. HUỆ NINH
Đến hẹn lại lên, cứ ba năm một lần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lại tổ chức một cuộc hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc, nhằm vinh danh những tác phẩm có giá trị và khẳng định tài năng của nghệ sĩ. Năm nay, dù dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc vẫn được diễn ra tưng bừng theo cách riêng. Đó là sự cố gắng, nỗ lực vượt mình, là tình yêu, tâm huyết cao độ với nghề của tập thể anh chị em nghệ sĩ và các đoàn nghệ thuật. Đó cũng là sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo đối với ngành sân khấu kịch nói. Để phù hợp tình hình hiện tại, khác những mùa hội diễn trước khi mà các đoàn nghệ thuật tập trung diễn vào một thời điểm thống nhất, năm nay ban tổ chức đã chia hội diễn toàn quốc thành hai đợt.
Đợt 1, hội diễn sân khấu được tổ chức tại Hải Phòng vào đầu tháng 11 năm 2021 với sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật khu vực phía Bắc bằng 20 vở diễn. Đến đầu tháng 1 năm 2022, đợt 2 của hội diễn được tổ chức rầm rộ tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 20 đơn vị nghệ thuật phía Nam ở 26 vở diễn. Hội diễn là cuộc thi đề cao tính chuyên nghiệp sân khấu, có ý nghĩa quan trọng để khẳng định thương hiệu của từng đơn vị nghệ thuật.
Hội diễn năm nay, nhiều huy chương đã tìm được chủ nhân, bộc lộ toàn diện tinh hoa của nền sân khấu kịch nói Việt Nam hiện đại, đồng thời một số vấn đề đáng suy ngẫm cũng hiển hiện.
Đợt 1 diễn ra trong lúc tình hình dịch Covid ở mức căng thẳng, nên các vở diễn đều được quay, phát trực tiếp trên mạng internet - trang “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”. Ban tổ chức không bán vé. Số vé mời phát ra ít ỏi. Khán giả ở đâu cũng có thể dễ dàng xem miễn phí qua mạng. Các đơn vị nghệ thuật gần như không giao lưu với nhau, càng chẳng có sự tiếp xúc với khán giả. Đoàn nào thi xong phần của mình rồi thì ra về luôn, khi bế mạc mới cử đại diện tới dự. Cho nên, nhiều vở diễn xong, dưới khán đài chỉ có duy nhất hàng ghế giám khảo có người. Giám khảo là ai, làm việc ra sao, vấn đề này có lẽ cần bàn thảo ở dịp khác. Song, một thực tế dễ thấy là sân khấu ít dành cho khán giả, không có sự đánh giá trực tiếp từ khán giả đại chúng. Khán giả xem qua mạng thì chẳng thể cảm nhận hết giá trị của một tác phẩm nghệ thuật sân khấu. Bởi vậy, sự đánh giá đôi khi cũng chỉ ở mức tương đối.
Vấn đề khán giả là vấn đề nổi cộm của toàn ngành sân khấu khi mà hiện nay hàng loạt đoàn nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp vắng bóng người xem. Nhiều sân khấu danh tiếng trong Nam, ngoài Bắc trước kia đỏ đèn tưng bừng, thì nay ngao ngán đóng băng. Biên chế giảm hàng loạt, nhiều “ngôi sao” chạy show ở các sân chơi khác, hoặc tự “bơi” theo khả năng của mình. Không ít sân khấu xã hội hóa trụ chẳng nổi đã phải ngậm ngùi tan rã. Vậy thì, hội diễn lần này tổ chức ra không lẽ chỉ dành cho một số vị “tai to mặt lớn” định giá các kiểu huy chương, tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ xét danh hiệu thường niên, rồi sau đó “đắp chiếu” các vở vô hạn định hay sao? Trong khi để đầu tư cho một vở đi hội diễn, mỗi đơn vị phải đổ không biết bao nhiêu tiền của, công sức, thời gian vào đó. Vấn đề này đã được cải thiện phần nào tại hội diễn sân khấu đợt 2 tại thành phố Hồ Chí Minh ở thời điểm nơi này đã trở thành “vùng xanh”, mọi hoạt động bắt đầu mở cửa trở lại. Ban tổ chức không quay phát vở diễn lên sóng, mà bán vé trực tiếp. Có một số vở đã cháy vé như vở Lạc giữa biển người diễn thi vào tối 7/1/2022. Điều đó chứng tỏ khán giả không hề quay lưng với sân khấu, quan trọng là sân khấu đã đáp ứng được nhu cầu của họ hay chưa. Và càng khẳng định sân khấu là dành cho khán giả đại chúng, chứ không phải chỉ phục vụ một mục đích nào đó. Dù nghệ sĩ đoạt được danh hiệu, hay đoạt huy chương cao quý thế nào, vở diễn được giám khảo đề cao, tung hô đến đâu mà không có khán giả thì cũng coi như một thứ “bom xịt”, một kiểu “hư danh”. Như vậy, giá trị của huy chương, tầm ảnh hưởng của hội diễn không phải là sự định giá cao nhất cho một tác phẩm sân khấu, không là điều kiện khẳng định sức sống cho sân khấu kịch nói hiện nay.
Làm sao để có khán giả? Chìa khóa nào để khán giả nô nức đến với sân khấu? Đó luôn là câu hỏi khiến bao người làm nghề phải trăn trở. Nhìn vào dòng chảy của ngành này nói chung và các vở diễn trong hội diễn sân khấu đợt 1 nói riêng, chúng ta có thể nhận thấy hai vấn đề cốt lõi của “chiếc chìa khóa” này.
Vấn đề kịch bản
20 vở diễn tham gia liên hoan sân khấu kịch nói tại Hải Phòng thể hiện sự đa dạng về đề tài từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị với nhiều góc nhìn, ở các kiểu nhân vật. Các tác giả không ngại ngần hay né tránh đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc. Nhiều vở diễn đã đi sâu vào vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng, chống tha hóa nhân cách trong xã hội như Trái tim thành phố, Tình bạn và công lí, Hố đen, Vầng sáng… Trưởng ban sáng tác Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là NSND Giang Mạnh Hà đã nhận định: Những tác phẩm tham dự liên hoan năm nay chứng tỏ ưu thế của thể loại sân khấu tiên phong khi khai thác trực diện nhiều vấn đề của thời cuộc… Tuy nhiên, kịch bản được triển khai đến đâu và dàn dựng thế nào, đạt hiệu quả ra sao lại là chuyện khác.
20 vở diễn - 20 câu chuyện được cho là tiêu biểu trong xã hội, nhưng đã thực sự tiêu biểu hay chưa khi mà còn rất nhiều kịch bản khai thác về những cuộc đời xưa cũ, với nhiều tình huống éo le dễ đoán. Đa phần các vở vẫn hướng tới đề tài có tính an toàn cao như lịch sử, hậu chiến, chuyển thể, phóng tác từ tác phẩm kinh điển như Hoạn Thư ghen, Thị Nở - Chí Phèo, Hà thành chính khí, Con đò của mẹ, Làng song sinh, Non thiêng... Nhà báo Cao Ngọc trong một bài viết của mình đã rất có lí khi khẳng định lại rằng: Mũi nhọn của sân khấu kịch nói chính là đề tài hiện đại nóng hổi, thậm chí chưa có lời giải thỏa đáng từ hiện thực đời sống, để từ đó đưa ra được những dự báo hay định hướng dư luận. Điều này khiến kịch nói có nhiều đặc điểm và uy lực không giống kịch hát dân tộc hay một số loại hình nghệ thuật khác. Nhưng hầu như 20 câu chuyện ở đây quá ít đào bới từ chất liệu đời sống thực tại, chưa nhiều kịch bản đi trúng vào vấn đề hôm nay. Câu chuyện các vở diễn chứng minh các nhà viết kịch chưa trả lời được câu hỏi: Khán giả bây giờ cần gì ở sân khấu kịch nói? Những vấn đề tham nhũng, tha hóa nhân cách nhan nhản trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội, người ta đâu còn thấy lạ lẫm hay xúc động đặc biệt gì với nó nếu nó không trực tiếp liên quan đến họ. Họ có thực khát khao muốn biết về chuyện quá khứ như trong Con đò của mẹ, muốn xem những éo le có phần phi lí, áp đặt ở chuyện của vở Làng song sinh hay không? Hình như những nội dung ấy từng xuất hiện xa xôi đâu đó trong quá khứ hay của ai đó, chưa thực sự là vấn đề nổi cộm, cấp bách hôm nay, chưa nói được tiếng nói đông đảo người xem muốn dù nội dung có li kì, éo le thế nào, được trình diễn công phu ra sao.
Kịch bản là yếu tố quan trọng số một, mang ý nghĩa quyết định sống còn cho một vở diễn. Dù các yếu tố khác như công tác đạo diễn, bối cảnh, phục trang, hóa trang, thiết kế mĩ thuật… có hoàn hảo cỡ nào mà kịch bản yếu, câu chuyện dở thì vở diễn cũng chết. Thực tế chứng minh, những câu chuyện kịch kinh điển của thế giới và Việt Nam sống mãi là nhờ tài năng của biên kịch. Chỉ một vở kịch Êdốp đã làm cho hàng chục vạn người dân các thành phố ở Mĩ xuống đường đấu tranh cho độc lập tự do. Chỉ có vở kịch Romeo - Juliet đã làm cho nhiều dòng họ và nhiều nước nhược tiểu xoá bỏ hận thù. Vở Herostratus - vụ án người đốt đền làm người xem kinh sợ, lánh xa những thấp hèn và tội ác... Câu chuyện tốt ắt có sức trường tồn; nó kéo theo sự thành công, tỏa sáng của các thành phần khác như đạo diễn, diễn viên. Dù diễn viên Anh hay diễn viên Việt, dù tài năng đỉnh cao hay chỉ là sinh viên mới ra trường khi diễn Hamlet hoặc Hồn Trương Ba, da hàng thịt vẫn có sức lay động nhất định. Nhưng một thế kỉ qua, ngành sân khấu kịch nói nước ta đi qua bao thăng trầm cũng chưa tìm được nhiều câu chuyện động tới “dây thần kinh xã hội”, chẳng có mấy tên tuổi tác giả được định danh. Ba mươi năm nay, người ta vẫn chỉ dựng đi dựng lại những kịch bản của Lưu Quang Vũ là chủ yếu. Vậy vấn đề chính của thời đại, của nhân dân ngày nay được phản ánh trong sân khấu kịch nói là gì? Hội diễn sân khấu kịch nói năm 2021 có câu chuyện nào thực sự ấn tượng, đáng nói, đáng nhớ, có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng? Không có câu trả lời thích đáng cho điều ấy, vậy mà đến 6 huy chương vàng được rải cho 6 vở trên tổng 20 vở. Vở nào cũng có giải, dù ít hay nhiều, cao hay thấp. Đó là sự trao giải hay chỉ là sự chia giải? Đó thực sự là sân khấu chuyên nghiệp hay là hoạt động theo kiểu phong trào? Một làng toàn đẻ song sinh có đáng tin không? Những chuyện giả trá giữa người với người, sau đó bị giáng đòn của luật nhân quả sao nhiều thế, na ná ở đâu đó thế? Sao không miêu tả một ông vua vượt qua những gian truân thử thách để đánh đuổi ngoại xâm, giải quyết những khó khăn của dân tình, mà lại tôn vinh, khắc họa thời điểm ông ta buông bỏ nhân gian để lên núi tu hành như trong vở Non thiêng?… Hầu hết các câu chuyện đều cơ bản đi đến cái kết tròn trịa, có hậu, người xấu bị trả giá, công lí được khẳng định, nhưng sao trên sàn diễn vẫn nhiều kẻ xấu, nhiều người bị tha hóa đến vậy? Cách nhìn phổ biến ấy liệu có sức cảm hóa, có thật nhân văn và có đáng tin, đặc biệt khi mà cái tốt cứ khô cứng, rồi chiến thắng theo dạng khiên cưỡng, dễ dàng thì có thực sự thuyết phục, có sức sống hay không? Chẳng hạn trường hợp vở Vầng sáng, người bạn là thanh tra đã vì công lí mà đành đưa người bạn thân tham nhũng của mình vào vòng lao lí. Anh ta chỉ đau khổ một cách ước lệ, không có sự tổn thương đáng kể nào...
Bi kịch của người phụ nữ thời hiện đại ở vở Đường chân trời tưởng phổ biến mà lại đầy vô lí, phản cảm và khu biệt. Một người đàn bà chỉ vì cô đơn trong cuộc sống gia đình nhạt tẻ mà sẵn sàng phá bỏ tổ ấm để đi thỏa mãn bản năng. Nhân vật đó còn được mặc định là người thông minh, giỏi giang. Người chồng không hề ngược đãi hay mâu thuẫn gì thái quá. Sự tẻ nhạt chị đối mặt là trạng huống của vô vàn phụ nữ hiện nay. Tuy nhiên giải pháp của chị lại khó chấp nhận. Tác giả chẳng rõ là phê hay ca, cứ bàng bạc thể hiện câu chuyện trên sân khấu theo ý chủ quan của mình. Một người phụ nữ hiểu biết, nhạy cảm, nhiều tiền sao có thể dễ dãi đưa người tình của mình tới công viên hú hí đến mức con cái nhìn thấy, dư luận lên án, trong khi chưa li hôn chồng? Hàng loạt tình tiết vô lí kiểu ấy cứ khơi khơi tiếp diễn. Phê phán người chồng mải làm ăn quên hâm nóng hạnh phúc gia đình hay ca ngợi lòng vị tha của anh ta khi giang tay tha thứ cho người vợ tội lỗi? Rất nhiều lỗ hổng trong kịch bản, sự thiếu thuyết phục ở nhiều chi tiết khiến đề tài dù rộng, tình huống dù gay cấn, sự đầu tư dù công phu thì vở diễn vẫn chỉ là một sản phẩm chưa chín.
Ngược chiều gió là một trong những vở ít ỏi khắc họa câu chuyện ở nhiều vấn đề nóng bỏng của thời đại. Nhân vật sinh động, gần gũi, cùng với ngôn ngữ mang tính văn học cao, nhưng cái kết lại nhẹ hều, chẳng hề tương xứng với vấn đề truyện kịch đặt ra. Nó khiến tổng thể vở diễn trở nên chông chênh, chập chuội. Đề cập tới chuyện giáo dục, thì lại kết về chủ đề gia đình. Nhân vật trung tâm tưởng được ca ngợi, trở thành biểu tượng bởi sự mạnh mẽ, mới mẻ thì cuối cùng lại nhạt nhẽo, nhòa mờ. Cái kết khiến người xem hoang mang không hiểu “ngược chiều gió” ở đâu, nhân vật trung tâm là người con hay người bố, tác giả thực sự muốn phản biện điều gì, bênh vực điều gì...
Vở Hoạn Thư ghen là tiếng nói thương cảm về số phận phụ nữ nói chung như quan điểm của Nguyễn Du “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung…” bằng việc lấy một lát cắt trong Truyện Kiều đem viết lại để bênh vực cho nhân vật Hoạn Thư. Đây là một kiểu “huyền thoại lộn trái” xuất hiện trong văn chương hiện đại. Song, dù diễn viên nhập thân hết mình, tâm huyết hết độ, các thành phần sáng tác cũng cố gắng gia công đầu tư vào vở diễn nhưng nhân vật Hoạn Thư vẫn chưa lật ngược lại điều gì đáng nói, chưa thực sự lay động thuyết phục sâu sắc tới người xem.
Chuyện Cái ao làng nói đến xã hội hiện đại ô nhiễm từ môi trường cho tới nhân cách con người bởi một số kẻ hủ lậu cầm đầu thao túng quyền lực. Tuy nhiên, cách khai thác và thể hiện câu chuyện chưa tới khiến vở diễn bị tản mát. Dù ý tưởng có vẻ tốt nhưng nhân vật không ra nhân vật, câu chuyện chẳng thành câu chuyện, vở kịch chỉ là những trò diễn chắp vá.
Có thể nhận ra nhiều sơ hở tương tự mà ta dễ dàng phản biện trong hầu hết các vở kịch nói ở đây. Chưa thấy vở nào có sức thuyết phục hay lay động mạnh mẽ. Trong nghệ thuật chỉ có cực nọ và cực kia, không hay là dở. Nếu an toàn, ở giữa, nhạt nhòa, xem cũng được không xem cũng được, có cũng thế không có cũng chẳng sao... thì sẽ đồng nghĩa với sự chết.
Vấn đề ngôi sao
Không phải chỉ là diễn xuất tròn vai, nhập thân, vấn đề còn là diễn viên ấy có dẫn dắt cảm xúc cho khán giả hay không, có chiếm lĩnh thánh đường sân khấu và tỏa ánh hào quang hay không? Diễn viên tâm huyết với vai diễn, hóa thân hết mình hay tử vì nghề thế nào nhưng khán giả vẫn không yêu anh, không mến mộ, không học tập hay không ấn tượng bởi nhân vật anh hóa thân thì anh cũng chưa phải là thành công. Yếu tố ngôi sao nhiều khi chẳng do tấm huy chương quy định. Nó là sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố trong cả quá trình cống hiến cho nghệ thuật của người diễn viên, mà đôi khi không chỉ trên sàn diễn sân khấu. Nó được hun đúc từ năng khiếu bẩm sinh, đến sự rèn luyện học tập, cùng với kinh nghiệm làm nghề và hợp duyên với một vai diễn để đời. Có khi, nhờ ngôi sao mà khán giả bị kéo đến rạp, dù chưa biết kịch bản thế nào. Ngôi sao và kịch bản là hai vấn đề tương hỗ, quan trọng hàng đầu trong một vở diễn.
Ở hội diễn sân khấu đợt 1 tại Hải Phòng, 28 huy chương vàng được trao cho các nghệ sĩ là sự khích lệ, động viên, khẳng định của cấp trên, của giám khảo dành cho họ. Nhưng họ sống được với nghề hay tỏa sáng ra sao lại vẫn là nhờ vào sự định giá của khán giả. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Số lượng huy chương được rải đều ở hội diễn vô hình trung lại làm giảm giá trị của nó. Vai diễn nào được khán giả nhớ đến nhất, có sức ảnh hưởng nhất... có lẽ lại phải nhờ sự đánh giá từ khán giả, nhờ sự cộng hưởng từ kịch bản.
Ở hội diễn đợt 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, việc xuất hiện của một ngôi sao trong vở Lạc giữa biển người khiến sân khấu cháy vé. Nhiều khi khán giả đi xem kịch là bởi ở đó có ngôi sao. Ngôi sao là sự bảo chứng về mặt phòng vé cho vở diễn. Khi đã thành ngôi sao, huy chương vàng hay bạc với diễn viên có lẽ cũng chẳng quan trọng nữa.
Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc là dịp để thi thố tài năng, hay chỉ để giao lưu vui vẻ? Có lẽ những người tổ chức, cầm cân nảy mực cần nghiêm túc xem lại mục đích và hiệu quả của nó. Những tấm huy chương danh giá trong một cuộc liên hoan chuyên nghiệp liệu có nên phân phát đều như vậy?
Chỉ người tài mới nhận diện được người tài. Và ngôi sao dẫu tài năng hay kịch bản sâu sắc đến đâu cũng không thể tự mình làm nên vở diễn. Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp nên cần sự cộng hưởng, thống nhất biện chứng từ các yếu tố trong chỉnh thể. Mục đích tối thượng là kéo khán giả đến với sân khấu, găm vào lòng họ những vở diễn ấn tượng lay động thuyết phục.
H.N
VNQD