Phim “Gái già lắm chiêu 5”: Đẹp để làm gì?

Thứ Hai, 21/02/2022 00:00

. ĐỨC DŨNG
 

Trước thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., thị trường điện ảnh Việt Nam sôi động với loạt phim truyện như Bố già, Tiệc trăng máu, Cậu Vàng, Kiều, Gái già lắm chiêu 5...

Gái già lắm chiêu 5 được giới thiệu bằng trailer bắt mắt với những hình ảnh đẹp như... mộng của giới thượng lưu cùng sự diễn xuất đầy kịch tính của các nhân vật. Nhiều tên tuổi diễn viên gạo cội của làng điện ảnh trong Nam ngoài Bắc hội tụ ở đây như các NSND Lê Khanh, Hoàng Dũng, Hồng Vân, cùng không ít diễn viên trẻ ăn khách hiện nay như Kaity Nguyễn, Khương Lê, Lê Khánh, Anh Dũng… Tất cả tựa sự mời gọi, bảo chứng cho chất lượng bộ phim. Đây là phần thứ 5 của chuỗi phim Gái già lắm chiêu do bộ đôi đạo diễn trẻ Bảo Nhân và Namcito thực hiện, được đánh giá cao hơn hẳn các phần trước; trong khi các phần trước đó đã khá quen tên trên truyền thông, càng khiến người xem quan tâm.
 

Một cảnh trong phim

Phim đẹp…

Ấn tượng đầu tiên là những thước phim đẹp lung linh: diễn viên đẹp, trang phục đẹp, bối cảnh đẹp, cảnh quay đẹp... Tất cả tạo nên những hình ảnh nuột nà, đầy thu hút. Có thể nói, về mặt hình thức thể hiện, Gái già lắm chiêu 5 đạt điểm chất lượng hình ảnh, âm thanh gần như tuyệt đối. Điều này được nhà làm phim đầu tư hết sức công phu. Từ việc để nhà thiết kế hàng đầu trong làng mốt Việt Nam là Đỗ Mạnh Cường đảm nhiệm vai trò giám đốc trang phục đã làm nên điểm đặc biệt. Đây là điều hiếm hoi trong công tác làm phim, khi mà phần trang phục thường giao cho tổ phục trang, đạo cụ, hóa trang. Ở đây, nhà thiết kế này đã hoàn thành hơn 130 bộ trang phục từ những bối cảnh thường ngày cho đến những phân cảnh dạ hội của chị em nhà Lý Gia càng cho thấy sự tỉ mỉ, kì công của nhà thiết kế cũng như của các đạo diễn. Ngắm nhìn những bộ cánh lộng lẫy trong các bối cảnh tráng lệ càng khiến người ta mãn nhãn khi chứng kiến phần nào cuộc sống vương giả của các nhân vật. Song, phim lại không nói về các show diễn thời trang, hay liên quan gì tới các nhà tạo mẫu, người mẫu. Nên, có thể nói trang phục ở phim dù đẹp cũng chẳng có tác dụng thiết thực cho cốt truyện hay kịch tính phim.

Bối cảnh trong phim càng thể hiện sự tương hỗ ăn ý cho trang phục các diễn viên khi quay hoàn toàn ở quần thể cố đô Huế. Bối cảnh Bạch Trà Viên - căn biệt thự của ba chị em Lý Gia sinh sống được quay ở cung An Định, vốn là nơi ở của gia đình vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Tiệc đấu giá và là nơi khiêu vũ của các nhân vật được quay trong điện Long An. Bên cạnh đó, nhiều bối cảnh khác như Đại Nội kinh thành Huế, điện Thái Hòa, Thái Bình lâu, Nhật Thành lâu, cầu Dã Viên... cũng được dụng công khai thác. Hàng loạt kiến trúc cổ kính hội tụ những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hiện lên, nhưng phim lại chẳng hề đề cập gì về nội dung mang tính bản sắc văn hóa. Hệ thống bối cảnh mà nhà làm phim mong muốn “người xem phải trầm trồ ngạc nhiên trước những công trình kiến trúc lâu năm được khắc họa một cách tinh tế, nghệ thuật dưới góc nhìn điện ảnh” (koicine.com) thực chất chỉ tồn tại trong khát vọng của họ mà thôi. Bởi vì, các bối cảnh này cũng chẳng hề phục vụ cho sự phát triển của truyện phim, hay tham gia mảy may vào bất kì xung đột kịch nào. Nghĩa là bối cảnh ấy có cũng được, mà thay bằng bối cảnh đẹp đẽ ở resort, khu nghỉ dưỡng nào đó cũng xong. Người xem chẳng cần biết địa điểm ấy ở đâu, có giá trị thế nào, chỉ thấy nó đẹp đẹp, phù hợp với sự xuất hiện của các người đẹp khoác trên mình những bộ cánh đẹp... là đủ rồi.

Diễn viên, như đã nói, toàn người có nghề và nổi danh. Họ không chỉ đẹp về hình thức mà còn đẹp trong diễn xuất. Bởi thế, hầu hết các short hình đều hoàn chỉnh về mặt nhập thân nhân vật. Nghĩa là nhân vật nào ra nhân vật ấy, rõ ràng trong tính cách và hoàn cảnh. Mọi trạng thái hỉ nộ ái ố đều được lột tả một cách sinh động nhất. Yếu tố này là điểm cộng tạo nên sức hút của bộ phim. Song, sau tất cả, người xem vẫn thấy khó thuyết phục, có cái gì đó “sao sao”, một sự vướng mắc, cồm cộm, khó lí giải.

Ngoài diễn viên, trang phục, bối cảnh đều đạt tiêu chí thẩm mĩ đẳng cấp thì âm nhạc, quay phim cũng được chỉn chu từng li từng tí, được thiết kế kĩ lưỡng, công phu. Có lẽ vì những sự kì công này mà số tiền đổ vào Gái già lắm chiêu 5 lên đến con số 46 tỉ đồng. Riêng việc trang trí cho khuôn viên Bạch Trà đã ngốn tới 2 tỉ đồng để tạo ra khu vườn mang phong cách châu Âu phủ kín cây cỏ, khoảng sân rộng 500m2 trồng dày đặc hơn 2000 cây hoa bạch trà và nhiều loại cây khác (lần 1). Bối cảnh này được làm lần thứ hai khi bị tàn phá tan hoang do cơn bão số 5 vào năm ngoái đổ bộ.

Song, những sự kì công ấy chỉ khắc họa cái đẹp ở mặt hình thức thể hiện, hay nói cách khác, đẹp chỉ để đẹp khi mà cái sự đẹp ấy không mấy ăn nhập hay cần thiết cho nội dung của phim.
 

…nhưng đầy “sạn”

Phim bắt đầu bằng âm mưu của cô gái trẻ 25 tuổi - Lý Linh, muốn giành món cổ vật của gia tộc mình là phượng bào tam vĩ, có giá hơn 30 triệu đô-la để đổi lấy quyền lực là cái ghế phó tổng của tòa tháp Đế Vương, do người yêu - thiếu gia họ Quách đưa ra. Sự trở về biệt thự Bạch Trà Viên của tiểu thư Lý Linh nhằm thực hiện ý đồ này đã phơi bày nhiều bí mật trong gia đình họ. Vốn là em nuôi ở đây, Lý Linh chỉ còn hai người chị nuôi là Lý Lệ Hà và Lý Lệ Hồng hiện sống cùng nhau trong ngôi biệt thự. Họ đều không chồng con, sống bằng nghề đấu giá cổ vật. Ngôi biệt thự có khuôn viên trồng bạch trà với lời nguyền của Lý Lệ Hà rằng chỉ khi nào vườn bạch trà nở (dù chỉ một bông) hoa màu đỏ thì phụ nữ trong gia đình này mới được kết hôn. Bề ngoài, họ vui vẻ với lời nguyền ấy, nhưng thực chất bên trong, ai nấy đều có những uẩn khúc của mình. Lý Lệ Hà đêm nào cũng chờ đợi đại gia Vĩnh Nghị lui tới. Hồi trẻ họ yêu nhau và từng có một đứa con chính là Lý Linh. Sau đó, Vĩnh Nghị lấy vợ, thỉnh thoảng lui tới bên Lệ Hà với tư cách người tình bí mật. Vì sự sĩ diện về đẳng cấp gia tộc, Lệ Hà không thể thừa nhận sự thật này. Cô gửi đứa con vào nhà dòng, rồi sau đó nhận lại với danh nghĩa là em nuôi. Còn Lý Lệ Hồng, ngoài mặt hồn nhiên chấp nhận lời nguyền của chị gái đặt ra để chờ một bông hoa màu đỏ huyễn hoặc trong vườn bạch trà, nhưng thực chất mấy chục năm lại ăn ở với người giúp việc (giả điếc) của gia đình như vợ chồng. Do bộ phượng bào bị đánh cắp, rồi lại xuất hiện (do Lệ Hồng giấu đi), khiến Lý Linh trong quá trình tìm kiếm phượng bào đã phát hiện được những uẩn khúc này. Cuối cùng, Lệ Hà cũng nhận ra lời nguyền phi lí của mình đã làm hại đời em gái khi cả tuổi xuân phải sống trong giả dối, chui lủi; nhận ra sự vô nghĩa ở đời khi phải sống trong vai tiểu tam, và ý thức tình mẫu tử là điều quan trọng nhất với mình bấy nay mà cứ phải vùi chôn, giấu giếm. Cô viết thư cho Lý Linh, thú nhận sự thật, cùng sự ân hận của mình. Mọi người cho đó là lá thư tuyệt mệnh nên hốt hoảng chạy ra bờ sông ngăn sự tự tử của Lệ Hà. Nhưng rồi họ lại hội tụ xúc động trong nhà dòng, khi Lệ Hà tìm giây phút bình an ở đó.

Nếu nghe nhan đề sẽ dễ khiến khán giả hình dung ra những chiêu trò gì đó của tầng lớp gái già thượng lưu dành cho đàn ông, nhưng với nội dung trên thì cái sự “lắm chiêu” thực ra là chẳng có chiêu gì. Có lẽ vì nhà làm phim chưa thực sự dụng công vào công tác biên kịch nên khiến câu chuyện phim nảy sinh liên tiếp tình huống phi lí, khó hiểu, và đôi khi chẳng để làm gì. Có thể thống kê sơ bộ như sau:

Món cổ vật phượng bào tam vĩ là một chiếc áo dài màu vàng, có họa tiết phượng hoàng vốn được coi là mồi nhử để kéo theo loạt biến cố xảy ra trong phim, nhưng từ việc đấu giá của Lệ Hà, ngã giá của thiếu gia họ Quách, âm mưu của Lý Linh, đến việc xuất hiện của các nhân vật máu mặt trong các cuộc đấu giá… lại không hề được lí giải thấu đáo về giá trị thực của nó, chỉ biết nó được định giá là hơn 30 triệu USD. Nhưng tại sao tấm áo ấy lại có giá cao như thế, tại sao đại gia họ Quách thiết tha muốn sở hữu nó, tại sao bao người muốn chiêm ngưỡng và có được nó… thì chẳng hề được giải thích ở bất kì chi tiết nào. Không biết ai định giá. Không lẽ chỉ vì nó là đồ cũ của tầng lớp vương giả? Những đại gia sừng sỏ cả tin và dễ tung tiền tới vậy sao? Vài chi tiết ma mị như chiếc áo bỗng dưng phát sáng như có hào quang chẳng có lí do, cũng chẳng để làm gì và không thuyết phục ở một bộ phim có nội dung thuần hiện đại. Nhiều tình huống lắt léo liên quan đến chiếc phượng bào rất khó hiểu: Lệ Hồng giấu nó đi trước phiên đấu giá để làm gì? Lý Linh phát hiện trong tủ đồ tại khách sạn của thiếu gia Jonathan Vĩnh Thụy có chiếc phượng bào, sau đó được biết là hàng fake, tác giả muốn nói điều gì hay chỉ đơn thuần gây sự bất ngờ? Một báu vật có giá như vậy nhưng lại để ở trong căn phòng không có bất kì sự bảo vệ, canh gác nào thế ư?

Thêm một minh chứng cho sự quan trọng hóa lãng xẹt ở phim khi khắc họa lời nguyền rằng chỉ lúc nào vườn bạch trà nở ra bông hoa màu đỏ thì Bạch Trà Viên mới có đám cưới. Thực tế lời nguyền ấy để che mắt ai? Ai tin? Dư luận ở đâu khi ba chị em nhà họ Lý sống tách biệt trong ngôi biệt thự? Họ tuyên bố với ai? Không lẽ họ hồn nhiên dối lừa chính bản thân bằng điều phi lí ấy?

Diễn xuất của cây hài nổi tiếng Hồng Vân càng trở nên phí phạm cho vai diễn Lệ Hồng. Hàng loạt chi tiết gây cười từ cách nói, ngôn ngữ, thần thái… nhưng thực sự lại chẳng mảy may khiến khán giả bật cười. Điều này là dễ hiểu, bởi làm gì có tình huống hài để danh hài phát huy tài năng. Việc họ cố gây hài khiến sự diễn càng rõ là diễn, rõ là kịch, giảm độ chân thật, duyên dáng cần thiết.

Một sự vô lí ngay trước mắt mà chẳng hiểu sao cặp đôi đạo diễn ăn ý lại không hề nhận ra. Đó là việc ba chị em một nhà sống từ nhỏ với nhau mà người giọng Huế, người giọng Bắc, người lại giọng Nam.

Một biệt thự vương giả nhưng không có hình ảnh nào chứng tỏ ở đây có sự phục vụ của những người làm công. Chỉ duy nhất một người đàn ông giả điếc, bí mật quan hệ tình ái với Lệ Hồng.

Một vài tên tuổi diễn viên lão luyện vào vai ở đây lại là điểm trừ. Truyện phim kể Lý Linh 25 tuổi, tức là Lệ Hà (Lê Khanh) và Vĩnh Nghị (Hoàng Dũng) sẽ ở độ tuổi gần 50 là cùng. Nhưng tuổi thực tế của diễn viên đều vào khoảng trên dưới 60. Tuổi ấy không hợp với vai diễn khi không có sự hóa trang hợp lí. Cảnh Lệ Hà phẫn uất trút bỏ lớp son phấn, để mặt mộc, tự cắt tóc lộ gương mặt của một phụ nữ gần 60, không thuyết phục cho một “gái già” hồi xuân vẫn sồn sồn đam mê tiền tình nữa.

Hàng loạt yếu tố như trên khiến cho diễn viên dù đẹp cũng chỉ như bình hoa giả di động, thiếu sức sống. Tình huống phim căng thẳng không phát lộ ý nghĩa nào đáng giá.

Sau khi mải miết theo dõi hết pha bắt mắt nọ đến tình huống gay cấn kia, phim đọng lại điều gì nơi người xem? Không hiểu tác giả phim lên án điều gì, ca ngợi điều gì, cảnh báo điều gì hay muốn phơi bày, bộc lộ một hiện thực khác biệt gì. Vô số câu hỏi nảy sinh: Nhân vật trong phim thể hiện sự đau khổ làm gì? Sao lại đau khổ? Lý Linh đau khổ khi chứng kiến sự thật rằng tấm phượng bào không hề mất mà do hai chị bày mưu giấu đi. Cô uất hận vì cho rằng mình bị người thân lừa. Trong khi thực tế thì cô lại đang tìm mọi thủ đoạn để giành cái phượng bào ấy nhằm thỏa mãn khát vọng quyền lực của mình! Lệ Hà đau khổ vì mãi vẫn chỉ là kẻ thứ ba, sống cuộc đời vô nghĩa, trong khi chính cô chủ động lao vào vòng xoáy tình ái bất chính ấy! Cô đã dám đặt ra mọi chuyện rồi lại sướt mướt về hậu quả đã lường trước của mình ư? Cô muốn tìm sự thông cảm của ai? Điểm nổ của phim ở đâu? Thực không thể tìm nổi câu trả lời thấu đáo.

Sự oan nghiệt mà nhà làm phim muốn nói đến là gì? Sao phim nhiều cảnh nước mắt đau đớn thế? Phải chăng diễn viên cứ khóc để mà khóc vậy thôi? Tất cả những tình huống mà họ rơi vào không hề khiến khán giả đồng cảm, nhỏ lệ theo. Khán giả căng mắt ra có lẽ vì tò mò: Sao lại thế? Tiếp theo là gì?

Nội dung chính của phim nói về tình mẫu tử? Về tình yêu đôi lứa? Về lỗi lầm của kẻ thứ ba? Về người đàn ông tham lam? Hay về đời sống vương giả? Nói chung, nội dung phim là một sự hổ lốn như nồi lẩu thập cẩm.

Một điểm trừ càng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác biên kịch là phim quá nhiều thoại, phù hợp cho thể loại tuồng, kịch nói hơn là cho một tác phẩm điện ảnh. Phim trau chuốt ở nhiều cảnh quay, khắc họa từng cái nháy mắt, gõ tay, nhịp bước… tưởng giàu ngôn ngữ điện ảnh nhưng thực ra lại không có chất điện ảnh. Bởi lẽ làm sao có ngôn ngữ điện ảnh trong một bộ phim không có câu chuyện điện ảnh thuyết phục! Ngôn ngữ điện ảnh là hình ảnh và âm thanh chỉ thực có giá trị (có hồn) khi nó phục vụ cho một câu chuyện điện ảnh thực thụ. Ở đây, không có hình ảnh động, âm thanh cùng những câu montage đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh nhằm tạo nên những ẩn ý nào đó. Gái già lắm chiêu 5 mới chỉ là những mảnh ghép của chuỗi hình ảnh đẹp như trong một show diễn thời trang, chưa đem lại giá trị về điện ảnh.

Vậy là tất cả sự nỗ lực để thực hiện đạt mức gần như hoàn mĩ ở các khâu sản xuất lại chẳng làm nên giá trị cần thiết cho bộ phim khi mà đạo diễn xem nhẹ yếu tố kịch bản. “Tấm áo không làm nên nhà sư”, khi các nhà làm phim chỉ thuần dụng công cho một thứ đẹp đẽ bề ngoài, xa rời thực tế.

Tâm sự về sức mạnh của câu chuyện phim, nhà điện ảnh người Mĩ nổi tiếng Win Wender từng nói rằng: “Khi tôi mới làm phim, nếu ai đó nói tôi tạo hình đẹp thì với tôi đó là lời khen lớn nhất. Bây giờ, nếu nghe điều đó tôi lại cảm thấy bộ phim đã hỏng.” Thực vậy, cốt truyện như một bộ xương sống cho phim. Nếu không có nó, hoặc nó không vững chắc thì mọi yếu tố khác cũng sẽ trở nên lung lay hoặc vô nghĩa.

Đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng sẽ không ngừng phát triển trên con đường vô tận của mình. Liệu các nhà điện ảnh trẻ có lắng lại để tìm hiểu sâu sắc khán giả cần gì, muốn gì để mà nỗ lực tạo nên tác phẩm thực sự có ý nghĩa với họ hay không? Đó chính là chìa khóa để mở trái tim khán giả Việt vốn ngày càng ít mặn mà với điện ảnh nước nhà.

Đ.D

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)