. TRẦN VĂN TOẢN
Tố Hữu vừa là nhà cách mạng vừa là nhà thơ lớn của nước ta. Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng đầy gian khổ hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc. Dường như mỗi mốc son lịch sử đáng ghi nhớ của đất nước đều được đánh dấu bằng một mùa xuân trong thơ Tố Hữu.
Đến với thơ xuân Tố Hữu là có cơ hội lắng nghe tiếng hát được cất lên từ một trái tim nhiệt thành với Tổ quốc, lắng nghe sự suy tưởng của một người từng trải, một chiến sĩ cách mạng trung kiên… Chính sự hòa quyện đặc biệt ấy làm nên vẻ đẹp rất riêng của thơ xuân Tố Hữu.
Đêm trước Cách mạng tháng Tám, miền Bắc nước ta có hơn hai triệu người chết đói. Thảm họa năm Ất Dậu hằn sâu vào tâm thức bao người. Bằng nỗi đau máu thịt, nhìn xuân đến, Tố Hữu nghe lòng xót xa:
Hôm nay xuân ốm dậy
Buồn như đông, nhợt nhạt, mưa phùn
Trên đường quê nhớp nháp đầy bùn
Đôi bóng xám nghiêng nghiêng trong gió rét
(Xuân đến)
Nhưng rồi giá lạnh cũng sẽ đi qua. Niềm vui, niềm tin yêu lạc quan được thắp lên trong gian nan, đói rét… Những vần thơ xuân Tố Hữu lại cất cao, gieo ánh lửa hồng ấm áp trong tâm hồn, trong cảm quan đồng bào, đồng chí. Đó chính là đặc trưng phong cách thơ lãng mạn cách mạng của Tố Hữu:
Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu
Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công!
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
Ai cản được những đoàn chim quyết thắng
Sắp về đây tắm nắng xuân hồng
(Xuân đến)
Cách mạng tháng Tám thành công, người người cất cao tiếng hát. Xuân nhân loại đang đâm chồi nảy nở trên những dòng thơ của nhà thơ cách mạng người Huế:
Lâu rồi, khao khát lắm, xuân ơi
Nhân loại vươn lên ánh mặt trời
Nhân loại trườn lên trên biển máu
Đang nghe xuân tới nở môi cười
(Xuân nhân loại - 1946)
Và từ đây, xuân với Tố Hữu là niềm say mê, khát vọng, là nụ cười tươi, là hoa, là trái, dẫu còn tiếng hát thương đau. Tưng bừng, náo nức, một nửa đất nước được giải phóng, bắt tay vào dựng xây. Tố Hữu hòa vào niềm vui sướng của hàng triệu trái tim để ngân lên giai điệu của những cảm xúc trẻ trung tuôn trào.
Đọc bài thơ Trên miền Bắc mùa xuân, ta như nghe đôi chân hối hả đang hớn hở rạo rực niềm vui giữa đất trời. Vâng, nhà thơ đang chạy trên miền Bắc. Hớn hở giữa mùa xuân. Rạo rực muôn màu sắc. Náo nức muôn bàn chân. Xuân đất trời trở thành xuân của lòng người - một mùa xuân ấm áp:
Giữa mùa xuân, vững bước tới tương lai
Tôi vui đi, mê mải… một… hai
Giật mình nghe tiếng còi dài gióng giả
Trên đường sắt, chuyến tàu trưa hối hả
Chạy về Nam. Như một đạo quân
Chuyển rầm rầm trên miền Bắc mùa xuân
(Trên miền Bắc mùa xuân - 1956)
Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, lấy những sự kiện chính trị lớn của đất nước làm đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân. Nhà thơ ít chú ý tới những diễn biến bình thường của đời sống mà thường tập trung khắc họa những bối cảnh rộng lớn, những biến cố quan trọng tác động mạnh mẽ đến vận mệnh dân tộc: cảnh xây dựng đất nước thật vĩ đại, hào hùng (Bài ca mùa xuân 1961), cảnh cả nước lên đường ra mặt trận chiến đấu vì độc lập, tự do (Chào xuân 67)…
Năm 1960, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được họp giữa Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra nhiệm vụ chiến lược: “Đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, củng cố miền Bắc thành cơ sở ngày càng vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc; Ra sức hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai; Thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.” Không khí dựng xây cuộc sống mới lan tỏa, phấn chấn. Mừng xuân mới 1961, Bác Hồ viết: Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh. Đêm 21 tháng 1 năm 1961, trong niềm vui rạo rực, cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng, Tố Hữu viết bài thơ Bài ca mùa xuân 1961. Trước cuộc sống dựng xây mới trên một nửa đất nước thân yêu, không nén được cảm xúc dâng trào, nhà thơ cách mạng cất cao lời thơ chào xuân đẹp đã về:
Tôi viết bài thơ xuân
Nghìn chín trăm sáu mốt
Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh…
(Bài ca mùa xuân 1961)
Nhìn xuân mới, lòng người cảm thấy lâng lâng. Nhưng, nhìn xuân mới, ngay trong cảnh sắc đẹp, cảm giác trong trẻo, ngọt ngào, thi sĩ vẫn để lòng mình ngậm ngùi hồi tưởng:
Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng!
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường
(Bài ca mùa xuân 1961)
Cái bâng khuâng ấy nghe thật da diết, yêu thương. Cái lâng lâng ấy phải chăng là độ chín trong cảm xúc bất tận của nhà thơ? Nhịp đập trong thơ Tố Hữu đã trở thành mạch đập chung của dân tộc. Vui bất tận, cuộc sống như được hồi sinh, lòng người náo nức hòa vào âm vang rộn rã của không khí dựng xây, của nhịp điệu lao động khẩn trương, náo nức:
Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ
Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm
Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi
Những đoàn xe vận tải nối nhau đi
Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì
Tên đất nước reo vui bao tiếng gọi...
(Bài ca mùa xuân 1961)
Rạo rực, thiết tha trước cuộc sống dựng xây, niềm vui lan tỏa theo những vần thơ xuân của Tố Hữu. Tiếng thơ là tiếng lòng, trải dài theo nhịp bước thời gian và âm vang thời đại. Năm 1964, Mĩ thua đau ở miền Nam, chúng leo thang chiến tranh ra miền Bắc rắp tâm đưa nước ta trở về thời kì đồ đá. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cả nước sục sôi chống Mĩ, cứu nước. Các thế hệ cùng ra trận ở cả hai miền Nam, Bắc. Ta vì ta, ba chục triệu người. Cũng vì ba ngàn triệu trên đời, nên dù cuộc sống chiến đấu của chúng ta có nhiều gian khổ, hi sinh, sống chết từng giây, mưa bom bão đạn, con người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay. Chưa bao giờ Tố Hữu viết nhiều thơ xuân và trong thơ xuân lại có nhiều câu hào hùng, lạc quan đến thế:
Như nghìn năm đẹp nét xuân xưa
Bỗng tỏa gương trong sạch bụi mờ
Xuân mới đơn sơ đằm thắm vậy
Căng đầy sức dậy, dáng non tơ
(Xuân sớm 1966)
Xuân trong thơ Tố Hữu không chỉ là xuân của đất trời, của một trong bốn mùa luân chuyển, không chỉ là xuân của cỏ cây hoa lá... mà còn là xuân của lòng người mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc, của những con người Việt Nam anh dũng, trung kiên. Xuân trong thơ Tố Hữu có độ nồng nàn của sức trẻ, của niềm tin và hi vọng về một tương lai tươi sáng. Trong âm vang thời đại, đi cùng xuân là anh Giải phóng quân - con người đẹp nhất, Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi - với chiếc mũ tai bèo của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tiếng hát vang dội non sông:
Vì muôn đời hoa lá xanh tươi
Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất
(Bài ca xuân 68)
Khi viết về mùa xuân, Tố Hữu thường nghĩ về Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ dành những tình cảm thiêng liêng nhất để viết về Bác. Bác là mùa xuân của dân tộc. Bác đem mùa xuân về cho đất nước. Tố Hữu xúc động bởi những vần thơ chúc tết ấm áp của Người: Bác ơi tết đến giao thừa đó. Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần.
Tổ quốc ta! Hai mươi ba năm đau khổ gian nan,
bền gan kháng chiến
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
Hỡi bốn phương và những chiến trường xa
Xin lắng nghe… Phút giao thừa đang chuyển
Bác Hồ gọi. Ấy là mùa xuân đến…
(Bài ca xuân 68)
Thơ xuân của Tố Hữu được viết bằng suối nguồn cảm xúc yêu thương và trái tim nhiệt thành cách mạng. Xuân của lòng người gắn kết với xuân của quê hương, đất nước. Đó là những vần thơ tươi xanh theo năm tháng của một người chiến sĩ cách mạng, một công dân nặng nợ với non sông.
Nhà thơ đã đi xa nhưng chắc chắn thơ ông sẽ còn ngân vọng trong lòng mọi người, trong âm vang và hơi thở của mùa xuân mới, vận hội mới. Trong những tháng ngày nhân loại đối mặt với đại dịch lan tràn, đọc lại những bài thơ xuân của Tố Hữu để càng trân trọng, tin yêu cuộc sống, tự hào về vẻ đẹp sức mạnh của ông cha và lạc quan, vững bước về phía trước.
T.V.T
VNQD