Cảm thức tết trong thơ Y Phương

Thứ Năm, 03/02/2022 06:36

. SONG QUYÊN
 

Mùa xuân năm ngoái
Tôi soi gương
Giật mình
Quái
Lão già nào mặc bộ comple
của mình thế nhỉ?
Mùa xuân năm nay
Tôi soi gương
Chà chà
Chàng trai nào mặc bộ comple của
mình đây?

Những lời thơ dí dỏm nơi Cảm ơn mùa xuân đem đến sự tươi vui, chất nghịch ngợm, tinh quái trong phong cách thơ Y Phương. Chất này có trong những bài thơ “rất lính” khởi đi từ những ngày đầu cầm bút cũng là những ngày đầu quân ngũ của ông. Và thi thoảng, nó lóe sáng lên, mang đến một cái nhìn khác về lối viết của “người đồng mình” thâm trầm, sâu sắc.

Trong tản văn Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm, Y Phương viết: “Tôi coi cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi.” Và suốt hành trình thơ của Y Phương, chủ đề về quê hương luôn ở vị trí ưu tiên. Ông viết về quê hương, từ điểm nhìn gần thì chân tình, sống động; nhưng có lẽ đau đáu hơn cả, thiết tha hơn cả là khi đã có một độ lùi xa về không gian.

Năm 2002, Y Phương rời Cao Bằng về Hà Nội sinh sống. Khoảng thời gian từ đó đến nay, thơ (và cả trường ca, tản văn) của ông thể hiện rõ cảm thức về không gian, ý thức về một Hà Nội phố.

Giữa những “ô vuông” thành phố...

Tết này/ Ở thành phố/ Nhớ tiếng gà/ Tiếng gà trong như sương/ Xanh như nước suối nguồn/ Ấm như gió ủ trong hang đá/…/ Ta nằm như viên bi ve/ Không sao ngủ được/ Không sao chợp mắt (Tiếng gà). Thời điểm viết bài thơ được ghi là “ngày 3 Tết Giáp Thân 2004”. Cái trằn trọc tựa như nỗi niềm Lý Bạch nơi Tĩnh dạ tứ, nhưng không phải vầng trăng rọi sáng nơi đầu giường ngỡ mặt đất phủ sương, ở đây, “tiếng gà trong như sương” đánh thức nỗi niềm của kẻ xa quê. Tiếng gà xanh trong, tiếng gà ran trong ngực, tiếng gà thơm trở về trong nỗi nhớ giữa một không gian tết phố. Nó gợi lên cả một miền ấm áp, trong trẻo như suối nguồn, như gió ủ trong hang đá. Còn con người thao thức vì một điều giản dị, nằm đếm sáng, đã ba giờ, đã bốn giờ, và cuối cùng thì cũng hiện lên một mặt trời mắt đỏ hoe: Gà ơi!/ Đã ba giờ sáng rồi/ Bốn giờ sáng rồi/ Người đi chợ/ Người dắt xe/ Tiếng máy nổ như búa như dao giần vào từng khúc ruột/ Như đóng đinh vào tai long óc/ Ôi tiếng gà thân thiết/ Tiếng gà cuống quýt/ Tiếng gà ran trên ngực ta/ Tiếng gà thơm trong hơi thở của ta/ Nó đang tan dần trong huyết quản/…/ Nhớ tiếng gà/ Hình như mặt trời cũng trằn trọc/ Mắt đỏ hoe. Không chỉ một lần, nỗi thao thức của kẻ li hương được diễn tả chi tiết và sinh động: Mưa mãi thế này thì không ngủ được nữa/ Dậy thôi/ Mưa làm mềm tôi/ Làm ướt giấc mơ hoa/ Mờ nhòe muôn mặt người/ Mưa thế này thì tốt cho măng/ Không tốt cho chim/ Chim cụp cánh nhớ rừng/ Rừng lá thẳm/ Mặt trời say tít (Mưa tết).

Trong hành trình sáng tác của mình, Y Phương thành công với những bài thơ nói về văn hóa dân tộc, về cái làng Tày “biến nước lã thành máu”, “như da bọc lấy người tôi, nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi”, về người lính Tày với Bàn chân từng đạp bằng đá sắc/ Trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên. Đó là khởi nguồn của mọi sức mạnh, của cảm hứng sáng tác và của sự trở về. Bởi khi rời bản lảng, con người cũng như những con chim phiêu dạt, nhớ rừng và thổn thức trong một không gian bủa vây giam hãm: Tường trắng/ Tường trắng/ Thủng một ô vuông xanh/ Thêm một ô vuông nâu/ Nhúng nhính một bình hoa/ Thong thả nở những ngày chờ tết/ Tường trắng/ Lại tường trắng/ Thủng một ô vuông đỏ/ Thêm một ô vuông nhớ/ Hoa ơi hoa à đừng run thế em/ Hoa có làm sao đâu/ Hãy nhìn thật kĩ ngắm thật lâu/ Im nào/ Tường đang quặn/ Đau mà không nói được/ Nỗi mình (Tường trắng).

Không gian ấy giờ là những kí hiệu của khoảng trống trong tâm hồn những người con xa xứ. Những bức tường trắng như được xếp thành hình khối, vuông vức, sắc lạnh và sáng rõ bởi sự phân tách thành những khối nâu - xanh - đỏ…, và quan trọng nhất là một ô vuông nhớ. Dường như ở trong những ô vuông đó, bình hoa nở thong thả chờ tết lại gọi ra một cảm giác chán chường. Sự chậm rãi thanh thản đến nhạt nhẽo chỉ làm cho con người quặn đau. Thế nhưng, hoa có làm sao đâu, mà con người cảm thấy “tường trắng” và “tường trắng”. Bởi giữa không gian phố thị, giữa những ngày giáp tết, chim cụp cánh nhớ rừng, nhớ những cơn mưa mờ nhòe muôn mặt người và thấy mình tay trắng.

Cảm giác lạc lõng nơi thị thành có lẽ là một xúc cảm thường trực của những tác giả dân tộc thiểu số khi “hạ sơn về phố”. Với Dương Thuấn, “đồng bằng rộng tựa bên nào cũng trống”. A Sáng thì “ngơ ngác vầng trăng nơi phố xá” tự vấn về những bơ vơ của người xứ núi trót dấn thân vào cuộc sống đô thị: “Quả thực đôi khi tôi cũng không biết mình sống ở đây làm gì và tại sao mình lại sống ở thành phố. Tôi tin sẽ rất nhiều người đang sống ở thành phố mà trong kí ức của họ có một cố hương cũng sẽ nghĩ như tôi. (...) Có thể sau này tôi sẽ kiếm ra nhiều tiền - rất nhiều tiền, nhưng tôi cũng biết những đồng tiền kia không thể mua nổi một ánh trăng mát dịu. Ánh trăng đó không thể mua bằng tiền! Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới nhận ra sự thật cay đắng đó. Hi vọng ánh trăng ấy sẽ hiếm hoi hiện về trong những giấc mơ của tôi…”

...nhớ về một “cánh đồng râm ran tiếng núi”

Thơ Y Phương - vẫn với lối viết vừa cụ thể vừa mang tính khái quát cao, bút pháp tượng trưng, ngôn ngữ bay bổng và tinh tế - đã vẽ ra một Hà Nội, một cái tết thành phố ngập tràn nỗi nhớ. Chính bởi nỗi nhớ ấy mà ảo tượng về một không gian quê nhà lại được vẽ ra, được nhìn qua con mắt của một người con xa quê nhớ về một “thiên đường đã mất”: Trên các bến tàu bến xe/ Tôi thấy/ Những vali/ Những túi/ Những người/ Căng phồng niềm vui/ Về quê ăn tết/ Tay tôi chạm cành buồn mọng nước/ Bên đường/ Cây cũng chẳng còn ai/ Mà về (Cây ơi về đâu).

Dẫu biết “rễ cây ngắn, rễ người dài”, “khi con người ý thức sâu sắc cội rễ của mình thì trong họ đầy lòng tự tin”, nhưng vẫn không thôi ngậm ngùi và chua xót. Bởi “mùa xuân là mùa làm người”, “mùa xuân vui từ khuya đến sáng” (tản văn Tết anh cả), bởi tết là thời điểm của sự trở về sum họp, nên con người xa quê chỉ có thể làm một cuộc “trở về” từ những ảo tượng, nhớ nhung để ý thức được là mình đã rời xa nó.

Quê hương của những ngày tết, lúc này, được vẽ ra từ điểm nhìn của không gian phố: hình ảnh bản làng, con người, qua lớp sương của kí ức, của nhớ nhung. Ở đấy có niềm vui gắn kết, có tình người, có những nét đẹp phong tục: Tết đến làng/ Eng éc tiếng lợn kêu/ Thụp thùm chày giã gạo/ Ơi ới người gọi người/ Khắp cánh đồng râm ran tiếng núi/…/ Tết ở lại/ Mưa sương như hoa rơi/ Trời dần ấm/ Rừng đào ló lé nụ/ Muôn mặt cười (Mặt hồng cười).

Nhìn từ xa, nhìn từ nỗi nhớ nên những kí ức cứ đau đáu mà rờ rỡ tươi non như thế. Y Phương tái hiện không khí của những ngày giáp tết, khi những người của núi tụ họp quây quần giản dị. Hà Nội cũng mưa xuân, cũng “nhúng nhính một bình hoa”…, nhưng kẻ li hương kia không thể nào thôi hồi tưởng về những ngày xuân lất phất mưa sương như hoa rơi ở quê nhà Cao Bằng.

Một cuộc sống nhiệt thành, ấm nóng là nét biểu đạt quen thuộc thường thấy trong những sáng tác của các nhà thơ dân tộc thiểu số. Lò Ngân Sủn lúc nào cũng khiến con người rạo rực và mê đắm, đầy sức xuân: Mùa xuân đến/ Lòng người nở hoa/ Trái tim giã cốm/ Cả làng/ Cả bản/ Già trẻ/ Gái trai/ Người người/ Mới từ đầu đến chân (Mùa xuân đến). Mai Liễu thì hồn hậu, thấm thía cảm giác hạnh phúc khi được sống trong tình cảm bản làng sau những thăng trầm: La đà cả ba ngày tết/ Chén xuân nồng đượm nghĩa tình/ Cũng may, nửa đời phiêu dạt/ Vui buồn còn bạn/ còn quê (Tết quê nhà)… Y Phương thì ngậm ngùi trong ao ước Giá đừng mang thêm/ Nỗi buồn tha hương. “Thích ứng cũng là hình thức mới của sự tha hóa”, ông nhận thấy mình đã gắn bó quá lâu chốn thị thành: Ta đi lâu quá rồi/ Vẫn còn nhớ mùi thơm của đá/ Vẫn còn thấy những bà già/ Lờ mờ từ lòng núi nhô ra/ Vẫn còn nghe tiếng út ò xa xa/ Mang màu rơm tròn căng cục kịch về nhà/ Ta đi lâu quá rồi/ Yêu đá ta nằm/ Và đôi khi lăn lăn/ Nhích từng phân từng li/ Đến những nơi cần đến/ Gặp những người cần gặp/ Học theo đá nên ta sống thật (Nhớ đá). Đó chính là hương vị của núi rừng, là mùi của tết, và hơn hết là cái ngậm ngùi của kẻ đi đủ xa, nhớ đủ đầy khi viết về quê nhà.

Vào thời khắc tết đến xuân về, người người sum họp, cảm giác cô đơn và chạnh lòng càng trở nên rõ nét nơi những lữ khách rời quê về phố. Họ quay quắt nhớ cố hương. Và sự xa cách kia, không gian tết phố kia càng làm cho khát vọng trở về trong họ thêm mãnh liệt, day dứt. Với Y Phương, niềm yêu và tự hào về quê hương, niềm tự tôn về căn cước cá thể luôn thường trực: “Bạn biết không, tôi như một que thử. Nhúng xuống thành phố vẫn cứ xanh một màu rừng” (tản văn Nhúng xuống thành phố).

S.Q

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)