. Nguyễn Thanh
Những quan niệm khoa học mới về quản lý
Cách hiểu phổ biến của thế giới hôm nay thì “quản lý” là sự kết hợp tri thức với lao động (từ góc độ chính trị - xã hội); là sự chỉ huy, điều hành (từ góc độ hành động). “Lãnh đạo” là một quá trình tác động đến nhiều người khác để họ tự nguyện hành động một cách nhiệt tình nhất nhằm đạt các mục tiêu mà tổ chức đã đặt ra. Người lãnh đạo là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp lý, trước lợi ích chung về kết quả hoạt động của tổ chức mình. Bốn cái cột chống của ngôi nhà lãnh đạo, quản lý thời 4.0 là chức năng hoạch định (đặc biệt là hoạch định chiến lược, tức tầm nhìn phát triển); chức năng tổ chức; chức năng chỉ huy và phối hợp thực hiện; chức năng kiểm tra đánh giá. Trong đó việc ra quyết định đúng đắn, phù hợp, có sự đồng thuận cao là thước đo tài năng người lãnh đạo. Thực ra điều này tục ngữ Việt sâu sắc khái quát vào mấy chữ: “Một người lo bằng kho người làm”. Không chỉ “lo” bằng cái đầu mà còn phải bằng cả trái tim, không chỉ là quản lý nhân sự cơ học đơn thuần mà còn quản lý cả tư tưởng, suy nghĩ của “người làm”, không chỉ lãnh đạo, điều hành công việc hiện tại mà còn nghĩ tới tương lai của tổ chức...
Mới nhất, nhà quản trị học nổi tiếng thế giới người Nhật Bản dựa trên thuyết “giới hạn của nhận thức” (bounded rationality) đưa ra khái niệm “kiến tạo tri thức” (knowledege creation). Đại ý nhà lãnh đạo phải biết tập hợp tri thức kinh nghiệm từ đồng sự, từ “đám đông” với tri thức nổi (explicit knowledge) và tri thức ẩn (tacit knowledge), lấy đó làm nền tảng để ra các quyết định phù hợp. Bác Hồ cũng đã từng dạy cán bộ lãnh đạo phải “hiểu thấu” để học hỏi dân, vì họ “rất khôn khéo” biết “giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ” (1).
Quản lý Nhà nước về văn hóa hôm nay – Những đặc thù và bất cập
Quản lý Nhà nước về văn hóa (QLNNVVH), nghĩa là thay mặt Nhà nước để quản lý. Từ góc nhìn khoa học tổ chức thì đó là quá trình tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và bộ máy nhằm mục đích phát triển văn hóa. Theo quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cho nên song song với việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là sự kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Ngay cách hiểu sơ bộ này cũng cho thấy tính đặc thù của QLNNVVH có chủ thể quản lý là Nhà nước tổ chức thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, khách thể quản lý là văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan. Nó có thể là các hoạt động văn hóa (các dịch vụ, hoạt động sáng tạo...); các giá trị văn hóa (các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể); mục đích quản lý là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống…; cơ sở pháp lý của quản lý là Hiến pháp, luật, pháp luật…
Như vậy QLNNVVH là quản lý bằng pháp luật. Nhà quản lý thay mặt Nhà nước quản lý bằng luật, ứng xử bằng phép công chứ không thể bằng tình riêng, cảm tính chủ quan...
Nhưng văn hóa lại là lĩnh vực rất uyển chuyển, tinh tế, nhạy cảm nhất là ứng xử với các di sản nên nhà quản lý vừa phải có giải pháp đúng với luật pháp vừa phù hợp tính đặc thù. Nếu không sẽ sa vào cứng nhắc thậm chí có những hành vi phản khoa học. Đã từng có hiện tượng một ngôi chùa cổ có nguy cơ sập mái. Người ta “giữ nguyên hiện trường” để làm Tờ trình “báo cáo” cấp trên. Đến khi có “quyết định” thì những “di sản” quý như vàng đã...biến dạng do một trận bão bất ngờ. Lại có hiện tượng “làm mới” di sản... Pho tượng quý ngàn năm được sơn cho “mới”! Đã từng có chuyện người ta xây nhà cấp 4 cho đồng bào người dân tộc thiểu số “tái định cư”. Tất nhiên không có ai ở, vì không phải nhà sàn, xa rừng, lại tập trung... Như vậy nhà quản lý vừa không hiểu tính đặc thù của văn hóa, vừa sợ sai, không dám linh hoạt, không dám chịu trách nhiệm...
Ở một vài địa phương ngành văn hóa chưa phát huy được, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt của các giá trị văn hóa tinh thần (như Bác Hồ nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”) nên có phần rụt rè, thiếu tự tin, cả nể. Xin kinh phí để tu bổ di sản, để làm nhà sàn (như trên đã dẫn) thì sợ ngành tài chính, xây dựng kêu “tốn kém”... nên “tán thành” cho xong. Lại có nơi sợ “giải ngân” vì không biết tiêu tiền thế nào cho phải. Không làm đúng kế hoạch sẽ bị phê bình, ngành nọ chê ngành kia kích bác...
Một thời ở khu vực du lịch tâm linh nọ mọc lên một loạt chùa xây mới với ý đồ xấu. Cán bộ QLNNVVH từng đi kiểm tra, từng lập biên bản nhưng thấy sự phản ứng quá khích, (hoặc có khi bị mua chuộc), chính quyền sở tại lại làm ngơ...đành bỏ qua. Về sau báo chí phanh phui vấn đề mới rõ ràng. Như vậy lỗi có phần lớn ở ngành văn hóa, mà chủ yếu là cán bộ “dĩ hòa vi quý”!
Có cán bộ lại “cảnh giác” với chính anh em đồng nghiệp, đồng chí. Nhiều người “sống lâu lên lão làng”, bằng cấp thiếu, năng lực có hạn trong khi đó anh em trẻ học hành cơ bản, có năng lực. Thế là “Sếp” đành ứng xử theo kiều “xuê xoa”, “dung hòa”, “mười rằm cũng ừ mười tư cũng gật” cho qua chuyện... Đó là sự cả nể để “giữ ghế”, một cách lấy lòng để có phiếu bầu...
Đề xuất những giải pháp tháo gỡ
Phải bám sát hơn nữa vào sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, chức năng của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Không chỉ một ngành văn hóa chịu trách nhiệm QLNNVVH mà phải là tất cả hệ thống chính trị. Vụ việc “sao kê” từ thiện năm 2020 có trách nhiệm của nhiều cơ quan. Nếu ngành văn hóa tham mưu chính quyền, các tổ chức chính trị can thiệp với nhà từ thiện minh bạch ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra chuyện. Cũng một phần do cả nể “người có tiền có tâm” mà địa phương để một vài người “tự tung tự tác”, có khi có hành vi không đúng với “từ thiện” là việc làm thiện nguyện từ tấm lòng thành...
Việc xây dựng các văn bản chủ trương phải vừa phù hợp với đặc trưng văn hóa vừa bám sát thực tiễn nền kinh tế thị trường và yêu cầu phát triển bền vững. Văn hóa là sự nghiệp của quần chúng nên phải phát huy vai trò và tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hóa cổ truyền vốn có sẵn từ trước, bền bỉ, dẻo dai và rất linh hoạt. Xây dựng và phát huy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng tự quản ở mỗi địa phương là rất cần thiết.
Chú trọng nâng cao năng lực QLNNVVH, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng. Văn hóa là lĩnh vực rộng và luôn phát sinh vấn đề mới, người cán bộ phải tự học hỏi bồi dưỡng mình ngang tầm với nhiệm vụ. Học kiến thức chuyên ngành, học thêm kinh nghiệm nước ngoài. Cây vững nhờ cái gốc. Có học vấn sâu, có bản lĩnh, có ứng xử linh hoạt sẽ tự hết “cả nể”.
Tăng cường tổ chức nghiên cứu, tổng kết về quản lý các lĩnh vực, nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Bản thân văn hóa là đa ngành, đa lĩnh vực do vậy rất cần sự tổng kết, đúc rút bài học, kinh nghiệm với từng lĩnh vực, từng thời điểm. Bất kể ngành nghề nào quản lý đều gắn liền với kiểm tra, giám sát. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, quản lý văn hóa càng phức tạp, đa dạng nên càng cần đến giám sát, kiểm tra, thanh tra. Đây không chỉ là việc của Nhà nước mà còn rất cần đến sự giám sát của người dân, vì đó là tiếng nói quan trọng của chủ thể văn hóa vừa là người am tường nhất vừa là người hưởng thụ văn hóa.
Sớm hoàn thiện các khái niệm cơ bản và thông dụng của mọi lĩnh vực để thống nhất quản lý và triển khai thực hiện. Ví như cùng một hoạt động văn hóa có nơi vẫn gọi là “Lên đồng” nghiêng về mê tín, dị đoan có nơi gọi “Hầu đồng”, “Hầu bóng”, “Đồng bóng” còn mơ hồ nhưng nếu gọi là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” thì là truyền thống, là khoa học!
N.T
-------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập, 2011. Nxb CTQG, tập 5, tr 335.
VNQD