. Nguyễn Thanh
Con người văn hóa - theo quan niệm của triết học văn hóa đương đại như một cây xanh cắm ba chùm rễ sâu vào ba mảnh đất văn hóa: cuộc sống lao động của quần chúng nhân dân; văn hóa dân tộc; văn hóa nhân loại. Một tác phẩm lớn luôn mang giá trị phổ quát, phải nói lên được mẫu số chung của văn hóa nhân loại, dân tộc và con người. Nghệ thuật là quá trình kiến tạo và kiến giải các mã văn hóa nên nhà nghệ sỹ phải hút dưỡng chất văn hóa từ ba mảnh đất trên mới có thể làm dầy thêm các mã, tức làm lớn tác phẩm về ý nghĩa, giá trị. Tác phẩm nghệ thuật luôn thoát thai từ cái nôi cuộc sống nhân dân. Đấy là quy luật. Không như một quan niệm cho rằng không cần đi vào cuộc sống miễn là nghệ sỹ có tưởng tượng tốt. Một biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn nghệ ở mọi thời là thoát ly cuộc sống, xa lạ với tư tưởng, tâm hồn, cách nghĩ, cách cảm của người lao động. Cá biệt lại có những suy nghĩ viết để nổi danh, có tên tuổi, muốn thế phải “gây hấn”, phải viết ngược, phải tạo ra scandal để gây chú ý. Chả khác gì cô gái không đẹp phải tự “lộ hàng” quảng cáo “đóng đinh” vào mắt người yếu bóng vía…!!! Cũng vì “ăn xổi” mà “tác phẩm” không chịu kế thừa tinh hoa truyền thống, không chịu tiếp thu giá trị văn hóa nhân loại nên thiếu chiều sâu, hàm lượng văn hóa thấp, nhạt nhẽo. Nhưng vì sao vẫn có người đọc? Vì gợi vào tâm lý thích cái lạ, cái bản năng của số ít độc giả, hoặc thủ thuật câu khách, quảng bá giật gân…
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh thần đặc thù gắn liền với cái tôi chủ thể, sáng tạo bằng cái tôi cá nhân. Cái tôi phải hằn rõ mới có thể làm nên cái cá biệt, cái riêng, vốn là những tiền đề cơ bản để tạo ra cái bản sắc. Mà với một tác phẩm nghệ thuật nếu không có bản sắc chỉ là con số không, thiếu sức sống, nhợt nhạt, ít giá trị. Một nền văn hóa lớn cố nhiên vừa là sự tổng cộng số học vừa là sự tích hợp, tiếp biến của nhiều tác phẩm có bản sắc. Nói tổng cộng số học là nói về hình thức, cái thấy được; nói sự tích hợp, tiếp biến là nói về giá trị nội dung (nhất là giá trị văn hóa). Các tác phẩm lớn luôn có sức ảnh hưởng, chi phối, thậm chí trở thành “mẫu gốc” vượt cả không gian và thời gian. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy sự tối cần thiết của cá tính nghệ sỹ, vì nếu thiếu không thể có tác phẩm giá trị. Những nghệ sỹ lớn trước hết là những cá tính độc đáo.
Nghệ sỹ vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội…nhưng thiên chức của anh ta là tạo ra “cuộc sống thứ hai”, tức tác phẩm. Anh ta phải sống, phải “đi, về” giữa hai thế giới, thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với bao những nhân vật, hình tượng, chi tiết... Người ta hay dùng các từ “phân thân”, “hóa thân”, “nhập thân”…khi nói về quá trình sáng tạo là vì vậy. Dựa vào đặc trưng này tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sỹ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách, thất thường, dễ ảo tưởng, hay xúc động, cực đoan,…Đây sẽ là điểm yếu khi có người thiếu bản lĩnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt…Nếu nghệ sỹ không tỉnh táo, nhà quản lý lại nhìn nhận đơn giản, một chiều sẽ dễ đẩy vấn đề càng đi về phía tiêu cực, có hại…
Quy luật tồn tại và phát triển của văn học nghệ thuật là quy luật của cái riêng, cái đơn nhất với cơ sở gốc là cá tính sáng tạo mà sự hình thành của nó, ngoài năng khiếu chủ quan còn là sự may mắn hội tụ tinh hoa của thời đại, vùng văn hóa, cuộc sống, nghề nghiệp... Khi kết tinh thành tài năng, cá tính sáng tạo lại trở về hòa nhập với đời sống. Những trái cây tác phẩm của họ như những hạt lúa vào mẩy luôn có xu hướng níu mình về gốc. Những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du,... đều như thế. Không ngẫu nhiên, khi già dặn họ lại thường viết về cái bình thường, nhỏ bé như cây chuối, cây rau, hớp cháo...!
Cá tính sáng tạo không được điều chỉnh, như con ngựa hoang hiếu chiến hiếu thắng – nếu gọi đích đáng thì đó là “chủ nghĩa cá nhân” ích kỷ, tự phụ, tự cao, nổi loạn, phá phách... Cũng là cây xanh nhưng chưa sâu rễ, nhất là chưa quang hợp nhiều ánh sáng lý tưởng, chưa trải qua bão tố, có thể kết trái nhưng chưa chuyển hóa đủ dinh dưỡng văn hóa... Muốn loại cây này có ích cho đời, chỉ có cách là trồng nó vào vùng đất mới hoặc có chế độ chăm sóc đặc biệt!
Cây xanh bao giờ cũng phải quang hợp ánh mặt trời. Con người cũng vậy luôn phải hấp thụ những ánh sáng lý tưởng mới, tiến bộ. Cây xanh con người nghệ sỹ càng phải thế, phải luôn trau dồi tư tưởng chính trị, quan điểm lập trường cách mạng. Đây cũng chính là một tiền đề sáng tạo vì tư tưởng sẽ đẻ ra ý tưởng và kích hoạt cảm hứng. Vấn đề là tư tưởng gì mà thôi. Thực ra mỗi nghệ sỹ đều sáng tạo theo một tư tưởng nào đó, nhất là với các nghệ sỹ lớn thì càng rõ. Nếu tư tưởng này phù hợp với tư tưởng thời đại thì quá trình sáng tạo càng thuận lợi. Thế nên việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị với mỗi nghệ sỹ là rất quan trọng, cần thiết. Xét về bản chất thì hình tượng nghệ thuật luôn là sự cụ thể hóa, vật chất hóa của tư tưởng. Một cô Kiều là hiện thân của tư tưởng Nguyễn Du. Đi ngược lại hoặc mơ hồ, nhầm lẫn con đường tư tưởng làm sao có thể tạo ra hình tượng đúng đắn, chân chính? Cũng dễ hiểu có nghệ sỹ tài năng trong quá khứ nhưng do bị chi phối của cái tôi cá nhân mà ngày một xa dời lợi ích nhân dân khư khư tự ôm lấy cái quan niệm cực đoan, ích kỷ, độc đoán không chịu mở lòng hòa vào thế giới anh em đồng chí cùng lo, cùng vui với số phận đất nước, cứ tách ra, đi riêng, thậm chí đi ngược.
Tư tưởng quan niệm là vấn đề gốc rễ, vì gốc không vững nên có trường hợp ngả theo xu hướng ngoại lai đã lạc hậu với thiên hạ, xa lạ với văn hóa Việt lại đem về “lai ghép” thành ra hỗn độn, tối tăm. Đây không chỉ là quan niệm mà còn là nhận thức và tri thức về văn hóa và thời đại. Ví dụ do không hiểu lịch sử, trường phái, ý thức của xu hướng hậu hiện đại mà có người không lọc ra tiếp thu hạt nhân tích cực mà “bứng” cả cái cũ, cái lạ (không phải mới) tiêu cực rồi “sáng tác”…Đây là sự thiếu tỉnh táo, có thể do quá say mê, do cảm tính yêu thích, ưa khám phá thử nghiệm, không chịu đọc rộng, nhất là tham khảo sự phân tích của dư luận tiến bộ nước ngoài.
Nghệ sỹ luôn sống trong cái tôi cô đơn, cô đơn để suy ngẫm, để tưởng tượng không chỉ về cái tốt, tích cực mà cả cái xấu, cái thấp hèn, tiêu cực. Vì sứ mệnh của nghệ thuật chân chính vẫn phải sáng tạo về cái xấu để người đọc hiểu mà tránh xa nó, tiêu diệt nó. Có khi vì sống quá sâu với nhân vật mà có nghệ sỹ phát ngôn không phải cho cá nhân mình mà nói thay cho nhân vật (xấu), nên dễ gây ngộ nhận. Trường hợp này rất cần sự thông cảm, thể tất với đặc thù sáng tạo. Nhưng khi cái tôi bị đẩy đến cực đoan, vượt ngưỡng, thì một hạn chế của số người này là quá đề cao cá nhân, chỉ mình là nhất rồi coi thường, coi rẻ sản phẩm nghệ thuật cũng như nhân cách đồng nghiệp. Thế là dẫn tới quan hệ “cánh hẩu” khen vống những ai hợp mình, vùi xuống bùn kẻ khác mình, có khi “không được ăn thì đạp đổ”. Nguy hiểm hơn là có người như vậy lại là thành viên trong hội đồng tuyển chọn, xét duyệt sẽ dẫn tới sự thiếu công bằng gây ra dư luận không tốt…Với họ sự khen chê chẳng qua cũng vì thỏa mãn cá nhân mình, để làm nổi cá nhân mình. Nguyên nhân của trường hợp này, ngoài sự quá lớn của cái tôi, thì còn là do ít hiểu biết về sự mênh mông vô tận của tri thức nhân loại. “Ếch ngồi đáy giếng” là thế, chỉ nhìn thấy bầu trời bằng cái miệng giếng mà thôi! Lẽ ra, hơn mọi tầng lớp khác, văn nghệ sỹ phải là những người chịu khó học tập, lao động nhiều nhất, am hiểu nhiều nhất, có vậy mới sáng tạo ra được một “cuộc sống thứ hai” sống động, giàu có ý nghĩa.
Cần có những giải pháp khắc phục nào?
Đã mấy chục năm nay chúng ta chưa có thành tựu nào mang tính đột biến mới mẻ như ở giai đoạn Đổi mới. Tình trạng nhàn nhạt, quanh quẩn với những đề tài tình yêu, tình dục, tiêu cực xã hội, tha hóa tính người…không sâu sắc, thiếu tính tư tưởng…dẫn tới tình trạng bạn đọc xa dần văn học nghệ thuật. Những điều này đã được nói nhiều. Tự thân nội dung vấn đề đã trình bày trên cũng đã cho thấy hướng khắc phục, để rõ hơn, xin lưu ý.
Một là, rất cần tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sỹ. Văn học là vấn đề tư tưởng. Lá cành của cây xanh nhà văn phải luôn quang hợp ánh sáng lý tưởng cách mạng, nếu không cây sẽ bị héo và quả sẽ sài đẹn. Lịch sử nghệ thuật cho thấy các nghệ sỹ lớn luôn tự do sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Sáng tạo theo tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm của nghệ thuật. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo vì mục đích vì nước vì dân, vì chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ, giàu mạnh. Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (đồng điệu, hòa nhập. Empathy, tiếng Anh nghĩa thông cảm, tùy văn cảnhcó thể dịch là nhập cảm, thấu cảm, tâm cảm?) vào hình tượng, cộng cảm (tiếp nhận, chia sẻ, lan tỏa)với cõi nhân sinh để có một mẫu sỗ văn hóa chung mới có thểtruyền cảmmột cách sâu xa (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận. Nghệ thuật là câu chuyện hình tượng. Để người khác bị ám ảnh, người sáng tạo ra hình tượng phải bị ám ảnh trước. Do vậy không chỉ làm hình thức, qua loa. Nếu đọc các bản thu hoạch cá nhân ở mỗi cơ quan văn nghệ sẽ thấy gần như giống nhau (?), trong khi đó tình cảm là lĩnh vực tinh thần tế vi, cá nhân, riêng biệt, làm gì có chuyện ai giống ai!?
Muốn ướp được người mình phải mặn trước. Phải mặn về lý tưởng, say mê, nồng nàn. Phải mặn về cảm xúc, trí tuệ, vốn sống... Khoa học tâm lý phân biệt rõ trí tuệ duy lý và trí tuệ cảm xúc(1). Nghệ sỹ thiên về loại sau, đó là “trí tuệ của trái tim”... Thực ra trong “Tây du ký” nhân loại đã nói rất sớm điều này. Trên hành trình đi tìm lý tưởng (kinh Phật), con người (Đường Tăng) phải hài hòa trí tuệ của trí tuệ (Tôn Ngộ Không) và trí tuệ cảm xúc (Trư Bát Giới) mới có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại (81 nạn)... Từ góc nhìn này thì “Trương Chi” là kiệt tác: Trương Chi yêu bằng trí tuệ cảm xúc nên gặp người đẹp, chàng như chết đứng. Bị cự tuyệt tiếng sáo chàng càng hay hơn. Mỵ Nương yêu bằng trí tuệ duy lý, gặp hiện thực phũ phàng không như trong tưởng tượng, nàng hết yêu và khỏi bệnh...
Hai là, nên tổ chức các chuyến đi sâu, dài ngày vào thực tế, người nghệ sỹ sẽ được hiểu kỹ hơn một mảng đời sống, sẽ có những vui buồn thật sự, cảm thông và chia sẻ với người lao động. Nghệ sỹ chỉ có thể kiến trúc mô hình và xây dựng tác phẩm từ mô hình và chất liệu ngoài cuộc sống. Vai trò lãnh đạo của Hội chuyên ngành rất quan trọng, ngoài uy tín tài năng thì còn là tài tổ chức. Không chỉ là tổ chức trao đổi gặp gỡ, thăm hỏi, cơ bản hơn là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển, từ đó tạo ra các tranh luận học thuật để nảy ra các tư tưởng nghệ thuật mới. Các nền văn học lớn đều có các trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa vừa tranh biện, bổ sung, loại trừ để cùng phát triển. Văn hay dở là do người viết. Hiện nay các triết học trên thế giới đang rất đề cao chủ thể, vấn đề “mỹ học chủ thể” được nói đến nhiều. Nghĩa là coi tác giả mang tính quyết định chất lượng tác phẩm. Nghệ thuật là cái riêng, đơn nhất nên luôn cần đến tài năng. Phát hiện, bồi dưỡng, nuôi dưỡng tài năng thế nào chưa được quan tâm đúng mức. Rồi vốn sống, vốn tri thức văn hóa của nhà văn luôn được coi là vấn đề gốc để cây nhà văn cường tráng khỏe mạnh mà kết thành quả tác phẩm giàu chất bổ dưỡng? Vốn sống không chỉ loanh quanh trong một địa phương, ngành nghề mà phải vươn ra khắp miền Tổ quốc, nơi Trường Sa sóng vỗ, nơi biên giới ngàn trùng. “Sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao). Có cách tổ chức nào để các văn nghệ sĩ được sống, hít thở, đập cũng nhịp đập trái tim của Tổ quốc mọi nơi, mọi lúc…?!
“Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình” (Kiều). Không “ngổn ngang trăm mối” không thể có “câu tuyệt diệu”. Hẳn nhiên “câu tuyệt diệu” này đã được “ngụ” (gửi gắm) nằm sâu trong tâm hồn từ trước đó, qua đọc sách, qua chứng kiến...Nghệ sỹ phải “đau đớn lòng” trước vì “những điều” họ “trông thấy” (trải nghiệm) mới có thể làm người khác “đau đớn” được!Chàng Trương Chi phải “thậm xấu” tức phải sống trong bi kịch mới có thể có tiếng sáo hay. Gặp bi kịch tiếng sáo càng có hồn hơn...
Ba là, luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh đăng tải những văn hóa phẩm kém chất lượng.
Bốn là, tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý (vụ, hội đồng) và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao (viện, trường đại học). Những nơi đó đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sỹ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng. Như một lẽ tự nhiên, văn chương phải có người đọc nên nhiều nước phát triển có chiến lược bồi dưỡng các thế hệ độc giả, gọi chung là “mỹ học tiếp nhận”. Có tác phẩm hay nhưng bạn đọc thờ ơ vì không hiểu, không hợp thị hiếu thì thật phí. Nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới đều có đối tượng độc giả riêng là vì thế. Có nhà văn ở ta chưa chú ý tới bạn đọc dẫn tới sách chủ yếu vẫn nằm trên giá thư viện. Học lại lời Bác Hồ, trước khi cầm bút, người viết đặt câu hỏi “viết cho ai”!?
Năm là bên cạnh việc tiếp thu lý luận văn nghệ nước ngoài, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ của cha ông. Xin nhắc lại lời Bác Hồ, sáng suốt, sâu sắc, tinh tế vô cùng: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây… phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc” (2). Chúng ta đang cố gắng làm giàu thêm lý luận văn học nghệ thuật bằng cách tiếp thu cái hợp lý của lý luận nước ngoài. Đấy là một hướng đi đúng. Nhưng thiết nghĩ, song hành với hướng đó và cơ bản hơn là phải đi sâu vào vốn cổ của ta để tìm tinh hoa lý luận truyền thống cha ông mà kế thừa, phát triển, nâng cao cho phù hợp với hôm nay. Bởi lý thuyết nước ngoài bao giờ cũng có độ vênh lệch, chưa nói đến có sự áp đặt, khiên cưỡng. Mỹ học của cả một nền văn học dân gian rồi văn học trung đại là cả một kho vàng tư tưởng còn chìm trong các sáng tác văn chương. Chỉ có điều phải bỏ công tìm tòi suy ngẫm bởi chúng ẩn sâu trong các hình tượng thẩm mỹ chứ không hiển hiện triết lý khô cứng ra bên ngoài. Chỉ xin đề cập tới một Nguyễn Trãi mà chúng tôi tìm hiểu đã thấy ở nhà tư tưởng lớn này cũng có hẳn một hệ mỹ học riêng với: tư tưởng mỹ học về con người văn hóa; về thiên nhiên; về phạm trù cái đẹp; một quan niệm sứ mệnh nghệ thuật vì con người; quan niệm hiện đại về quy luật vận động đặc thù của nghệ thuật; một mỹ học chủ thể; một mỹ học tiếp nhận (3). Không chỉ ở Nguyễn Trãi mà còn cả một kho tàng mỹ học mà cha ông đã học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao một cách tuyệt vời mỹ học truyền thống, thể hiện tinh tế trong trước tác. Đó là cả một mỏ vàng mà hậu thế chúng ta phải tìm tòi, khai thác, tinh luyện. Truyền thống lý luận của ta, ngoài những hiển ngôn trên văn bản còn thường thể hiện dưới dạng tác phẩm, mà ngay ở thời hiện đại cũng có, ví như câu thơ hay của Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Phải chăng còn có ý về chủ thể sáng tạo: nghệ sỹ phải quên mình, làm mới mình để sáng tạo. Tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng làm đẹp và nuôi dưỡng sự sống…!?
N.T
------
(1) Xin xem D. Goleman. Emotional Intelligence – Why can it matter than IQ. Bloomsbury, 1996.
(2) Mịch Quang. Khơi nguồn mĩ học dân tộc. Nxb Chính trị Quốc gia 2004, tr. 8-9
(3) Xin xem Nguyễn Thanh Tú: Ba tiếng cười trào phúng trong văn học Việt Nam (Nguyễn Trãi-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Khuyến). Nxb Hội Nhà văn 2017 và Nguyễn Thanh Tú: Nguyễn Trãi-Tư tưởng mỹ học mang giá trị văn hóa Việt Nam đặc sắc, độc đáo, đi trước thời đại. Tạp chí Thơ, số 1, 2- 2017.
VNQD