Đợi bọn mọi: Đợi “đóa hoa đen của nền văn minh” mãn khai?

Thứ Hai, 10/01/2022 09:43

. HÀN GIANG

 

Con người là sinh vật kể chuyện. Trong Lược sử loài người, Yuval Noah Harari viết: “Theo năm tháng, con người đã thêu dệt những câu chuyện phức tạp khó tin.” Có câu chuyện để lôi cuốn người khác. Có câu chuyện để ám thị, tự thuyết phục chính mình. Trùng điệp những câu chuyện trong hành trình sống của nhân loại đã định dạng đời sống theo cái cách mà người ta gọi là văn minh. Nhưng câu chuyện - huyền thoại liên cá nhân, đóa hoa giả tưởng kết từ ma thuật của ngôn ngữ ấy - đôi khi lại rực rỡ một màu độc dược, thấm hút chất người và những giá trị sống. Đợi bọn mọi của John Maxwell Coetzee(1) trình hiện sự ngả màu kết độc của đóa hoa văn minh khi những câu chuyện mang tính huyền thoại đã bước ra đời thực trong hình hài súng đạn, từ đó truy vấn rốt ráo về bản chất thực của văn minh và man dã.

Không cần đợi đến ánh hào quang của giải Nobel văn chương trao cho J.M.Coetzee vào năm 2003 phổ một luồng ánh sáng lên tác phẩm của ông, mà ngay từ khi ra đời, những trước tác của nhà văn Nam Phi luôn giấu mình như ẩn sĩ này đã tự phát sáng. Đợi bọn mọi không nằm ngoài vùng sáng ấy. Được viết vào năm 1980, lấy cảm hứng từ bài thơ Waiting for the Barbarians của nhà thơ Hy Lạp Constantine P.Cavafy, dường như ngay lập tức, Đợi bọn mọi đã tạo được tiếng vang lớn. Malan Rian - nhà phê bình nổi tiếng người Nam Phi - đã xác quyết: “Chỉ một cuốn Barbarians thôi cũng đủ đem lại thế giá cực độ về văn học cho Coetzee.” Tạp chí The New York Times thì lí giải: “Người ta yêu mến cuốn sách vì nghệ thuật sử dụng ngôn từ tài tình của J.M.Coetzee. Vừa khó nắm bắt vừa dễ hiểu, rất đáng sợ nhưng cũng thật quen thuộc, đó là điều đặc biệt làm nên sự cuốn hút của Đợi bọn mọi.” Trong cuốn tiểu thuyết mang tính chất một ngụ ngôn hiện đại này, lấy bối cảnh khu định cư hẻo lánh của một đế chế giả tưởng đang phát động chiến tranh với tộc người mọi, thông qua lời tự sự của nhân vật Quan tòa, Coetzee đã khiến người đọc bàng hoàng thức nhận tình thế lưỡng nan mà nền văn minh tự phong với vô số những ngộ nhận và định kiến gây ra.

Giống như những tác phẩm khác của Coetzee, Đợi bọn mọi dẫn dụ người đọc bằng một bối cảnh hẹp, nhân vật ít và cốt truyện đơn giản. Gần 300 trang sách phơi mở tâm tư của vị Quan tòa, trước đây vốn là viên chức mẫn cán của đế chế, nhưng khi chứng kiến sự truy bức và tra tấn dã man để tận diệt người mọi của đại tá Joll và chuẩn úy Mandel - những người đại diện cho quyền lực nhà nước - thì tiếng nói im lìm trong lòng Quan tòa đã thoát thai. Cộng hưởng với lời tự vấn trung tính mà minh triết ấy là những chứng ngộ khi đặt hành xử của người mọi và người thường trong sự đối ứng, từ đó nhìn thấy khe nứt lan rộng thành vực thẳm dưới đáy nhân sinh. Thêm vào đó, tình yêu âm trầm với cô gái người mọi và hành trình đưa cô về lại quê hương bản quán đã thôi thúc ông đứng lên chống lại sự tàn bạo của đế chế. Có thể nói, ở tác phẩm này, Coetzee đã đồng tình với Milan Kundera khi trong Những mối tình nực cười nhà văn người Séc nhận ra “chúng ta đi ngang qua hiện tại với đôi mắt bị băng kín”. Nhưng trong khi các nhân vật của Kundera “chỉ có thể dự cảm và đoán định được mình đang trải qua cái gì” và mãi sau này khi băng che mắt đã được cởi “mới có thể kiểm điểm lại quá khứ, nhận biết những gì đã trải qua và hiểu được ý nghĩa của chúng”, thì nhân vật của Coetzee đã “vén lên tấm mặt nạ của nền văn minh và lột tẩy bức màn của tội lỗi” như diễn văn chào mừng của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã khẳng định. Để vén lên tấm màn ấy, Coetzee đã cho nhân vật soi chiếu lại bản thể mà nhận diện căn tính, nhìn ra hệ sinh thái như phóng chiếu nội tâm, rồi từ đó nhận rõ điểm đoạn hồi mà nền văn minh đang dần tiệm cận.

Soi vào bản thể để nhận diện căn tính

Nếu ngoài đời thực Coetzee tránh lập ngôn bao nhiêu, thì trong tác phẩm, qua lời nhân vật, ông sẵn sàng tranh biện để đối thoại với chủ nghĩa duy lí và sự tụng ca nền văn minh với tư cách một người hoài nghi triệt để bấy nhiêu. Trong Đợi bọn mọi, qua sự bừng ngộ của Quan tòa, nhà văn đã đặt ra những câu hỏi cốt tử về bản chất của giống loài cũng như diện mạo thực của cái sân khấu mà giống loài đang ngự một cách kiêu hãnh. Từ nhân dạng của đại tá Joll với “hai miếng thủy tinh sẫm màu” trên đôi mắt “chẳng hề mù”, nhân dạng của chuẩn úy Mandel với cơ thể có thể điều khiển “như cái máy” đến cách hành xử tàn nhẫn của họ khi “gây áp lực” để lấy lời khai hay áp giải người mọi một cách ngoan ngoãn, đặc biệt là sự ngả ác của đám đông phấn khích trước sự đổ máu của người mọi, người ta có thể sòng phẳng chất vấn những nhà văn minh chủ nghĩa. Những kẻ tự gọi mình là người tinh khôn - homo sapiens - có thông minh trí tuệ thật không? Cái gọi là căn tính có tồn tại thực hay là một giả lập? Lòng trắc ẩn liệu có phải chỉ là họa tiết trang trí bên ngoài một thực thể tự đắc? Joll khư khư giữ thái độ thù địch với bọn mọi trong tư cách một viên chức trung thành với đế chế, hay sự thật là anh ta mất đi khả năng nghe hiểu và phán đoán? Mandel độc ác, muốn hành hạ bọn mọi để leo cao hơn trên nấc thang danh vọng, hay anh ta chỉ bộc lộ sự vô cảm đúng với bản năng của mình? Những lời đồn thổi về bọn mọi là sự sợ hãi bạc nhược của kẻ yếu đuối, sự vô minh của kẻ loạn thần hay chính là sự tán xạ nội tâm tàn ác của những kẻ tự huyễn mình cao thượng? Những đoàn quân bị dụ vào sa mạc rồi tan rã, kiệt quệ, hoảng loạn trong khi chưa hề đối mặt với bọn mọi có phải là sự mục ruỗng của trí tuệ, ý chí? Những đoàn người bất lực, tìm cách di cư lánh nạn có phải là sự khước từ nền văn minh và trở về với lối sống thuở sơ khai khi chưa có cách mạng nông nghiệp? Những người thích thú, tò mò xem bọn mọi bị hành hạ rồi cầm gậy đánh nạn nhân bất lực nằm trên đất có phải là sự trở lại những màn ném đá tập thể, tra tấn thời trung cổ?

Không cần đến trữ tình ngoại đề, chỉ qua lời trần thuật đều đều mang dáng dấp lời xưng tội trong lối viết tối giản đậm màu sắc hiện thực huyền ảo, Coetzee đã giúp người đọc phác nét cọ cuối cùng của chân dung nhân tính. Có lẽ ý hội đã là đủ, hiện thực ấy quá chua chát để ngôn truyền trong một kết luận đóng khung.

Nhìn ra hệ sinh thái để thấy mặt trái của tấm huy hiệu văn minh

Trong Niên lịch miền gió cát, Aldo Leopold - nhà môi trường học nổi tiếng người Mĩ - cho rằng “việc coi đất đai như một thứ để yêu thương, trân trọng là phần mở rộng của đạo đức” bởi sự thật là “đất đai hàm ẩn các giá trị văn hóa”. Xuất phát từ chân lí ấy để nhìn ra hệ sinh thái, không khó để nhận thấy đạo đức hay văn hóa (những yếu tố cốt yếu xác lập giá trị người như bao vị đức cao vọng trọng từng rao giảng) đã hiện nguyên hình dưới tấm kính chiếu yêu là thiên nhiên. Tất nhiên, Coetzee đã lạnh lùng lật tấm voan sặc sỡ được trưng nhiều thế kỉ một cách cực đoan, nhưng có lẽ đó là phương thức nhà văn lựa chọn để đối thoại với chủ nghĩa duy lí thẳng thắn nhất có thể. Trong chuyến đưa cô gái mọi trở về với tộc người - chuyến đi mang ý nghĩa ẩn dụ cho việc minh định lại hành trình sống của giống loài - mỗi bước đi mở ra một khung cảnh hệ sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng. Nước ngày càng nhiễm mặn, “không thể uống nổi”, “ngay cả nước băng tan cũng quá đắng và mặn chát”, chỉ còn như một “chất lỏng màu xanh hôi hám” bởi nguồn nước đang dần biến thành “vùng biển chết”. Thay vì mặt đất, chỉ còn thấy “những xoáy cát cuồn cuộn” trơ trọi “những cây lau sậy đã héo, trắng nhợt và giòn tới gốc” hay “những cây bạch dương đã chết từ lâu”. Bức tranh tăm tối ấy phổ màu cả khu định cư với “các cánh đồng lớn trơ trọi và một dải những đụn lúa xám nằm cạnh bờ kênh”, “như thể đã có một trận lụt” báo hiệu đại hồng thủy mang cơn thịnh nộ của đấng sáng thế để quét sạch những kẻ không xứng đáng.

Với sự di chuyển điểm nhìn linh hoạt theo bước chân và nhận thức của Quan tòa, ngòi bút Coetzee đã đặc tả bức tranh chết chóc của thiên nhiên - hệ lụy tất yếu của kết cấu văn minh trái với tự nhiên. Cả tiền đồn của đế chế đang bước vào một bi kịch thảm khốc. Nhưng, đáng sợ là kiếp nạn ấy không phải là ngẫu nhiên, đột biến. “Đống đổ nát” lưu trữ những di chỉ như “mảnh gỗ nhỏ có vẽ những kí tự chữ viết”, “mảnh gốm vỡ bằng đất sét khô”, “thứ màu nâu từng là một đôi giày da hay một cái mũ”, và đặc biệt là đống xương người nằm ngổn ngang trong lòng đất với “những khúc xương bị nhiễm màu của đất sét đỏ” đã thay lời ngôn sứ để khẳng định vòng xoáy ốc tự hủy diệt một cách giản dị mà khủng khiếp nhất. Có lẽ, những gì đẹp đẽ chỉ còn trong hồi tưởng của Quan tòa viết trong “biên niên sử của một vùng tiền đồn thuộc đế chế” như một chứng tích của hiện tại gửi đến tương lai, nếu tương lai là có thật: “Chúng tôi đã sống trong một thời có đủ bốn mùa, các vụ thu hoạch nối tiếp nhau, và những chuyến di cư của đàn thủy cầm. Chúng tôi sống ngay dưới những vì sao. Chúng tôi chỉ biết rằng mình sẵn lòng đánh đổi bất kì điều gì để tiếp tục sống ở đây. Đây là thiên đường ở chốn nhân gian.” Đáng tiếc, mong muốn tha thiết ấy vang lên vô vọng trong âm điệu của lời khẩn cầu khi mà các đấng toàn năng đã rời bỏ trước sự xâm thực của những gì mạo danh văn minh, tiến bộ.

Đợi đến điểm đoạn hồi?

Kết thúc câu chuyện đậm màu giả tưởng, nhân vật chính “ngơ ngẩn đứng”, “tựa hồ một người đã lạc lối từ rất lâu, nhưng vẫn cố dấn bước trên một con đường dài, dù có thể nó chẳng dẫn về đâu cả”. Sự vô hướng ấy, phải chăng là kết cục của việc nhận chân điểm đoạn hồi đang hiện rõ, bởi lẽ trước đó Quan tòa đã dự cảm ngày tối hậu trong giấc mơ mang tính mặc khải: “Không phải mơ mình sẽ sống thế nào, mà mình sẽ chết ra sao. Và tôi biết, tất cả mọi người trong cái thị trấn có thành lũy vây quanh đang chìm trong bóng tối đó cũng lo những điều tương tự.” Vì vậy, chữ “đợi” trong nhan đề truyện mang một hàm nghĩa sâu xa.

Đợi bọn mọi” là đợi thổ dân tới trả thù, “thò bàn tay mọi rợ đen đúa từ dưới giường lên tóm chặt lấy mắt cá chân”, “đốt trụi nhà cửa”, “cưỡng hiếp con gái”… hay thực chất là đợi lãnh nhận hậu quả của lối sống ích kỉ và thiển cận, vô cảm và cực đoan mà những con người tự nhận mình là văn minh đã lựa chọn?

Đợi bọn mọi” có phải là đợi cơn bão tuyết ngoài trời, cơn bão cát giữa sa mạc, cơn bão dục vọng trong tim người lắng xuống, để trục vớt chút giá trị còn sót lại giữa hành trình tự thánh hóa chính mình?

Đợi bọn mọi” là đợi con người bước xuống từ bục cao ảo tưởng để hòa giải với hệ sinh thái, với các loài người khác đã bị phớt lờ, với phần tự nhiên trong con người trên tư cách là một sinh thể?

Hay “Đợi bọn mọi” là đợi “đóa hoa đen của nền văn minh mãn khai” - như chính nhân vật “tôi” trong tác phẩm đã xác quyết - để nhìn thấu đài nhụy gây những ảo tưởng mê thần của nó, rồi từ đó định vị đúng về giống loài, khi lớp phù hoa đã tan đi, khi mà còn có chút cơ may tránh chạm đến điểm đoạn hồi quá sớm so với hành trình tất định?

Trong Thế giới mới tươi đẹp (Aldous Huxley), nhân vật John - người hoang dã - đã cảnh báo một Alpha của thế giới được coi là văn minh: “Nghệ thuật, khoa học - hình như ngài đã phải trả cái giá khá cao cho hạnh phúc của ngài.” Nhưng con người có thực đã đạt đến hạnh phúc? Trong Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro) cũng vậy, cái chết tức tưởi của những người-nhân-bản sinh ra trong thân phận nguyên liệu y khoa nhằm cấp thêm sự sống cho những người bình thường mang “tâm địa nhỏ nhen” đã phác nên tấm gương ngược để soi nhân tính. Vậy thì riêng việc còn được “đợi” trong Đợi bọn mọi có phải vẫn là điều đáng quý, bởi nó như một ga dừng, một nút phanh trước khi con người trượt theo quán tính vào hành trình hủy diệt chính mình và các giá trị ẩn tàng?

H.G

------

1. J.M.Coetzee, Đợi bọn mọi, Crimson Mai và Phương Văn dịch, Nxb Văn học, 2014.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)