Vạch trần trạng thái nô lệ về tinh thần – Một đóng góp của Nguyễn Ái Quốc vào kho tàng lý luận giải phóng con người!

Thứ Sáu, 11/02/2022 13:24

1. Tôn giáo, nhìn về bản chất là tích cực vì nó hướng con người ta tới cái thiện, cái cao cả, nhưng tôn giáo rất dễ bị lợi dụng. Chính thực dân Pháp đã lợi dụng qua con đường Thiên Chúa giáo để xâm lược các nước Đông Dương. Không một ai dám suồng sã với tôn giáo nếu tôn giáo đó đi theo bản chất tốt đẹp của họ. Nhưng đối với bọn phản động đội lốt tôn giáo thì rất đáng là đối tượng để châm biếm, như ở ví dụ này: “Nếu có dân tộc nào phải nhớ ơn Chúa và các giáo sĩ, thì chính đó là dân tộc An Nam! Vì Chúa và các giáo sĩ mà dân tộc này đã sa vào tình cảnh nô lệ như ngày nay... Ở đâu có cuộc nổi dậy, có khởi nghĩa thì nơi đó cha cố biến thành mật thám, nhà thờ Chúa biến thành nơi tra khảo. Trong những buổi xưng tội, bọn cha cố chất vấn người dân quê, dọa nạt họ hoặc hứa hẹn khôn khéo với họ để lấy tin tức về phong trào và các lãnh tụ. Lễ xưng tội xong, các cha chúng ta bèn chạy đi tố cáo với nhà chức trách Pháp”[1].

Nguyễn Ái Quốc tranh thủ mọi diễn đàn để tuyên truyền về sự khốn khổ của đồng bào An Nam đang bị ru ngủ, bị làm cho mê muội bởi Nhà thờ và thuốc phiện: “Khi các đồng chí đi qua Hồng trường, các đồng chí thấy có khắc một dòng chữ "Nhà thờ là thuốc phiện của thế giới"; nhưng chúng tôi, nhờ nền văn minh phương Tây mà chúng tôi có cả nhà thờ lẫn thuốc phiện”[2]. Nghĩa là ở nước Nga chỉ có nạn nhà thờ đã làm mê muội tinh thần nhân dân lao động, nhưng ở An Nam thì không chỉ có Nhà thờ mà còn có cả thuốc phiện theo nghĩa đen. Nguyên nhân gây ra: nền văn minh phương Tây. Cách diễn đạt chơi chữ mượn nghĩa bóng của văn bản trước làm nghĩa đen trong câu nói tạo cho câu văn linh hoạt mà sức tố cáo lại lớn.

Trên báo La Vie Ouvrière ngày 4/1/1924 Nguyễn Ái Quốc cho in bài Tình cảnh nông dân An Nam vạch ra thảm cảnh người dân thuộc địa bị “một cổ hai tròng” là “lưỡi lê” của bọn thực dân và “cây thánh giá” của Hội Thánh mà tác giả dùng một bổ ngữ đích đáng là “đĩ bợm”: “Bên cạnh cái thế lực phần đời ấy còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa, các đấng này trong khi truyền bá đức nghèo cho người An Nam, cũng không quên tìm cách làm giàu bằng mồ hôi và máu của người bản xứ. Ở Nam Kỳ, chỉ riêng Hội Thánh truyền giáo cũng đã chiếm 1/5 ruộng đất trong vùng...”. Tinh thần mỉa mai toát ra từ cách nói ngược “truyền bá đức nghèo cho người An Nam” đã lật tẩy cái giả dối thực dân cũng như cái giả dối giáo hội, nói “truyền bá văn minh”, “truyền bá giáo lý” (hẳn nhiên là tình thương!) nhưng thực chất là “truyền bá đức nghèo” tức ăn cắp, ăn cướp làm họ phá sản. Nhưng đến câu này là nói thẳng, chửi thẳng: “người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh Tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”[3].

Hạt nhân cốt lõi chi phối toàn bộ tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là tình yêu thương con người. Xin trích nguyên một bài báo ngắn có tên Mục dành cho phụ nữ: về sự bất công được Người viết tại Quảng Châu ngày 4-4-1926 in trên báo Thanh niên số 40:

“Đại Đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ.

Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo; nếu cho họ gần thì họ khinh nhờn; nếu bỏ mặc họ thì họ thù oán.

Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình.

Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp.

Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”[4]. Trích dẫn những quan điểm phản tiến bộ, phản nhân văn về người phụ nữ trong xã hội cũ và đặt ra câu hỏi vì sao lại như vậy, không có câu trả lời nhưng ý thì toát ra, rõ ràng: vì chị em cam chịu nhẫn nhục, vì chị em cam chịu trong vòng ngu dốt và tâm lý quen bị áp bức!

2. Thức tỉnh nô lệ - Một cống hiến đặc sắc, lớn lao của Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm văn học đầu tiên của Người là một truyện ngụ ngôn có tên Động vật học in trên báo Le Paria, số 2, ngày 1-5- 1922[5]. Truyện này mang đậm tính trào phúng nên có thể gọi chung là ngụ ngôn - trào phúng chính trị. Chủ đề chính của tác phẩm là thức tỉnh ý thức nô lệ được thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Con ngưòi chấp nhận kiếp nô lệ cũng chỉ là một động vật.

“Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc nữa kia. Một khi thuần thục rồi, thì tự nó để cho người ta hớt lông như một con cừu, chất đồ nặng lên lưng như một con lừa, và đưa vào lò sát sinh như một con bê”. Nếu tiếng cười là một sự phê phán thì đây là một sự phê phán đích đáng, một sự phê phán đau đớn vạch ra trạng thái thảm hại của con người nô lệ. Chúng ta hãy chú ý phép so sánh: “cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc nữa kia…”. Thế thì kiếp nô lệ còn nhục nhã hơn, xót xa hơn kiếp súc vật.

Có ngưòi sẽ đặt ra câu hỏi: viết thế thì có phải là một sự coi thường, khinh rẻ con người. Không. Tôi sẽ trả lời rằng ngàn lần không, mà là sự ngược lại, phải có tấm lòng kính trọng con người, một tình yêu vô cùng sâu sắc đối với con người thì mới có những câu văn đẫm nước mắt như thế. Bởi vì phải vạch ra trạng thái phi nhân tính thảm hại để con người hiểu, hiểu để mà thức tỉnh, rồi tiến hành đấu tranh đòi trả lại một cuộc sống đích thực nhân tính.

- Con ngưòi chấp nhận làm tay sai, theo đuôi kẻ khác cũng là một động vật

“Loài động vật này rất dễ bị loá mắt. Nếu người ta bắt ra một con, to nhất hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh như một đồng tiền vàng hay một huân chương chẳng hạn, thì nó liền trở thành hoàn toàn ngoan ngoãn, lúc đó người ta có thể sai nó làm bất cứ việc gì và bảo đi đâu cũng được…và các con khác cứ việc theo nó một cách… khờ dại, nếu có thể nói như thế được”.

Một sự mỉa mai về nỗi ngu dốt, về tâm lý hám danh của những kẻ cam tâm làm tay sai cho thực dân và cả sự mỉa mai về tâm lý bầy đàn, theo đuôi, a dua, không biết phân biệt phải trái, trắng đen, hay dở của những người dân bản xứ ít học.

- Để thoát khỏi kiếp nô lệ động vật thì phải…“tiến hoá”.

“Các nhà bác học của Hội động vật đế quốc Anh (B.I.Z.A- British Imperial Zoological Association) vừa cho biết rằng loài sống trên bờ Ấn Độ Dương và trên bờ xứ Libi, vùng Hồng Hải, bắt đầu có những tiến hoá rất rõ rệt: nó không chịu để người ta bắt một cách dễ dàng, và không chịu để cho người ta em về nuôi làm gia súc nữa. Hiện tượng mới đó không khỏi gây lo ngại cho các giới công nghiệp và khoa học trên thế giới và đặc biệt là cho những giới đó ở phố các nhà giàu sụ Luân Đôn vì, tuy thịt loài vật đó không ăn được vì không thể ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại trở thành những thứ không thể thiếu để đổ dầu mỡ cho những cái máy chứa dồi thịt”.

Có thể hiểu thoát ý đoạn này bằng cách bóc đi lớp vỏ muối trào phúng bên ngoài, ý câu văn sẽ là: các dân tộc trên bờ Ấn Độ Dương, trên bờ xứ Libi, vùng Hồng Hải đang nổi dậy để chống lại ách áp bức của ngoại bang. Điều này làm cho giới nhà giàu và công nghiệp tư bản hết sức lo ngại vì chúng sẽ mất đi nguồn lơị lao động vô cùng to lớn. Nhưng thế là nói thẳng, nói thẳng thì sẽ bị cắt bởi lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền Pháp. Phải nói vòng, nói vòng một cách văn chương, phải ướp vào câu văn tinh thần hài hước mỉa mai để kêu gọi thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, để cảnh tỉnh chủ nghĩa tư bản đế quốc: một cơn bão của đấu tranh dân tộc ở các nước thuộc địa sẽ cuốn phăng những kẻ bóc lột nước ngoài.

Cùng chủ đề với truyện này là bài báo Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa đăng trên báo L’Humanite’ ngày 25-5-1922, Người chỉ rõ “tình trạng dốt nát của ngưới dân bản xứ” và tâm lý nô lệ thảm hại: “giống như con chó trong truyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm xương của chủ”[6]. Nằm trong mạch chủ đề này, trong tác phẩm Bộ sưu tập động vật đăng trên báo Le Paria ngày 1-2-1923, Người mỉa mai sự chấp nhận nô lệ là kiếp loài vật, kiếp “con chim sẻ”,“con vẹt”, “con chó”: “Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hóa của chúng ta đã không từ một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ - rất dễ bảo và rất ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt hay những con chó giữ nhà”[7].

Như vậy trước khi trở thành Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc thực sự là một lãnh tụ tinh thần của các dân tộc bị áp bức!

NGUYỄN THANH HÀ


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 442.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 209.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 249.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 512.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 75.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 81.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 162.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)