Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc

Thứ Hai, 21/03/2022 04:40

(Chung quanh những vấn đề thời sự văn học)

. Thanh Nguyên

 

Những chuyện thời sự mới nhất được mạng xã hội bình luận nhiều là xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra. Nhưng có một số ít fabooker mượn chuyện này “ví von” với việc Việt Nam “xâm lược” Campuchia (năm 1978) làm tổn hại biết bao sinh linh. Đây là vấn đề xuyên tạc lịch sử thực sự nguy hiểm vì nó xuyên tạc, bóp méo sự thật. Cuộc chiến tranh giúp dân tộc Campuchia của Việt Nam là cuộc chiến chính nghĩa, cuộc chiến chống lại bè lũ diệt chủng bị cả loài người lên án. Cuộc chiến này đã giúp hồi sinh cả một dân tộc. Thế nên nhân dân Campuchia gọi những người giải phóng họ là “bộ đội nhà Phật”!...

Đó là những chuyện nhỏ nhưng nguy hiểm, như những tế bào “tiền ung thư” nếu không có biện pháp loại bỏ triệt để sẽ tiềm tàng gây nên những khối u ác tính. Tình hình ấy đặt ra những bài học gì?

Có những câu chuyện “giải thiêng” đã được nhiều người vạch rõ cái ý đồ, động cơ chính trị không tốt nhưng cũng xin nhắc qua để làm căn cứ cho chủ đề bài viết.

Một nhà phê bình gốc Việt sống ở Pháp lâu năm, vì hằn học một điều gì đó, cũng có thể là do phương pháp nghiên cứu không phù hợp hay trình độ học...mà cố tình xuyên tạc Nguyễn Ái Quốc không phải là tác giả của những bài báo nổi tiếng viết bằng tiếng Pháp trước những năm 1925. Những căn cứ đưa ra cũng rất vu vơ, rất thiếu tính khoa học. Thậm chí chỉ dựa vào một “băng” phỏng vấn của phóng viên Pháp với Bác Hồ (năm 1960) đã “khái quát” Hồ Chí Minh không giỏi tiếng Pháp nên không thể viết được những tác phẩm “thật sự tài năng” kia. Nghĩa là nhà phê bình muốn “giải thiêng” huyền thoại Hồ Chí Minh – một tác giả tiếng Pháp mà rất nhiều chính khách, văn nghệ sỹ trên thế giới khẳng định và ca ngợi.

Gần đây tác giả lại có cuốn sách “Phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX” cũng có ý đồ “giải thiêng” những “tượng đài” phê bình nổi tiếng. Với cái nhìn “bề trên” tác giả phủ nhận các giá trị văn hóa của nền lý luận phê bình văn học cách mạng. Những ý kiến hàm hồ, cực đoan này chẳng xứng để đọc nếu không có lời “bảo hiểm” của một nhà văn – biên tập cuốn sách coi “tên tuổi” tác giả là “bảo đảm bằng vàng”. Trong thời buổi nhiễu loạn thông tin thật giả lẫn lộn nên những lời “bảo chứng” này sẽ là nguy hiểm nếu được tiếp nhận ở bộ phận độc giả, nhất là độc giả thanh thiếu niên.

Dịp Tết Canh Dần 2022 vừa qua cũng một tác giả gốc Việt có bài viết gây chú ý về “bánh chưng”. Là món ăn quen thuộc của người Việt trong những ngày Tết, có người thích hay không thích bánh chưng là chuyện thường tình, chả có gì đáng nói. Nhưng thâm ý của tác giả không phải là viết về “món ăn” mà là hạ thấp một biểu tượng văn hóa, sâu xa hơn là “giải thiêng” biểu tượng Vua Hùng. Nếu một hình tượng văn hóa vốn bị hiểu sai mà được xây dựng thành biểu tượng thì sự “giải thiêng” là một đóng góp đưa vấn đề về với chân lý sự thật. Nhưng một biểu tượng đã trở thành “cổ mẫu” vững bền hàng ngàn năm hầu như được mọi người dân tôn sùng (là cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết) mà có người “giải thiêng” thì là nói ngược, thậm chí là sự xúc phạm cộng đồng!

Nói ngược đã là “chiêu pháp” không mới của những kẻ rỗng tuếch nhưng thích nổi danh. Nhân loại đã xây dựng điều này thành điển cố kẻ đốt đền để nhắc nhở muôn đời rằng thế gian không thiếu những kẻ như vậy. Cái đáng nói là có một số ít người – đáng trách là có những người có học, cũng a dua, tung hô là “mới”, là “dũng cảm”, là “khuấy cái ao văn hóa tù đọng” để “tạo ra cách hiểu mới gây tranh luận”...

Những vấn đề ấy đặt ra những bài học gì?

Một là bài học về giáo dục lịch sử truyền thống yêu nước. Được coi như là điểm tựa, là bệ phóng giúp con người bay cao bay xa vào tương lai, nói lịch sử cắt nghĩa hiện tại và tương lai là vậy. Cắt đứt với cội rễ lịch sử con người tất yếu mất đi điểm tựa, mất đi bệ phóng sẽ hoang mang, lạc đường, ngơ ngác trên con đường không lý tưởng. Một bài học xương máu của xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra chính là sự lãng quên nguồn cội. Cách nay hơn chục thế kỷ hai dân tộc từng là anh em, đến thời Liên Xô (cũ) vẫn là anh em trong đại gia đình Xô-viết. Ngôn ngữ hai nước tương đồng, gần như giống nhau. Nếu nhìn từ góc độ này thì Nga-Ukraine gần như chung tiếng nói tức cùng một dân tộc. Thế mà nay sa vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Tại sao lại dẫn đến hoàn cảnh đau đớn ấy? Cũng không khó trả lời. Nhưng chắc chắn nếu họ vẫn coi nhau là anh em như trong quá khứ, thì sẽ không có chiến tranh!!!

Thấu hiểu lịch sử sẽ thấu cảm thấm thía hơn những bài học cha ông truyền lại cho con cháu. Không cần cắt nghĩa lại qua biểu tượng bánh chưng cha ông ta dạy ta bài học gì, nhưng cần hiểu sâu hơn thâm ý của Vua Hùng không truyền ngôi cho các Hoàng tử đi tìm ngọc ngà châu báu hay thuốc trường sinh mà truyền ngôi cho Lang Liêu là nông dân dâng lên món quà quê mộc mạc. Đó còn là vấn đề Đạo Hiếu! Còn là ứng xử văn hóa “của cho không bằng cách cho” rất mực tinh tế, sâu sắc nhân văn! Thế nên không chỉ hiểu biểu tượng bằng cách cắt nghĩa cấu trúc nội tại mà còn phải hiểu các mạch ngầm văn hóa thao thiết chảy hàng ngàn năm để kết tinh và nuôi dưỡng biểu tượng!

Sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, tự động hóa, như một lẽ tự nhiên con người (theo nghĩa phổ biến), nhất là giới trẻ được tiếp xúc, hít thở, hấp thụ mọi luồng văn hóa trên khắp thế giới. Họ có ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thông tin ở mức phổ thông (điện thoại thông minh) là đủ để có thể “truy cập” vào mọi ngõ ngách văn hóa khắp thế giới. Họ hiểu biết nhiều, thông minh, là điều kiện để trở thành “công dân toàn cầu”. Mặt trái là nếu không được trang bị tinh thần dân tộc, thiếu bản lĩnh sẽ có xu hướng dời xa cội rễ Tổ quốc dẫn tới lai căng. Một bộ phận thanh niên ta biết sử nước ngoài, biết tên cầu thủ, danh ca, hoa hậu...quốc tế hơn nhiều sử nước nhà, các tấm gương anh hùng tổ tiên... là hiện tượng vừa bất thường vừa bình thường. Việc ngăn chặn, giảm bớt sự bất thường ấy chỉ có thể bằng con đường giáo dục!

Hai là, như phần đầu bài viết dẫn chứng, có những vấn đề lịch sử mang tính hiển nhiên nhưng vẫn bị xuyên tạc, bóp méo. Có những biểu tượng văn hóa bền vững, thiêng liêng như thế mà vẫn có người “giải thiêng”. Đó là ý đồ chính trị cơ hội hay tâm lý hằn học, thích nổi danh...thì không khó hiểu. Nhưng còn những vấn đề ngụy trang dưới cái vỏ học thuật để đánh lừa người khác, thậm chí được in thành sách ở trong nước rồi quảng cáo như là một “kiệt tác”? Lại cho thấy công tác đào tạo một cách bài bản, khoa học đội ngũ biên tập viên, thẩm định viên được đặt ra một cách cấp thiết. Trước mắt và lâu dài họ phải là những “màng lọc” sớm nhất ngăn lại những cặn bã tinh thần không nên phổ biến trong cộng đồng.

Ba là, quan sát phía mặt trái của những luồng ý kiến tiêu cực, sai trái, phản động cả trong và ngoài nước (cả trên mạng và sách báo in) thì kẻ xấu thường tập trung vào “giải thiêng” hình tượng Hồ Chí Minh. Do vậy phải đưa việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thực chất, thường xuyên, liên tục, lan toả sâu rộng hơn nữa vào mọi tầng lớp nhân dân. Đấy cũng là một cách thiết thực ngăn ngừa tác hại mưu đồ của những kẻ xấu hòng bôi nhọ, hạ bệ thần tượng Bác Hồ. Là nhà cách mạng thực tiễn, nhà triết học hành động, Bác sống ở trong dân, không ở trên dân, Bác là người sống đúng nhất với chân lý “một tấm gương sống hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, tất cả là học trò Bác, học theo Bác, nhất là học tính liêm chính của Người thì dân sẽ tin và không một tư tưởng phản động nào, dù được nguỵ trang bằng thứ nghệ thuật nguy hiểm, thâm độc nào có thể lung lay được. Tăng cường hơn nữa tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì Bác Hồ là một hiện tượng văn hóa mang tầm nhân loại với tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật lớn lao để sáng tạo đến không cùng!

Bốn là về hành chính. Trong xã hội hiện đại, con người điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo luật pháp. Thiếu niềm tin vào pháp luật sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng luật, dễ có hành động chệch khỏi các chuẩn mực pháp lý. Pháp luật bắt nguồn từ đạo đức. Đạo đức là gốc của nhân cách nên cũng là gốc của pháp luật. Do vậy nâng cao ý thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị. Việc giảng dạy pháp luật ở nhà trường phổ thông và việc tuyên truyền giáo dục pháp luật thường xuyên ở các đơn vị hành chính cơ sở phải rất được coi trọng.

T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)