Trí thức thì không nói được nói sai!?

Thứ Hai, 17/01/2022 08:17

. Minh Hà

 

Tiến sĩ là một học vị do trường đại học cấp cho nghiên cứu sinh sau khi người này bảo vệ thành công Luận án - một công trình khoa học nghiên cứu một vấn đề lý luận hay thực tiễn có những kiến giải mới, đóng góp mới có giá trị trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành. Ngày nay thế giới thường gọi Tiến sĩ là Doctor of Philosophy, viết tắt là PhD. Nghĩa gốc Doctor tiếng La tinh có nghĩa là “chuyên gia”, “thầy” chỉ người giỏi chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó. Hầu hết các nước coi Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học. Như vậy, xét về ý nghĩa xã hội, Tiến sĩ được khẳng định là vốn quý của đất nước. Xét về mặt khoa học, Tiến sĩ là sự khởi đầu cho một quá trình nghiên cứu độc lập tiếp theo để có các học vị, học hàm cao hơn như Viện sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư. Nhiều trường hợp là Tiến sĩ nhưng không đi tiếp vào con đường khoa học hoặc làm nghề khác, hoặc không có hướng nghiên cứu bền vững... Thế nên với thế giới (và cả ở ta) Tiến sĩ thất nghiệp là chuyện bình thường, vì chỉ giỏi ở chuyên ngành hẹp mà cuộc sống thì vô cùng, nên nhiều Tiến sĩ khó đem kiến văn của mình ứng dụng vào thực tiễn đa dạng. Do vậy chưa thể coi người có học vị Tiến sĩ là tài năng, là “đỉnh cao”. Bởi Luận án mà họ bảo vệ là một đề tài hẹp, hẳn nhiên có tính mới nhưng tính ứng dụng, tính phổ biến chưa cao nên đóng góp cho cộng đồng chưa thể nói là lớn. Văn bằng Tiến sĩ là một “giấy thông hành” để bước tiếp vào nghiên cứu khoa học một cách thuận lợi, cơ bản hơn. Nó sẽ giảm ý nghĩa nếu chủ nhân không có công trình nghiên cứu mới nào được khẳng định.

Như vậy không thể cho rằng đã là Tiến sĩ thì là “nhất”, là “biết tuốt”. Nực cười hơn, chính một vài vị Tiến sĩ cũng ngộ nhận thế, cứ tưởng mình có học vị thì sẽ làm thầy thiên hạ,... Không chỉ ra vẻ “kẻ cả”, có “Tiến sĩ” “phán”, “chém gió” sang cả lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực chính trị xã hội... Oái oăm thay, có người thấy thế thì lợi dụng, kê kích thêm, nhiều “cộng đồng mạng” với mục đích “câu like”, có khi biết đấy là sự lạ, sự ngược nhưng cứ tung hô rồi trích dẫn lời của “Tiến sĩ A nói, Tiến sĩ B viết”... Vì có sự “bảo hiểm” là “Tiến sĩ” nên lại có khối người tin, thế là tạo ra không ít sự nhiễu loạn!

Cho mình là “nhất” nên có vị Tiến sĩ chuyên ngành Toán “nhảy” sang cả lĩnh vực khoa học hình sự, cũng “thuyết” này “thuyết nọ” đo đạc chi li cả “hiện trường”...rồi “khẳng định” thế này mới “đúng” (!?). Khoa học nào cũng cần sự chính xác nhưng mỗi chuyên ngành có đặc thù riêng. Sự “lấn sân” này chỉ tốn thời gian của chính anh ta chứ không thể thuyết phục được người khác! Rất có thể vị Tiến sĩ kia đo đạc trên cứ liệu một “hiện trường...giả”!

Khổng Tử-nhà triết học cổ Trung Quốc dạy: “Tri chi dĩ vi tri. Bất tri dĩ vi bất tri. Thị tri dã” (Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Như thế mới là biết). Dù đã được tôn lên hàng Thánh thế mà một lần gặp hai đứa trẻ nhờ phân xử xem ai thắng khi một đứa nói mặt trời buổi sáng to hơn buổi trưa, đứa kia nói ngược lại. Không trả lời được đành nhận lời mỉa: là thầy thiên hạ mà cũng không biết điều nhỏ đó ư, Khổng Tử chỉ còn biết than trời rằng: Đâu phải cứ là Thánh nhân thì cái gì cũng biết!

Khi đã đắc đạo Đức Phật Thích Ca được hỏi: “Làm thế nào để được gọi là một người giác ngộ?”. Đức Phật trả lời qua 4 câu kệ: “Những gì cần biết rõ, ta đã biết rõ/ Những gì cần từ bỏ, ta đã từ bỏ/ Những gì cần tu tập, ta đã tu tập/ Do vậy, ta là Phật”. Thâm ý của Đức Phật có thể hiểu: Biết những gì cần biết, bỏ những gì cần bỏ và tu những gì cần tu, thế mới là giác ngộ, mới là Phật. Về bản chất câu nói của Khổng Tử với câu nói của Đức Phật đều nhấn mạnh vào chữ “biết”, biết tri thức, biết phát hiện và biết cái giới hạn của mình. Việt Nam có ngạn ngữ thật sâu sắc, hiện đại cứ như là nói cho thời 4.0, thời của chuyên gia, chuyên sâu: “Một nghề ăn cơm tám, tám nghề ăn cám rang”. Thời gian, tâm lực, vật lực đều có hạn, phải biết tập trung vào sở trường chuyên môn của mình mới có thể thành công!

Thì ra có là Tiến sĩ cùng không thể “biết tuốt”, nhất là không nên tự nhận mình “biết tuốt”!!!

Vì là người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng nên trí thức thì không được nói sai. Chỉ nên nói đúng về những gì mình hiểu, mình biết!

M.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)