. LÊ THỊ NGỌC TRÂM
Tôi tin là con người nên trở thành cây cỏ
(Yi Sang)
Nếu tâm lí học truyền thống chỉ dừng lại khi cho rằng tâm lí con người có tính chủ thể, có tính khép kín và tự trị theo giống loài, thì tâm lí học sinh thái của T.Roszak, D.Abram, G.Felix… mở rộng tâm lí con người đến sự tương thông với hệ sinh thái tự nhiên. Nếu bản ngã nhân vị là những định kiến, những thiết chế văn hóa - xã hội quy định cách con người tồn tại và ứng xử với thế giới thì bản ngã sinh thái chính là sự vươn đến khả năng cân bằng với vũ trụ như là một giá trị vĩnh hằng, và phương cách tìm lại bản nguyên của mỗi con người. Tiểu thuyết Người ăn chay(1) của nhà văn Hàn Quốc Han Kang với bút pháp pha nhuốm màu sắc siêu thực đã chuyển tải đến bạn đọc một vấn đề mới mẻ: vấn đề hòa hợp tinh thần sinh thái, như một cách để người đọc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu có sự cân bằng giữa tự do nhân vị và bản thể sinh thái hay không?
Sự xung đột giữa bản thể nhân vị và bản thể sinh thái
Người ăn chay thể hiện sự đàn áp bản sắc tự nhiên - nữ giới. Yeong-hye bị bạo hành bởi chính cha đẻ của mình. Tuổi thơ của cô là chuỗi ngày cam chịu và phục vụ người cha nóng nảy, hung dữ, người sẵn sàng trút đòn roi xuống đứa con gái hiền lành. Sự bạo hành của người cha càng trở nên gay gắt khi nghe quyết định ăn chay của Yeong-hye; ông thẳng tay tát cô đến chảy máu miệng và ra lệnh mọi người giữ chặt cô để ông nhét bằng được miếng thịt vào miệng cô. Người cha không hiện diện trực tiếp nhiều lần, nhưng chính ông lại là người đã làm nên số phận của Yeong-hye. Ông chính là biểu trưng cho truyền thống phụ quyền của xã hội Hàn Quốc từ cổ xưa tới hiện tại. Và đến lượt người chồng của Yeong-hye là cái bóng nối dài của thiết chế tập quyền, biến cô thành một kẻ phục tùng bất khả kháng dưới lớp áo bổn phận và nghĩa vụ của người vợ. Đó là triệt hạ không thương tiếc bản thể nữ giới để xác lập sự thống trị của chủ nghĩa nam quyền, điều đã được phản ánh rất rõ trong truyện cổ Hàn Quốc(2). Sâu xa, từ quan điểm sinh thái, họ là biểu trưng cho những định kiến của các thiết chế văn hóa - xã hội nói chung trong công cuộc xóa sổ cái tự nhiên-phi nhân.
Yeong-hye trở thành nhân vật rất điển hình cho câu nói nổi tiếng của Simone de Beauvoir: “Chúng ta sinh ra không phải là đàn bà; chúng ta trở thành đàn bà.” Hậu quả của cuộc đàn áp nhân vị nữ giới ấy chính là một lối sống không-mùi-vị. Yeong-hye được khắc họa bằng những màu sắc nhàn nhạt, hắt hiu và buồn tẻ giữa nhân gian: “chiều cao vừa phải, đầu cắt vuông không ngắn cũng không dài”, “nhịp bước không nhanh cũng không chậm, không mạnh mẽ quá mà cũng không nhẹ nhàng quá”... Cô câm lặng và vô cảm trong cuộc sống hôn nhân, làm tròn bổn phận của người vợ như một cái xác không hồn. Đến cả chuyện chăn gối, người chồng của cô cũng buông một loạt nhận xét như “chán ngắt”, “bình thường nhất trên thế giới này”, “chả có ngày nào thú vị”… Nhìn từ tư cách bản thể của một chủ thể sinh thái tự nhiên, Yeong-hye đã không có khả năng tự nhận thức về sự tồn tại của bản thân.
Không chỉ miêu tả cuộc đàn áp bản thể nữ giới, Người ăn chay còn phản ánh một cách sâu sắc cuộc đàn áp bản thể tự nhiên - sinh thái. Có thể nhận thấy rằng, người cha của Yeong-hye là hiện thân của sự áp bức, tước đoạt của con người lên tự nhiên, lên sự tồn tại của bản thể động vật.
Cuộc đàn áp này được thể hiện trước hết qua quan niệm về vấn đề văn minh ăn uống của nhân loại. Nhét thịt vào miệng con mình, người cha nói một cách đầy ẩn dụ: “Chỉ cần ăn một lần là sẽ ăn lại được thôi. Thế gian này, giờ có ai không ăn thịt mà sống được đâu.” Câu nói như một quan niệm về sự áp chế sinh thái đến mức khắc nghiệt: sự sống của con người được duy trì bằng máu và thịt của động vật. Trong cuốn Why We Love Dogs, Eat Pigs, and Wear Cows: An Introduction to Carnism (2009), Melanie Joy cho rằng chúng ta ăn thịt mà không suy nghĩ mình đang làm điều gì và tại sao, bởi vì hệ thống niềm tin vô hình: “carnism” (tạm dịch: tư tưởng đề cao việc ăn thịt). Cần thấy rằng, người ăn thịt động vật không phải vì họ cần thịt, mà bởi họ lựa chọn điều đó, sự lựa chọn luôn luôn bắt nguồn từ những niềm tin. Và những niềm tin này bắt đầu từ những nhận định nửa vời, không khách quan về động vật để cuối cùng thành những định kiến. Thực chất, con người chúng ta có khả năng tiêu hóa cả thực vật và thịt. “Động vật ăn tạp” là thuật ngữ mô tả về cấu tạo sinh học của một người. Từ cuộc đàn áp bản thể sinh thái, nhà văn Han Kang cho chúng ta một cái nhìn giải định kiến về việc lựa chọn ăn thịt - ăn chay của văn minh loài người.
Tiếp theo của sự đàn áp bản thể tự nhiên là vấn đề đạo đức sinh thái. Điều này đặt ra nghi ngại: Liệu rằng cũng cần phải có một “bộ luật đạo đức” quy định cách con người ứng xử với tự nhiên? Cuộc hành hình con chó của nhân vật người cha lúc Yeong-hye chín tuổi không còn là sự trừng phạt thuần túy mà đó là sự tước đoạt sinh mệnh nhằm đáp ứng nhu cầu “ăn tạp”, sâu xa hơn là bản năng phá hoại của con người. Với vị thế chủ nhân, con người có quyền đối xử với động vật theo ý thích của mình. Nhà tâm lí học sinh thái động vật Melanie Joy đã phát hiện ra carnism cũng tương tự như chế độ gia trưởng; Sandra Mahlke cũng cho rằng chủ nghĩa carnism là “mấu chốt quan trọng của sự kì thị giống loài” vì việc ăn thịt thúc đẩy sự biện minh về tư tưởng cho các hình thức bóc lột khác. Cách hành xử với động vật của người cha là biểu trưng cho thiết chế xã hội loài người muốn đàn áp tự nhiên-phi nhân để thiết lập vị trí chủng loại bá chủ. Những chi tiết này cũng thể hiện một kí ức thẳm sâu của tinh thần nhân loại về một thời kì mà con người đã trở nên mâu thuẫn với tự nhiên.
Cuộc đấu tranh cho sự cân bằng giữa tự do nhân vị và bản thể sinh thái
Tác giả Han Kang đã khai thác đến vùng vô thức của con người. Những giấc mơ của Yeong-hye có thể chia ra thành các dạng như sau: (1) giấc mơ mang vị thế là nạn nhân bị tước đoạt sinh mệnh; (2) giấc mơ mang vị thế bị tra vấn; (3) giấc mơ mang vị thế của kẻ thủ ác với đồng loại và với động vật. Những giấc mơ làm cho cô sống mãi trong cảm giác nhớp nháp, rùng rợn, ghê tởm, kinh khiếp. Yeong-hye tiêu biểu cho cái gọi là “mơ hồ sinh thái” (ecoambiguity) - sự đan xen giữa cảm giác tích cực lẫn cảm giác tiêu cực với tự nhiên-phi nhân (theo Thornber). Nói như I.Kant, chừng nào con người còn nỗ lực duy trì lập trường chủng tộc ưu tú để bạo hành với động vật thì chừng ấy con người càng đẩy mình lún sâu vào sự bất hòa với đồng loại và với chính mình. Tuy nhiên, càng về sau, Yeong-hye trong cuộc đấu tranh tự do để vượt lên định kiến đã hướng bản thể của mình thoát ra khỏi những định giá hẹp hòi của nhân gian.
Đầu tiên, đó là sự thức dậy của bản thể nữ giới. Yeong-hye dù mất đi khả năng tri nhận bản sắc nhưng vẫn giữ gìn được thiên tính nữ từ trong bản chất, luôn hướng đến sự hòa nhập vào tự nhiên, dù là trong vô thức. Chi tiết trước hết thể hiện tinh thần hòa hợp đó chính là việc cô rất ghét mặc áo ngực. Y phục là phương tiện sơ khởi mà con người sáng chế ra để phân biệt mình với giới tự nhiên-phi nhân. Điều này được diễn đạt bằng một di chỉ trong Kinh thánh: Eva và Adam sau khi ăn trái cấm do con rắn xui bảo, đã biết xấu hổ và lấy lá sung để che mình trước nhau và trước Chúa. Nhà phân tâm học văn hóa C.Richard còn cho rằng nếu như quần lót của nam giới gắn với vô thức bảo vệ quyền uy và sức mạnh thì áo ngực của phụ nữ trong vô thức nhằm bảo vệ trái tim và là một hình thức bảo vệ sự bí mật của nội tâm. Phải chăng nguyên nhân khiến Yeong-hye ghét mặc áo ngực cũng nằm trong dụng tâm tự khẳng định bản ngã nữ giới, vẻ đẹp tự nhiên của thiên tính nữ?
Quá trình đấu tranh cho tự do nhân vị và bản thể sinh thái còn được biểu hiện bằng sự thức dậy của bản thể tự nhiên trong con người Yeong-hye. Là người thực tâm như chính tự nhiên, cô đã trở thành kẻ xa lạ đúng nghĩa với mọi người. Tuy sống trong không khí của những kẻ tâm thần, Yeong-hye vẫn nói lên một điều tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn rất khó hiểu với nhân thế: “Không ai hiểu em cả… cả bác sĩ, y tá, giống nhau tất thảy… không ai chịu hiểu.” Thuốc men không thể nào chữa được niềm đau linh hồn của con người. Điều mà Yeong-hye còn bám víu để tin chính là bản thể sinh thái của mình. Chỉ khi nào trở về với sinh thái thì con người mới hết tội lỗi và hết đau khổ: “Máu và thịt, tất cả đều đã tiêu hủy hết, cơ thể cũng tiêu tán, cặn bã cũng thải đi hết rồi nhưng chỉ những linh hồn thì còn dai dẳng bám ở đó.” Muốn trở về với sinh thái, với tự nhiên là phải thực tâm và không che giấu bản thân một điều gì cả. Yeong-hye chỉ tin vào bộ ngực của mình: “Tôi chỉ tin vào bộ ngực của mình. Tôi thích bộ ngực của tôi. Vì nó không thể giết ai được.” Ngực của phụ nữ có chức năng nuôi dưỡng, cưu mang cũng như chính tự nhiên đã cưu mang và nuôi dưỡng con người. Từ chỗ không thích che mình bằng áo lót, dần dần, cô trở thành một người có sở thích được khỏa thân đón nắng đón mưa như một sinh thể tự nhiên.
Sự tôn trọng sinh thể sinh thái còn thể hiện ở sự xác lập của đạo đức sinh thái. Yeong-hye cự tuyệt thức ăn có nguồn gốc động vật và đi theo khuynh hướng thuần chay. Phải chăng, đây là sự từ bỏ lựa chọn xuất phát từ bản năng hắc ám của một chủng tộc luôn ám ảm về giấc mơ thượng tôn, tối ưu về giống loài? Joy cho rằng ăn thực vật mới đúng là bản nguyên của con người như thời sơ khởi (Why We Love Dogs, Eat Pigs, and Wear Cows: An Introduction to Carnism). Bởi vậy, sự ăn chay của Yeong-hye là sự quay lại với bản nguyên tự nhiên, thời kì mà con người vẫn xem mình là một thành viên của sinh thái, một cách để chuộc lỗi sinh thái. Peter Singer, người sáng lập phong trào phóng thích động vật trong cuốn Animal Liberation (Sự giải phóng động vật) kết luận: Con người đối xử với động vật ra sao thì sẽ tự đối xử với mình và với đồng loại như thế ấy. Những linh hồn, những bóng đen, những tiếng thét gào mà Yeong-hye thường xuyên nghe được chính là nỗi phẫn uất của chúng vật bị sát hại. Sự oán thù này làm cho con người trở nên điên loạn với cả chính mình. Yeong-hye cũng thường mơ thấy mình trở thành kẻ thủ ác miệng nhai thịt nhuốm đầy máu tươi. Và việc ăn chay của cô, không phải vì lí do đạo đức vị chủng, không phải là lí do tôn giáo, lí do sức khỏe mà là lí do tâm thức tự nhiên của chính bản thân mình.
Sự đi tìm bản nguyên sinh thái của Yeong-hye được đẩy tới đỉnh cao khi từ chỗ ăn chay, cô đi đến không ăn gì nữa cả, chỉ muốn hấp thụ nước, ánh nắng mặt trời như loài thảo mộc. Hình tượng loài thảo mộc, vì vậy, trở thành biểu trưng cho một sự hóa giải. Trở thành người mẫu nude bất đắc dĩ cho người anh rể, nhìn những bông hoa rực rỡ trên cơ thể mình, cô đã hình dung mình là loài thảo mộc: “ánh mắt cô dường như lay động”, vết chàm Mongolia trên mông cô “làm cho người ta liên tưởng đến dấu vết của sự quang hợp”, “một cái gì đó mang tính thực vật”... Đặc biệt, chi tiết Yeong-hye chủ động phần nào trong cuộc giao hoan với người anh rể đã thể hiện tự trong vô thức, cô đã có một sự đồng nhất trọn vẹn với tự nhiên - tự nhiên và phụ nữ - biểu trưng cho sự sinh nở, khai sinh sự sống, thăng hoa cảm xúc và tình yêu.
Tại sao Yeong-hye không đồng nhất mình với một loài động vật mà nhất thiết phải hóa thân thành thảo mộc? Từ lúc tâm thức thần thoại còn tồn tại, thực vật cũng có tính thiêng không kém động vật thiêng liêng. Nhưng nếu động vật thể hiện dòng năng lượng thiêng liêng theo khuynh hướng vòng tròn thì thực vật lại thể hiện dòng năng lượng thiêng liêng theo chiều hướng thượng. Do thực vật đi ra từ lòng đất nên cùng với đất, thực vật có từ trường thông linh rộng lớn để hòa vào tinh thần của vũ trụ hơn (Carlos Richard). Như vậy, huyễn tưởng mà Yeong-hye đắm chìm mê mẩn trong đó gói kín ý niệm về sự hòa hợp giữa nội tâm con người với tinh thần của vũ trụ: bản ngã nhân vị và bản thể sinh thái là một.
Hình ảnh về loài thảo mộc không những là sự chấm dứt của cuộc đấu tranh khốc liệt cho sự cân bằng tự do nhân vị - bản thể tự nhiên - mà hơn hết, nó là sự thăng hoa của tinh thần sinh thái vĩnh hằng.
Như vậy, tiểu thuyết Người ăn chay không chỉ phản ánh những vấn đề tâm lí xã hội đương đại. Nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái, tác phẩm còn mở ra cho người đọc hàng loạt vấn đề về sinh thái: bản ngã nhân vị và bản ngã sinh thái; vấn đề đàn áp giới nữ và đàn áp sinh thái; vấn đề chuộc tội sinh thái và hòa giải sinh thái. Phải chăng đó là một cách để phản tỉnh loài người mê muội nhưng lại tự cho mình là văn minh thượng đẳng, nô lệ của chính mình nhưng lại ảo tưởng sức mạnh là bá chủ vũ trụ?
L.T.N.T
--------
1. Han Kang, Người ăn chay, Hoàng Hải Vân dịch, Nxb Trẻ, 2011.
2. Nguyễn Hữu Tấn, Tính cách dân tộc Hàn Quốc qua truyện kể dân gian từ điểm nhìn phân tâm học folklore, tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 3 (169) năm 2015, tr.61-72.
VNQD