. Nguyên Thanh
Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Bác Hồ dùng những biểu tượng là những con vật, loài vật để hạ bệ, để vạch trần bản chất ăn cướp, xâm lược, độc ác của chúng một cách đích đáng nhất.
1.Chủ nghĩa thực dân là những con thú dữ háu đói, con sói, con cọp, con chó.
Khi tố cáo, lên án chủ nghĩa thực dân đi xâm lược, tàn phá, bóc lột và giết người, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất thú tính của nó: “Panhlơvê cử Varen sang Đông Dương vì sao? Vì trước nguy cơ một sự chia rẽ trong Cácten, Panhlơvê tìm cách (thật khổ cho tôi phải nói ra) lấy lòng đảng viên xã hội, qua cá nhân Varen, kẻ được chọn trong số những kẻ độc ác nhất. Còn Varen, trước và sau đều có đối thủ ganh đua, không mong gì hơn là được ngoạm, miễn là miếng đáng ngoạm mà miếng này thì đáng ngoạm thật!”[1].
Panhlơvê (1863 – 1933) - Thủ tướng Pháp (1917 – 1925) và Varen (1870 – 1947) - Toàn quyền Đông Dương (năm 1925), bị tác giả hạ bệ chỉ qua một từ ngoạm, vốn là một động từ chỉ hành vi ăn, cắn theo bản năng của động vật bốn chân. Từ ngoạm này lại được lặp lại tới ba lần trong một mảnh đoạn để nhấn mạnh, để đay đả về bản năng động vật của nhân vật. “Như lệ thường, quan cầm theo một cái gậy to tướng, rồi bỗng dưng vô cớ, quan xông vào đám người khốn khổ ấy, như con thú dữ, đánh túi bụi, tàn nhẫn không tưởng tượng được, vừa đánh vừa chửi họ là đồ lười”[2]. Viên quan được so sánh “như con thú dữ”, ba chữ “như lệ thường” đặt ở ngay đầu câu như muốn nói: quan “như con thú dữ” là chuyện… thường ngày.
Trong chiến dịch Biên giới, có người thắc mắc tại sao không đánh Cao Bằng trước mà lại đánh Đông Khê trước. Bác giải thích: “Ta đánh vào Đông Khê, là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Đánh thắng được Đông Khê, có kinh nghiệm hơn, nên ta mạnh lên. Như vậy địch có khác gì như thú dữ bị thương. Ta như thợ săn chăng lưới thép. Nay có thể địch sẽ giành lại Đông Khê để giữ vững Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui. Ta nhân lúc địch đang như con thú dữ vào tròng mà khép vòng lưới thép. Quân viện đã tan, thì đánh Cao Bằng không phải là việc khó nữa. Nếu chúng rút khỏi cao Bằng thì đánh càng thuận lợi hơn”[3]. Có thể coi ví dụ này như một ngụ ngôn của nhà tư tưởng quân sự lớn, diễn đạt giản dị mà dễ hiểu nhờ cách dùng hình ảnh: thợ săn lừa thú dữ vào lưới thép!
Để tố cáo lên án sự tàn bạo của những kẻ xâm lược, bóc lột nhân dân các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc hay dùng các ẩn dụ vật hoá để nêu bật bản chất thú tính của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Có thể nói có cả một hệ thống hình tượng con vật mang tính biểu tượng cho bản chất thú tính của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Thời Người hoạt động ở Pháp luôn bị bọn mật thám theo dõi, Người gọi chúng là “bầy sói”: “Hống hách như bầy sói vây được mồi, chúng hỏi tôi: “Anh có giấy tờ không?”. Tôi chưa kịp trả lời, thì một đồng chí vừa chạy lại vừa nói to: “Cái gì đấy! Cái gì đấy!”. Bốn, năm đồng chí nữa cũng chạy tới, giàn thành một cái hàng rào ngăn giữa lũ mật thám và tôi. Lợi dụng lúc đó, tôi rút lui có trật tự vào nhà. Còn lũ mật thám thì cúp đuôi chuồn ra cửa”[4]. Loài sói có một đặc điểm vừa khôn ngoan lọc lõi, vừa hiểm ác lại nhanh nhẹn, chúng có khả năng đánh hơi cực nhạy…Những nét nghĩa ấy rất gần gũi với đặc điểm mật thám Pháp, kể cả khi không bắt được mồi, chó sói cũng “cúp đuôi”, như mật thám Pháp vậy!
Bác Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán, tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình…Trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn biểu tượng ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.
“Hỏi:…Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?
Trả lời:
“Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu”[5] (Trả lời vào tháng 5-1947).
Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh mà còn vu cho người Việt “gây ra cuộc xung đột…”. Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Lã Phụng Tiên, tức La Phôngten (La Fontaine) nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới, người Pháp, tác giả của Con chó sói và con cừu. Cũng thật thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.
Trong một bài thơ có tính chất tổng kết lại cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh sử dụng ngụ ngôn bằng biểu tượng các con vật: “Kế hoạch Nava tan/ Thành đầu voi đuôi chó.Tuy vậy:/ Kẻ thù đang còn đó/ Chó dại sẽ cắn càn/ Chúng ta chớ chủ quan/ Chúng ta chớ khinh địch”[6]. Thành ngữ ngụ ngôn dân gian có câu “đầu voi đuôi chuột” để chỉ sự tương phản mâu thuẫn của một công việc dở dang, thất bại: kế hoạch to đùng nhưng kết quả lại nhỏ xíu. Tác giả không dùng “đuôi chuột” mà dùng “đuôi chó” để chỉ tính cách hung hăng ác độc của loài chó (thực dân) nếu cùng đường sẽ cắn càn cắn bậy. Ý này hoàn toàn phù hợp và lôgich với thành ngữ ngụ ngôn ở phiá dưới “Chó dại sẽ cắn càn” để nhắc nhở quân ta “chớ chủ quan, chớ khinh địch”.
Nhắc nhở toàn dân nêu cao cảnh giác, tăng cường sản xuất tiết kiệm, Bác Hồ cũng dùng biểu tượng: “Tình hình Pháp khốn đốn như thế đó. Nhưng không phải vì thế mà chúng chịu thua đâu. Trái lại, càng khốn đốn, chúng lại càng quỷ quyệt hung ác. Tục ngữ nói: “Chó dại cắn càn” là đúng lắm. Cho nên quân và dân ta phải tuyệt đối tránh chủ quan, khinh địch. Trái lại, chúng ta phải tỉnh táo hơn, cẩn thận hơn, cố gắng hơn nữa. Chúng ta ra sức thi đua để thực hiện kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tức là nung đúc cái gậy sắt để đánh cho vỡ đầu con chó dại ấy, thì nó mới hết cắn”[7]. Bọn Pháp được ví như “Chó dại” còn quân ta được ví như vị thánh cầm gậy sắt. Hình tượng “gậy sắt” lại gợi liên tưởng về người anh hùng làng Gióng trong thần thoại như khích lệ tinh thần yêu nước quật cường đánh giặc!
2. Chủ nghĩa thực dân là những con rắn độc.
Ngày 23-6-1924 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại phiên họp thứ 8 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Đại hội này họp từ ngày 17-6 đến 8-7-1924 tại Matxcơva với mục đích chủ trương tăng cường công tác xây dựng các đảng cộng sản và vạch ra nhiệm vụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chống những phần tử phái hữu và Tờrốtkít. Nêu lại vấn đề như vậy để hiểu sâu hơn những ngụ ngôn thâm thuý, sâu sắc trong lời phát biểu này: “Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa”[8]. Những ý tứ quan trọng nhất đều nằm trong những ngụ ngôn: “Hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc” để dẫn đến lập luận ở câu cuối cùng là không thể bác bỏ: “Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?”. Người Việt có thành ngữ đánh chết rắn đằng đuôi để chế nhạo những ai thiếu hiểu biết (về loài rắn), làm việc dở dang, không quyết đoán, không triệt để sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong trường hợp này Người dùng thành ngữ đánh chết rắn đằng đuôi mỉa mai những ai không hiểu biết về thuộc địa cũng chẳng hiểu gì về bản chất của “con rắn độc tư bản chủ nghĩa”. Năm 1889 Đệ nhị quốc tế được thành lập nhưng vì chọn lọc các đảng viên không kỹ mà bọn hoạt đầu đã chui vào phá hoại mục đích tôn chỉ của hội[9].
Hình tượng “con rắn” gợi ở người đọc sự hiểu về bản chất nguy hiểm, độc ác, xảo quyệt đầy sự phản trắc của chủ nghĩa tư bản.
Người Việt dùng biểu tượng con rắn để chỉ những kẻ ác tâm, gian xảo, thường là để chỉ kẻ thù: Đánh rắn giập đầu; đánh rắn giữa khúc; Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái… Bác Hồ cũng lấy hình tượng này để nói về kẻ xâm lược: “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh giập đầu”[10]. “Con rắn thực dân đã bị ta đánh gẫy lưng, song nó chưa bị đánh giập đầu. Còn đầu thì nó còn có thể cắn. Vì vậy, ta cần phải cẩn thận hơn, đề phòng hơn, chuẩn bị hơn nữa, để đánh cho giập đầu nó. Khi đó ta mới hoàn toàn thắng lợi!”[11]. Có cả lời của một nông dân: “Nhưng Cụ Hồ bảo rằng: Con rắn thực dân đã bị ta đánh gẫy lưng, song nó chưa bị đánh giập đầu. Còn đầu thì nó còn có thể cắn. Vì vậy, ta cần phải cẩn thận hơn, đề phòng hơn, chuẩn bị hơn nữa, để đánh cho giập đầu nó!”[12].
Tháng 4-1945, trên đất Trung Quốc Hồ Chí Minh nói với Hoàng Quốc Việt về âm mưu của tướng Trương Phát Khuê: “Không trông cậy gì chúng nó được đâu. Nó sẽ nói như sẻ nhà sẻ cửa cho ta đấy, nhưng đang chuẩn bị để nuốt tươi chúng ta. Trong nước đang có biến động lớn. Các đồng chí nên liệu thu xếp công việc về cho nhanh. Phải giữ gìn cẩn thận, các đồng chí đang ở trước miệng hùm nọc rắn cả đấy”[13]. Có lẽ không có cách diễn tả nào hay, rõ hơn về âm mưu thâm độc của giặc, miệng lưỡi thì dẻo quẹo mà bụng dạ thì hung hiểm, bằng hai thành ngữ mang tính chất đối lập trên: nói như sẻ nhà sẻ cửa (nhưng là) miệng hùm nọc rắn.
Những nhà tư tưởng lớn luôn có những khái quát mang tính phổ quát về tự nhiên, xã hội từ những sự vật, sự việc bình thường. Tình hình cách mạng năm 1946 cực kỳ căng thẳng, Bác Hồ có những ngụ ngôn thật thiên tài: “Trong một chén nước con mà chú uống, còn có tý cặn, thì ở hồ, ở sông, ở biển, thiếu gì thuồng luồng, ba ba, các sấu, cá mập! Cần có quyết tâm sắt đá và phải bền gan vững chí, đồng thời, phải bình tĩnh và sáng suốt thì dần dần có thể trừ được mọi loài ác vật dưới biển, trên cạn. Thắng lợi cuối cùng sẽ về chúng ta”[14]. Chỉ từ một câu chuyện tưởng nhỏ là uống nước trà mà Bác đưa ra những quy luật: ở đâu cũng có mặt trái, tiêu cực. Tình hình nước ta lúc này rất nhiều kẻ thù, chúng như những thuồng luồng, ba ba, cá sấu, cá mập (những loài ăn thịt hung ác dưới nước). Chúng ta phải có quyết tâm, bền gan, bình tĩnh, sáng suốt để loại trừ dần từng kẻ thù.
3. Chủ nghĩa thực dân là những con cọp giấy, trâu điên, con voi, con ếch giun thảm hại.
Nhận định mang tính khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác dùng biểu tượng: “Ta thì hầu như hai bàn tay không, cái gì cũng thiếu. Lúc đó những người nhát gan đã nói: “Ta đánh nhau với Pháp, khác nào châu chấu đấu với ông voi. Nhưng về tinh thần và chính trị, thì ta mạnh gấp trăm gấp nghìn thực dân Pháp. Ta có chính nghĩa. Ta có lòng nồng nàn yêu nước và sức đoàn kết chặt chẽ của toàn dân. Ta có sự lãnh đạo khôn khéo của Đảng”[15]. Thành ngữ Bác dùng lại “mẫu gốc” từ một thành ngữ: “Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai ngờ xe nghiêng”. Nhắc lại quan điểm không đúng của những người “nhát gan” là một cách đối thoại ngầm: dân gian ta còn lạc quan hơn (người nói ấy).
Nhưng đối với những đối với những người Việt Nam chẳng may sa chân lỡ bước “vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn cõng rắn bắt gà nhà, rước voi giày mả tổ, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng Việt gian”[16]. Bác giải thích cho đồng bào hiểu về tình cảnh những ngụy binh: “Ai cũng biết Tây là ác và theo Tây là cõng rắn cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ. Cho nên bổn phận của mỗi một đồng bào ở vùng tạm bị chiếm là chịu khó gần gũi nguỵ binh. Giải thích cho họ rồi kéo họ về với ta. Đó là một cách tham gia kháng chiến rất thiết thực”[17].
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với nhãn quan chiến lược Bác Hồ ủng hộ Đồng Minh, ngày 24-11-1940 trên Cứu vong nhật báo (Trung Quốc) với bút danh Bình Sơn Người viết bài Chú ếch và con bò. Bằng giọng hài hước tác giả tóm tắt lại câu chuyện ngụ ngôn nước Pháp, ở phần bình luận tên độc tài người Ý Mútxôlini được ví như chàng ếch tội nghiệp kia, vì không biết lượng sức mình mà đem quân đánh Hy Lạp, nào ngờ bị “mảnh giáp không còn”, chú ếch Mútxôlini đã “ô hô toi mạng”. Một chú ếch nhìn thấy một con bò, trong bụng rất thèm được to như bò, bèn cố đem hết sức bình sinh ra phình người rõ to để mong được như bò. Vì cố sức quá, cái thân bé tí của ếch ta đã bị nổ tung và chàng ếch không biết lượng sức mình cũng ô hô toi mạng. Đó là câu chuyện ngụ ngôn của Pháp.
Tác giả đưa ra nhận xét chung: “Những người như kiểu chú ếch kia trên thế giới này quả không ít. Mútxôlini đánh Hy Lạp, dẫm phải đinh, là một ví dụ...” và kết luận: “Ảo tưởng thắng lợi của họ Mút cũng vỡ toang như chú ếch kia. Ông anh Hítle của y chắc hẳn cũng chửi thầm: “Cái thằng vô tích sự! Mày chỉ làm tăng nhuệ khí của kẻ thù, mất cả oai phong phe trục! Poucos Madona!”[18]. “Poucos Madona!” tức “Lạy Đức Thánh Mẫu” được nhại lại để tăng cường chất muối hài giễu nhại những “thằng vô tích sự”, cũng là hài hước “cả oai phong phe Trục”.
Câu chuyện phỏng ngụ ngôn, hài hước, vui nhưng quan điểm chính trị thì rất rõ ràng: đứng về phe Đồng Minh, mỉa mai phê phán phe Trục.
Cuộc kháng chiến của chúng ta phải luôn song hành hai nhiệm vụ đánh đuổi thực dân và lật đổ bè lũ phong kiến. Kẻ thù dù cho thất bại vẫn luôn ngoan cố. Bác Hồ diễn tả tình hình ấy qua biểu tượng: “Địch càng gần thất bại, chúng càng điên cuồng, cuộc đấu tranh lại càng gay go. Như con giun không biết nhảy, khi ta dẫm lên nó, nó cũng giãy trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế. Đến đường cùng, chúng sẽ dùng đủ mọi cách để chống lại ta một cách quyết liệt hơn, chúng ta không nên vì thế mà hoang mang”[19]. Hình tượng thật sinh động và cũng thật chính xác với tình hình.
4. Chủ nghĩa thực dân là con gà trống, con hổ, con mèo, quạ, mọt già đáng ghét.
Những năm hoạt động ở Pháp, bằng sự hiểu biết sâu sắc về tình hình chính trị và vốn tiếng Pháp tinh tế, Nguyễn Ái Quốc viết báo, tham gia diễn đàn giễu cợt bọn thực dân. Cách tốt nhất là dùng biểu tượng: “Trong khi hãy còn bị xích cổ, thế mà con hổ chẳng đã nhá nghiến mất nhiều bộ của nước Cộng hoà đó sao? Người ta chẳng đã phí hàng mấy triệu, mấy tỷ để nhờ hai ông bạn vinh quang của chúng ta là Contrắc và Vranghen mua hộ da con gấu Mátxcơva, là con vật ngày nay hơn bao giờ hết, nó không thích để cho người ta tuỳ ý muốn làm gì thì làm đó sao? (Chao! con vật mới quái chứ).
Trong số các bạn hữu ở chính quốc của chúng ta, ai là người không phải phàn nàn về tai hại do loài diều hâu gây ra? Loài quạ mà lại chẳng phải là những kẻ phá hoại tai hại trong địa hạt tinh thần à? Còn những con mọt già thì có làm được việc gì ngoài cái việc chỉ chuyên tìm cách lợi dụng những sự bất hoà và những chuyện xích mích trong xã hội? Lại còn con vật nào đó chẳng đã vô sỉ đến nỗi muốn cho phép tất cả các chàng rể láo xược cứ việc dùng tên nó để gọi mẹ vợ họ đó sao? Bọn mèo quý phái há chẳng thật sự là những kẻ đã dập tắt cả hạnh phúc gia đình của nhiều nhà đó? Và những con chuột cống ở khách sạn chẳng đã là những kẻ thù muôn thuở của tất cả những người đi du lịch đó sao?”[20].
Con hổ ám chỉ Clêmăngxô, Gioócgiơ Bănggia, vốn là một bác sỹ rồi tham gia chính trị, là một nghị sỹ cấp tiến trong quốc hội Pháp, phái cực tả. Ông ta tham gia nhiều vào các vụ lật đổ Bộ trưởng, từng làm Bộ trưởng Chiến tranh, năm 1920 thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống nước Pháp. Loài quạ chỉ những kẻ viết thư nặc danh, những con mọt già (bản phiên âm: Chats- fourrés nghĩa đen chỉ những con mèo lông xù), ở đây được dùng theo nghĩa bóng chỉ bọn quan toà; bọn mèo quý phái (poules de luxe) chỉ hạng gái điếm hạng sang; những con chuột cống ở khách sạn (Rats d’hôtel) chỉ bọn chuyên trộm cắp hành lý của khách trọ. Những ẩn dụ (biểu tượng) ám chỉ khơi gợi sự tìm tòi của độc giả, suy ngẫm, liên tưởng, hiểu ra càng thấy cái thâm thuý, đả kích vào từng đối tượng.
Nguyễn Ái Quốc giễu nhại Khải Định cũng bằng biểu tượng: “Đó chính là lúc thiên tử nằm mơ. Ngài mơ thấy những con rồng chạm trên tủ, bàn bỗng biến động, hoá thành những con rắn gớm ghiếc, mở thao láo những con mắt đỏ ngầu tia máu. Còn những con phụng hoàng, giống chim tượng trưng cho uy quyền vua chúa, thì vươn chiếc cổ dài ngoẵng tua tủa lông, quệt mỏ xoè cánh, y hệt đám gà trống cáu kỉnh, đáng ghét. Mọi vật bằng ngọc thạch, bằng châu báu, đều xỉn đi, xám xịt lại. Tất cả cứ từ từ quay tròn, và tan dần, tan dần. Rồi một bóng ma trùm khăn, trăng trắng hiện lên. Nhà vua kinh hoàng run lên lập cập, vì không phải vua chúa nào cũng đều can đảm như Hămlét, và thông minh như thế thì lại càng không. Ngài muốn kéo chiếu che mặt mà không được”[21]. Ở đây có một cách giễu tinh tế: cũng là giấc mơ, nhưng chàng hoàng tử Đan Mạch can đảm, thông minh bao nhiêu thì ngược lại nhà vua Khải Định lại sợ hãi, đần độn thảm hại bấy nhiêu.
Đây là cách giải thích nhìn nhận và tận dụng thời cơ đánh đuổi Pháp Nhật qua biểu tượng hai con gà: “Hiện nay, đế quốc Pháp và phát xít Nhật ở Đông Dương, khác gì hai con gà trống nhốt trong chuồng. Trước sau chúng cũng chọi nhau. Tất cả hai con bị thương nặng, có con què. Lúc đó ta bắt mới dễ! Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng!”[22].
Một ví dụ tương tự nhưng được mở rộng hơn: “Hiện nay nước ta có hai thằng đế quốc là Pháp và Nhật. Chúng như hai con beo nhốt chung một hang, hai con gà trống nhốt cùng một lồng. Thể nào chúng cũng đánh nhau, sẽ có thắng thua, ta sẽ lấy súng của thằng thua cất giấu vào hang chờ thời cơ đến là làm cách mạng bằng súng đánh thằng được. Sau cuộc đọ sức giữa hai thằng đế quốc với nhau, thằng được lúc ấy đã bươu đầu sứt trán rồi”[23].
Những biểu tượng ấy chứng tỏ người sử dụng đã đứng trên tầm đối tượng bị hạ bệ, bị phê phán là chủ nghĩa thực dân. Đó là tầm cao văn hóa Hồ Chí Minh yêu nước, nhân văn, chính nghĩa và đạo lý!
N.T
[1]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 157.
[2]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 56.
[3]Ngọc Châu – Bài học Bác dạy .Nxb Công an nhân dân, 2005, tr 114.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Sđd, tr 737.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 160, 161.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 335.
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 412.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 296.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 307, 308.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 259.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 96.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 95.
[13] Vũ Khoan (chủ biên) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 52.
[14]Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr 246.
[15]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 542.
[16]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 233.
[17]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 106.
[18]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 207.
[19]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd tr 211.
[20]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 160.
[21]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 96.
[22]Triều Ân - Từ chân nương bên suối Lênin… trong sách Bác Hồ, Nhiều tác giả - Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 106.
[23]Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 137.
VNQD