. ĐỖ TRỌNG KHƠI
Tôi chọn ba bài thơ Lên núi, Chiều tối và Rằm tháng giêng vào chung một tiểu luận vì hai lí do: thời điểm sáng tác và giá trị nghệ thuật. Bài Lên núi viết ngày 24/6/1942, hai tháng ba ngày sau đó thì tác giả bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (27/8/1942), và cho tới ngày 10/9/1943 mới ra tù. Thời gian một năm ở tù, nhà thơ viết tập Nhật kí trong tù trong đó có bài thơ Chiều tối. Bài Rằm tháng giêng sáng tác năm 1948, lúc này Hồ Chí Minh đã là Chủ tịch nước, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Điểm tôi rất lấy làm tâm đắc là ba bài thơ được nhà thơ viết ở ba khoảng thời gian trước, trong và sau khi ở tù, với các vị thế rất khác nhau song tâm thế và cảm hứng không thay đổi: an nhiên, tự tại, tin tưởng vững chắc vào tương lai.
1. Thướng sơn (Lên núi)
Mang tấm lòng ưu ái quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lấy thơ để nói chí, lưu cảm xúc, tư tưởng của mình những lúc ngoại cảnh và tâm cảnh tương hợp. Ngày 24/6/1942, tại Lũng Dẻ, Cao Bằng, Người đã Lên núi, tìm thế trụ núi non để hỏi đường mở lối: Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non. Và thi phẩm Thướng sơn ra đời:
Lục nguyệt nhị thập tứ
Thượng đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai
Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai
(Tố Hữu dịch)
Thể tứ tuyệt có số lượng câu chữ ít, quy phạm thể loại rất chặt chẽ; lượng thông tin và niêm luật, chức năng thể hiện của từng câu khai, thừa, chuyển, hợp hết sức rõ ràng. Bài Lên núi thuộc thể ấy, nhưng được viết với một dụng công nghệ thuật khá khác lạ. Như văn bản đã bày tỏ, câu 1, khai đề, chỉ là một dòng ghi về ngày tháng sáng tác: Hai mươi tư tháng sáu; đến câu 2, thừa đề, thông tin cũng mới cho biết thêm về địa điểm sáng tác, rất thiếu các thành tố quan trọng của nghệ thuật thơ là hình ảnh, hình tượng và cảm xúc: Lên ngọn núi này chơi. Song, điều bất ngờ đã xảy ra ngay sau đó khi ta đọc đến hai câu luận và kết bài. Để có thể hình dung về nét khác lạ này, tôi xin lấy ngay bài tứ tuyệt nổi tiếng Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) của Lý Bạch làm đối chứng. Như đã biết, đây cũng là bài gợi tứ cho Hồ Chí Minh. “Thi tiên” Lý Bạch viết: Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương. Câu 1, khai đề, hé lộ về một buổi tối nhưng hình ảnh đã rõ, trước giường có ánh trăng sáng lắm. Đến câu 2, thừa đề, lượng thông tin và trọng lực cảm xúc vẽ lên hình ảnh sương trăng lộng lẫy. Rất đẹp! Không theo cách đó, ở bài Lên núi, Hồ Chí Minh buông lỏng hai câu khai đề, thừa đề để trọng tâm được gài sâu vào hai câu luận và kết. Bản thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh bày tỏ tâm trạng khách xa quê, nhìn trăng sáng mà cúi đầu buồn nhớ quê. Lên núi vị thế và cảm xúc thơ khác biệt. Hồ Chí Minh lúc này không chỉ hiện diện trong tư cách nhà thơ, mà chính xác là Người đang trong tư thế một lãnh tụ, lấy ngọn non thiêng làm thế trụ để mở đường đi nước bước. Vì lẽ đó mới tạo nên một tầm vóc, và xuất hiện thi ngôn mang khẩu khí của bậc lãnh tụ: Cử đầu hồng nhật cận. Cũng phải tới đây cái vị thế kì vĩ mà thong dong, tự chủ của mười chữ cuối bài mới hoàn toàn khai mở rực rỡ một vầng thái dương, làm đối cực và soi tỏ cho vẻ đẹp dịu dàng thanh quý của nhất chi mai. Ở đây có những điểm khác trong hai cung cách “cử đầu”: Cử đầu hồng nhật cận với Cử đầu vọng minh nguyệt. Hai bài thơ được viết với hai cảnh phận khác nhau. Cái “cử đầu” của Hồ Chí Minh toát lên tâm thế, tinh thần của một vị lãnh tụ, đang nghĩ về vận nước và tương lai dân tộc.
Về câu Đối ngạn nhất chi mai. Ở miền núi phía Bắc Việt Nam có giống cây hoa mai tên gọi là nhất chi mai. Dịch giả dịch nhất chi mai thành một nhành mai e là chưa chuẩn. Theo tôi, lãnh tụ, nhà thơ Hồ Chí Minh viết nhất chi mai là họa lên hình ảnh cả cây nhất chi mai và có thể ẩn ý về một vẻ đẹp thanh quý “mình hạc xương mai” vốn xuất hiện nhiều trong văn học cổ. Và nữa, một nhành mai thì làm sao đủ tầm vóc, tư cách đối diện hồng nhật cận - mặt trời đỏ? Xét về thời gian sáng tác đề ngày 24 tháng 6, dù tính lịch dương thì cũng gần giữa tiết mùa hè, không phải thời điểm mai nở hoa. Cây mai thân nhỏ, lúc không ra hoa lại trong không gian rừng núi, người quan sát không ở gần bên thì không dễ nhận ra. Phải chăng nhất chi mai trong bài thơ là một hình ảnh có tính ẩn dụ, phiếm chỉ?
Có một giai thoại giàu nghĩa tương ứng, tương truyền thời nhà Trần, vua Trần Minh Tông ra vế đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế” (Trước sân điện Thanh Thử có ngàn gốc quế). Lê Quý Ly, khi đó còn là viên quan nhỏ, đã đối: “Quảng Hàn cung lí nhất chi mai” (Trong cung Quảng Hàn có cây nhất chi mai). Hai vế đối đáp hợp thành một câu đối chỉnh và hay. Lúc đó vua có người con gái là Huy Ninh, tự là Nhất Chi Mai, đang ở cung Quảng Hàn, vua cho là điềm trời nên đã gả công chúa cho Lê Quý Ly. Huy Ninh về sau là chính thất của hoàng đế Đại Ngu Hồ Quý Ly. Phải chăng khi hạ bút viết hồng nhật cận làm vế đối với nhất chi mai, trong lòng nhà thơ Hồ Chí Minh có liên tưởng đến giai thoại này? Lớp nhà thơ sáng tác bằng chữ Hán theo cổ luật thường hay sử dụng điển tích, điển cố, sử dụng nghệ thuật tập cổ này lẽ nào ngoại trừ với tác giả Lên núi?
2. Mộ (Chiều tối)
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
(Nam Trân dịch)
Bài thơ với cảm hứng nhẹ nhàng, bình dị, mở ra khung cảnh như thôn trang yên bình. Đây là điểm lạ! Quả thực nếu tác giả không ghi thời gian sáng tác thì độc giả các thế hệ sau thật khó hình dung đó là thơ viết trên đường bị giải từ nhà lao này đến nhà lao khác.
Qua các thi ảnh được phơi lộ dần từ câu 1 đến câu 4, cảm giác như đây là thơ của một hành giả dừng chân bên núi, mắt dõi theo bóng chim, áng mây cuối trời, nhìn vào một xóm núi bắt gặp cảnh lao động xay ngô của sơn nữ, và ánh nhìn dừng lại đó, từ lúc chim mỏi về rừng, chòm mây trôi nhẹ... đến lúc lò than đã rực hồng. Cho hay, điểm dừng lại khá lâu, nếu người đi vội thì khó mà thấy cảnh ấy, có thơ ấy được. Ngẫm ra, cảnh thơ này tiềm ẩn trong tâm, được hồi nhớ mà ghi lại. Hơn thế, hồi nhớ trong lúc thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao thì mới nên câu tuyệt cú ngụ tấm tình ấy. Về điểm này, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét rất xác đáng, đại ý: Nói về cảnh Chiều tối, Bác đã quên đi thân phận người tù, vượt lên hoàn cảnh. Ta lại gặp chủ thể trữ tình đằm thắm được bộc lộ kín đáo qua bài thơ. Bài thơ thể hiện một nét độc đáo trong phong cách thơ Hồ Chí Minh, từ tư tưởng đến hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai…
Bàn thêm về bản dịch thơ. Cô vân mạn mạn dịch là chòm mây trôi nhẹ chưa sát nghĩa. “Cô vân” là một làn mây lẻ loi, cô độc và “mạn mạn” là chậm chậm, sao có thể “trôi nhẹ” được? Sơn thôn thiếu nữ dịch là cô em xóm núi tuy cũng chưa thật chuẩn nhưng rất thú vị, ở chỗ đã làm gia tăng tính thân gần, làm mờ cảnh phận tác giả và khiến tâm trạng ưu tư, khổ nhọc trở nên thanh thoát hơn. Cách gọi “cô em” cũng tương thích hơn với hình ảnh nồng nàn của ngọn lửa “rực hồng” ngay sau đó. Dùng chữ “cô em” là dịch giả gợi đến niềm mong một điểm dừng chân, một mái ấm gia đình trong thâm ý tác giả.
3. Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng)
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
(Xuân Thủy dịch)
Nguyên tiêu vời vợi trăng lên
Xuân giang xuân thủy xuân thiên một màu
Quân bàn nơi khói sóng sâu
Khuya về thuyền chở cả bầu trăng thanh
(Đỗ Trọng Khơi dịch)
Về không gian nghệ thuật, Rằm tháng giêng được họa đủ ba chiều xa rộng, cao và sâu. Cả ba chiều không gian thơ đều tràn ngợp một màu trăng là trăng, tuyệt nhiên không một nét bóng tối nào xuất hiện, kể cả khi đêm đã về khuya, hay ở nơi thâm viễn nhất là “yên ba thâm xứ”.
Về thời gian nghệ thuật, Rằm tháng giêng thanh tĩnh mà tỏ rạng, chuyển động mà an nhiên, khoan thai trong cõi tình u nhã, từng trải, pha những nét tình tươi trẻ, phấn khích và lãng mạn.
Cũng như Lên núi, Chiều tối, thi phẩm Rằm tháng giêng mang đậm phong vị Đường thi. Hình thái với sắc diện gợi tới những mẫu hình thơ tuyệt tác của tiền nhân mà nhà thơ đã kế thừa, tiếp nhận:
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Trương Kế, Phong Kiều dạ bạc, Nguyễn Hàm Ninh dịch)
Lên gác bên sông một ngậm ngùi
Sáng trăng như nước, nước như trời…
(Triệu Hỗ, Giang lâu thư hoài, Tản Đà dịch)
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạch, khách lên lầu…
(Nguyễn Trãi, Bảo kính cảnh giới)
Thơ trung đại Việt Nam viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm thường sử dụng điển tích, điển cố và nhiều trường hợp sử dụng cả cấu tứ, hình ảnh từ thơ cổ, như các trường hợp thơ chữ Hán và Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du… Tác giả hậu thế sử dụng điển cố, điển tích, ý, tứ của thơ văn tiền nhân như một phép tắc trường quy khi những giá trị đó đã trở thành phổ quát, thành bài học mẫu mực từ chương cho thi cử và cho sáng tác noi theo. Có nghĩa là yếu tố này được xem là giá trị chứng thực về học vấn của người cầm bút.
Cũng như bao thi sĩ tiền bối, nhà thơ Hồ Chí Minh - trong các tác phẩm viết bằng chữ Hán - trân trọng tiền nhân nên cũng thường sử dụng câu chữ, ý tình, hình ảnh, biểu tượng và thể cách kinh điển. Thoát bay lên từ những điển cố, thi cách ấy, ta nhận ra một thi nhân, một lãnh tụ với tâm thế lạc quan, hướng đến ánh sáng và tương lai của cách mạng Việt Nam.
Đ.T.K
VNQD