Phản biện một quan niệm không đúng!

Thứ Hai, 14/03/2022 17:35

. Nguyễn Thanh

 

Quan niệm rất phiến diện, vội vã cho rằng văn học cách mạng 1945-1975 là “văn học minh họa” đã có từ mấy chục năm, gần đây lại “sống” lại trên một số diễn đàn, trang mạng... Xin được phép phản biện lại thông qua hình tượng trung tâm là hình tượng người lính!

Nhân vật trung tâm của văn học là nhân vật trung tâm của thời đại. Đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh vĩ đại nên hình tượng anh bộ đội trở thành hình tượng chủ đạo như một lẽ tất yếu. Chiến tranh luôn là một bối cảnh đặc biệt, hơn nữa cuộc chiến vệ quốc của chúng ta phải chống lại và chiến thắng các siêu cường đế quốc (Pháp và Mỹ) nên tất yếu trong văn học các phạm trù cũng bị phá vỡ, vượt khỏi khung khái niệm. Nhân vật

trở thành siêu nhân vật; không gian trở thành siêu không gian...rồi siêu kết cấu, siêu ngôn ngữ, siêu giọng điệu...

  1. Hình tượng anh bộ đội trong văn học 1945-1975 như một “siêu” nhân vật!

Nhà nghiên cứu Niculin (người Nga) nhận xét về cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng là “đã bao bọc nhân vật trong bầu không khí vô trùng”. Nhưng có lẽ nhận xét ấy đúng với cả các nhân vật tiểu thuyết sử thi tiêu biểu của thời kỳ 1945-1975: Chị Sứ (Hòn Đất), Lữ (Dấu chân người lính), Mẫn (Mẫn và tôi), Hảo (Vùng trời)...

Thật dễ hiểu các cặp đôi như Lữ-Hiền (Dấu chân người lính); Quỳnh-Hảo (Vùng trời); Thiêm-Mẫn (Mẫn và tôi); Ngạn-Quyên (Hòn Đất);...đều là những nhân vật của sử thi, từ suy nghĩ đến “yêu đương” cũng rất “sử thi”. Tình cảm trong bức thư của người vợ gửi cho chồng (chính ủy Kinh) cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ từ hậu phương: “...ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (Dấu chân người lính). Con người sử thi là con người “nén tình riêng vì nghĩa lớn” nên cái chết của họ cũng là cái chết của sự cao cả, là cái chết “gieo mầm” (tên một truyện ngắn của Nguyễn Thiều Nam).

Tương ứng với cảm hứng sử thi hào sảng và con người sử thi lý tưởng là một không gian sử thi hoành tráng được biểu hiện cụ thể qua hình tượng con đường, trận đánh. Đó là con “đường vui”, là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”... Con người thời đó tìm niềm vui, nguồn vui ở trong những trận đánh giặc: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng)... Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch mà còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người ở thời đó. Thời đánh giặc ấy không chỉ có những suy nghĩ sáng ngời lấp lánh một tinh thần sử thi của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc…mà chúng ta có hàng triệu, hàng triệu những trái tim “trong như ngọc sáng ngời” như thế. Đấy là sự thật. Nhờ vậy chúng ta mới chiến thắng những đế quốc siêu cường cả về vũ khí cả về sự dã man!

Các nhà thơ thời đó thường mượn hình tượng Trường Sơn để gửi vào đó tình cảm tâm trạng. Là tình yêu trai gái trong nỗi nhớ: “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Em xuống núi nắng về rực rỡ/ Cái nhành cây gạt mối riêng tư” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Phạm Tiến Duật). Là khát khao trao gửi: “Trường Sơn Đông/ Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt/ Bên mưa quây/ Em dang tay/ Em xoè tay/ Chẳng thể nào/ Xua tan mây/ Chẳng thể nào/ Che anh được…” (Sợi nhớ sợi thương - Thuý Bắc).

  1. Đổi mới cấu trúc hình tượng anh bộ đội trong văn học sau 1975.

Đất nước sạch bóng ngoại xâm, cả nước bước vào thời kỳ mới và bắt đầu phải đối phó với bao nỗi khó khăn ngổn ngang phức tạp của thời bình. Cảm hứng sử thi vẫn là cảm hứng chủ đạo nhưng không còn địa vị độc tôn mà xen vào đó là những “tạp âm”, rõ hơn cả là cảm hứng bi kịch. Với cảm hứng bi kịch về một hiện thực dữ dội khốc liệt, Đất trắng đã miêu tả một hiện thực chiến tranh như nó vốn có, hết sức trung thực hầu như không tô vẽ, thêm bớt giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn, thật hơn về chiến tranh như sự hi sinh mất mát quá lớn hay sự phản bội đầu hàng không thể ngờ (Tám Hàn là một chỉ huy cấp cao mà vẫn ra “chiêu hồi” địch). Nhưng khi đọc xong người đọc không thấy sự bi quan, phủ nhận chiến tranh từ phía tác giả, chỉ thấy một sự thật về chiến tranh để rồi thêm kính trọng những người đã ngã xuống, những người đã đi ra từ bom đạn, nhờ họ mới có những ngày hòa bình hôm nay.

Những tác phẩm đi theo cảm hứng bi kịch nhân văn thường có khuynh hướng dựng lại một hình tượng nhân vật trong trục thời gian từ quá khứ tới hiện tại. Nhân vật như cái bản lề khép mở hai chiều không gian: quá khứ là chiến tranh đổ máu, hiện tại là những trăn trở trong thời bình, từ đó để vươn tới một tầm ý nghĩa nhân văn mới mẻ, sâu sắc: phải trừng phạt cái ác để cứu lấy con người nhưng con người không thể sống trong cái vòng luẩn quẩn của sự thù hận mà phải biết rũ bỏ và hóa giải hận thù, cùng nhau “sống để yêu thương”... Những tác phẩm tiêu biểu như Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Nước mắt đỏ (Trần Huy Quang)...

Tiểu thuyết 1945 - 1975 miêu tả anh bộ đội đẹp một cách lý tưởng với những phẩm chất cao cả nên đã tạo ra một “khoảng cách sử thi” giữa nhân vật với đời thường, tất nhiên với cả bạn đọc. Phải nhìn nhận vấn đề này theo cái nhìn của biện chứng lịch sử: thời đó do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà nhà tiểu thuyết xây dựng nhân vật như vậy để đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Càng gần đây cấu trúc hình tượng nhân vật được nhận thức lại, trả về với vị thế đúng như nó vốn có, phức tạp, đa dạng, đa diện hơn. Quan niệm đã là tập thể cách mạng, con người cách mạng thì không có ai xấu, cái xấu thì nay được miêu tả khác, tập thể anh hùng cũng không thiếu những kẻ đào ngũ, cơ hội, cũng có những sai lầm nghiêm trọng do suy nghĩ ấu trĩ, giản đơn (Những bức tường lửa, Thượng Đức – Nguyễn Bảo), nhân vật người anh hùng có khi lại có một lý lịch không trong sạch (Khúc bi tráng cuối cùng – Chu Lai), có tính cách không mấy tốt đẹp (Những bức tường lửa – Khuất Quang Thụy), bồng bột, chủ quan khinh địch (Thượng Đức), đố kỵ, háo danh (Xiêng Khoảng mù sương – Bùi Bình Thi)... Trước 1975 các nhà văn có xu hướng đẩy nhân vật vào miền “không khí vô trùng” nên nhân vật đẹp quá, lý tưởng quá, gần với người trời mà xa với người đời. Rất không nên phê phán đây là căn bệnh minh họa, ở thời ấy thì phải có những nhân vật ấy. Cái thời con người sống với nhau trong vắt thì có những nhân vật như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng là đúng thời. Nhưng hôm nay thì phải khác. Người lính trong tiểu thuyết đã được giải phóng ra khỏi công thức “người trời” hôm qua để trở về với đúng nghĩa con người bình thường, người đời, nhờ vậy mà nhân vật thật hơn, sinh động hơn.

Những năm cuối thế kỷ XX có một đặc trưng là cấu trúc anh bộ đội thường được đặt trong bối cảnh không gian văn hóa. Các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Trung Trung Đỉnh, Bùi Bình Thi, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Quốc Trung, Phạm Quang Đẩu... như những con ong chăm chỉ hút mật nguồn từ nền văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, Lào, Khơ Me... để cho ra đời những tiểu thuyết vừa nồng mùi khói súng vừa lóng lánh những sắc màu phong tục rất riêng: người lính không chỉ xả thân mình để giành độc lập tự do cho ngày hôm nay mà còn vì cả một nền văn hóa đậm đà nhân văn. Các tác phẩm đều hướng tới một chủ đề phổ quát: dưới cái bề nổi của không gian chiến tranh là một không gian của những xung đột văn hóa, rõ hơn là xung đột giữa một bên là văn hóa và một bên là phản văn hóa. Sức mạnh văn hóa là sức mạnh chính nghĩa được tích tụ từ ngàn đời nên bao giờ cũng chiến thắng.

Trước năm 1975 trong trường ca của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm…là trường ca sử thi gần như nguyên chất, nguyên khối; sau năm 1975 trong trường ca của Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu…chất sử thi có vơi nhạt đi chút ít để thay vào đó chất đời tư; đến trường ca hôm nay, vang cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng của bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc mà trường ca trước năm 1975 không có. Chỉ đến hôm nay trường ca mới đủ độ lùi thời gian để nói đến những hy sinh mất mát mà chúng ta phải đánh đổi để giành độc lập tự do, mà trong chiến tranh người trực tiếp đón nhận những điều không mong muốn ấy là những người lính. Hình tượng văn học này trước đây được miêu tả còn đơn giản thì nay được cải tạo, đổi mới thế giới nội cảm để tạo ra sự phức tạp và đa chiều hơn nhiều. Trước năm 1975 người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng, nay được miêu tả với bút pháp hiện thực tỉnh táo, nhân vật hiện ra thật hơn. Một hình ảnh người lính hành quân mệt mỏi rã rời trong Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái: “Chân trời/ Vực thẳm/ Ba lô sập mắt/ Gió lặng hành quân”. Những ai đã từng là lính thời đánh Mỹ sẽ gặp lại kỷ niệm qua “ba lô sập mắt”. Anh bộ đội thời nay có lẽ không có nhiều kỉ niệm này: bộ đội đi hàng dọc qua đèo cao vực thẳm, mồ hôi túa ra, nhìn về phía trước chỉ thấy ba lô người đi trước sập vào mắt mình. Hay một số chi tiết đến độ ám ảnh: “Hành quân/ Mắt người hấp hối/ Cơm sắn, canh rừng/ Sống chết dửng dưng”. Phải là một người trong cuộc từng trải nghiệm và từng chứng kiến những “mắt người hấp hối” vì đói khát, vì phải chiến đấu triền miên, có khi cả tuần không được chợp mắt đến nỗi mi mắt bị căng cứng, mới có cách dùng từ “đắt” như thế!

Nguyễn Anh Nông trong Trường ca Trường Sơn tái hiện bước hành quân khó nhọc của người lính qua câu thơ hai chữ nhiều thanh sắc với âm vực cao: “Gió thốc/ Nắng xém/ Tóc cứng/ Miệng khát/ Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói…”. Và cái chết, có cách nói đến gai người, táo bạo nhưng có cơ sở: “Nếu nấm mộ nối hàng thay cây cột số/ Đường Trường Sơn sẽ dài gấp bao lần” (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu)…

Nét đổi mới rõ nhất trong cấu trúc hình tượng này là được đẩy cảm hứng phân tích khám phá đi sâu vào phía bên trong để tìm những tâm trạng, những nỗi niềm đầy khát khao trăn trở. Như một khát thèm bản năng mà không được thể hiện, vì sau đó người lính ấy hy sinh: “Rồi thôi mang theo đủ nỗi khát thèm xuống đất/ Hương vị trái Đào Tiên chỉ có trên trời!?…” (Chiến tranh chín khúc tưởng niệm – Nguyễn Thái Sơn).

  1. Đổi mới bút pháp miêu tả.

Bước sang thế kỷ XXI văn học chuyển sang hướng phân tích đào sâu vào hiện thực (chiến tranh) và cắt nghĩa, lý giải những biểu hiện tâm trạng (con người). Với lối viết trực diện mà tỉnh táo Phượng hoàng (Văn Lê), Mưa đỏ (Chu Lai) cho thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ thật vô cùng gian nan và anh hùng. Người lính chiến thắng kẻ thù bằng một thứ vũ khí tinh thần, ngoài đạo lý (yêu nước), công lý (chính nghĩa) còn là phẩm hạnh con người. Phẩm hạnh không chỉ là gan dạ, thông minh, trung thực, quyết tâm, táo bạo...mà có khi chỉ là một nỗi niềm trắc ẩn rất tình người, tình đời nằm sâu trong trái tim người lính...

Nhức nhối nỗi đau hậu chiến là một hướng khám phá càng xa chiến tranh càng được văn học chú ý. Tưởng rằng tránh được cái chết nhưng kẻ thù chiến tranh nhẫn tâm muốn giết chết người lính trong thời bình. Có bi kịch đau đớn, dai dẳng, bố mang mầm bệnh, con tàn tật, cả hai cứ chết dần chết mòn, chết trong nỗi đau thân xác và giằng xé tinh thần. Bi kịch ấy cứ như muốn thét lên: Hỡi nhân loại tiến bộ, hãy cảnh giác! Còn chủ nghĩa đế quốc sẽ còn chiến tranh, còn tội phạm diệt chủng nghĩa là sẽ còn những đau khổ như thế này!!!

Còn một hình tượng “Người lính trở về đối mặt/ Quê nghèo còn lắm gian nan/...Ngác ngơ chân trời góc biển/ Ngác ngơ giữa chốn quê hương” (Ru xanh áo lính – Tô Nhuần). Nhưng trở về mà được ngơ ngác thế là còn may mắn bởi vì rồi cuộc đời sẽ dạy cho anh khôn lên, “thói đời” sẽ dạy cho anh hoà nhập… Hình tượng lại được đặt vào thời hiện tại để cho bạn đọc chứng kiến cái bi kịch mà người lính phải đối diện: “Mồ côi mẹ thuở rừng sâu/ Khói bom nghi ngút trắng màu khăn tang/ Bước chân về tận đầu làng/ Vợ mình đã hoá vợ chàng đẩu đâu/ Hai chồng một vợ gặp nhau/ Riêng anh xin nhận nỗi đau ba người…” (Nhật ký dòng sông - Nguyễn Trọng Bính). Chỉ vì chiến tranh mà người lính phải đón nhận bao cái mất: mất tuổi trẻ, mất mẹ, mất vợ…Anh giải quyết cái bi kịch ấy bằng lòng vị tha đáng quý trọng, xin nhận nỗi đau chung để vợ hạnh phúc với chồng mới…

Như vậy có một sự đa dạng hoá trong cấu trúc hình tượng người lính, không chỉ nơi chiến trường mà có cả nơi hậu phương, cả trong và sau trận chiến. Ở không gian nào thì người lính cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn, ngoài chiến trường thì là sự sống chết. Ra khỏi chiến tranh thì đối mặt với cuộc sống bầm dập đời thường. Đó là những bi kịch tất yếu. Âm hưởng bi ca hoà vào âm hưởng tráng ca, hoan ca, tụng ca tạo ra một giọng bi tráng vừa thống thiết trữ tình vừa hào hùng sử thi, lắng gợi mà ngân vang. Thể tài trường ca hôm nay đang cố gắng thay thế dần diễn ngôn sử thi bằng diễn ngôn đời thường để đưa chất đời tư vào tác phẩm. Đây là sự đổi mới tích cực, hợp quy luật vì theo lẽ thông thường càng xa chiến tranh thì “khoảng cách sử thi” càng rút ngắn, bạn đọc không chỉ thích mãi một giọng anh hùng ca mà còn muốn nhiều giọng điệu khác. Biểu hiện của diễn ngôn đời thường là những câu hỏi, những lời cật vấn, những tâm trạng day dứt, băn khoăn…về cá nhân, về thân phận con người. Cật vấn trăn trở là một phương diện của trí tuệ, nhờ thế mà gia tăng cho trường ca một sắc thái triết lý, đạt tới độ sắc sảo, nó như cứa vào lòng người, như: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi cho Tổ quốc?” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Giọng cật vấn hoài nghi mà biểu hiện ra bên ngoài cú pháp là các dấu hỏi, rất nhiều câu hỏi: “Nhiều đêm nhìn sao trời. Tôi tự hỏi/ Không biết ở nơi cách ta hàng triệu năm/ Ánh sáng/ Có tinh cầu nào cuộc sống sinh sôi/ Có tinh cầu nào không chiến tranh…” (Mở bàn tay gặp núi)...

Những cứ liệu trên đủ cho thấy hình tượng người lính được xây dựng đa chiều, phức tạp, luôn đổi mới để đầy sức sống. Nó không hề đơn giản, một chiều để “minh họa” cho một khẩu hiệu chính trị hay thuyết lý cho một hệ đạo đức nào đó. Hình tượng ấy xứng đáng là một trong những biểu tượng lớn của thời đại!

  1. Nhìn từ mỹ học tiếp nhận – Nghĩ tiếp...

Con người của thời đại 4.0 là con người liên văn hóa. Hẳn nhiên chủ thể độc giả tiếp nhận văn chương ở tư cách liên văn hóa. Do vậy hình tượng anh bộ đội cũng nên được xây dựng theo xu hướng này. Với người lính trước 1975 là sự kết tinh văn hóa truyền thống và văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Với người lính hôm nay phải là vừa “liên văn hóa” chiều dọc truyền thống và chiều ngang với thế giới.

Con người độc giả thời nay là độc giả trí tuệ có xu hướng tìm đọc sự phân tích, cắt nghĩa, lý giải hơn là miêu tả. Nhà văn hôm nay đồng thời cũng là nhà triết học, tâm lý học, sử học... để gia tăng hàm lượng triết lý, tâm lý cho trang viết.

N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)