Cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra trong hai năm, từ 2022 đến 2024. Trong suốt thời gian ấy, Ban Tổ chức đã nhận được một số lượng lớn tác phẩm gửi về từ những nhà văn đã thành danh đến những cây bút trẻ lần đầu thử sức. Những con số ấy không chỉ phản ánh sức lan tỏa của cuộc thi, mà còn là minh chứng cho tình cảm, sự tin tưởng và đồng hành của giới viết văn đối với Báo Văn nghệ.

Ban tổ chức trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho hai tác giả Vũ Ngọc Thư và Ngô Tú Ngân.
Ban Tổ chức đã thành lập 2 hội đồng, Sơ khảo và Chung khảo, mỗi hội đồng gồm 5 thành viên, là các nhà văn có kinh nghiệm để lựa chọn tác phẩm xét giải. Từ những truyện ngắn được đăng tải, hội đồng Sơ khảo đã thống nhất chọn ra 30 tác phẩm để chuyển lên hội đồng Chung khảo. Hội đồng Chung khảo sau khi đọc độc lập, đã trao đổi, phân tích, đánh giá, bỏ phiếu và lựa ra 10 tác phẩm để trao giải thưởng theo các hạng mục.
Sáng 24/7/2025, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2022 - 2024.
Trong bài phát biểu tổng kết cuộc thi, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của cuộc thi đã bày tỏ: "Đánh giá một cách tổng quan, có thể khẳng định rằng, về cả số lượng lẫn chất lượng, cuộc thi đã thể hiện đúng mặt bằng hiện tại của thể loại truyện ngắn. Hầu hết các tác phẩm dự thi đã phản ánh khắc họa nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ hiện tượng phổ quát cho tới những biến chuyển thầm kín, riêng tư, từ vấn đề của cả cộng đồng cho tới ứng xử của mỗi cá nhân. Bằng sự nhạy bén, sắc sảo và hết sức trách nhiệm của mình, các tác giả đã tập trung mổ xẻ về đời sống hiện tại với những hoàn cảnh, những vấn đề hoặc trở thành niềm tự hào hoặc đang chuyến biển thành nhức nhối trong xã hội. Không ít tác phẩm đề cập tới sự nghiền ngẫm, chất vấn các vết thương đã thuộc về lịch sử nhưng chưa được chữa trị triệt để. Qua những phản ánh, mổ xẻ đầy tinh tế này, chúng ta có thể rút ra bài học sâu sắc về số phận, thân phận và nhân phẩm cũng như tình thế của con người trong đời sống xã hội hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh, ở những cuộc thi như cuộc thi truyện ngắn này, ngoài chất lượng là cơ sở đặt lên hàng đầu, thì việc đoạt giải còn phụ thuộc nhiều yếu tố phụ khác, như tính cân bằng giữa giá trị truyền thống với giá trị sáng tạo mới, giữa giá trị của vẻ đẹp văn chương thuần túy với giá trị giáo dục nhân tính, trong đó có cả tính cân bằng giữa các vùng chủ đề với nhau. Và không cũng thể không nhắc tới yếu tố cơ duyên... Ảnh: Phan Hữu Đố
Ở khía cạnh nghệ thuật thể hiện, các tác phẩm tham dự cuộc thi phần nào cho thấy được tính đa dạng, phong phú đến mức tự do, tự tại về nghề của người sáng tạo. Bên cạnh những tác giả, tác phẩm kiên định với lối viết đậm chất truyền thống, có không ít những tác giả, tác phẩm thể hiện rõ nét tinh thần tìm tòi, khám phá, cách thể hiện mới, từ góc tiếp cận tới giọng điệu, từ bút pháp cho tới bố cục".
Sau hai vòng chấm thi nghiêm túc, công tâm, Ban Tổ chức đã quyết định trao 10 giải thưởng (không có giải Nhất) cho các tác giả. Theo đó, giải Nhì cuộc thi đã được trao cho hai truyện ngắn Bờ sông lặng sóng của Vũ Ngọc Thư và Trăm ngàn của Ngô Tú Ngân. Giải Ba được trao cho hai tác phẩm Nhi thư của Hà Đình Cẩn, Miền xa ngái của Phạm Xuân Hùng. Giải Tư thuộc về các tác phẩm Núi vỡ của Lữ Hồng, Cây gạo ở chợ chiều của Cầm Thị Đào, Tiếng vọng của Vương Đình Khang, Đất ao của Đào Quốc Vịnh, Thư viện người của Lê Văn Thân, Rượu hoa mất trí của Như Bình.
Nói về việc để trống hạng mục cao nhất của cuộc thi cũng như việc hạn chế số lượng giải ở các hạng mục khác, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận điều này ở khía cạnh tích cực hơn, đó như là sự đòi hỏi cao của hội đồng giám khảo. Và đòi hỏi ấy hết sức chính đáng, bởi đó là lời nhắc ý vị với nhau rằng còn những bước hoàn thiện ở phía trước mà mỗi tác giả cần tiếp tục vươn tới nếu thực sự muốn chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn.

Ban tổ chức trao giải Ba cho hai tác giả Hà Đình Cẩn và Phạm Xuân Hùng.
Tác giả Vũ Ngọc Thư đã có những chia sẻ xúc động khi nhận giải Nhì của cuộc thi: "Tôi là một người lính cầm bút, và đề tài người lính luôn là nguồn cảm xúc vô tận trong sáng tác của tôi. Tôi sẽ còn tiếp tục viết về chiến tranh, bởi vẫn còn nhiều nút thắt trong thân phận người lính cần được tháo gỡ. Truyện ngắn Bờ sông lặng sóng tôi viết là một nỗ lực để gỡ dần những nút thắt ấy."
Tác giả trẻ Lữ Hồng nhận giải Tư của cuộc thi lại có những háo hức và thấu đáo rất riêng: "Ngoài thơ, tôi bắt đầu mạnh dạn viết truyện ngắn để tự dò tìm mạch ngầm trong chính mình, qua đó nối dài mối duyên lành với đời sống văn chương. Với riêng tôi, giải thưởng trong cuộc thi lần này là niềm vui lớn. Ngay từ đầu, khi dành cho văn chương một niềm cảm mến đặc biệt, tôi đã coi đó là một cuộc đi và sẵn sàng rong ruổi. Dù không biết ở trạm nào mình có thể đón bắt được một niềm vui như thế…"
Với các thành viên hội đồng chấm giải, bên cạnh giá trị nghệ thuật mà từng tác phẩm mang lại, cuộc thi còn hé lộ một giá trị sâu xa hơn đó là tình yêu văn chương vẫn luôn bền bỉ cháy trong lòng mỗi người viết, chưa bao giờ nguội tắt. Quan trọng hơn, từ tất cả các tác phẩm tham dự, dù được giải hay chưa, chúng ta đều nhận thấy một tinh thần sáng tạo đầy nhân ái. Đó là ý thức gắn bó với đời sống, là sự sẻ chia sâu sắc với những cảnh đời, số phận mà các tác giả đã lặng lẽ chuyển tải bằng từng câu chữ, từng chi tiết. Khi con người còn biết yêu thương và trân trọng nhau, cuộc sống vẫn còn ánh sáng để chúng ta tin tưởng, can đảm và lạc quan đi tiếp về phía trước.

Ban tổ chức trao giải Tư cho các tác giả đoạt giải.
Cuộc thi đã khép lại, nhưng khát vọng sáng tạo thì luôn không ngừng mở rộng, vì thế kì vọng vào thành công mang tính đột phá của thể loại truyện ngắn vẫn còn đó, không chỉ trong mỗi tác giả, mà trong cả những người yêu văn học nói chung.
Phát biểu cảm nhận về cuộc thi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: "Cuộc thi chỉ là một bước đi trong hành trình dài của văn học, một bước đi vững vàng và đầy cảm xúc. Truyện ngắn, vốn được xem là đặc sản của văn học Việt Nam, luôn chất chứa đủ đầy niềm vui và nỗi đau, vẻ đẹp và hi vọng. Nếu không có nhà văn, nhiều điều trong cuộc sống sẽ mãi bị khuất lấp. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt, một góc nhìn, một cách cảm nhận riêng về thế giới. Mong rằng các nhà văn sẽ tiếp tục cất lên tiếng nói quả cảm và tự tin, tiếng nói mang dấu ấn không thể trộn lẫn của chính mình".
PV
VNQD