. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
1. Giáo dục học hiện đại của thế giới cứ dạy rằng muốn có ngôi nhà nhân cách con người vững vàng thì phải xây trên nền móng đức, trí, thể, mỹ. Thực ra những điều ấy đã có trong cổ tích xứ Việt ta!
“Sự tích con thạch sùng” kể có người tên Thạch Sùng rất nghèo kiếm sống bằng nghề ăn mày, nhờ tằn tiện tích cóp dần dần có ít vốn rồi gặp và biết tận dụng cơ hội mà trở nên giàu có. Tậu nhiều trâu bò vườn ruộng, rồi mua lúa rẻ, cho vay nặng lãi, nhiều vốn ông ta buôn to bán lớn. Thuyền buôn của Thạch Sùng đi khắp nơi, lại thông đồng với bọn cướp làm những chuyện vô nhân nên kiếm được rất nhiều của cải, tiền vàng châu báu như nước đổ về… Ông ta trở thành đại phú gia!
Phàm là người, ai cũng có ít nhiều tính tham. Nhưng lòng tham của kẻ giàu có lại ít học và thất đức thì không có đáy. Thạch Sùng nghĩ cách “hối lộ” vua để có tước quận công. Từ đó Thạch Sùng có tiền, có danh, lại có quyền, trong trướng phủ có tới hàng ngàn kẻ hầu hạ ăn mặc toàn đồ lụa là gấm vóc...
Nhưng một phút bốc đồng Thạch Sùng sa vào một canh bạc lớn nhất là thách của với một kẻ giàu khác và bị trả giá không chỉ mất hết tài sản, gia đình còn mất cả mạng sống!
Vì chỉ có mánh khóe của kẻ đi buôn chứ không có tri thức nhờ học hành, càng không có văn hóa ứng xử của người tử tế nên dân gian đã bắt Thạch Sùng phải chết, chết cay chết đắng, chết rồi còn biến thành con thạch sùng suốt ngày đêm kêu tiếc của!!!
Chi tiết “cái mẻ kho” rất đắt, như cái gương soi của nhân quần: đừng bao giờ quên quá khứ, cho dù là quá khứ nghèo khổ. Đó là bài học giáo dục lòng tri ân lịch sử, nhớ về nguồn gốc, nếu không con người sẽ như cái cây không có cội rễ. Thạch Sùng giàu có nhưng lại quên mất thuở hàn vi!
Như một sự bổ sung cho truyện “Sự tích con thạch sùng” về bài học làm giàu phải có đạo đức, người giàu phải tuân theo đạo lý, “Đồng tiền Vạn Lịch” cũng thật ý nghĩa. Có người lái buôn tên Vạn Lịch giàu có vào hạng nhất nhì trong nước. Đồ dùng toàn bằng vàng bạc. Một hôm thuyền buôn đậu ở bãi vắng, có người đánh giậm ở đâu đến xin Mai Thị - vợ Vạn Lịch một miếng trầu cho đỡ rét. Thấy cảnh vợ “tình tứ” với trai lạ, cơn ghen nổi lên Vạn Lịch xỉ vả vợ thậm tệ rồi đuổi đi...
Thấy vợ thương người mà giúp người, lẽ ra phải khen, phải phục thì ông ta lại mắng chửi. Đó là trái về đạo làm người. Đuổi vợ là trái về đạo vợ chồng. Về sau Vạn Lịch bị sạt nghiệp vì thua lỗ... Đấy là ánh sáng xa xưa của cổ tích hắt về rồi đọng lại: ở ác gặp ác! Nhưng ý nghĩa phổ quát thì rộng dài hơn nhiều: dù giàu sang hay nghèo khổ con người ta phải có chữ “tâm” làm đầu. Vạn Lịch thì ngược lại. Người vợ hiền lành tử tế mà ông ta còn đuổi đi, huống hồ người ngoài! Hối hận, Vạn Lịch giao tất cả tài sản cho Mai Thị rồi tự vẫn... Mai Thị xin vua lấy số tài sản ấy quy ra vàng rồi đúc thành loại tiền có tên “Đồng tiền Vạn Lịch”. Một cái kết tỏa ra ánh sáng đạo lý: tiền vàng quý thật nhưng quý hơn là tình người, danh dự con người. Khép lại về câu chữ nhưng dư âm của câu ca dao kết truyện sẽ vọng mãi trong nhân gian: “Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng...”. Không phải là “khắc” mà là “thích”? Ngày xưa người ta dùng chữ “thích” (thích chữ vào mặt) dành cho những tội nhân bị lưu đày với nghĩa khắc sâu để phơi bày cái xấu. Cái xấu xí của Vạn Lịch vẫn còn đến muôn đời!
Tưởng rằng chỉ có trong cổ tích nhưng ở thời nay lại “sống” dậy nhiều những Thạch Sùng, Vạn Lịch. Những “đại gia” giàu có ngang ngửa Thạch Sùng vẫn thường rao giảng đạo lý kinh doanh phải coi lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên hết... bỗng tự nhiên dắt díu nhau vào nhà giam. Mới lộ ra cái kiểu làm giàu chẳng khác gì, thậm chí mánh khóe “hiện đại” còn kinh khủng hơn, nguy hiểm, nhẫn tâm hơn Thạch Sùng nên cái kết tất nhiên cũng như Thạch Sùng, Vạn Lịch! Cũng là do thiếu cái “tâm”, thừa cái tham. Thiếu sự tu dưỡng học tập, ngay cả những bài cổ tích quen thuộc cũng không chịu học!!!
Ai cũng thích giàu có lắm tiền nhiều của. Nhưng ngôi nhà tài sản phải xây trên nền móng đạo lý mới bền chắc!
Cổ tích Việt Nam có câu chuyện “Cây khế” giáo dục sâu sắc về chữ “Tham”. Người em nghe lời chim đại bàng “may túi ba gang” đến đảo xa lấy vàng ngọc mà từ nghèo khổ trở nên giàu có sung sướng. Trái lại, người anh “may túi mười hai gang” nên kết quả không chỉ là vàng ngọc rơi xuống biển mà anh ta còn phải trả giá bằng cái chết. Chưa thể khẳng định đây là một kết tinh của tiếp biến văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt nhưng câu chuyện cắt nghĩa chữ “Tham”, đúng như lời nhà Phật thì nó là đầu mối sinh ra mọi câu chuyện tiêu cực, tác hại khôn lường. Bài học dạy người ta phải thật thà, hiền lành, lấy đó làm nền tảng để xây dựng ngôi nhà nhân cách vững vàng trước mọi bão tố cám dỗ.
2. Rễ cây đại thụ văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ lan sang mảnh đất Việt, hợp thung thổ nảy mầm cây Phật giáo Việt Nam. Cây lớn lên, trưởng thành ra hoa kết trái tư tưởng mang hương vị liên văn hóa Phật giáo và bản sắc Việt. Phật giáo từng được coi là con đường giáo dục rất hiệu quả.
Phật tích còn ghi lại câu chuyện thấm thía có tên là “Con chim ưng và bậc quân vương” kể có một vị vua tài giỏi đánh đâu thắng đấy, đã vậy ông còn có tính thương người nên rất được lòng dân. Một hôm cùng con chim ưng đi săn trong rừng, khát nước ông tìm đến chân núi nơi có dòng suối chảy định bụng uống cho thỏa. Vừa đưa cốc nước lên miệng thì bỗng đâu con chim ưng sà tới hất bay. Thấy lạ nhưng ông vẫn tiếp tục. Lại bị con chim hất tiếp. Ông nổi nóng nhưng cố nén. Đến lần thứ ba thì không kìm được, ông rút gươm chém bay đầu chim quý. Chim chết làm ông bừng tỉnh. Vì nó là cánh tay phải của ông. Nó báo tin chính xác về kẻ thù. Nó mách hướng đi an toàn. Nó kiếm thức ăn lúc ông bị đói... Thẫn thờ, bàng hoàng quên cả khát, ông trèo ngược lên núi xem sự thể ra sao. Ông rùng mình rồi khụy xuống. Giữa suối có một con rắn rất độc bị chết đã thối rữa... Nếu uống nước suối ấy thì cầm chắc cái chết! Thế là trong một giây nóng giận ông đã giết chết ân nhân của mình!
Phật luôn dạy môn đệ của mình cố mà tránh “tham, sân, si”. “Sân” có nghĩa là nóng giận. “Si” có nghĩa là mê đắm, mê muội. Nhưng người ta cho rằng, người trần chỉ cần tránh hai chữ đầu là đủ. Ông Anhxtanh – nhà bác học vĩ đại của thế giới rất mê và tin Phật giáo cũng khẳng định điều đó!
Hình như nhờ thế mà phương Đông ít chiến tranh hơn. Con người cũng điềm đạm hơn!
3. Nhưng ở phương Tây xa xôi thì chiến tranh cứ liên miên. Thần thoại Hy Lạp cổ cắt nghĩa, lý giải nguyên nhân bằng hình tượng quả táo, cũng là cách mượn thế giới thần thánh để nói về con người hạ giới. Trong một bữa tiệc do thiên đình tổ chức, vì bị quên mời nên giận dỗi, tức tối, nữ thần Bất hòa nghĩ cách gây sự. Thần bèn lăn ra bàn một quả táo vàng có khắc chữ “Tặng người đẹp nhất”. Các nữ thần đều muốn mà chẳng ai dám cầm, chỉ có ba tiên nữ nhất định muốn sở hữu để khẳng định mình là người đẹp nhất: Hê-ra - vợ Thần Dớt, vua của các vị thần; nàng A-tê-na - nữ thần Trí tuệ; nàng Vệ nữ - nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu. Chẳng ai chịu ai, thiên đình đành nhờ Pa-rit - chàng trai đẹp nhất châu Á phân xử. Là người trần nên Pa-rit dễ xiêu lòng trước lời hứa sẽ giúp mình làm chồng một người đẹp nhất châu Âu mà chàng xử phần thắng cho thần Vệ nữ. Không ngờ đấy là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh mười năm giết hại biết bao sinh linh giữa hai bên là Tơ-roa và Hy Lạp. Từ đấy loài người lấy hình tượng “quả táo bất hòa” để chỉ nguyên nhân gây ra những xung đột, bạo lực là do không nhường nhịn nhau… Dưới góc nhìn Phật giáo thì nguyên nhân cũng chỉ là do “tham”. Cả ba tiên nữ đều tham cái danh hiệu không đâu để cho loài người hạ giới khốn khổ!!!
Xu hướng chung của thế giới vẫn là giao lưu, đối thoại nên luận điểm “Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây” đã lạc hậu. Để giải quyết bất hòa, tháo ngòi nổ xung đột ở tầm khu vực và quốc tế, hiện nay thế giới đang đổ dồn về nghiên cứu phương Đông, chú mục vào các bài giảng về hòa bình của hai tôn giáo/triết học lớn là đạo Phật và đạo Nho đã tìm ra nguyên nhân bất hòa xung đột, tìm thấy cái chìa khóa có thể mở ra hòa bình không chỉ cho các quốc gia mà còn cho mọi cá nhân. Đó là chữ “Tham” và chữ “Nhẫn” mang tầm phổ quát cho cả nhân loại.
Muốn loại bỏ “tham” phải dùng chữ “nhẫn”. Trong tiếng Hán chữ “nhẫn” được ghép từ chữ “đao” ở trên và chữ “tâm” ở dưới, tức con dao nằm ngay trên tim. Hàm ý tượng hình của “nhẫn” là nếu không giữ được cái tâm yên ổn, nhẫn nhịn thì lưỡi dao sẽ rơi xuống tim vô cùng nguy hiểm. Lại có thể “chiết tự” chữ “nhẫn” cấu thành bởi 3 bộ: bộ “đao”, bộ “phiệt” ghép cùng chữ “nhận” để chỉ một thứ vũ khí. Chữ “nhận” ghép với chữ “tâm” thành chữ “nhẫn”, ý nói dù có bị kẻ khác vô cớ gây sự nhưng nhờ chữ “tâm” nhẫn nhịn mà có thể đổi dữ thành lành...
Cả Nho và Phật dùng chung ý nghĩa chữ “nhẫn” là sự nín nhịn, chịu đựng. Phật giáo cụ thể hơn chia “nhẫn” thành 3 phương diện gắn liền với mỗi người: thân nhẫn (hành động nhẫn), khẩu nhẫn (ăn nói nhẫn nhịn, mềm mỏng) và ý nhẫn (ý chí nhẫn nhịn). Phật còn dạy để có “hạnh nhẫn” tức con người tự điều chỉnh được ý muốn không bị dục vọng lôi kéo phải đảm bảo được 3 điều: Không oán hận kẻ gây hại cho mình (oán hại nhẫn); chịu đựng mọi sự khó khăn, đau khổ (an thọ khổ nhẫn); thấy được bản chất sự vật (đế sát pháp nhẫn). Được vậy thì mới đạt trí tuệ, từ bi để giải thoát!
4. Ông tổ Đạo Nho là Khổng Tử dạy: “Việc nhỏ không nhẫn, việc lớn ắt hỏng”. Ông đề cao “chính nhân quân tử” với lối ứng xử “không có điều gì phải tranh giành”, tức kẻ quân tử không cần tranh giành lợi lộc, ngôi thứ. “Luận Ngữ”, một bộ sách rất quan trọng của đạo Khổng còn ghi câu chuyện Khổng Tử dạy học trò Tử Lộ: “Răng cứng nên mới dễ gãy, lưỡi mềm mới dễ bảo tồn. Mềm mại nhất định thắng cứng rắn, nhỏ yếu lại có thể thắng lớn mạnh. Ham tranh đấu nhất định sẽ bị tổn thương, một mực khoe dũng mãnh nhất định sẽ dẫn tới diệt vong. Thái độ căn bản để làm mọi việc là: Nhẫn nhịn là tốt nhất”. Ông đề cao tính điềm đạm và coi sự “phẫn nộ” nóng nảy sẽ làm quên cả người nhà và chính bản thân. Môn đệ của ông truyền nhau bài học chữ “nhẫn” của Lạn Tương Như.
Liêm Pha và Lạn Tương Như đều là công thần, danh tướng nước Triệu. Liêm Pha trưởng thành từ sa trường đánh đông dẹp bắc còn Tương Như nhờ sự tinh nhanh tháo vát và gặp may mà đi lên. Liêm Pha coi thường rồi ghen tức công khai đố kỵ Tương Như. Biết vậy nhưng Tương Như vẫn bình thản nín nhịn, chỉ không chịu gặp mặt Liêm Pha, có thấy cũng cố tránh. Có người thấy thế khích Tương Như rằng thế là chịu nhục. Vạn bất đắc dĩ Tương Như mới giãi bày sở dĩ nước Tần hùng mạnh không dám xâm phạm nước Triệu là vì có Tương Như ta và Liêm Pha tướng quân. Hai con hổ đánh nhau tất cả hai đều phương hại. Ta vì nước mà nhẫn nhịn thì có gì nhục! Liêm Pha nghe được, hiểu ra bèn thân hành đến nhà Tương Như tạ lỗi. Nước Triệu từ đó càng mạnh lên!
Sau này để nhắc nhở răn dạy người tu hành, nhà Phật hay lấy hình tượng Đường Tăng trong “Tây du ký” tuy người trần mắt thịt nhưng nhờ giàu có ý chí, tính tình điềm đạm, kiên nhẫn mới có thể thu phục Tôn Hành Giả và Trư Bát Giới để hàng phục yêu quái mà đến được nước Phật. Yêu quái ở đây chính là biểu tượng cho những gian nan vất vả ở đời. Kinh Phật là biểu tượng cho lý tưởng ở đời. Còn đạo Nho hay lấy tấm gương kẻ quân tử là Lưu Bị trong “Tam quốc diễn nghĩa” vô cùng kiên trì, nhẫn nại mời Khổng Minh làm quân sư nhờ vậy mới nổi cơ đồ.
Các nhà nghiên cứu phương Tây còn tìm sang cả Đạo Giáo cũng thấy quan niệm “Lạt mềm buộc chặt” (theo một thành ngữ Việt Nam). Lão Tử giảng giải con người ta tuân theo đạo Trời thì đừng giành giật nhau sẽ bình an... Sau này các môn đệ Đạo Giáo khái quát lời dạy của Thầy thành “chân truyền”: “Tha thứ, tha thứ, tha thứ, các tai họa sẽ biến mất. Nhẫn nhịn, nhẫn nhịn, nhẫn nhịn, kẻ thù sẽ không còn!”
Người ta cũng tìm thấy trong văn hóa Việt có những câu vàng ngọc, như: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Người Việt còn có cả một bài học đạo lý làm châm ngôn giữ gìn hòa bình cho cả mọi quốc gia, cho mọi gia đình: “Cái gốc trăm nết/ Nết nhẫn nhịn là cao/ Cha con nhẫn nhịn nhau/ Vẹn tròn đạo lý/ Vợ chồng nhẫn nhịn nhau/ Con cái khỏi bơ vơ/ Anh em nhẫn nhịn nhau/ Trong nhà thường êm ấm/ Bạn bè nhẫn nhịn nhau/ Tình nghĩa chẳng phai mờ!”
Thì ra cuộc đời có nhiều cánh cửa. Mở ra cánh “Tham” sẽ bước vào thế giới chiến tranh, loạn lạc, mất mát, đau buồn. Mở ra cánh “Nhẫn” sẽ bước vào không gian thái bình, an lạc, thanh nhàn.
Nhưng hình như văn chương thời nay quên nhiệm vụ giáo dục nên đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. “Phi cổ bất thành kim”, “Ôn cố tri tân”. Đấy là chân lý cũng là nguyên lý trong sáng tạo nghệ thuật, nhất là với văn chương!!!
N.T.T
VNQD