Shizukui Shusuke: Tàn lửa gặp Đốm lửa sẽ thành Đám cháy

Chủ Nhật, 01/05/2022 09:17

Hinoko - Tàn lửa, nhan đề cuốn tiểu thuyết được viết vào năm 2003 của Shizukui Shusuke là một hình ảnh mang đầy tính ẩn dụ. Khai thác triệt để không gian thu hẹp tại gia đình cựu thẩm phán Isao, Shusuke đã khắc lên dáng dấp một “mái ấm” điển hình của nước Nhật những năm đầu 2000.

Thảm sát tại một gia đình, cả ba người vợ, chồng, con trai đều bị giết hại. Nghi phạm vụ án - Takeuchi Shingo đã bị bên kiểm sát khởi tố với tội danh giết người và khung hình phạt được đề xuất cho gã, là tử hình. Nhưng thẩm phán Kajima Isao của phiên tòa xét xử lại đưa ra phán quyết: Vô tội. Vì động cơ gây án thiếu sức thuyết phục cùng những vết thương thảm khốc trên lưng gã được nhận định thật khó do một mình gã tự tay tạo ra.

Hai năm sau, khi thẩm phán Kajima Isao đã lui khỏi giới pháp đình để trở về làm giảng viên cho một trường đại học, cũng là lúc, ông và Takeuchi gặp lại. Từ sự gặp gỡ “tình cờ”, rất nhiều “tình cờ” khác xảy đến; buộc Kajima phải nhìn nhận chính phán quyết của ông khi xưa, trước lúc tàn lửa ông vung ra, bắt vào đốm lửa, thổi bùng lên đám cháy tận diệt gia đình ông.

TÀN LỬA

Mượn hiện tượng có thật, những ngọn lửa từ vật cháy gần hết sẽ tạo ra đốm lửa trước khi hoàn toàn lụi tàn và không ít vụ cháy, hỏa hoạn, xuất phát từ tàn lửa không được dập tắt; Shusuke tiên sinh đã tạo lên một dạng nhân vật cùng không gian truyện hết sức đặc biệt.

Quả thực, hiếm có một tác phẩm mà không gian truyện liên tục thay đổi quanh những khoảng không gian nhỏ hẹp: từ tòa án đến chốn hội nghị, phòng học; từ khuôn viên của hai hộ gia đình liền kề đến những quán cà phê. Thậm chí, dẫu ra tới thế giới “ngoài kia” thì khoảng không truyện gần như cũng bó hẹp lại trong những chiếc xe chạy trên đường hay một công viên nhỏ mang tính chất cố định.

Tiểu thuyết Tàn lửa của Shizukui Shusuke do Nhã Nam ấn hành.

Giữa thứ không gian hẹp chuyển dịch ấy, nổi lên một cá nhân, được Thanh tra Nomiyama ví với thứ tàn lửa chưa cháy hết, chỉ chờ một cơn gió là tàn lửa phát tán, bắt vào những đồ vật xung quanh, thổi bùng lên đốm lửa vẫn âm ỉ thành đám cháy lan rộng: Takeuchi Shingo.

“Tàn lửa” Takeuchi Shingo, một kẻ dễ để lại thiện cảm cho người đối diện nhờ sự “cư xử lịch thiệp” cùng sự quan tâm đầy “tinh tế.” Không quá để nói, với những tâm hồn khô cằn đang dần héo mòn giữa rạn vỡ gia đình, Takeuchi xuất hiện như một cơn mưa xoa dịu những trái tim vốn chịu đè nén, thương tổn.

Nhưng sâu thẳm con người ấy, ẩn chứa nỗi phức tạp của kẻ vốn lệch lạc nhân cách từ thủa thiếu thời. Tất cả sự quan tâm, săn sóc đều xuất phát từ sự ích kỉ, thủ đoạn, bạo lực cực đoan đến ngây thơ. Takeuchi, “tàn lửa” mang theo bi kịch bởi bản thân hắn chính là hiện thân của chuỗi bi kịch cô đơn, phản bội và dối lừa. Cho nên, có lẽ không ai hiểu rõ hơn hắn, làm thế nào để “lẻn qua kẽ hở” một gia đình hay một mối quan hệ.

Và một Takeuchi Shingo hẹp hòi, chứa đựng muôn mặt đối lập giữa lời nói - hành động - nội tâm đến vậy; như lần nữa thu nhỏ không gian tiểu thuyết vốn đã nhỏ hẹp mà ẩn chứa tầng bậc mâu thuẫn trong các vấn đề tưởng chừng hết sức nhỏ nhặt của đời sống con người.

Để rồi, từ quá trình chuyển dịch, thu nhỏ không gian tiểu thuyết đến không gian nội tâm nhân vật, Takeuchi Shingo hiện hình lên trang viết Tàn lửa là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của riêng Shizukui Shusuke. Song gã cũng tựa thứ đốm lửa không được dập tắt ngay khi gã gây bất hạnh cho gia đình đầu tiên. Đồng thời, gã đàn ông ấy lại mang dáng dấp thứ “tàn lửa cám dỗ” lẩn khuất trong xã hội luôn chực chờ nuốt trọn con người cùng mối quan hệ giữa người với người.

ĐỐM LỬA

         Nhà văn Shinzukui Shusuke.
 

Dưới ngòi bút của Shizukui Shusuke, nếu Takeuchi Shingo là “tàn lửa’” gieo rắc bất hạnh thì những mâu thuẫn người ta vẫn luôn tránh né dưới bề mặt một mái ấm thuận hòa của gia đình cựu thẩm phán Kajima Isao chính là “đốm lửa.” Đốm lửa được nhen nhóm lên từ bao bất mãn, mệt mỏi tích tụ, cả kí ức ngỡ rằng đã ngủ quên lẫn sự thờ ơ từ những con người tưởng chừng, vẫn luôn nối kết với nhau, bằng sợi dây “tình thân.”

Một người phụ nữ chấp nhận hi sinh tất thảy, thu vén gia đình, nhận về bản thân toàn bộ tủi hờn, lặng lẽ, không một lời oán thán. Một người đàn ông như chiếc bóng vô hình trong chính ngôi nhà ông đã mua. Một người phụ nữ phong kín bí mật ẩn chứa nỗi đau “đàn bà” tại ngôi nhà cũ trước ngày lấy chồng. Và một người đàn ông, trưởng thành về thể xác nhưng vẫn đang trên quá trình trưởng thành về tâm hồn.

Tất cả, qua việc khai thác triệt để không gian thu hẹp tại gia đình cựu thẩm phán Isao, Shusuke đã khắc lên dáng dấp một “mái ấm” điển hình của nước Nhật những năm đầu 2000. Họ sống với nhau với sự phân công lao động triệt để đến mức lạnh lẽo. Người đàn ông chỉ “xây nhà” và người phụ nữ chỉ “xây tổ ấm.”

Gần như không có bất kì sự san sẻ gánh nặng hay thậm chí là chia sẻ, thấu hiểu nội tâm lẫn nhau. Người ta sợ làm phiền đến nhau, sợ bước qua thứ ranh giới vô hình của sự “phân chia công việc” vốn được vạch rõ một cách vô tình. “Mẹ chồng thì luôn luôn giữ thể diện cho bố, Yukimi có lỡ mồm động chạm đến ông là sẽ lập tức bị bà nạt ngay rằng, “Con không được nói như thế về người đang kiếm tiền cho mình.”

Người ta thiếu niềm tin ở nhau hoặc bản thân “cái tôi”, có lẽ họ cũng tự ý thức, quá lớn khiến họ như quên mất điều vốn là nền tảng xây đắp nên gia đình là sẻ chia và tin tưởng. “Tổ ấm” thay vì là nơi người ta sống dè chừng nhau thì đấy phải là nơi an toàn nhất để người ta được buồn, được khóc, được nương tựa những khi yếu đuối, được dựa dẫm mỗi khi yếu lòng mà sợ hãi, giấu giếm. Ai cũng có khổ đau, bí mật cùng khoảng lặng tâm hồn thật khó để bày tỏ. Nhưng cô đơn dưới chính “mái nhà” mình thu vén, chẳng phải cũng là một loại bi kịch hay sao?

Một gia đình lạnh lẽo về mặt tương tác, mâu thuẫn, nghi kị, ích kỉ giữa các thành viên thì tàn lửa “Takeuchi” có lẽ, cũng chỉ là chất xúc tác đẩy gia đình ấy đến bờ vực của tan vỡ và hủy diệt mà thôi. Và cá nhân Takeuchi có thể chết đi, song tàn lửa thì vẫn sẽ còn đấy, khi người ta còn không thể sống với nhau bằng trọn vẹn yêu thương cùng tin tưởng. Nên tiểu thuyết Tàn lửa, còn mang tính cảnh tỉnh con người buổi hiện đại mạnh mẽ như vậy đấy.

CƠN GIÓ

Không được nhắc đi nhắc lại như hình ảnh “tàn lửa” nhưng hình ảnh “cơn gió” cũng đã xuất hiện trong lời nói của Thanh tra: “Thế nhưng lần này, đột nhiên gió đổi hướng, những tàn lửa lại rơi xuống đúng chỗ anh đang đứng, nên anh hoảng hốt hoang mang?” Và cơn gió ấy, chính nhằm ám chỉ tới Isao, người đã “vung tàn lửa đi khắp nơi” khi đã do dự để “tàn lửa” Takeuchi tự do đi gieo rắc tiếp bi kịch.

Nhưng đâu chỉ thế, chính sự thờ ơ, trốn tránh trước tất thảy mệt nhọc, khổ đau trong gia đình của Isao, cũng như cơn gió duy trì mãi đốm lửa xung đột. Cho đến ngày, tàn lửa tới, cộng hưởng thành đám cháy thiêu rụi không chỉ chút niềm kiêu hãnh cuối cùng trong lòng người vốn nắm trên tay cán cân công lí mà cả những người thân, đến tận phút giây muộn màng, ông mới biết trân trọng. “Cuối cùng ông cũng phải thừa nhận sự thật rằng quá nửa cuộc đời ông sẽ chỉ còn là hư vô, tất cả mọi thứ ông gây dựng lên đã tan như bong bóng xà phòng.”

Tuy nhiên, gió phát tán tàn lửa song bản thân cơn gió, cũng có thể dập tắt ngọn lửa bùng cháy. Như sự thức tỉnh, dẫu có muộn màng thì cũng là sự thức tỉnh lương tri đáng quý, sau nửa đời người cựu thẩm phán Isao đã sống mà chẳng khác gì sự tồn tại “hư vô.”

Qua 24 chương truyện Tàn lửa trải dài hơn 400 trang sách xoay quanh những không gian hẹp chuyển động liên tục cùng những vấn đề, câu chuyện ngỡ chỉ là “lông gà vỏ tỏi; tác giả Shizukui Shusuke đã thể hiện bút pháp bậc thầy trong cách xây dựng cốt truyện, tạo lập tình tiết và đặc biệt, là sự duy trì độ căng cho câu chuyện với những xung đột liên tục được đẩy lên tới cao trào.

Để rồi, đằng sau những chuyện nhỏ nhặt của một gia đình nơi không gian hẹp “trong nhà”, Shusuke tiên sinh như hướng ngòi bút tới cả không gian xã hội rộng lớn “ngoài kia.” Trước những mâu thuẫn luôn đặt con người vốn nhạy cảm, yếu đuối phải lựa chọn đúng - sai bằng tất cả dũng khí và quyết đoán, người ta đâu thể chắc chắn chưa từng một lần sai lầm hay do dự chọn lựa? Nhưng khi người ta còn mở rộng tấm lòng lắng nghe, tin tưởng và thức tỉnh lương tri thì người ta còn có thể sống trên trần thế, với trọn vẹn chữ “người” biết suy tư, hoài nghi và trăn trở.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)