. NGUYỄN THANH TÚ
Những năm 1885 – 1987 đang ở biên giới phía Bắc tôi được yêu cầu về Bình Đà (Hà Tây cũ) học tiếng Trung cấp tốc. Vì công việc bắt buộc không thành thạo thì cũng phải nghe nói thông thường để khai thác tin tức tham mưu cho cấp trên đối phó với âm mưu của kẻ xâm lược. Trong khi đó bộ đội ta hồi ấy ít người biết tiếng Trung. Vì có tâm lý không đúng là không chơi với người xấu, không học tiếng kẻ thù, thậm chí cái gì là vật chất của họ cũng kỳ thị. Ngay đơn vị tôi có anh lấy cái mũ cối Trung Quốc còn mới, rất tốt rồi lấy đá ghè bẹp ra “xem trong ấy có thuốc độc không”. Đấy là dấu ấn một thời ngây thơ nên khép lại!
Nơi tôi học có tên Đại học ngoại ngữ quân sự (tiền thân của Học viện Khoa học quân sự), học viên chủ yếu học tiếng Nga để chuẩn bị sang Liên Xô (cũ) học ở các trường sĩ quan chỉ huy. Số ít học tiếng Anh, tiếng Trung... Dĩ nhiên học theo chuyên ngành nhưng các môn chung thì học cả một lớp trên hội trường. Vì số lượng đảng viên không nhiều lại đang thời chiến (những năm ấy tuy là hòa bình nhưng biên giới vẫn đang rất ác liệt) nên sinh hoạt chung một chi bộ (theo từng niên khóa). Chi bộ tôi khoảng hơn 20 người do đồng chí Phùng Quang Thanh là Bí thư. Tôi là chi ủy phụ trách lớp tiếng Trung cấp tốc còn anh Thanh học lớp tập trung ngắn hạn, hình như 2 năm thì phải. Mỗi tuần họp chi bộ một lần. Anh Thanh yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình tư tưởng, thực tế của chi ủy. Họp đúng giờ, vào buổi tối, hết khoảng1 tiếng. Đúng với phong thái chỉ huy, anh nói ngắn mà khái quát cao, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, không bao giờ lòng vòng nên cuộc họp chất lượng mà không tốn thời gian. Một lần tôi nói các anh học ngoại ngữ chỉ 2 năm mà nói viết thành thạo thì quá giỏi. Anh cười nói còn học hơn 1 năm chuyên ngành bên kỹ thuật nữa.Hình như sau này anh cũng học đúng như vậy rồi mới sang Liên Xô. Học ở Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự trên Vĩnh Yên, nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự ở Hà Nội (đường Hoàng Quốc Việt)!
Anh Thanh hơn tôi hơn 10 tuổi, cấp bậc cao hơn, lại là Anh hùng lực lượng vũ trang, từng trải chiến trận thời đánh Mỹ nhưng thời điểm ấy lại chưa biết gì chiến tranh biên giới nên hay hỏi tôi, nhiều khi hỏi đi hỏi lại một chi tiết mà anh còn băn khoăn. Ví như đạn pháo Trung Quốc bắn sang “cấp tập” thế nào, dân tránh đạn, bộ đội sinh hoạt ra sao...Thấy anh có phần “lơ ngơ” nhiều khi tôi “bịa” ra nhưng đều bị anh căn vặn để “thòi” ra cái “hớ hênh” của người nói dối. Tôi có ý nể anh từ những việc nhỏ ấy...
Tôi thấy anh cũng bình thường như nhiều người khác. Dáng cao to nhưng gầy. Mặt vuông chữ điền, quai hàm hơi bạnh ra trông lúc nào cũng nghiêm túc. Mà anh là học viên nghiêm túc nhất khóa học. Không bao giờ bỏ tiết, từ tiết chính tới tiết phụ (những môn phụ). Lúc nào cũng đúng giờ. Tác phong luôn nghiêm chỉnh. Đi đứng, nói năng không bao giờ “vi phạm”. Tối nào cũng học. Cứ cơm chiều xong, nghỉ ngơi, có kẻng là lên lớp cùng với cái đèn hoa kỳ, mất điện thì xòe diêm ngồi học cũng đúng đến kẻng thì về phòng ngủ...Cũng cứ khoảng 2 tháng thì anh xin Hệ trưởng về thăm nhà riêng. Nếu được thì chiều thứ 7 anh đạp xe đạp, tối chủ nhật là có mặt đơn vị. Có lần anh nói có con nhỏ, gia cảnh cũng bình thường. Hồi ấy chúng tôi thanh niên gộc ghệch, mải chơi chả quan tâm tới gia đình nên nghe nói thế cũng biết thế. Chả hỏi thêm. Nhưng tôi biết nhiều người mong chiều chủ nhật anh đến, vì anh hay mang quà từ quê, khi thì nải chuối, khi thì hạt dẻ nhưng thường là sắn luộc, bở trắng, ăn bùi, ngọt. Tôi mới biết anh quê miền trung du...
Nhưng ấn tượng nhất là anh kể chuyện lịch sử đánh Mỹ. Thói thường “bụt chùa nhà không thiêng”, nhà trường mời anh phát biểu giao lưu dịp 22/12 là chúng tôi tìm cách chuồn đi chơi, vì đã nghe anh nói hết ở chi bộ. Vả lại nghe người quen kể chuyện cũ thì chán chết. Nhưng lần ấy, không biết là may mắn hay là nỗi khổ cho tôi là Hệ trưởng gọi lên giao nhiệm vụ “tháp tùng Anh hùng Phùng Quang Thanh” đi giao lưu với một trường cấp 2 (nay là trung học cơ sở) địa phương. Tôi đành ngồi xe đạp anh đèo. Hồi ấy làm gì có xe con xe to như bây giờ. Mà anh Thanh cũng là học viên, Nhà trường có xe U-oát cũng chỉ dành cho “Lãnh đạo”. Tôi rất chán vì buộc phải nghe anh Thanh “giáo huấn”. Đến nơi tôi đóng “kép phụ”, vào gặp Ban Giám hiệu một lúc thì tôi “lỉnh” ra ngoài kệ anh với trường sắp xếp nội dung. Tôi vòng vèo đi xem phong cảnh...Khi có tiếng loa tôi quay lại sân trường.
Nhưng hình như đời vẫn thế, cái gì không muốn thì nó lại đến. Trái hẳn với suy nghĩ, anh Thanh kể chuyện anh chỉ huy ở Đồi Không Tên đánh Mỹ mà cứ như một cuốn phim vậy. Anh nói say sưa, nói thật, kể thật chứ không hề có ý giáo dục ai. Cả ngàn người chủ yếu là các cháu học sinh ngồi nghe. Im phắc. Anh kể từ 9h đến quá 10h nắng chói mà không ai có cảm giác nóng.Tôi được ngồi trên hàng ghế giáo viên nhìn xuống lũ học trò thấy rõ hàng ngàn cặp mắt long lanh chiêm ngưỡng thần tượng, càng thấy cái khí chất chỉ huy của anh Thanh, tính thuyết phục và hình như có cái uy lôi cuốn người nghe mình. Ở hàng ghế giáo viên có tiếng sụt sịt khóc của một vài cô giáo...
Lúc về tôi thẽ thọt anh nói hay nhỉ. Anh trả lời chú biết họ thuê cái micro hết bao nhiêu tiền không, ba tháng lương của một cô giáo mới ra trường đấy. Nhà giáo quá nghèo. Anh cố gắng nói để họ không có cảm giác mất tiền oan thuê cái micro ấy! Câu nói ấy cứ ám vào tôi để rồi sau này làm gì tôi cũng cân nhắc, chi chút, tiết kiệm cao nhất có thể. Bây giờ, tôi đi nói chuyện, đi giảng bài dứt khoát có tiền thù lao tương xứng. Còn những ngày ấy anh Thanh đi nói chuyện là đi không về không, tự đến, tự đi. Trong khi đó rất cần thời gian để học...
Câu nói về “ba tháng lương thuê micro” không chỉ ám ảnh tôi mà tôi kể còn làm xúc động nhiều người khác. Chắc chắn là khi làm việc với Ban Giám hiệu anh hỏi chi tiết, cụ thể nên mới biết trường phải đi thuê từ cái nhỏ nhất như vậy. Ngược hẳn với hôm nay các trường phổ thông khang trang, một trời một vực với cách nay 30, 40 năm. Thì ra người Anh hùng đâu chỉ là đánh nhau giỏi mà còn anh hùng ở cái chi tiết rất nhỏ ấy. Phải thấu hiểu nối khổ, nỗi nghèo, thấu cảm với tấm lòng các thầy cô anh mới có chi tiết thật cụ thể nói với tôi như vậy. Từ câu nói ấy tôi nhìn Anh khác hẳn, kính trọng và yêu quý, gần gũi hơn nhiều. Chỉ tiếc một thời gian ngắn sau, theo yêu cầu công việc tôi phải bỏ dở học quay lại đơn vị cũ. Tôi đi gấp đến nỗi chỉ báo cáo với Ban Chỉ huy Hệ, chia tay anh em trong lớp cấp tốc, còn giấy tờ có người chuyển sau...
Sau này tôi nhiều lần gặp Anh nhưng trong những hoàn cảnh khác, do yêu cầu, tính chất công việc tôi không được cho ai biết nhiệm vụ cụ thể, nên có bắt tay tôi Anh cũng không thể nhận ra.Tôi vẫn thấy Anh như những ngày học cùng, càng về sau anh có đậm đà hơn nhưng nét phong trần thì hình như ngày càng rõ, có thể do công việc phải suy nghĩ nhiều! Cho đến khi Anh nghỉ quản lý Bộ chúng tôi vẫn thấy Anh như vẫn là người lính cùng đơn vị với chúng tôi một thời!
Một ấn tượng nữa với Anh tôi phải kể ra là Anh rất thông minh. Hôm ấy có chuyên gia người Nga đến thăm trường và đề nghị được giao lưu với học viên tiếng Nga. Nhưng Nhà trường huy động tất cả học viên đến hội trường cho “đông đúc”. Với tư cách là Bí thư chi bộ, Lớp trưởng anh Thanh phải “đầu trò”, từ việc giới thiệu đến thu xếp thời gian, nội dung. Mới học hơn 1 năm mà anh nói tiếng Nga khá trôi chảy. Lũ chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Nửa chữ tiếng Nga không biết nhưng nghe Anh nói cũng đủ thấy một “công lực” dồi dào. Đến phần giao lưu thì có phiên dịch (vì có cả Ban Lãnh đạo Nhà trường, Ban Chỉ huy Hệ) càng thấy anh Thanh giỏi quá chừng. Chuyên gia kể về môi trường học sắp tới, nhận xét về các lưu học sinh đã và đang học rồi hỏi suy nghĩ của đồng chí trước khi sang có băn khoăn gì không. Nhiều người học năm cuối ấp úng nhưng anh Thanh nhiều chỗ còn “gà” bài. Đến lượt Anh nói, thì thật khác. Chuyên gia Nga cũng ngạc nhiên hỏi anh là “Giáo viên à?”. Cả Hội trường cười ồ. Tiếng cười, tiếng vỗ tay rền vang dành cho người Anh hùng học viên - đồng chí Phùng Quang Thanh kính mến của họ!
Ngôi trường chúng tôi sau này chuyển về gần Trung tâm Hà Nội hơn, qua nhiều lần di chuyển chắc hồ sơ, giấy má thất lạc. Sau này quay về Học viện làm cán bộ giảng dạy một thời gian tôi có ý đến khoa Tiếng Nga tìm lại kỷ niệm về Anh nhưng chỉ thấy ảnh của Anh sau này làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam có về thăm trường. Không một hình ảnh nào lưu giữ thời Anh học. Tôi bâng khuâng như đánh mất một thứ gì quý giá!
Có thể tôi – người viết bài này không được lưu giữ trong ký ức của Anh. Đó là chuyện rất tự nhiên. Nhưng với tôi thì Anh thật xứng đáng là Anh hùng, thậm chí nhiều lần Anh hùng!
Sau này có điều kiện đi sâu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi thấy Phùng Quang Thanh là một trong những hình mẫu sinh động nhất về Bác Hồ vĩ đại!
N.T.T
VNQD