Ngôn ngữ là phong cách – Từ trường hợp Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 07/04/2022 15:49

. HẢI NGUYÊN

 

Nhà ngữ học P.D. Xôt xuya nói ngôn ngữ và tư duy như hai mặt của một tờ giấy. Ngan ngữ Pháp nói ngôn ngữ là phong cách. Ngạn ngữ Nga cho rằng tiếng nói là hơi thở của tâm hồn. Tất cả những điều ấy rất đúng, nhất là với các vĩ nhân. Xin chứng minh điều ấy qua cách ứng đối ngôn ngữ của Bác Hồ.

Đồng chí Vũ Kỳ có kể một dịp Tết Bác Hồ đến làm việc, thấy trong phòng của anh em có chậu hoa trà mi mới nở một bông rất đẹp, Bác nhớ đến câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, ứng khẩu đọc:

Đẹp thay một đóa trà mi,

Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về.

Trong Truyện Kiều, câu này Nguyễn Du nói về Thuý Kiều, một cô gái tài sắc, trinh trắng là thế, mà sống trong một xã hội đen bạc nên cuối cùng trinh tiết của nàng bị huỷ hoại bởi một tên vô lương, hèn hạ. Nguyễn Du than thở:

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Bác Hồ dùng lại hai câu ấy để ca ngợi vẻ đẹp của hoa trà mi, nên không có gì phải “tiếc”. Bác thốt lên: “Đẹp thay một đóatrà mi!”. Hoa trà mi đã đẹp rồi, nhưng Bác nói nó còn đẹp hơn nữa vì “Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về” [1].

Người dùng cả ca dao trong những lá thư. Ngày 22-2-1947 Người gửi thư cho gia đình điền chủ Đỗ Đình Thiện: “… Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải, không sợ. “Còn trời, còn nước, còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ”. Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn…”[2]. Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể chuyện biếu quà Bác: “Khi bí to, tôi hái vài quả, nhờ đồng chí thư ký mang sang biếu Bác. Bác nhận bí rồi gửi lại đồng chí thư ký chuyển cho tôi bức thư. Trong thư, Bác đề vẻn vẹn có hai câu thơ:

Ăn quả nhớ người trồng cây

Cảm ơn chú Việt, bí này còn non

Câu thơ của Bác nhắn nhở tôi đừng vội hái quả non, mỗi cái phải đạt tới "độ chín” mới có giá trị”[3]. Quả là một sự tinh tế của một trí tuệ lớn!

Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn. Phong cách báo chí của Người rõ nhất là thường mượn hoặc tự sáng tác một đôi ba câu ca dao, làm cho bài báo tránh được sự khô khan, mượt mà về âm hưởng, sâu sắc về ý nghĩa, mà lại nhẹ nhàng hóm hỉnh về tiếp nhận. Báo Nhân dân số 309, ngày 4-1-1955 in bài Chiếc mề đay của C.B giễu việc Quốc trưởng Bảo Đại tặng tướng Nava Đệ nhất đẳng bảo quốc huân chương, có câu:

Mề đay biến thành trò cười

Tặng nhau chẳng bõ là mười nhiếc nhau[4].

Ngày 17-10-1955 Bác viết bài báo 147 tuổi mà vẫn thanh niên nêu tấm gương cụ Aivadôp (Liên Xô) tuổi cao mà lao động giỏi và dạy dỗ các cháu:

Một nhà sum họp trúc mai

Chữ phúc, chữ thọ, không ai sánh bằng[5].

Ngày 28-10-1955 Bác viết Lấy thúng úp voi (báo Nhân dân, số 604) tố cáo Diệm gian lận trong cuộc “trưng cầu dân ý”:

Diệm hòng lấy thúng úp voi

Nhưng voi sẽ đạp Diệm lòi ruột ra[6].

Đặc biệt Bác Hồ sử dụng ngôn từ ứng đối nhanh, sắc sảo, tinh tế.

Đồng chí Hoàng Đức Triều kể trong Bác về lại Lam Sơn (Triều Ân ghi):

“Một đêm trăng sáng. Đồng chí Ông Ké cùng sáu đồng chí và tôi đi tắm đêm. Trông thấy bóng trăng sáng vằng vặc trong lòng suối, đồng chí Ông Ké nói:

- Tôi có một câu đối. Ai đối được tôi gả con gái cho:

Đồng chí Ông Ké liền thong thả đọc vế đối:

“Nguyệt chiếu khê tâm, tâm chiếu nguyệt”

“Nghĩa là: Mặt trăng dọi xuống lòng khe, lòng soi lên trăng).

Ai cũng cố nghĩ lấy một câu đối. Riêng đồng chí Hường đọc câu đối của mình:

“Hoa sinh thạch diện, diện sinh hoa”

“Nghĩa là: Hoa nở trên mặt đá, mặt nở hoa”

Đồng chí Ông Ké thốt lên vui vẻ:

- Ối, thế ra mặt rỗ rồi! (nguyên tiếng Quảng Đông nói “mìn phá” (diện hoa) có nghĩa là mặt rỗ).

Mọi người cùng phá lên cười vui vẻ.

Nghĩ thấy vế đối của đồng chí Ông Ké ra, lời lẽ thanh tao, ý tứ sâu sắc, nhân nhìn trước mặt có cái động núi đẹp đẽ, lúc trẻ tôi vẫn thường cùng bạn bè vào chơi, hét lên một tiếng có ngàn tiếng vang vọng lại. Tôi bèn nói:

- Tôi xin có một vế đối, và đọc:

- “Lôi minh không cốc, cốc minh lôi”

(Có nghĩa là: sấm gọi hang khoáng đạt rộng rãi, hang gọi sấm).

Đồng chí Ông Ké khen:

- Đối được! Nhưng đồng chí không làm rể mình được, vì đồng chí chỉ kém mình mười tuổi, lại đã có gia đình.

Mọi người lại cười ồ vui vẻ.,..”[7].

Tháng 12-1943, tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh dự một bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục Chính trị Đệ tứ Chiến khu chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Nguyễn Hải Thần đọc vế đối: “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh” (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng). Bác đối lại: “Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách” (Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách). Điều mà Nguyễn Hải Thần phải thốt lên “Bội phục!” là vế đối của Bác không chỉ đã vượt qua cái hóc hiểm của hai chữ chí minh cùng là tên của hai người khác nhau mà còn chỉnh cả ý lẫn lời, tầm ý nghĩa lại cao hơn[8]. Cũng với Nguyễn Hải Thần cuối tháng 5-1946, trước khi Bác sang Pháp, ông ta tặng Bác bài thơ: “Gặp gỡ đường đời anh với tôi/ Hai vai gánh nặng cả hai vai/ Tuy riêng Nam Bắc, riêng bờ cõi/ Cùng một ông cha, một giống nòi/ Nhỡ bước đành cam thua nửa ngựa/ Thà hơn miệng thế nói mười voi/ Mấy lời trân trọng ông ghi nhớ/ Nước ngược buông câu khéo mất mồi”. Người họa lại:

“Gặp gỡ đường đời anh với tôi

Đường đời gai góc phải chia hai

Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc

Há bỏ thân yêu, bỏ giống nòi

Trách kẻ đưa thân vào miệng cọp

Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi

Tàn cờ mới biết tay cao thấp

Há phải như ai, cá thấy mồi”[9].

Cả hai cùng có phong cách ngụ ngôn nhưng khẩu khí toát ra thì một trời một vực. Lúc cần thì đanh thép, quyết liệt như vậy nhưng khi cần tranh thủ thì đối với ngay tướng giặc cũng rất mềm dẻo. Ngày 8-2-1946, tiếp tướng R. Xalăng, Người nói: “Tôi biết tướng quân là người nhân hậu. Buổi chiều nay, chúng ta đã là bạn. Ngày mai có thể chúng ta sẽ là thù. Tôi mong chúng ta mãi sẽ là bạn”[10].

Ủng hộ, chào đón Cách mạng tháng Tám, một số văn nghệ sỹ viết khẩu hiệu: "Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta!". Bác bảo: Cách mạng tháng Tám do Đảng ta lãnh đạo chúng ta đấu tranh gian khổ với thực dân Pháp và phát-xít Nhật để giành lại chính quyền, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, chứ có ai đến giải phóng cho chúng ta đâu mà các chú làm khẩu hiệu "Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta"[11].

Ngày 1-6-1946 trên chuyến bay sang thăm Pháp, tướng Raoul Salan tháp tùng Hồ Chủ tịch hỏi: “Trong bản Hiệp định ngày 6-3, Ngài ký tên là Hồ Chí Minh. Nhưng tên chính của Ngài có phải là Nguyễn Ái Quốc không?”. Người đáp: “Cũng trong bản Hiệp định đó, vị đại diện của Chính phủ ngài ký tên là Sainteny, nhưng tên thật của ông ta chẳng phải là Jean Roger đó sao?”[12]. Ngày 28-5-1948, một nhà báo Pháp hỏi “Xin Chủ tịch cho biết dựa trên nguyên tắc nào mà phong tướng cho các vị chỉ huy?”. Người trả lời: “Chúng tôi đánh du kích chống thực dân Pháp nên cũng phong hàm một cách du kích. Ví dụ; cán bộ quân đội nào đánh thắng một quan ba Pháp thì phong làm quan ba. Theo nguyên tắc này…thì đồng chí Võ Nguyễn Giáp của chúng tôi đáng lẽ phải được phong mấy lần Đại tướng và Đô đốc…”[13].

Nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi kể “trong không khí bừng sôi thắng lợi của Đại hội (ngày 16, 17 - 8-1945.NTT), tôi hát bài Thanh niên cứu quốc (không hát bài Diệt phát xít như một vài người đã lầm). Tôi say sưa hát với tất cả sự cố gắng nhằm truyền cảm mạnh nhất đến toàn thể các đại biểu. Tôi hát to: "Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến! Tiến lên, tiến lên, theo cờ Việt Minh!". Tôi hoàn toàn không biết rằng Hồ Chủ tịch đang chăm chú lắng nghe tiếng hát của tôi.

Khi vừa hát xong, tôi bỗng nghe rõ riếng Hồ Chủ tịch: "Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì thật không hợp với tình hình! Chú nên hát gươm đây, gươm đây!"[14].

Ngày 23-4-1946, tướng Pháp mời Bác đi thăm hạm đội Pháp ở Vịnh Hạ Long. Tướng Đácgiăngliơ hỏi Người về cảm tưởng chuyến thăm. Bác nói: “- Các ngài biết đấy. Lịch sử nước chúng tôi đã từng ghi không một chiến hạm nào của quân xâm lược vượt qua được sông Bạch Đằng”.

Trên máy bay trở về Hà Nội, Bác nói với tướng Xalăng:“- Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược những dòng sông của chúng tôi”[15]. Đây là lời nhắc cũng là lời cảnh tỉnh cho tướng Pháp, có thể hiểu nhiều nghĩa: vì địa hình hiểm, dòng chảy dốc; và chúng tôi - những người kháng chiến sẽ không bao giờ cho những con tàu đó ngang nhiên xâm phạm đất nước chúng tôi.

Ngày 14-9-1946 Đô đốc Đácgiăngliơ tiếp Bác trên chiến hạm Pháp. Chúng xếp Bác ngồi giữa đô đốc thuỷ quân Thái Bình Dương và thống soái lục quân Viễn Đông. Đácgiăngliơ nói xỏ xiên: “Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine” (Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục quân và hải quân).

Bác trả lời:

“- Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, c’est le tableau qui fait la valeur du cadre!” (Nhưng mà đô đốc biết đấy, chính bức họa mới đem lại giá trị cho chiếc khung)[16]. Lời nói của Đácgiăngliơ là một ngụ ngôn, ý nói Chủ tịch (có thể hiểu rộng ra là Việt Minh) bị bao vây bởi lục quân và hải quân Pháp. Bác Hồ liền dùng ngay một ngụ ngôn khác để đập lại ngụ ngôn có ý xỏ xiên này, ý nói: chính chúng tôi “mới đem lại giá trị” cho lục quân và hải quân (Pháp). Lần khác cũng trong cuộc hội đàm diễn ra trên vịnh Bắc bộ, Cao uỷ Bôlae sững sờ nhìn Hồ Chủ tịch rồi tỏ vẻ trịch thượng, nói:

- Thưa Cụ. Tôi đang chiêm ngưỡng chân dung Cụ!

Bác nói ngay:

“- Cảm ơn Ngài Cao uỷ Bôlae đang chiêm ngưỡng Hồ Chí Minh vừa mới đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 xong. Và xin thưa với Ngài, chân dung của tôi càng tuyệt đẹp, nếu Ngài Cao uỷ là cái khung ảnh cho chân dung đó…”[17]. Lịch sử diễn ra đúng như vậy, sự thất bại của quân Pháp (như cái khung) càng làm cho thế giới thêm ngưỡng mộ Hồ Chí Minh (làm đẹp cho cái ảnh).

Năm 1949, trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ: “Chủ tịch thân Mỹ hay chống Mỹ?”. Người đáp ngay: “Tôi chỉ thân Việt”[18]. Đây là câu hỏi khó. Nếu trả lời là “thân Mỹ” hoặc “chống Mỹ” thì vụng bởi Mỹ là một đế quốc, “thân” thì rõ ràng không nhưng cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ (1945 một số sỹ quan Mỹ đã giúp ta). Nếu trả lời “chống Mỹ” thì không đúng vì lúc này ta đang chống Pháp, rất cần có chính sách phân hóa kẻ thù. Nếu trả lời “thân Mỹ” vừa không đúng với thực tế, vừa “mất lòng” các nước anh em, đồng thời gây hiểu lầm về mục đích cách mạng trong nội bộ nhân dân ta. Đây là ví dụ tiêu biểu cho cách ứng đối của các nhà lãnh đạo nước ta với báo chí nước ngoài. Tương tự với dẫn chứng trên, đồng chí Phạm Văn Đồng kể có nhà báo ngoại quốc có lần hỏi Hồ Chủ tịch thuộc đảng phái nào. Người đáp luôn: “- Đảng của tôi là Đảng Việt Nam”[19].

Đồng chí Lê Trang, nguyên Vụ trưởng Vụ Liên Xô - Đông Âu Bộ Ngoại giao kể: Tháng 1-1967 Bác gặp ông Quyntania, giáo sư Pháp, H.S. Axmôrơ, giáo sư Mỹ. Trả lời câu hỏi về vấn đề thương lượng, Bác nói: muốn nói chuyện, trước hết, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, sau đó, hai bên sẽ thỏa thuận về ngừng bắn ở miền Nam. Chúng tôi đang sống yên lành. Mỹ đến ném bom, rồi rêu rao ra điều kiện: muốn Mỹ ngừng ném bom, thì Việt Nam dân chủ cộng hoà phải trả giá nào đó. Như thế có khác gì một tên cướp ở Sicagô xông vào nhà đánh và doạ giết chủ nhà, rồi lại bảo nếu muốn nó ra thì chủ nhà phải trả giá!”[20]. Một so sánh tuyệt vời! Ở đây không có sự “thương lượng” nào hết, chỉ có kẻ cướp và chủ nhà, theo đúng đạo lý, kẻ cướp phải ra khỏi nhà đã thì mới có thể “nói chuyện” được!

Trong câu chuyện cuối năm vui vẻ, nhân nói về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đồng chí Lê Duẩn nêu câu châm ngôn: “Thuận vợ thuận chồng bể đông tát cạn”. Bác liền góp ý một cách bất ngờ:

“Những người một mình thì thuận với ai?”

Tất cả ồ lên thích thú vì câu nói vui mà bình dị, nhưng không ai dám trả lời câu hỏi ấy. Bác nói:

“Một mình thì phải làm việc bằng hai”[21].

Luật sự Phan Anh nhớ lại cuối năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn... Các cơ quan Trung ương được lệnh di chuyển... Chính vào những ngày đó tôi đã nhận được thư của Bác:

Đêm khuya nhân lúc quan hoài,

Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Nước nhà đương gặp lúc gay go,

Trăm việc ngàn công đều phải lo.

Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức,

Sức nhiều thắng lợi lại càng to”

... Bác không những làm thơ tiếng Việt mà còn làm nhiều thơ chữ Hán; làm xong thường gửi cho các nhân sỹ, trí thức, ai có điều kiện thì họa lại, gửi lên Bác. Trường hợp Bác làm thơ gửi Cụ Bùi Bằng Đoàn, rồi Cụ Bùi làm thơ họa thơ Bác là một ví dụ”[22].

Vẫn lời đồng chí Phan Anh, “Năm 1950, một hôm Hội đồng Chính phủ họp trong rừng, đêm khuya, trăng lên rất đẹp, rất nên thơ. Bên cửa sổ, Bác bỗng nảy ý thơ, Bác viết ngay bài thơ bằng bút chì và đưa tôi đọc:

Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ

Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền

Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu

Huề chẩm song bàng đối nguyệt miên[23].

Tháng 5-1965, ngày 19, giờ Thìn (8h30), từ Bắc Kinh đi Sơn Đông, giờ Mùi (14h) Bác vào dâng hương tại Khổng Miếu. Người ứng tác một bài thơ có tên Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ[24].

Theo cổ nhân, ứng đối giỏi phải là người giàu có vốn ngôn ngữ, trí tuệ, nhất là hiểu, hiểu người giao tiếp, hiểu mình. Bác Hồ đã đáp ứng tốt nhất những điều ấy!

H.N


[1]. Nguyễn Lộc-Nguyễn Mạnh Bính kể- Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 139.

[2]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 4, tr 50.

[3]. Hoàng Quốc Việt - Con đường theo Bác. Nxb Thanh Niên, 1990. tr 258.

[4]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, Tập 6, tr 14.

[5]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, Tập 6, tr 174.

[6]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, Tập 6, tr 179.

[7]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 259.

[8]. Theo Hoàng Tranh- Hồ Chí Minh với Trung Quốc, chuyển dẫn từ Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 2, tr 202.

[9]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 234.

[10]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 152.

[11]. Phạm Văn Khoa kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 248.

[12]. Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh nhà văn hóa của tương lai. Nxb Thanh Niên, 2009. tr 124.

[13]. Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh nhà văn hóa của tương lai. Nxb Thanh Niên, 2009. tr 126.

[14]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, Tập 1, tr 41.

[15]. Nguyễn Chí Thắng, Nguyễn Ngọc Đào, Lê Kim Dung (Biên soạn và tuyển chọn) - Bác là Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2004, tr 21.

[16]. Bác Hồ với tiếng nước ngoài. NXb Tổng hợp Sông Bé, 1990, tr 26.

[17]. Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chính khách quốc tế (biên soạn: Trần Đương, Nguyễn Thị Minh Hương). Nxb Thông tấn, 2006. tr 226.

[18]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 389

[19]. PGS.TS Đinh Xuân Dũng chủ biên - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Nxb Giáo dục, 2008, tr 42.

[20]. Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao - Nxb Chính trị Quốc gia, 1999 tr 272.

[21]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 116).

[22]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011.tr 354).

[23]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011.tr 355).

[24]. Sơn Tùng - Bác ở nơi đây - Nxb Thanh Niên, 2008. tr 40.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)