Dòng chảy

Triển lãm 'Bút sắc, lòng son': Những trang viết trong ngục tù

Thứ Năm, 17/07/2025 07:10

Sáng ngày 16/7, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích đã long trọng khai mạc trưng bày chuyên đề Bút sắc, lòng son. Sự kiện được tổ chức nhân kỉ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025), đưa công chúng trở lại một thời kì đặc biệt, nơi ý chí và lòng yêu nước được tôi luyện qua những vần thơ, trang thư viết vội trong cảnh ngục tù tăm tối.

Các đại biểu nghe thuyết minh triển lãm.

Triển lãm Bút sắc, lòng son không chỉ là một hoạt động trưng bày các tác phẩm, mà là một câu chuyện sống động được kể bằng ngôn ngữ của những người con ưu tú của dân tộc, những người đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, biến xiềng xích thành vũ khí và biến những trang viết thành lời hiệu triệu hùng hồn.

Trước khi bước vào phần chính của chương trình, đoàn đại biểu, khách mời đã cùng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, nghĩ sĩ, chí sĩ yêu nước tại khu vực Đài tưởng niệm. Phần thuyết minh tại triển lãm đã đưa người xem về những giây phút xúc động, hào hùng của những phong trào yêu nước cũng như tinh thần của những người con hoạt động cách mạng vì nền độc lập của đất nước.

Từ những không gian ngột ngạt, khắc nghiệt của các nhà tù thực dân như Hỏa Lò, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Chín Hầm..., kẻ thù đã áp dụng những quy định hà khắc, những đòn tra tấn tàn bạo nhất nhằm khuất phục ý chí của những người yêu nước. Nhưng cũng chính từ nơi "địa ngục trần gian" này, tinh thần bất khuất, khí phách hiên ngang của những người cộng sản đã tỏa sáng rực rỡ. Những vần thơ, những lời nhắn gửi được viết trên lá cây, trên mảnh vải, hay chỉ là học thuộc lòng để truyền cho nhau đã trở thành vũ khí sắc bén, nuôi dưỡng tinh thần và niềm tin vào ngày mai chiến thắng.

Trái tim của triển lãm là cuộc trưng bày, giới thiệu câu chuyện và tác phẩm của 10 nhà thơ - chiến sĩ tiêu biểu. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng đều chung một lý tưởng và một ngòi bút kiên cường. Từ Nguyễn An Ninh với Tiếng chuông thức tỉnh đồng bào, Nguyễn Đức Cảnh với lời Tạ từ đanh thép, đến Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái... mỗi tác phẩm là một minh chứng cho thấy văn chương đã trở thành vũ khí, là nơi kí thác tình yêu quê hương, gia đình và đồng đội. Những con chữ không chỉ được viết bằng mực mà còn được viết bằng máu, bằng nước mắt và bằng cả sinh mệnh của những người anh hùng.

Những lá thư vượt qua song sắt nhà tù không chỉ là phương tiện liên lạc, mà còn là sợi dây kết nối tình cảm gia đình, tình đồng chí. Đó là những lời nhắn gửi đầy yêu thương của người vợ gửi chồng, của người cha dặn dò con, của những người đồng đội động viên nhau vững bước. Những cánh thư ấy đã tiếp thêm sức mạnh, sưởi ấm những tâm hồn trong giá lạnh và trở thành hậu phương tinh thần vững chắc cho cuộc đấu tranh gian khổ.

Điểm khác biệt cũng như là dấu ấn của buổi khai mạc chính là đoạn biểu diễn hoạt cảnh, tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng, cán bộ Đoàn chuyên trách của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội trong thời điểm bị bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1949 - 1950: từ khoảnh khắc bị đánh đập dã man không đình chỉ gặp lại những người bạn cùng trại giam, đến ngày giây phút ngậm ngùi người thân trong lần thăm nuôi ngắn ngủi và kết thúc bằng cảnh chia li xé lòng trong ngày đồng chí bị đày đi Côn Đảo.

Đại diện các gia đình như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí Phạm Hướng, đồng chí Nguyễn Minh Vân, đồng chí Hoàng Minh Đạo có mặt và bày tỏ niềm xúc động của mình khi được xem lại những mảng kí ức vô giá, không thể quên của gia đình. Ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ rằng: mong rằng triển lãm sẽ được lan tỏa sâu rộng để thế hệ hiện tại và tương lai thấy được giá trị cuộc sống hiện tại để trân quý sự hi sinh của thế hệ cha anh cũng như góp phần mình xây dựng Tổ quốc.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 31/8/2025, hứa hẹn sẽ là một điểm đến giáo dục truyền thống sâu sắc, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về sự hi sinh của các thế hệ đi trước, từ đó thêm trân trọng nền độc lập, tự do của dân tộc.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Bà Minh Vân (con gái của đồng chí Hoàng Minh Đạo) chia sẻ những kỉ niệm lúc còn nhỏ khi mẹ mất sớm, bố công tác xa nhà
Tiểu phẩm tái hiện lại lần thăm nuôi của em dâu đồng chí Phạm Hướng gây xúc động cho người xem
Đại diện gia đình đồng chí Phạm Hướng xem trưng bày
Vợ chồng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong cùng dòng thư gửi lại
Những dòng thơ, văn, những lá thư được trích in và treo trên tường của Di tích Nhà tù Hoả Lò

HOÀNG OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)