Hiếm có công trình nào tái hiện lịch sử vùng biên với chiều sâu và độ rộng như Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam của Philippe Le Failler. Cuốn sách không chỉ khảo cứu một địa vực Tây Bắc giàu biến động, nơi giao nhau giữa các nền văn hóa Việt, Lào và Trung Hoa mà còn tái dựng lại tiến trình lịch sử kéo dài gần một thiên niên kỷ từ góc nhìn biên giới. Dưới lăng kính sử học thực địa và kho tư liệu phong phú, tác giả đưa người đọc đi qua các tầng lớp lịch sử: từ truyền thuyết thời thủy tổ đến thời thực dân Pháp, từ các thủ lĩnh dòng họ địa phương đến chính sách quốc gia hiện đại. Qua đó khắc họa một bức tranh sinh động và sắc sảo về số phận của một vùng đất vừa xa xôi vừa thiết thân với lịch sử Việt Nam.
Sáng 12/7/2025 tại Hà Nội, Omega Plus phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam" nhân dịp cuốn sách được phát hành. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng như đông đảo bạn đọc yêu thích và quan tâm chủ đề của cuốn sách.

Buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề về lịch sử, văn hóa vùng thượng sông Đà kéo dài từ khoảng thế kỉ XI đến thế kỉ XXI.
Một cách tiếp cận lịch sử từ ngoại biên
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, tác giả Philippe Le Failler cho biết: “Tôi đã dành hơn ba mươi lăm năm để nghiên cứu và tìm hiểu về Việt Nam, bắt đầu từ khi còn là sinh viên. Việt Nam luôn là một mối quan tâm sâu sắc trong đời sống học thuật của tôi. Việc viết cuốn sách này được tôi khởi sự từ năm 2023. Trong quá trình làm việc, vì ở nước ngoài nên tôi không có điều kiện đi thực địa nhiều như mong muốn. Ban đầu, tôi dự định sẽ sống khoảng hai tháng ở Điện Biên hoặc Lai Châu để có thêm trải nghiệm tại chỗ, nhưng gặp một số khó khăn về thủ tục hành chính nên điều đó không thể thực hiện. Cuối cùng, tôi chọn Lào Cai làm nơi lưu trú trong một thời gian, để lắng nghe, quan sát và hiểu thêm về không gian biên giới phía Bắc mà tôi đang viết về nó.”
Không chỉ dựng lại một lịch sử vùng, Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam còn đặt ra một cách tiếp cận lịch sử từ ngoại biên, nơi biên giới không chỉ là ranh giới lãnh thổ mà là không gian của giao thoa, va chạm và chuyển hóa. Philippe Le Failler không áp đặt một lược sử tuyến tính, mà mở ra cái nhìn đa chiều dựa trên hệ thống tư liệu đồ sộ, từ sử sách triều đình, biên chép địa phương, tới văn bản hành chính Pháp và ghi chép thực địa của chính ông. Từng bước, bức tranh địa lí, lịch sử của sông Đà hiện lên với những biến động địa hình, những thay đổi trong thiết lập quyền lực vùng cao, và sự tiếp cận ngày càng sâu của các chính thể trung ương từ thời Lê sơ đến thời thuộc địa, rồi đến giai đoạn hiện đại. Cuốn sách do đó không chỉ bổ sung một khoảng trống tư liệu về Tây Bắc, mà còn gợi nhắc rằng mọi lịch sử đều cần được nhìn lại từ những vùng khuất của nó.
Chia sẻ về quá trình chuyển ngữ cuốn sách, dịch giả Thanh Thư cho biết việc dịch cuốn sách gặp không ít khó khăn, bởi đây là một công trình đồ sộ, bao quát nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, địa lí đến kinh tế, văn hoá. Một may mắn lớn là tác giả hiện đang sống tại Hà Nội, nên việc trao đổi về các thuật ngữ chuyên ngành, đặc biệt là những khái niệm mang tính đặc thù hoặc gốc địa phương diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ là có nhiều tài liệu gốc bằng tiếng Việt trước đây đã được tác giả dịch sang tiếng Pháp, nay lại phải dịch ngược trở lại, buộc người dịch phải truy tìm, đối chiếu với nguyên bản tiếng Việt để bảo đảm tính chính xác. Lượng thông tin trong sách rất lớn, đặc biệt là những phần liên quan đến các cuộc nổi dậy và xung đột của cộng đồng dân tộc thiểu số. Ở chiều sâu, cuốn sách đặt trọng tâm vào vấn đề chủ quyền và sự định hình quyền lực tại một vùng biên giới phức tạp. Điều này đòi hỏi người dịch không chỉ giỏi ngôn ngữ mà còn phải am hiểu bối cảnh lịch sử, xã hội một cách hệ thống.
Một trong những lớp tư liệu đáng chú ý mà cuốn Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam hé lộ là cách chính quyền thực dân Pháp sử dụng thuốc phiện như một công cụ kiểm soát và khai thác vùng biên. Trong vùng rẻo cao đầy phức tạp về địa lí và sắc tộc, thuốc phiện không chỉ là sản phẩm kinh tế, mà còn trở thành một cấu phần trong chiến lược cai trị. Việc quản lí sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ được gắn liền với mạng lưới quyền lực bản địa và lợi ích của các quan lại thân Pháp. Nhưng cũng chính tại không gian ấy, trong thế đối lập, Việt Minh từng bước xây dựng được lực lượng trong dân chúng, tổ chức kháng chiến từ những bản làng xa xôi. Cuốn sách lần theo dấu vết của những cuộc nổi dậy, những mạng lưới hoạt động cách mạng, để cho thấy rõ hơn một tiến trình âm thầm mà quyết liệt. Từ vùng đất bị khai thác và phụ thuộc vào ngoại quyền, sông Đà đã trở thành một địa bàn chiến lược nơi phong trào cách mạng giành được sự ủng hộ rộng rãi và cuối cùng làm nên thắng lợi.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: tác giả Philippe Le Failler, dịch giả Thanh Thư, nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, điều phối chương trình Lê Nguyên Long.
Khoảng trống được khỏa lấp và mở ra
Nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến nhận định, đây là một công trình phi thường, không chỉ bởi quy mô nghiên cứu mà còn bởi cách nó làm hiện hình một vùng đất lâu nay bị bỏ quên trong sử học Việt Nam. “Chúng ta biết gì về thượng lưu sông Đà?”. Trong khi sử liệu truyền thống của Việt Nam gần như vắng bóng thông tin về khu vực này, thì cuốn sách của Philippe Le Failler đã dày công khoả lấp khoảng trống ấy, vừa bằng khảo cứu tư liệu lưu trữ, vừa bằng sự am hiểu về cấu trúc xã hội miền núi. Theo ông, đóng góp của cuốn sách không chỉ giới hạn trong sử học, mà còn lan sang địa lí nhân văn, dân tộc học, nghiên cứu thể chế, đặc biệt với việc làm sáng tỏ vai trò của các nhóm dân tộc ít được chú ý như người Thái trắng, bên cạnh cộng đồng Thái đen vốn được biết đến nhiều hơn. Quan trọng hơn, cuốn sách giúp ta hiểu sâu hơn về bản chất cấu trúc của Đại Việt từ thời tiền hiện đại, một quốc gia vừa phải kiểm soát, vừa phải thương lượng với các thể chế miền núi. Đó là một tiến trình tích hợp đầy phức tạp và lâu dài. "Cuốn sách chính là nỗ lực hé mở tiến trình ấy, như một bản đồ bổ sung vào những vùng trắng mênh mông trong nhận thức địa chính trị về Việt Nam".
Bên cạnh đó, nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến cũng nhận định: Dù là một công trình đồ sộ và có tính bù đắp đáng kể cho khoảng trống tri thức về vùng thượng sông Đà, cuốn sách cũng đồng thời để lộ ra những giới hạn nhất định, những khoảng trống khác cần được tiếp tục đào sâu. Trước hết, trong khi vùng thượng nguồn với các nhóm cư dân như người Thái được nghiên cứu kĩ lưỡng, thì vùng hạ lưu, nơi cộng cư lâu đời của người Mường lại gần như bị bỏ ngỏ. Sự vắng mặt này khiến cho cái nhìn về toàn bộ không gian sông Đà vẫn còn thiếu một mảnh ghép quan trọng.
Về mặt tộc người, đáng tiếc là cộng đồng người Mông, một lực lượng có vai trò không nhỏ trong tiến trình kháng chiến chống Pháp, đặc biệt mối quan hệ giữa họ và Việt Minh lại không được khai thác tương xứng. Việc họ trung lập hoặc hợp tác với cách mạng khiến họ trở thành một phần cấu trúc quyền lực bản địa mà Việt Minh dựa vào để phát triển căn cứ và mở rộng ảnh hưởng, điều mà cuốn sách chưa chú trọng.
Ngay cả trong phạm vi người Thái, nhóm dân tộc được tác giả đầu tư nghiên cứu sâu vẫn còn những vấn đề cần được suy xét thêm. Ví dụ, sự khác biệt về ý thức chính trị giữa các vùng cư trú không đồng nhất; hay việc sách có xu hướng đơn giản hoá hình dung về tộc người này, trong khi trên thực tế, người Thái trắng chỉ chiếm khoảng một phần ba dân số Thái ở vùng này, còn lại là người Thái đen với những khác biệt đáng kể về hệ thống xã hội, lịch sử và quan hệ chính quyền.
Tuy nhiên, chính từ những khoảng trống ấy, Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam cũng mở ra những hướng đi mới cho nghiên cứu liên ngành, nơi địa lí, dân tộc học và lịch sử tiếp tục giao thoa để kiến tạo hiểu biết toàn diện hơn về một không gian biên viễn đầy biến động và vẫn còn vô vàn điều hấp dẫn đang chờ được khai mở.

Trao đổi lại vấn đề này, tác giả Philippe Le Failler chia sẻ: "Lí do tôi dành một dung lượng lớn trong cuốn sách để viết về gia tộc người Thái trắng Đèo Văn Trì, là bởi vị trí đặc biệt của ông trong lịch sử vùng Lai Châu và trong quan hệ với chính quyền Pháp. Đèo Văn Trì là một nhân vật đầy toan tính, khôn ngoan trong việc xử lí mối quan hệ với người Pháp, điều khiến ông thường bị nhìn nhận tiêu cực trong diễn ngôn lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, ông là người đã đấu tranh đến cùng với thực dân Pháp nhằm bảo vệ quyền lợi và vị thế của người Thái ở Lai Châu. Cho đến năm 1954, ông vẫn giữ vai trò then chốt cả trong nội bộ cộng đồng Thái lẫn trong các chiến lược cai trị của chính quyền thuộc địa.
Không hẳn tôi bỏ qua các dân tộc khác, mà bởi trong quá trình nghiên cứu, tôi không tìm được đủ tư liệu đáng tin cậy về các cộng đồng khác. Việc thiếu hụt sử liệu khiến cho một số phần bắt buộc phải tập trung vào nơi tư liệu hiện diện nhiều hơn, như trường hợp người Thái.
Dù tôi có nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng điều tôi thật sự quan tâm là giai đoạn các thủ lĩnh miền núi dần mất đi khả năng tự trị và tiến trình sáp nhập những vùng biên vào không gian quốc gia. Theo tôi, tiến trình này bắt đầu từ giữa thế kỉ XIX, khi triều Nguyễn lần đầu tiên cử quan lại lên thiết lập hiện diện ở vùng cao, và sau đó được người Pháp tiếp tục và mở rộng bằng những chính sách thuộc địa đặc thù.
Về mặt tư liệu, tôi chủ yếu sử dụng nguồn lưu trữ của Pháp cho giai đoạn trước 1950, sau đó kết hợp thêm các tài liệu từ phía Việt Nam. Tôi cố gắng đưa vào thật nhiều chi tiết cụ thể để cuốn sách không chỉ là một khảo cứu mà còn trở thành một dạng sử liệu sống động. Chính nhờ quá trình tích lũy này, tôi có điều kiện nhìn rõ hơn cách các chính quyền, từ nhà Nguyễn đến thực dân Pháp đã thiết lập và triển khai quyền lực tại các vùng biên giới như thế nào".
HOÀI PHƯƠNG
VNQD