng Xiêm có nghĩa là vườn. Năm 1946, những ngày đầu ở Pháp có người bạn hỏi về chỗ ăn ở, Người nói: “Chính phủ của ông đã cho tôi một căn hộ lộng lẫy trong một lâu đài gần quảng trường Ngôi sao. Tôi không thích thú cho lắm. Tôi cần một mảnh vườn, mà ở đây lại không có vườn” (7). Khi trở thành Chủ tịch Nước, Bác vẫn là người làm vườn: “Việc quân việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”.

Với Bác Hồ, “vườn” còn trở thành biểu tượng của tương lai tốt đẹp, của sự đa dạng tốt tươi. Người dùng những hình ảnh thật đẹp, giàu ý nghĩa như thôi thúc, khuyến khích, động viên về “thi đua ái quốc”: “Như một cái vườn mênh mông, tươi tốt, mới có một vài nụ hoa chớm nở, song chắc rồi đây vườn sẽ khai hoa kết quả đầy cả góc trời” (8).

Tháng 6-1968, khi đã 78 tuổi, nói chuyện với các đồng chí có trách nhiệm trong Ban Tuyên huấn Trung ương Người nhấn mạnh về chiến lược xây dựng con người: “Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp...Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người” (9). Đây thực sự là kim chỉ nam cho ngành giáo dục hôm nay!

Sinh thời, hầu như chiều nào có chút thì giờ rảnh rỗi là Bác ra vườn ngắm nghía những mầm lá cam đang nhú và tìm bắt những con sâu có hại. Vào dịp cam chín, Bác tự tay hái cam và tặng khách. Người nói vui: “- Của ít lòng nhiều, xin quý khách nhận cho!”. Nhân cuộc họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Bác bảo đồng chí giúp việc hái tặng mỗi vị một quả cam “cây nhà lá vườn”. Người tự tay lấy tặng mỗi người một quả và nói rất chân tình: “- Cam của vườn Bác chắc không ngon ngọt bằng cam của bà con nông dân ta trồng, chú nào cần ăn thêm đường thì lấy...” (10). Đây không phải là hành vi và lời nói của một vị Chủ tịch Nước, mà là lời của người Cha nói với những đứa con yêu, như nhắc nhở về đạo lý: ăn quả nhớ người trồng cây, mà người trồng cây vĩ đại nhất là Nhân Dân (như Bác nói là “bà con nông dân ta”).

Với Bác Hồ, “ruộng” là biểu tượng cho đất nước và lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 17- 9-1946 nói chuyện với kiều bào ta tại Pháp, Bác dùng ngụ ngôn: “Nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi…” (11). Một ví dụ ngắn gọn mà phù hợp với tập quán làm ruộng của dân ta, phù hợp với đặc điểm người Pháp mang quân, mang của (thóc) sang nước ta (ruộng) để “khai hoá văn minh” (trồng). Nhất là nó phù hợp với tình hình Bác sang Pháp để ký Tạm ước hoà bình với người Pháp.

Trong tư duy Hồ Chí Minh, dù có nói về vấn đề phức tạp nhưng nhờ cách sử dụng các biểu tượng nên rất giản dị, cụ thể: “xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như làm ruộng. Trước phải khó nhọc cày bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt, thì mới có gạo ăn” (12). Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt sâu gốc rễ từ truyền thống, kế thừa những nét tích cực và loại bỏ những nét không phù hợp với sự phát triển. Người căn dặn đồng bào: “Đồng bào nông dân ta cần hiểu rằng ruộng đất rất tốt, nhưng phải có sự chăm chỉ, cần cù thì mới đem lại hoa màu, thóc lúa, nghĩa là “muốn có ăn thì phải lăn vào ruộng” (13). Thành ngữ dân gian là “Muốn ăn thì lăn vào bếp” với nét nghĩa chỉ sự hưởng thụ, mặc dù vật chất đã có nhưng muốn hưởng thụ ngay thì cũng phải làm việc. Bác Hồ phát triển thành ngữ này và đẩy ý nghĩa đi xa hơn nhiều nghĩa ban đầu của ngụ ngôn dân gian: muốn tạo ra vật chất và hưởng thụ nó thì phải lao động một cách chăm chỉ, sáng tạo trong cả một quá trình dài. Chính Bác là tấm gương lao động cần cù, sáng tạo nhất!

Những vĩ nhân luôn thống nhất hài hòa tuyệt đẹp cái bình thường cụ thể với sự vĩ đại phổ quát từ trong quan niệm, suy nghĩ lớn lao cho đến hành động nhỏ nhất. Bác Hồ là một vĩ nhân như thế!

N.T.T

-------

(1), (4), (5). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 4, tr 134; 154; 214.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd 175.

(3). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd 206.

(6). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Sđd, tr 422.

(7). Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 196.

(8). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 108.

(9). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 665.

(10). Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005, tr 99.

(11). Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, tập 3, tr 330.

(12), (13). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11. Sđd, tr 404; tr 111.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)