Ngày nay giới nghiên cứu, kể cả khoa học tự nhiên và xã hội dùng khái niệm hệ hình (paradigm) đã tương đối phổ biến. Nhiều người dùng khái niệm “mô hình”, “mô thức”, “hình thái”, “loại hình”... nhưng khi giới thuyết, lập luận và triển khai chứng minh cho thấy rất gần với “hệ hình”. Chúng tôi dùng khái niệm “hệ hình” với các lý do sau:
Lý thuyết hệ hình được ứng dụng rộng rãi trong khoa học nhân văn.
Được nhà khoa học Mỹ Thomas Kuhn sử dụng năm 1962 trong cuốn sách nổi tiếng Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đây là cuốn sách kinh điển tìm hiểu bản chất các khoa học, là nền tảng của khoa học luận hiện đại (triết học khoa học). Nó được “trích dẫn nhiều nhất thế kỷ XX”[1]. Ở ta dịch giả Chu Lan Đình khẳng định lý thuyết hệ hình có ảnh hưởng “đặc biệt ở các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn”[2]. Các nguyên tắc, định lý, khái niệm của nó đều có thể làm khuôn mẫu, nền móng cho mọi khoa học. Điều này được thực chứng ở các chuyên ngành dân tộc học của Sokolovski[3], xã hội học của P. Ansart[4], văn hóa học của L.G.Ionin[5]...
Nhờ xây dựng trên cơ sở các dữ liệu của khoa học tự nhiên nên khi ứng dụng vào khoa học xã hội càng góp phần tạo nên tính hệ thống, chỉnh thể, gần với sự chính xác, nhất là với sự thay đổi một cách triệt để như cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 trong lịch sử nước ta. Ở Việt Nam các nhà nghiên cứu tên tuổi vận dụng khá thành công lý thuyết hệ hình vào đối tượng nghiên cứu cụ thể, như Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy...và một số luận án tiến sĩ văn hóa, văn học. PGS Phan Ngọc vận dụng khái niệm “vượt gộp” (Émergence) của lý thuyết hệ hình khi nghiên cứu về văn hóa Hồ Chí Minh để có những đánh giá ý nghĩa mới. Đây là vấn đề phương pháp luận cơ bản của lý thuyết hệ hình: các cuộc cách mạng khoa học không bao giờ là sự thủ tiêu hoàn toàn hệ hình cũ mà luôn có sự kế thừa để tạo ra một sự “vượt gộp” ở hệ hình mới.
- Sự thay đổi hệ hình (paradigm shift) không chỉ thay đổi về lòng/niềm tin (belief change) mà thay đổi cả các chuẩn mực đánh giá (standards of judgment). Mỗi hệ hình có các chuẩn mực khác nhau, các quan niệm, nhận thức và phương pháp khác nhau, do vậy, về bản chất là không thể so sánh. Việc chuyển dịch hệ hình là tạo ra các tiêu chí, các cấu trúc và quy định mới. Nó không triệt tiêu hoàn toàn hệ hình cũ nhưng phải là sự thay thế tính độc tôn của cái cũ để thay vào một hệ hình tư duy mang tính đa nguồn văn hóa, đa nguồn thẩm mỹ. Cơ sở điều kiện của sự thay đổi hệ hình là sự khủng hoảng trước đó. Tính chất của cuộc khủng hoảng này quy định quy mô, tầm vóc của sự thay đổi hệ hình. Sự khủng hoảng càng nghiêm trọng bao nhiêu sẽ kéo theo sự thay đổi càng triệt để bấy nhiêu. Vai trò cá nhân của người thay đổi hệ hình là cực kỳ quan trọng ở tư duy cách mạng sáng tạo, tinh thần dũng cảm, sự hy sinh. Thực ra điều này đã được Nguyễn Ái Quốc nói từ rất lâu trước đó. Tháng 4 nǎm 1921, trên Tạp chí La Revue Communiste (số 14), tiếng nói của Đảng cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cho in bài Đông Dương: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”[6]. Hình tượng “hạt giống” luôn có ý nghĩa nảy nở cùng với sự hy vọng. “Gieo hạt giống” là gieo trồng hy vọng trên điều kiện cơ sở xã hội “đất” (tức khủng hoảng đang diễn ra). Đây không chỉ là nghệ thuật dùng ẩn dụ mà là một chân lý khách quan của lịch sử, một đường lối chiến lược của cách mạng thế giới. Ngay từ những năm 1920 đã có tầm nhìn như vậy càng khẳng định Bác Hồ là nhà cách mạng lớn. Sau này, soi từ lý thuyết hệ hình càng cho thấy vai trò Hồ Chí Minh mang tính quyết định việc thay đổi, tạo ra bước ngoặt của lịch sử Việt Nam từ mất nước, nô lệ thành một nước dân chủ, tự quyết. Và chính Người đã kiến tạo nên một hệ hình mỹ học mới.
Nhìn vào thực tế các cuộc cách mạng khoa học trên thế giới, giới nghiên cứu nhất trí cho đó là sự thay thế và đổi mới các hệ hình tư duy. Ở khoa học tự nhiên là hệ hình Copernik; hệ hình Newton; hệ hình hóa học; hệ hình Anhxtanh. Tương ứng với sự thay đổi này là ba phong cách tư duy: phong cách cổ đại – con người làm trung tâm với lối suy nghĩ chủ quan; phong cách Newton - đối lập chủ thể, khách thể nhận thức; phong cách hiện đại – coi trọng tính tích cực của chủ thể. Ở lĩnh vực lịch sử tư tưởng phương Tây có ba loại/hệ hình: Phục hưng với lối tư duy tương tự; Cổ điển với tư duy trên cơ sở phân loại; Hệ thống hóa/tư duy cận đại với quan niệm lịch sử. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là tư duy Nhảy vọt (tư duy số hóa). Sơ lược những nét cơ bản này để thấy: thế giới, con người thay đổi thì các cuộc cách mạng khoa học, các lĩnh vực khoa học cũng thay đổi theo. Ngược lại, khoa học có thể làm thay đổi thế giới.
Soi những vấn đề lý thuyết và lịch sử trên vào thực tiễn Cách mạng tháng Tám nước ta cho thấy hoàn toàn có thể ứng dụng lý thuyết hệ hình vào các bộ môn khoa học xã hội nhân văn: hệ hình văn hóa, văn học, mỹ học, xã hội học, đạo đức học, chính trị học...
Nhìn một cách khái quát nhất, trước Mác có 3 hệ hình mỹ học:
- Hệ hình mỹ học của chủ nghĩa duy tâm khách quan (Platon, Hêghen).
- Hệ hình mỹ học của chủ nghĩa duy tâm chủ quan (Cantơ)
- Hệ hình mỹ học của chủ nghĩa duy vật (Arixtốt, Tsecnưsépxki)
Nhiệm vụ của các hệ hình mỹ học này về cơ bản là:
- Nghiên cứu các tình cảm thẩm mỹ của con người diễn ra trong cuộc sống.
- Nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu cái đẹp nghệ thuật trên nền tảng ý niệm và ý niệm tuyệt đối.
- Nghiên cứu bản thân cuộc sống. Xem xét nguồn gốc và bản chất của các hiện tượng thẩm mỹ.
Mỹ học Macxit xây dựng trên cơ sở phương pháp biện chứng duy vật nghiên cứu sự vận động của các quan hệ thẩm mỹ trong hiện thực, trong tâm hồn, nhất là trong nghệ thuật. Tư tưởng mỹ học Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo mỹ học Macxit, kế thừa mỹ học truyền thống, tiếp thu tinh hoa mỹ học nhân loại để tạo ra một hệ mỹ học đặc sắc, mang một dáng vẻ riêng, một sức sống riêng!
PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
[1] Stephen Norris (2004) – Thomas Kuhn’s Impact on Science Education: What lessons can be learned? Science Education Volumn88, Issuel January. Pages 90-118.
[2] Thomas Kuhn (2008) – Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học. Nxb Tri thức. Chu Lan Đình dịch.
[3] Sokolovski (1998) - Hệ hình của dân tộc học. In trong Căn tính tộc người. Viện thông tin khoa học xã hội. Nghiêm Văn Thái dịch
[4] P.Ansart (2002) – Các trào lưu xã hội học hiện nay. Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Huyền Giang dịch.
[5] L.G. Ionin (2008) – Hệ hình là gì?. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 285, 3/2008. Từ Thị Loan dịch.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 40.
VNQD