. TRẦN THỌ XƯƠNG
Trong xã hội hiện đại, văn hoá đọc của giới trẻ đang có nhiều thay đổi. Thay vì đọc các tác phẩm văn chương đích thực thì nhiều bạn trẻ lại săn lùng và tìm đọc tiểu thuyết ngôn tình. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc thu hút được lượng lớn độc giả quan tâm. Dù đã có những văn bản yêu cầu chấn chỉnh và cấm xuất bản dòng sách này nhưng nhu cầu về xuất bản sách ngôn tình vẫn chưa có giấu hiệu giảm nhiệt.
1. Định nghĩa và phân loại tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc
Trung Quốc được biết đến là một trong những quốc gia có nền văn học nói chung, thể loại tiểu thuyết nói riêng phát triển đến trình độ cao. Không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm văn học chính thống, Trung Quốc còn tạo bệ phóng cho nhiều nhánh tiểu thuyết nhỏ phát triển trong đó có tiểu thuyết ngôn tình.
Khái niệm “ngôn tình” xuất phát từ những năm đầu thế kỉ XXI trên các trang văn học mạng Trung Quốc. Tiểu thuyết ngôn tình hiểu đơn giản là dòng tiểu thuyết bàn về tình yêu, thường là tình yêu đôi lứa. Tiểu thuyết ngôn tình lấy đời sống tình cảm làm đề tài miêu tả chủ đạo. Nó là một thể loại văn học tập trung vào tình yêu nam nữ, phản ánh các mặt của đời sống xã hội thông qua miêu tả tình tiết câu chuyện hoàn chỉnh và bối cảnh cụ thể.
Tiểu thuyết ngôn tình không phải mới xuất hiện ở Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng, thực ra nó là một mạch ngầm ngàn năm trong dòng chảy văn học của quốc gia này. Dấu hiệu đầu tiên của thể loại này là Tư Mã Tương Như liệt truyện trong Sử kí Tư Mã Thiên. Truyện đề cập đến mối tình phong hoa tuyết nguyệt giữa Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như. Đến đời Đường, Trung Quốc nở rộ những truyện truyền kì tình yêu như Oanh Oanh truyện (Nguyễn Chuẩn), Li hồn kí (Trần Huyền Hựu), Lí Oa truyện (Bạch Hành Gian)… Đây đều là những truyện tình li kì, được lưu truyền rộng rãi. Đến đời Tống - Nguyên, truyện truyền kì một lần nữa chứng tỏ sức hấp dẫn của nó với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, trong đó có nhiều trang miêu tả tình yêu, chuyện phòng the táo bạo… Sang đời Minh - Thanh, truyện truyền kì được thay thế bằng tiểu thuyết tài tử giai nhân. Độc giả thời kì này vô cùng hâm mộ các tiểu thuyết như Ngọc Kiều Lê, Định tình nhân, Phi hoa diễm tưởng… Cuối đời Thanh, tiểu thuyết tài tử giai nhân suy yếu, nhường chỗ cho một thể loại khác cũng mang phong vị tình yêu là tiểu thuyết uyên ương hồ điệp. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, tác giả phái uyên ương hồ điệp phần lớn lấy đề tài hôn nhân, tình yêu, viết về các mối tình trai gái không xa rời nhau như một đôi bướm, một cặp uyên ương. Đó là thể loại tiểu thuyết giai nhân mới, chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết giai nhân thời Minh - Thanh và các tác phẩm theo chủ nghĩa cảm thương của giai cấp tư sản… Bước sang thế kỉ XXI, tiểu thuyết ngôn tình ra đời tiếp nối tiểu thuyết tài tử giai nhân và tiểu thuyết uyên ương hồ điệp. Các tác giả viết ngôn tình nổi tiếng có thể kể đến như Tân Di Ổ, Đồng Hoa, Tào Đình, Cố Mạn, Đường Thất Công Tử, Phỉ Ngã Tư Tồn, Lâm Dịch Nhi, Diệp Lạc Vô Tâm…
Như vậy, khi đặt tiểu thuyết ngôn tình vào dòng chảy lịch sử thì có thể thấy nó chỉ là sự nối dài đại chúng của những câu chuyện tình yêu trong văn học Trung Quốc. Điểm khác biệt ở giai đoạn hiện thời là tình yêu được thể hiện, được chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, từ ngôn ngữ hàn lâm sang ngôn ngữ bình dân đại chúng.
Ngôn tình rất đa dạng, có đến hơn 50 loại với rất nhiều thuật ngữ, song về cơ bản có thể phân loại ngôn tình theo hai tiêu chí: thể loại và kết thúc truyện.
Theo thể loại, ngôn tình gồm các thể loại chủ yếu: đam mĩ, xuyên không, võng du, huyền huyễn, cổ đại, bách hợp, hiện đại, trọng sinh…
Theo kết thúc truyện, ngôn tình bao gồm: HE (happy ending) - kết thúc viên mãn, hạnh phúc, SE (sad ending) - kết thúc buồn, bi kịch, OE (open ending) - kết thúc mở…
2. Thực trạng xuất bản sách ngôn tình Trung Quốc tại Việt Nam thời gian qua
Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc du nhập vào Việt Nam những năm 2006 - 2007. Sau một thời gian thẩm thấu và lan tỏa, tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ, tràn ngập thị trường xuất bản Việt Nam những năm 2014 - 2017. Việc phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc ở Việt Nam được thể hiện thông qua việc các nhà xuất bản thi nhau mua bản quyền và xuất bản dòng sách này tại đơn vị mình. Nhà xuất bản nào cũng có hàng chục đầu sách ngôn tình xuất bản mỗi năm. Các đơn vị xuất bản tư nhân cũng chú trọng phát triển dòng sách này.
Việc xuất bản và đón nhận tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc thể hiện sự rộng mở trong giao lưu văn hóa, sự cởi mở trong các quan niệm văn chương. Sống trong thời đại đề cao tự do cá nhân, sự tiếp nhận của độc giả đã có sự thay đổi. Vấn đề tình dục được nhìn nhận theo hướng khác, người ta thành thật đối mặt và giải quyết những vấn đề thuộc về nó, bởi “không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi” (Marx). Ngôn tình đi cùng với những “kiểu yêu” hiện đại, vì vậy nhận được sự đón nhận của độc giả Việt Nam. Để sống và sinh sôi trong cộng đồng văn học, ngôn tình biết gây chú ý trong phương thức lưu hành. Sự phát triển của truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng góp phần không nhỏ tạo nên cơn lốc ngôn tình. Văn học mạng - một kênh tiêu thụ lớn - đưa ngôn tình đến gần với bạn đọc bằng các fanpage, blog như ngontinh.com, loidich.com, vficland.com, tuthienquoc.wordpress.com… đăng tải truyện ngôn tình Trung Quốc, cho phép người đọc được giao lưu với tác giả, dễ dàng thể hiện ý kiến qua các bình luận công khai, được tham gia kiến tạo tác phẩm… Nếu xem tác phẩm văn học là những đứa con tinh thần của tác giả, thì ngôn tình chính là những đứa con thân thiện với người đọc. Sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc cũng là minh chứng cho việc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đã thỏa mãn được tầm đón nhận của công chúng Việt Nam. Không ngạc nhiên khi ngôn tình đặc biệt thu hút độc giả nữ. Nếu nam giới thường thích những câu chuyện giao chiến, thi đấu thể thao, siêu anh hùng... thì nữ giới thích những câu chuyện tình cảm tinh tế, những kiểu yêu đương lãng mạn. Lí giải sự hấp dẫn của tiểu thuyết ngôn tình, không thể phủ nhận sức hút từ bản thân tác phẩm đối với giới trẻ. Các tác giả ngôn tình cố gắng không tạo ra khoảng cách thẩm mĩ giữa tác phẩm và người đọc. Trên cơ sở nắm bắt thị hiếu, tâm lí của nhóm độc giả này, các tác giả ngôn tình thường viết ra những tác phẩm thỏa mãn trình độ, nhu cầu của họ. Tâm lí đám đông, sự lây lan trong tiếp nhận cũng chính là một yếu tố khiến ngôn tình phát triển với tốc độ chóng mặt. Về đề tài, ngôn tình đáp ứng kịp thời những món ăn tinh thần của giới trẻ bằng những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, giới tính, tuổi trẻ, sự trưởng thành, cuộc sống hôn nhân…
Sách ngôn tình đúng nghĩa, theo giới chuyên môn là những tiểu thuyết lãng mạn, hài hước, mang tính giải trí cao, hướng tới đại chúng. Ngược lại, những loại sách được gọi là ngôn tình nhưng thực chất là dâm thư trá hình sẽ gây ra những hệ luỵ nguy hiểm khi làm chết đi tâm hồn tốt đẹp của người đọc. Thực tế phản ánh, đến bất kì nhà sách nào ở nước ta hiện nay đều dễ dàng nhận ra những kệ sách dài dành cho dòng sách ngôn tình. Hàng loạt cuốn sách cùng thể loại này có nội dung trái với thuần phong mĩ tục, văn hóa người Việt bị độc giả tẩy chay thời gian qua như: Thục nữ PK xã hội đen (Thuấn Gian Khuynh Thành), Chuyện cũ (Lịch Xuyên), Bảy ngày ân ái và Trò chơi nguy hiểm (Ân Tầm), Chờ em lớn nhé được không và Động phòng hoa chúc cách vách (Diệp Lạc Vô Tâm), Chìm trong cuộc yêu và Dục vọng đen tối (Thánh Yêu), Ngược ái và Cô dâu thứ 10 của quỷ vương (Ngạn Thiến)…
Trong giai đoạn 2014 - 2017, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã “tuýt còi” với 3 đầu sách ngôn tình được lược dịch từ các tác giả, tác phẩm của Trung Quốc: Đồng lang cộng hôn (Nụ hôn của sói) của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm (Nxb Văn học và Amun ấn hành), Nở rộ của Sói Xám Mọc Cánh (Nxb Thời đại và Amun ấn hành), Anh là định mệnh trong đời của Toàn Mộc (Nxb Văn học và Huy Hoàng ấn hành).
Năm 2015, Cục Xuất bản, in và phát hành đã ra văn bản yêu cầu các nhà xuất bản tạm dừng đăng kí xuất bản sách ngôn tình, đam mĩ (đồng tính nam) và những xuất bản phẩm có nội dung sáo mòn, thô tục… Văn bản lần này được gửi tới các nhà xuất bản nhằm nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị siết chặt hơn khi lựa chọn đăng kí xuất bản các đầu sách.
Những động thái tích cực và quyết liệt trên của Cục Xuất bản, in và phát hành đối với dòng tiểu thuyết ngôn tình phản cảm khiến công chúng yên tâm hơn. Bởi lẽ, khi quản lí xuất bản đã được thắt chặt, kiểm soát gắt gao thì những cuốn ngôn tình “rác” khó có môi trường để tồn tại và phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã ngăn chặn, đào thải tư tưởng lệch lạc, thiếu tính thẩm mĩ... với những cuốn ngôn tình nhảm nhí từ khi còn trứng nước. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, để né tránh sự kiểm duyệt có phần gắt gao của các nhà xuất bản, tiểu thuyết ngôn tình đang tung hoành như chỗ không người trên không gian mạng. Nhiều tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc có nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn được dịch và tung lên các trang văn học mạng. Thay vì kiếm tiền theo cách truyền thống từ việc bán sách in như trước, những dịch giả và chủ những trang web văn học thu lợi nhuận từ độc giả mạng. Độc giả muốn đọc những kiểu truyện này cần nạp tiền (qua tài khoản, qua bắn thẻ điện thoại, ví điện tử…) để mua vàng, ngọc (những món đồ do chủ trang web văn học tạo ra), và dùng những thứ đó để mua chương “vip” hay toàn bộ truyện. Số tiền thu về từ bạn đọc sẽ được chia cho dịch giả và chủ trang web theo thỏa thuận từ trước. Có thể nói đây là cách làm rất tinh vi, bài bản của những trang văn học mạng trong việc xuất bản và kiếm lợi nhuận từ việc đăng ngôn tình Trung Quốc (và cả ngôn tình Việt). Việc kiểm duyệt trên không gian mạng gần như là nhiệm vụ bất khả thi của cơ quan chức năng vì các trang web thay đổi tên miền, địa chỉ, giao diện liên tục… Hễ trang web văn học này bị chặn thì chỉ ngày một ngày hai lại xuất hiện một trang web mới.
Tóm lại, tiểu thuyết ngôn tình là một hiện tượng của văn hóa đại chúng. Nhìn nhận nó trong dòng chảy của việc tiếp nhận những hiện tượng văn hóa đại chúng trên thế giới tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu từ ngôn tình, trong đó bên cạnh việc cố gắng ngăn chặn các nhà xuất bản, các trang web xuất bản các tác phẩm có nội dung độc hại, chúng ta cần điều chỉnh thị hiếu cho độc giả, giúp độc giả nhận chân những mặt tích cực và tiêu cực của tiểu thuyết ngôn tình, biết cách nhận biết, lựa chọn những tác phẩm hay để đọc. Chỉ khi nào làm được điều này, chúng ta mới có một thị trường sách ngôn tình sạch, giúp bạn đọc có một phương tiện giải trí lành mạnh.
T.T.X
VNQD