Phê phán tính “ăn theo” của bộ phận văn nghệ sỹ!

Thứ Năm, 20/01/2022 16:05

. Nguyên Thanh

 

Thiên chức cao quý của văn học, nghệ thuật xét đến cùng là nhân đạo hoá con người. Nhờ cái gốc là tình yêu thương con người sâu nặng, các nhà văn lớn của trào lưu văn học hiện thực phê phán viết về cái xấu cái ác để phơi bày, tố cáo, lên án trạng thái phi nhân tính, qua đó đòi cho con người phải có một trạng thái có nhân tính để con người được đích thực là người. Đọc những trang văn ấy người ta muốn nóng lòng hành động để góp phần thay đổi cả một trạng thái xã hội! Nguyên nhân nào để họ được như vậy. Trước hết là họ có quan niệm nghệ thuật riêng về con người tựa vững chắc vào cái điểm tựa hiểu biết sâu sắc về xã hội và tình con người vô hạn.

Nghệ thuật hiện đại quan niệm nhà văn là người sáng tạo ra các mã văn hóa (tác phẩm). Nếu hình tượng nghệ thuật - mã hạt nhân, đạt tới mẫu số chung của văn hóa nhân loại thì tác phẩm sẽ trở thành “sứ giả” trong cuộc giao lưu hội nhập toàn cầu. Đào sâu tri thức văn hóa truyền thống dân tộc, chắt lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại để xây những bệ đỡ văn hóa đưa con người bước vào bầu trời văn minh là sứ mệnh cao cả, lớn lao của mỗi văn nghệ sỹ!

Gần đây một vài nhà tiểu thuyết viết về nông thôn, nhất là về Cải cách ruộng đất cứ na ná giống nhau. Cái đáng quan ngại là không giống nhau về cái tốt đẹp mà giống nhau về sự mô tả con người ở phía mặt trái: con người xấu xí, thô lậu, kém cỏi, ác độc...làm cho độc giả thêm bi quan, ghê sợ về con người. Có thể vì cái nhìn của nhà văn không thấy trạng thái xã hội hôm nay, về cơ bản là trạng thái có nhân tính? Dù vẫn có cái xấu này, các ác kia nhưng không phải là phổ biến!...Trân trọng sức lao động nghệ thuật miệt mài, công phu, khổ ải; ghi nhận tâm huyết thiết tha sự đổi mới của các nhà văn nhưng độc giả cũng đòi hỏi ở họ sáng tạo ra những áng văn chương đích thực hướng tới những ý nghĩa phổ quát vì con người, nâng đỡ con người!

Có một lý do là “ăn theo” một “trào lưu”, một “xu hướng” tưởng là “mới mẻ” nhưng kỳ thực là quá cũ!

Và còn rất nhiều kiểu “ăn theo” khác!

Vì động từ “ăn” trong tiếng Việt luôn có một nét nghĩa hưởng thụ nên có rất nhiều âm tiết ghép vào “ăn” để thành nghĩa mới, trong đó có từ “ăn theo” rất đặc biệt”. “Ăn theo” để chỉ những ai cơ hội khôn khéo mượn hoặc dựa vào ảnh hưởng, làm theo người khác để kiếm lợi. Để chỉ những kẻ chỉ biết nói dựa, các cụ ta thâm thúy nói “Ăn theo nói leo”, “Ăn hóng nói hớt”...

Gần gũi với “ăn theo” có rất nhiều cụm từ, thành ngữ đồng nghĩa: “A dua”; “Dựa hơi”; “”Dựa mưa té nước”; “Theo voi hít bã mía”; “Mượn gió bẻ măng”; “Mượn đầu heo nấu cháo”, “Mượn oai hùm nhát khỉ”; “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”...Nhưng gần nghĩa nhất lại chưa có cách lý giải cội nguồn, xuất xứ rõ ràng là “Theo đóm ăn tàn”. Không phải là con “đom đóm” vì đom đóm có tàn đâu mà “theo”, do vậy cách hiểu dễ chấp nhận là “đóm lửa”. Ngày xưa đi đêm người ta hay dùng đuốc, thường là cây nứa khô đập dập. Nhưng nếu có người đi sau thì hay gặp nguy hiểm rất phải cảnh giác vì có rắn hay theo để ăn tàn lửa. Vì rắn, lại thường là rắn cạp nong, mai gầm rất độc thèm muối nên tìm cách liếm tàn đuốc để kiếm vị mặn. Nhưng cũng có cách hiểu khi thấy đuốc sáng các con bọ cánh, thiêu thân thấy lửa liền lao vào và chết, thế là rắn ta đi theo “hưởng lợi”. Có đúng thế không thì chưa biết nhưng
thành ngữ “theo đóm ăn tàn” thì chính xác vô cùng cũng chua chát đau đớn vô cùng để chỉ cách sống ăn bám theo đuôi nhặt nhạnh tí cơm thừa canh cặn của người khác. Người ta ví những hạng như thế là “rắn”. Dân gian rất tài trong ví von ngầm này ở chỗ rắn luôn “uốn éo” và có nọc độc. Đấy là dân gian lên án lối sống bản năng ươn hèn lươn lẹo không ra người, rất có hại.

Nhưng hiện tượng “theo đóm ăn tàn” là có thật với rắn. Khoa học giải thích là loài rắn nhầm “các tia hồng ngoại phát ra từ đốm tàn lửa với các tia hồng ngoại phát ra từ cơ thể ấm áp của chuột đồng” nên cứ thế nó đi theo. Và có thật với cả người... Ở đây chúng tôi xin phép lạm bàn chung quanh vấn đề “ăn theo nghệ sỹ”! Nghệ sỹ là những người nổi tiếng nên thường được/bị ăn theo là dễ hiểu. Tạm hình dung có năm con “rắn độc” bám theo “lửa” nghệ sỹ!

Một là, “nghệ sỹ” ăn theo nghệ sỹ.

Hẳn là “nghệ sỹ” chưa có tên tuổi gì “dựa hơi” vào nghệ sỹ nổi tiếng. Trong làng điện ảnh không lạ gì chuyện có những diễn viên muốn có chút ít tên tuổi nên bằng mọi mánh khóe, quen biết để xin đạo diễn một “suất”. Có khi tự “đánh bóng” mình bằng cách “quen” ông nọ bà kia, quen diễn viên nọ diễn viên kia...Đành rằng diễn viên phải đi liền với diễn xuất nhưng chưa làm “nàng dâu” đã muốn làm ngay “mẹ chồng”, chưa chịu khổ luyện gì mà đã muốn có ngay “tên tuổi”. Thế là lại sinh ra chuyện hoặc có dư luận “mua bán”, “đổi chác” (đổi tình, đổi tiền) lấy vai diễn.

Nhưng vô nhân nhất là “ăn theo” nghệ sỹ không may vừa qua đời. Trong khi nhiều nghệ sĩ kêu gọi quyên góp tiền ma chay, thì có kẻ đăng bài viết kể về mối “thâm tình” với người đã chết, mượn lời người này “đá đểu”, “dìm” kẻ này, “nâng” kẻ nọ. Một vài “nghệ sĩ” trẻ đăng đàn “tâm sự” “tri âm tri kỷ” với người vừa đã khuất...Có kẻ không may bị vạch mặt là cái ảnh đăng kia là một lần xin chụp chung với tư cách người hâm mộ!

Hai là, quảng cáo (thuốc/hàng hóa) ăn theo...

Khoảng mấy chục năm gần đây giới nghệ sĩ nước ngoài “phát minh” chiến dịch bán “merch” (hàng hóa “ăn theo” âm nhạc). Ở ta cũng liền bắt chước!Cái thời “ca sĩ Lệ Rơi” nổi như cồn, các ứng dụng di động liền “ăn theo” đến mức một loạt ứng dụng di động được lập trình dành riêng cho “ca sĩ” này. Hôm nay đang có hiện tượng “anbum” nhái “dựa hơi” ca sĩ!

Nhưng quảng cáo ăn theo thì biến hóa vô cùng!

Cái đáng lên án là một số kẻ kinh doanh sản phẩm thuốc mượn hình ảnh nghệ sĩ để quảng bá. Như bịa ra nghệ sĩ này khỏi đột quỵ là nhờ thuốc này, nghệ sĩ kia khỏi bệnh dạ dày là nhà thuốc nọ...Nhẫn tâm hơn, có kẻ mượn nghệ sĩ vừa mất đăng tin là do đã từng dùng rồi không dùng thuốc này thuốc nọ nên thế này thế kia...Thậm chí có “hãng bảo hiểm” nhân một nghệ sĩ vừa mất bèn quảng bá sự “ưu việt” của hãng mình. Lại có kẻ nhân vợ chồng nghệ sĩ nọ li hôn liền “tư vấn pháp lý chia tài sản...” quảng bá “văn phòng Luật sư”.... Làm tiền trên nỗi đau người khác như vậy là tội ác!

Ba là, kẻ thích nổi danh, thích “câu view”...

Sau một bài hát, một anh chàng vô danh lên tặng hoa nghệ sĩ. Cố tình đứng hơi lâu, hơi gần và “tình tứ” với người được tặng, anh ta quay xuống dưới hàng khán giả và...nhoẻn cười! Một “hot girl” lên tiếng tố cáo một diễn viên nọ là “lăng nhăng” đang yêu mình còn yêu hai ba cô khác. Sự thật thế nào chưa biết nhưng “hot girl” “kiếm thêm” được bao “tìm kiếm” trên mạng. Cách tạo “scandal” tình ái này “xưa như...diễm” nhưng vẫn được chú ý, vì ai cũng “yêu” cả!!!

Một hiện tượng phản cảm đến mức đau lòng là đám tang các nghệ sỹ thường rất đông, có người không phải đến viếng, đến chia buồn mà là để quay clip, chụp ảnh rồi đưa lên trang cá nhân. Để “câu view”, “câu like” người ta phải bịa chuyện thật giật gân, mượn công nghệ để ghép hình ghép ảnh.

Bốn là, nghệ sỹ “ăn theo” tiền thù lao cao hơn...

Đã từng có chuyện vì chạy “sô” tiền “cát xê” cao hơn mà có ca sĩ bỏ chương trình ca nhạc mà Nhà nước ấn định tổ chức từ trước!

Hiện đang có trào lưu “ăn theo” những bộ phim truyền hình nổi tiếng, thế là các phim giang hồ bạo lực xen hài hước ra đời thu hút người xem để “nhận nút vàng YouTube”. Các phim này chung môtip miêu tả góc khuất thế giới ngầm, hình ảnh bặm trợn, tình huống chút hài hước thêm chút cảnh nóng. Lại có xu hướng làm phim cổ trang cung đấu để kiếm tiền. Loại phim này mô phỏng đề tài, tình tiết phim Tàu, Hàn...dựa nhiều vào công nghệ 3D. Tất nhiên không có tư tưởng, chỉ là nhất thời, bất chấp sự “nhái” để hướng tới “nút vàng”!!!

Nghệ sĩ càng nổi tiếng càng được thù lao cao hơn trong quảng cáo. Đáng tiếc đã có nghệ sĩ Danh hiệu sáng choang lại đi quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng gây hại người tiêu dùng nhưng mình được nhiều thù lao!!!

Năm là, báo chí “ăn theo”...

Báo lá cải phải sống dựa, thường là dựa hơi vào nghệ sĩ. Một nghệ sĩ mặc kiểu áo mới liền được lên báo. Một bài viết giật gân “cả showhiz bàng hoàng” vì...nghệ sĩ kia có bà ngoại mất!!!!...Rồi nhan nhản chuyện đời tư, chuyện “tay ba tay tư”, chuyện “sốc thuốc”, “hậu trường” chuyện “bây giờ mới kể”...giật gân một tý, mới mẻ một tý, gay gắt một tý...

Làm gì để ngăn chặn? Không chỉ ở ta mà cả nước ngoài, kể cả các nước văn minh nhất cũng có hiện tượng “ăn theo” này, thậm chí còn “trường kỳ”, “tinh vi” hơn. Xin kể, mới năm ngoái đây ở nước Úc, một ca sỹ bậc trung (Lady Gaga) khi hóa trang thành người cá ngồi trên xe lăn trong buổi biểu diễn liền bị ca sỹ, diễn viên gạo cội (Bette Midler)“vạch mặt” tội “ăn theo”, bởi hình tượng đó bà đã “sáng tạo” cách đây hơn 30 năm!!! Nói thế để thấy dù có luật lệ nào thì cái cơ bản vẫn là ý thức. Do vậy giáo dục nhân cách con người văn hóa, con người nghệ sỹ vẫn là chiến lược tối quan trọng của mọi quốc gia, mọi thời đại! Người Anh thích bóng bẩy ví von thì đưa ra bài học, ngôi nhà nhân cách nghệ sĩ phải có bốn cột chống vững chãi chắc chắn (tạm dịch ra tiếng Việt là công thức 4T): Tự trọng; Tự học; Tự thân; Tự cường!

Lại xin kể một ngụ ngôn “Cây sồi già” của nước Anh. Ngày xưa đấy là vùng đất trù phú mỡ màng nhờ nhiều dòng sông, suối chảy qua. Rất nhiều cây xanh tìm ra gần chỗ có nước sinh sống rồi suốt ngày ca hát theo mây bay gió thổi. Cuộc sống với chúng thật như một thiên đường. Nhưng có một cây sồi sinh ra chỗ đất khô cằn nhưng nó không bỏ đi mà ngày ngày gắng bắt sâu rễ vào đất và cố nảy nhiều lá để quang hợp ánh sáng. Bất ngờ một trận động đất xảy ra, đất đai trở nên khô cằn, đồng ruộng trở nên hoang hóa. Bao nhiêu cây xanh sống dựa vào sự ưu đãi (ăn theo!) của thiên nhiên đều chết. Riêng cây sồi già vẫn kiêu hãnh vươn lên thách thức mọi biến đổi hiểm nguy của trời đất. Đến nay đã hơn ngàn năm tuổi nó vẫn tươi tốt dẻo dai như thường!!! Người Anh kết luận: Có bao nhiêu nghệ sĩ như cây sồi già? Có bao nhiêu nghệ sĩ như những cây đã chết!?

Xin nói thêm, cũng là “ăn theo”, đừng nhầm với câu các cụ dạy: “Ăn theo thuở, ở theo thì” rất biện chứng: làm gì cũng phải phù hợp với cuộc sống thời đại, thời gian!

N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)